Tục lệ thờ cúng tổ tiên

(26/02/2010)

Thờ cúng tổ tiên đã trở thành đạo lý gốc của người Việt: “Uống nước nhớ nguồn”, “Chim có tổ người có tôn”,”Sống gửi thác về.” Chữ hiếu đối với công ơn sinh thành của cha mẹ ông bà tổ tiên… chẳng những là đạo lý cao cả mà còn là tình cảm sâu sắc của mọi người, mọi nhà suốt thế hệ này đến thế hệ khác.

Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng đậm đà sắc thái dân tộc, là cội nguồn sâu lắng trong tâm hồn của người dân Việt, thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc của con cháu đối với người đã khuất. Quá trình khai phá vùng đất Bà Rịa -Vũng Tàu tục thờ cúng tổ tiên luôn được bảo tồn và phát huy. Vào những ngày giỗ tổ nhân dân vùng Long Điền, Đất Đỏ, Bà Rịa… thường mời bà con họ hàng thân thuộc về dự. Những món ăn truyền thống: hoa trái, bánh tét, bánh ú, thịt gà, nem, xôi đậu, cháo cá…được bày biện la liệt thành kính dâng cúng tổ tiên, tưởng nhớ những bậc tiền nhân không tiếc mồ hôi công sức, chụi đựng nhiều giao lao vất vả đã tạo dựng nên cơ nghiệp và để lại cho con cháu được thừa hưởng những thành quả hôm nay.

Thờ cúng tổ tiên ông bà là phong tục tốt đẹp trở thành truyền thống lâu đời của người Việt. Trong Quốc triều hình luật thời Lê Thánh Tông có chỉ dụ: “Con cháu phải thờ phụng đời ông bà cha mẹ”. Ông Phan Kế Bính viết:” Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất thành kính, ấy cũng là nghĩa cử của người. Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn bể mơi sâu. Con người phải có tổ tiên mới có thể có mình được”.

Quan niệm của người xưa chết chưa phải là hết, thể xác tkhông còn nhưng linh hồn vẫn tồn tại. Cha ông ta tin rằng dương sao âm vậy, người sống cần gì sống làm sao thì người chết cũng vậy và tin rằng vong hồn người xưa đã khuất thường luôn ngự trên bàn thờ để gần gũi, phù hộ cho con cháu. Người sống phải tránh làm những việc xấu xa kẻo mang tội bất hiếu với tổ tiên. Dù đi đâu ở đâu con cháu cũng luôn hướng về quê cha đất tổ, nơi có bàn thờ tổ tiên, mồ mả ông bà mình. Bàn thờ tổ tiên thường đặt trang trọng ở giữa nhà. Phía trên thường trang trí những tấm hoành phi sơn son thếp vàng, xung quanh có chạm khắc các hoa văn tinh xảo. Tuỳ theo hoàn cảnh gia thế của mỗi gia đình mà treo những tấm hoành phi bằng chữ Hán khác nhau:

  • Đức lưu quang ( Đức để lại đời sau còn sáng mãi)
  • Khắc xươmg quyết hậu (Để lại sự tốt lành về sau)
  • Ẩm hà tư nguyên (Uống nước nhớ nguồn)

Dưới bức hoành phi là những câu đối cổ làm bằng gỗ loại tốt vàng tâm, sơn son thếp vàng, có gia đình cẩn bằng xà cừ rất mỹ thuật. Những câu đối này do gia đình tự sáng tác rồi thuê thợ mộc có tay nghề cao về chạm khắc. Nội dung những câu đối này chủ yếu ca ngợi công đức của tổ tiên:

Sơn cao mạc trạng sinh thành đức

Hải khóat nan thù cúc dục ân

(Núi cao khó ví với đức sinh thành

Bể rộng khôn bì với ơn bồng bế nuôi nấng)

