Từ Xứ Mô Xoài – địa đầu mở cõi đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, quá trình hình thành và phát triển

(07/08/2014)

Mô Xoài còn gọi là Mỗi Xoài, Mọi Xoài, Mỗi Xuy… địa danh này lần đầu tiên được sử Việt nói đến ở sách “Đại Nam thực lục tiền biên”. Các tác giả ngày nay, khi nói về Mô Xoài, thường có cách viết: Mô Xoài (Bà Rịa) hoặc “Mô Xoài – Bà Rịa” với hàm ý rằng vùng đất này mang tên Mô Xoài ngày xưa là Bà Rịa hôm nay. Các tên gọi Mô Xoài hay Mỗi Xoài, Mọi Xoài, Mỗi Xuy là địa danh Việt ở thế kỷ XVII, để chỉ một xứ đất, một vùng đất nay thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp”.

Lời giải thích tóm tắt của phần “Phụ lục địa danh” trong Địa chí do Ủy Ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, như lời mời gọi, sự gợi mở cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về một địa phương năng động, có tiềm năng đa dạng, trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam của Tổ quốc ngày nay.

Theo nhiều nguồn sử liệu vùng đất Nam bộ ngày nay, vốn là một vùng đất cổ đã được hình thành từ lâu đời, có dấu vết của người tiền sử cách nay ba bốn ngàn năm, với một nền văn hóa bản địa khá đa dạng, phong phú. Trong đó vị trí địa lý và lịch sử hình thành của vùng đất xứ Mô Xoài xưa và quá trình phát triển, tách nhập thành tỉnh Bà Rịa  –  Vũng Tàu ngày nay có nhiều đặc điểm đáng lưu ý so với các tỉnh khác ở miền Đông Nam Bộ.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta được biết, đây là khu vực tiếp giáp giữa hai vương quốc khá cường thịnh thời đó là Chăm Pa và Phù Nam. Do tương quan lực lượng và khả năng khai thác của họ, không vương quốc nào có đủ vị thế là chủ thể quản lý thật sự cả vùng đất này. Trải qua hàng chục thế kỷ, trước những biến động của lịch sử cả về thiên nhiên và xã hội, cả một khu vực rộng lớn đã trở thành hoang vu, cây cối hoang dại phủ kín từ núi đồi đến các triền sông, bãi biển, là nơi trú ngụ cố hữu của thú rừng, cá sấu, rắn rết đủ loại. Vì vậy trước đây trong dân gian thường lưu truỳên câu ca dao của những người đầu tiên đặt chân đến đây là: ” Nơi đây xứ sở lạ lùng/Con chim kêu cũng phải sợ, con cá vùng cũng phải kinh”… 

Nhưng vì cuộc mưu sinh, ngay từ đầu thế kỷ XVI, đã có những nhóm người Việt tìm vào đây khai phá làm ăn, họ chung sống xen kẽ với các tộc người bản địa như người Mạ, Chơro, Stiêng (sống rải rác ở các triền núi cao) và người Chăm, người Khmer thường sống bám theo các dòng sông, bãi biển một cách tự phát. Do cư dân thưa thớt, trình độ canh tác, dụng cụ sản xuất thô sơ nên kết quả thu hoạch rất hạn chế, chỉ là tự túc, tự cấp và trao đổi giữa các bộ tộc với nhau.

Sang đầu thế kỷ XVII thì số người Việt từ vùng Thuận  –  Quảng vào miền đất mới ngày một đông thì việc khai thác đất đai, lập ấp, dựng làng được mở rộng. Họ là những nông dân bần cùng, những người trốn tránh binh dịch, sưu thuế, đào ngũ…không chịu nổi sự khắc nghiệt của thiên tai và nhất là những nhân tai do cả một hệ thống cường quyền phong kiến nơi cố hương. Đặc biệt là muốn tránh xa nơi thường xảy ra các cuôc binh đao giao tranh của hai tập đoàn Trịnh  – Nguyễn kéo dài cả trăm năm, gây ra biết bao cảnh đau thương, tang tóc, họ đã phải từng bước lặn lội vào phương Nam, với hy vọng tìm được miền đất mới an lành hơn để kiếm sống, và dung thân, lập nghiệp lâu dài. Nơi họ đến đầu tiên là xứ Mô Xoài – Bà Lịa, tức là vùng đất thuộc địa phận Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.. ngày nay.

Có thể nói Mô Xoài  –  Bà Rịa là vùng đất địa đầu của tiến trình khai phá vùng Nam Bộ ngày nay, là bàn đạp quan trọng cho bước xuất phát trong sự nghiệp mở mang bờ cõi về phương Nam của Tổ tiên chúng ta từ thế kỷ XVI – XVII.

Theo hai nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư: “căn cứ vào niên đại 1535 mà tác giả Fernand Mendez đã nói tới (trong tập hồi ký xuất bản năm 1629) và căn cứ vào sự kiện lịch sử quan trọng của nước ta thì…số người Việt chạy vào Đồng Nai  –  Gia Định…một cách ồ ạt có thể đã diễn ra từ năm Quý Tỵ (1413), sau cuộc kháng chiến chống quân Minh của lực lượng nhà Hậu Trần thất bại trên đất Hóa Châu” tức là có thể từ thế kỷ XV.

Nhưng qua sử sách, ta được biết từ năm 1620, sau cuộc hôn nhân của công nữ Ngọc Vạn (con chúa Nguyễn Phúc Nguyên) với vua Chân Lạp, thì cư dân hai nước đã được tự do qua lại và sinh sống ở hai bên lãnh thổ nhau. Năm 1623, vua Chân Lạp đã chấp thuận cho chúa Nguyễn đặt trạm thuế quan tại Preinokor và Kas Krobey (Sài Côn – Bến Nghé, Chợ Lớn – Sài Gòn sau này) và lập Khu dinh điền ở xứ Mô Xoài, đưa dân vào làm ăn, sinh sống lâu dài. Và còn được phép qua lại đến cả kinh đô Chân Lạp lúc đó. (Lưu dân người Việt trên đất Đồng Nai  –  Gia Định..” trong Đất và người Nam Bộ  – Tập VI – 1008). “Bấy giờ vua An Nam mới cử các viên chức thuế quan đến đóng tại Prei Norkor và Kas Krobey và từ đó thu các loại thuế quan” và như những tác giả nghiên cứu về việc Chân Lạp nhượng hai thị trấn này cho người Việt thì tiếp theo việc chúa Sãi gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là để “tạo một liên minh quân sự chống lại sự tấn công liên tục của quân Xiêm”.

Nhưng rồi đã có sự cố xảy ra, nên năm 1658 chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần, 1648 – 1687) đã phải đưa 2000 quân vào tiến đánh thành Mô Xoài của Chân Lạp, với lý do là để bảo vệ an toàn cho những cư dân Việt đang sinh sống tại đây bị đe dọa khủng bố. vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân bị bắt, Chân Lạp xin được làm chư hầu và triều cống hàng năm. Sau đó, vào năm Giáp Tuất –  1674, chúa Hiền lại phải sai Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Diên đem quân vào đánh lũy Bô Tâm ở xứ Mô Xoài mà sau này người Việt gọi là Lũy cũ Phước Tứ (tức vùng Long Điền ngày nay) và tổ chức nhiều đợt đưa dân quân vùng Thuận  –  Quảng vào lập thêm các đồn điền, và tăng cường quản lý đất đai, bảo vệ dân chúng vào khai hoang lập ấp, mở làng nhằm ổn định cuộc sống bền vững tại đây.

Năm 1674, trước những mâu thuẫn ở Chân Lạp giữa Nặc Ông Nộn và Nặc Ông Đài, rồi Đài cầu cứu, liên minh với quân Xiêm đánh nhau, đã dẫn đến việc Nặc Ông Nộn sang cầu cứu với Dinh Thái Khang (nay là Khánh Hòa). Chúa Hiền bèn sai Cai Cơ Đạo Nha Trang là Nguyễn Dương Lâm cùng với Nguyễn Đình Phái làm tham mưu vào can thiệp, đánh phá được đồn Sài Gòn, rồi tiến quân vây thành Nam Vang, bắt hàng năm phải triều cống, đã mở rộng tầm kiểm soát của chúa Nguyễn đến tận Sài Côn (Sài Gòn).

Năm 1680, nhóm cận thần nhà Minh là Dương Ngạn Địch, Huỳnh Tấn, Trần Thắng Tài, Trần An Bình…không hàng phục nhà Thanh, đưa khoảng ba ngàn binh lính và gia quyến vượt biển trên hàng trăm thuyền lớn sang xin Chúa Nguyễn cho lưu trú ở Đàng Trong. Chúa Hiền đã chấp thuận, cử quan quân hướng dẫn cho phép họ vào khai khẩn vùng Mỹ Tho và Biên Hòa thuộc đất cù lao Phố (Biên Hòa – Đồng Nai ngày nay) lúc đó còn hoang hóa vô chủ. Thật là một ứng xử “nhất cử lưỡng tiện” trong công cuộc mở cõi về phương Nam của dân tộc ta. Tiếp đến năm 1688, do sự tranh chấp quyền lực giữa các lực lượng võ biền người Hoa (Huỳnh Tấn) ở cù lao Phố và (Dương Ngạn Địch) ở Mỹ Tho và giữa Huỳnh Tấn với Nặc Ông Thụ của Chân Lạp; Và đặc biệt là sau sự kiện Mạc Cửu xin dâng nhập cho Đại Việt dưới thời Minh vương Nguyễn Phúc Chu vào năm 1708 cả một vùng Hà Tiên rộng lớn ven biên biển phía Tây Nam đất nước. Đó thực sự là những lý do, cơ duyên thuận lợi dẫn đến việc can thiệp, xử lý kịp thời và tạo được quyền kiểm soát trực tiếp của chúa Nguyễn trên từ Đồng Nai  –  Gia Định đến Mỹ Tho – Định Tường và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long của Nam Bộ ngày nay. Chúa Nguyễn cho tổ chức nhiều cuộc hành quân lớn trên toàn vùng mới kiểm soát, kịp thời ổn định đời sống, làm ăn của dân chúng ở những nơi có tranh chấp.

Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập chủ quyền của Đại Việt trên toàn vùng lãnh thổ đã được khai phá, quản lý ở Đàng Trong, nối dài từ “Hoành Sơn” đến tận Mũi Cà Mau và Hà Tiên ở Tây Nam Tổ quốc (lúc đó do chúa Nguyễn Phúc Chu cai quản (1691 – 1725). Đó là sự kiện mả “Lịch sử địa phương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”(2005) đã viết (trang 15 – 18): “Tháng 2 năm Mậu Dần (1698) Hiển tông Hiếu Minh Hoàng Đế sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long…lấy xứ Sài Gòn lập huyện Tân Bình”.

 Khi Kinh lược xứ Nguyễn Hữu Cảnh lập hai huyện Phước Long và Tân Bình thì vùng đất Bà Rịa  –  Vũng Tàu ngày nay thuộc huyện Phước Long, Dinh Trấn Biên. Ở mỗi Dinh dều cắt đặt các chức Lưu thủ (người đứng đầu quản lý chung), Cai bạ (người trông coi về ngân khố), Ký lục ( người xét xử về hình án) và các cơ đội về Thủy, bộ binh. Với khoảng hơn vạn hộ trước đó và ba vạn hộ dân Ngũ  –  Quảng được Nguyễn hữu Cảnh chiêu mộ tử 1698 – 1700), dân Phước Long  –  Tân Bình có khoảng hơn bốn vạn hộ. Tháng 10 – 1698, Nguyễn Hữu Khánh được cử làm Lưu thủ Dinh Trấn Biên (Đại Nam thực lục tiền biên).

Theo “Chính sách thúc đẩy khẩn hoang của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn đối với Đồng Nai  –  Gia Định (từ cuối thế kỷ XVII – XIX) của Phó Giáo sư Huỳnh Lứa, chúng ta được biết thêm, khi Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh dinh, lấy Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn.

Gọi là huyện nhưng địa bàn các huyện khi ấy khá rộng. Địa bàn huyện Tân Bình có thể bao gồm cả địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An ngày nay. Địa bàn huyện Phước Long có lẽ bao gồm địa bàn của các tỉnh Bà Rịa  –  Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và có thể một phần của Bình Thuận ngày nay. Với hai huyện rộng lớn như vậy mà chỉ có hơn bốn vạn hộ, ước khoảng hai trăm ngàn dân là quá thưa thớt, không đủ sức đảm đương cả hai nhiệm vụ khai thác và bảo vệ đất đai bờ cõi vô cùng cấp thiết lúc đó. Vì vậy, Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh rất quan tâm việc chiêu mộ dân chúng vào vùng đất mới. Một mặt huy động dân cư từ châu Bố Chính (Quảng Bình) quê hương vào lập ấp mở làng, sinh sống khắp vùng. Từ thế kỷ XVIII – XIX, các chúa Nguyễn và triều Nguyễn tiếp tục có những khuyến khích trong chính sách khẩn hoang, khuyến nông ở vùng đất mới như dùng binh lính làm lực lượng mở đường trong việc khai hoang, lập ấp, mở các đồn điền dưới sự bảo trợ của chính quyền phong kiến. Nhờ chính sách thiết thực, khoáng đạt như vậy, nên đã chiêu mộ, quy tụ ngày càng đông lưu dân vào lập nghiệp ở các vùng Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ, Bà Rịa,Vũng Tàu..ngày nay. Sự hình thành 3 làng Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam bắt nguồn từ 3 cái tên làng rất cổ là “Tam Thoàn” (3 thuyền), gắn liển với công tích của Ba ông Đội được vua Minh Mạng phái vào canh phòng, lập làng cai quản dân chúng, trở thành Thần Hoàng các làng, còn lưu truyền tục lệ thờ cúng cho cư dân Vũng Tàu đến ngày nay: đình Thắng Nhất thờ Thần Hoàng Phạm Văn Dinh,đình Thắng Nhì thờ Thần Hoàng Lê Văn Lộc,đình Thắng Tam thờ Thần Hoàng Ngô Văn Huyền tại đây cùng với Phước Tỉnh, Cần Giờ…còn có đền thờ Cá Ông “Nam Hải Đại Tướng Quân”, thần hộ mệnh của cư dân miền biển.

Quá trình vào lập nghiệp làm ăn ở vùng đất mới, cư dân đã mang theo các tập tục tín ngưỡng, tôn giáo…từ nơi quê hương bản quán vào hội nhập, dung hòa với tín ngưỡng của cư dân bản địa, từng bước các ngôi đình, chùa, đền, miếu của Nho – Lão – Phật được hình thành tạo nên sự đa dạng phong phú trong đời sống văn hóa tâm linh ở vùng đất phương Nam. Theo “Di sản Hán  – Nôm trong các di tích Lịch sử văn hóa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” (Bảo tàng, Sở KHCN tỉnh BRVT – 2000); Trải qua bao thăng trầm của thời gian,thiên nhiên và các triều đại, nhưng cho đến nay trên địa bàn tỉnh nhà vẫn còn trên 500 di tích được xếp hạng và cần được trùng tu, bảo vệ. Trong đó có nhiều di tích nổi tiếng được ghi trong trong Đại Nam nhất thống chí, trong mục Chùa quán của tỉnh Biên Hòa (xưa) như chùa Hộ Quốc do Chánh thống suất Nguyễn Văn Vân xây dựng, đã được Quốc Chúa ban “Sắc Tứ Hộ Quốc Tự”; Chùa Vạn An ở huyện Phước An (xưa), đã được chúa Nguyễn Phúc Chu ban “ Sắc Tứ Vạn An Tự”, nhưng sau đó chùa bị cháy, sư cụ trụ trì chạy chuyển Biển tự sang chùa Long Hưng ở xã bên cũng do sư cụ Trụ trì từ đó chùa Long Hưng được mang Biển tự “Sắc Tứ Vạn An tự” cho đến nay, thuộc thôn Phước Hiệp, thị trấn Đất Đỏ. Trong dịp chuẩn bị tham gia hội thảo khoa học về “chúa Nguyễn Phúc Chu với sự nghiệp mở mang bờ cõi ở Đàng Trong” tôi cùng nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường đã được Đại đức Thiện Sanh trụ trì chùa Sắc Tứ Vạn An, hướng dẫn đi khảo sát, điền dã nền chùa xưa kia. Chúng tôi có cơ duyên được đến thăm ngôi đền thờ và phần mộ “Phạm Quới Công” ở ấp Phước Trinh, xã Tam Phước, huyện Long Điền. Qua nghiên cứu, được biết Phạm Quới Công (có thể) là Ký Lục kiêm Cai cơ Phạm Khánh Đức, người đã cùng Trấn Thủ Nguyễn Phan Long xây dựng Văn Miếu Trấn Biên vào năm Ất Sửu (1725) và Phạm Quới Công  –  Phạm Khánh Đức là người đã có công chỉ huy khai phá Vùng đất Mô Xoài từ trước khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược năm 1698. Đại Nam Nhất thống chí đã ghi Ông đã được xác định là “An Biên Công Thần, Ký lục kiêm Cai Cơ Giáp lĩnh hầu”, tên có chép ở điển thờ, nhưng sự tích và họ không được rõ. Và qua đối chiếu tư liệu, hỏi chuyện các bậc tu hành cao tuổi địa phương được biết Đền thờ, mộ ông là do dân chúng địa phương lập sau khi ông qua đời để tôn vinh công đức của ông. Ông cũng chính là người đã đứng ra xây dựng đình, chùa tại làng Long Hưng và đề nghị Quốc Chúa ban tặng “Sắc Tứ Vạn An Tự” cho chùa Vạn An (xưa), sau đó chuyển sang chùa Long Hưng cho đến ngày nay. Đề nghị hội sử học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Bảo Tàng tỉnh cho khảo sát, xác minh công nhận di tích này…

“Gia Định thành thông chí” có thể được coi là bộ sách lịch sử, địa lý chuyên khảo đầu tiên về Nam Bộ ngày nay được Trịnh Hoài Đức (một trong “Gia Định Tam Gia”) kỳ công ghi chép từ đầu thế kỷ XIX. Chính từ trong tác phẩm đó, chúng ta tìm được các Địa danh, tên núi, tên sông của Mô Xoài từ buổi nguyên sơ, tiền thân của vùng đất Bà Rịa  –  Vũng Tàu ngày nay: “Hương Phước giang (tức sông Mô Xoài, là nơi hai thôn Long Hương và Phước Lễ cùng đài thọ lính trạm). Ngược dòng lên phía Bắc chuyển qua phía tây đến suối châu Phê gặp suối Giao Kèo, qua Thâm Tuyền..đến đầu nguồn sông Mông Giang, tục gọi là sông Xoài, dài 15 dặm, chảy qua nam độ 4 dặm là cửa sông Hương Phước rồi hợp lưu cùng các sông khác.

 –  Tắc Ký (tên nôm là Cửa Lấp hay Giếng Bọng); Cách trấn về phía đông 210 dặm Lòng cảng có cồn cát dời đổi thất thường…Dân miền biển nhóm đến đây làm nghề chài nước câu cá. Là nơi sản xuất cá muối của xứ này. Lịch sử cho biết danh tướng Thoại Ngọc Hầu đã từng được giao làm Trấn thủ tại đây.

–  Thuyền Úc: Tục gọi là Vũng Tàu, ở phía đông cách trấn 234 dặm rưỡi…Phía bắc bao lấy cửa Tắc Ký, phía nam dựa vào núi Thát Sơn (Ghành Rái) che khuất cửa biển Cần giờ. Thế đất trông rất sung mãn, mặt vũng hướng về tây, lòng vũng to rộng là nơi thu kết các dòng nước nhỏ của các sông đầm và các ngòi rạch chảy về biển, làm nơi ghe thuyền đến đậu rất yên ổn.

Trên bản đồ hàng hải các nước phương Tây, từ thế kỷ XVIII, Vũng Tàu đã được ghi trên bản đồ hàng hải các nước phương Tây với tên là Cinco chagas Verdareiras hay là Cap Saint Jarques, mà dân ta hay gọi tắt là Cấp; Chứng tỏ lúc đó Vũng Tàu đã là địa danh có vị trí quan trọng trong hải trình Đông – Tây. Ngày 1/5/1895, thành phố Cap Saint Jacques được thành lập. Đây là lần đầu tiên Vũng Tàu trở thành một trong ba đô thị do chính quyền thuộc địa Pháp thành lập tử cuối thế kỷ XIX.

 –  Xích Thổ (Đất Đỏ); là đất thuộc 7 xã thôn phường: Phước Hòa, Phước an Trung, Phước Lộc thượng, Phú Thạnh, Long thới, Long Hòa và Thới Thạnh thuộc tổng Phước Hưng, huyện Phước An. Vùng này sắc đỏ vàng…trồng dâu mè, bắp khoai, đậu xanh tốt sai đẹp. Cách Nục Giang nửa ngày đường có dân trấn Thuận Thành sống chung ở đó.

 –  Hải động Hồ: tục gọi Hồ Tràm…nơi đây động cát nối liền, cỏ cây xanh tốt, trong có hồ lớn xanh trong, nước đều ngôt cả, không khi nào khô, mọi người đều nhờ nước ấy.

Đặc biệt trong phần Phụ chép lời khẩu thuyết đã ghi: Bà Rịa (Bà Địa) là vùng đất có tiếng đầu biên giới của trấn Biên Hòa, cho nên các phủ ở phía bắc có câu ngạn ngữ “Cơm Nai Rịa, Cá Rí Rang”…Đất này dựa lưng vào núi, mặt trông ra biển, rừng rậm, tre dầy, trên có sở tuần để vẫy gọi dân man mọi đến đổi chác, vùng dưới có trạm cửa bể để xem xét thuyền bè lúc đi ra biển, đường trạm thủy bộ giao tiếp. Việc cung nộp sơn, lâm, thổ sản, chế ngự Đê man, bắt giữ phòng ngừa đạo tặc, đã có đặt huyện, nha, đạo, thủ, chia giữ nhiệm vụ, chính là nơi xung yếu, bận rộn, khó nhọc bậc nhất. Có nhiều cửa quan yếu, di chỉ của các thành trì xưa đến nay hãy còn để lại. Khác gì quốc đô của các vương giả”.

–  Về nguồn gốc địa danh Bà Rịa, Địa chí Bà Rịa  –  Vũng Tàu đã có tới hơn hai chục trang giới thiệu, phân tích khá sâu sắc. Thiết nghĩ chúng ta luôn tôn trọng và không bác bỏ giả thiết, truyền thuyết trong một bộ phận dân gian nhưng trên phương diện nhận thức chung về lịch sử, chúng ta xác định: Bà Rịa là địa danh chỉ một vùng đất khá rộng lớn của Trấn Biên, đã hiện diện trong Đại Nam thực lục tiền biên: “Năm Nhâm Ngọ (1690) Cai cơ Nguyễn Hữu Hào đem quân đi đánh Nặc Thu – vua Chân Lạp, rồi rútt quân từ Bích Động..về đóng ở Bà Rịa’ và “Từ Sắc chỉ cấm đạo của nhà Nguyễn năm 1630 – 1665, một số tín hữu Công giáo…đã tìm vào vùng Đất Đỏ Bà Rịa để yên bề sinh sống và giữ đạo. Năm 1670 ở Xích Lam (Đất Đỏ) gần Bà Rịa, đã có gần 300 gia đình Công giáo. Theo tư liệu của Hội Thừa sai Paris, vào năm 1747, tại địa hạt Bà Rịa Đất Đỏ có khoảng 700 người thuộc các giáo điểm Mô Xoài, Bà Rịa, Núi Nưa và Đất Đỏ…”(như Kỷ yếu Giáo phận Bà Rịa, 5 năm thành lập 2000 – 2005, trang 32).

 Dựa vào thực tế lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu có thiên về hướng giải thích địa danh Bà Rịa có nguồn gốc từ các cư dân bản địa như Khmer, Chăm và được Việt hóa. Một học giả Pháp là Malleret thì giải thích Bà Rịa là tiếng gọi trại từ Barey của người Khmer, chỉ tên một cái ao (bàu) lớn ở gần Long Điền. Khi lưu dân người Việt đến khai phá, định cư đã từng bước hoàn chỉnh việc Việt hóa bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Theo “Lịch sử địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu” thì từ năm 1832, Trấn Biên Hòa được đổi thành tỉnh Biên Hòa, năm 1837 vua Minh Mạng đặt thêm Phủ Phước Tuy, phủ lỵ đóng tại Bà Rịa. Đây là lần đầu tiên Bà Rịa trở thành trung tâm hành chính của một phủ.

–  Các tên núi của Bà Rịa  –  Vũng Tàu ngày nay cũng được ghi chép đầy đủ trong “Gia Định Thành Thông chí” như:“Nữ Tăng sơn (núi Thị Vải), Thùy vân sơn (núi Thùy Vân), Thát Ky sơn (núi Ghành Rái)… Sa Trúc sơn (núi Sa Trúc) tục gọi là núi Nứa, cách đông trấn 185 dặm, trên núi có nứa, dưới núi có chằm lớn, người tụ tập làm nghề đánh cá”. Đó là xã đảo Long Sơn ngày nay. Tương truyền bậc tiền hiền khai khẩn vùng đất núi Nứa từ giữa thế kỷ XIX, là một phụ nữ tên là Trao (hoặc Trau). Tên vùng đất do Bà khai mở Ấp Bà Trao, núi Bà Trao. Sang đầu thế kỷ XX là các công trình khai phá và di tích Nhà Lớn Long Sơn (Đền Ông Trần) do ông Lê Văn Mưu, hậu duệ của đạo “Tứ Ân Hiếu nghĩa” từ Hà Tiên đến lập nghiệp, vẫn còn lưu truyền đến ngày nay.

–  Theo Gia Định thành thông chí, Côn Đảo thời đó thuộc Trấn Phiên An: Côn Lôn Đảo (đảo Côn Nôn) “Ở giữa biển Đông, từ cừa Cần Giờ chạy thuyền ra biển theo hướng đông mặt trời mọc hai ngày mới đến..Dân ở đảo tự kết lại làm binh sĩ thành ba đội ,trực thuộc đạo Cần Giờ, có đủ khí giới để giữ gìn đất ấy phòng quân cướp hung dữ Đồ Bà, không cần kêu gọi nơi khác đến giúp. Dân lính ở đây thường lấy yến sào, đồi mồi, ốc tai tượng…rồi theo mùa mà dâng nộp; Còn lại thì đánh bắt hải sản để sinh sống”.

Lịch sử đã ghi nhận năm 1702, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Côn Đảo bị Công ty Đông Ấn thuộc Anh do Catchpole chỉ huy đã đánh chiếm trái phép. Năm 1703, dưới sự chỉ huy của Trấn thủ Trấn Biên lúc đó là Trương Phúc Phan, quân dân trên đảo đã phối hợp, mưu trí dũng cảm nổi dậy, đốt phá trại, giết bọn chỉ huy, chiếm pháo đài, giành lại chủ quyền từ tay bọn cướp đảo. Dưới triều Nguyễn gọi là đảo Côn Lôn thuộc tỉnh Hà Tiên; Năm 1861 bị Pháp đánh chiếm, lập nhà tù, cho thuộc tỉnh Vĩnh Long. Sau Hiệp định Giơnevơ, chính quyền Sài Gòn thành lập tỉnh Côn Đảo từ 22/10/1956. Đến 21/4/1965 giải thể tỉnh, cải thành Cơ Sở Phái Viên Hành Chính trực thuộc chính quyền Sài Gòn; Từ 1/11/1974 đổi thành Phú Hải. Sau giải phóng, ngày 18/9/1975 thành lập huyện Côn Sơn thuộc thành phố Hồ chí Minh. Ngày 15/1/1977 lại đặt thuộc tỉnh Hậu Giang, đổi tên là huyện Côn Sơn. Đến khi thành lập Đặc Khu Vũng Tàu – Côn Đảo (30/5/1979) gồm thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn thuộc huyện Châu Thành tỉnh Đồng Nai và huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang theo NQ của Kỳ họp thứ 5 Quốc Hội khóa VI. Đặc khu Vũng Tàu  –  Côn Đảo tương đương cấp tỉnh trực thuộc Trung Ương.

–  Theo “Từ Điển địa danh hành chính Nam Bộ” (Nxb CTQG – 2008), đảo An Bang trong quần đảo Trường Sa vốn thuộc lãnh hải Quảng Nam thừa tuyên từ Triều Lê Hồng Đức. Sang triều Nguyễn thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên. Nhưng cũng có những thời gian thuộc tỉnh Bà Rịa: từ 21/12/1933 –  13/7/1961, sau đó thuộc Quảng Nam; Và từ 6/9/1973 thuộc xã Phước Hải, Long Đất, tỉnh Phước Tuy, từ 30/4/1975 – 9/12/1982 thuộc huyện Long Đất, tỉnh Đồng Nai. Từ 9/12/1982 – 28/12/1982 thuộc huyện mới lập Trường Sa, tỉnh Đồng Nai; từ sau 28/12/1982 mới thuộc tỉnh Phú Khánh, rồi Khánh Hòa ngày nay.

Qua nghiên cứu từ điển đã dẫn trên và Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu, cho ta biết một đặc điểm chung của hầu hết địa danh từ thành phố, thị xã, huyện, đến các Đảo..,.thuộc tỉnh Bà Rịa  –  Vũng Tàu ngày nay, thường có sự thay đổi về địa danh, địa giới, cấp quản lý hành chính và cơ quan chủ quản cấp trên, cùng với việc tách nhập, qua các thời kỳ của lịch sử đất nước. Xin được trích dẫn một số sự kiện điển hình sau đây :

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Được thành lập ngày 12/8/1991 theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ 9 về việc thành lập tỉnh Bà Rịa  –  Vũng Tàu gồm Đặc Khu Vũng Tàu – Côn Đảo và 3 huyện Long Đất, Châu Thành, Xuyên Mộc tách ra từ Tỉnh Đồng Nai, với năm đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh là: thành phố Vũng Tàu (tỉnh lỵ), huyện Long Đất, Châu thành, Xuyên Mộc và Côn Đảo.

Theo QĐ số 45/CP ngày 2/6/1994, từ thang 9/2012 thành phố Bà Rịa đổi là thành phố Bà Rịa, như vậy tỉnh Bà Rịa  –  Vũng Tàu có 8 đơn vị hành chính: thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa và 6 huyện: Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành, Côn Đảo.

Chính từ đặc điểm luôn bị tách nhập, thuyên chuyển qua nhiểu