Tổ công tôn đức thiên niên thịnh

Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương

(Công đức của tổ tiên ngàn năm còn thịnh vượng

Con cháu thảo hiền muôn đời tốt đẹp)

Tổ tích bồi cơ công dâng sơn cao thiên cổ ngưỡng

Vu kim diễn phái trạch đồng hải tuấn ức niên tư

(Nhớ xưa bồi đắp nền tảng, công tựa non cao, ngửa trông muôn thuở

Đến nay nảy nở dòng giống, ơn tày bể rộng, nhuần thấm ngàn năm)

 Vào các ngày giỗ  hay lễ tết người trưởng họ có trách nhiệm lau chùi đánh bóng các đồ thờ tự để mời tổ tiên về chứng giám. Đồ thờ gồm  đỉnh hương dùng để đốt trầm tượng trưng cho lưỡng nghi. Cặp chân đèn để đốt dèn cầy tượng trưng cho hai vầng nhật nguyệt. Cặp độc bình đựng bông tượng trưng cho lục căn thể hiện tấm lòng thanh tịnh của người cúng giỗ đối với các bậc tiền nhân. Cặp bát bồng bày mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành (Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).

Ngày giỗ gia tiên là ngày trọng đại của mỗi dòng họ. Bằng tấm lòng tự nguyện con cháu từ khắp nơi trở về sum họp đông đủ, con cháu bày tỏ lòng nhớ ơn đối với các bậc sinh thành. Thông thường từ chiều hôm trước ngày giỗ trưởng họ hay trưởng tộc sắm mâm lễ vật đơn giản gồm bánh trái và hoa quả đặt trên bàn thờ như hàm ý thỉnh mời tổ tiên những người thân trong gia tộc đã quá cố về cùng hưởng lộc,  ngày hôm sau mới là giỗ chính. Buổi sáng con cháu đến phụ giúp làm các món ăn, khoàng 10 giờ sáng  ông trưởng họ làm lễ cúng tế. Các món ăn được bày trang trọng trên bàn, dưới ánh đèn cầy soi sáng lung linh ông trưởng họ đọc bài văn khấn nội dung là mời tổ tiên, những người thân trong gia tộc về dự  lễ, mong tổ tiên phù hộ, độ trì, giúp đỡ cho con cháu được mạnh khoẻ, bình an, làm ăn phát đạt, học hành tấn tới.

Khách đến ăn giỗ gồm họ hàng nội ngoại, bà con xóm giềng, bạn bè gia chủ. Đi đám giỗ mọi người thường mang hương hoa, trà rượu, bánh trái để dâng cúng và lễ lạy trước bàn thờ tổ tiên sau đó mới ngồi vào bàn tiệc.

Khi cúng tế tổ tiên con người hướng về qúa khứ định hướng cho hiện tại nhắc nhở các thành viên gìn giữ đức hạnh, danh dự, tiếp tục phát huy truyền thống của dòng họ.  Đây còn là hình thái tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống. Sống trong xã hội con người không thể sống biệt lập đơn độc, thờ cúng tổ tiên là sự nối tiếp liên tục các thế hệ:  Ông bà, cha mẹ, bản thân. Mỗi con người phải có trách nhiệm thờ phụng 4 đời trước: cao, tằng, tổ, khảo (kỵ, cụ, ông, bố) và họ cũng tin rằng sẽ được con cháu 4 đời kế tiếp cúng giỗ. Thờ cúng tổ tiên đã gắn bó con người trong mối quan hệ dòng họ: Họ cha, họ mẹ, họ chồng hoặc vợ. Với tư cách là một dòng họ kết  thành sức mạnh tập thể gồm những người đang sống và những người đã chết gắn bó với nhau bằng huyết thống và thờ chung một thủy tổ dòng họ có sức mạnh đảm bảo  giá trị tinh thần cho mỗi thành viên trong cộng đồng làng xã.

Lê Dung (Bảo tàng BRVT


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu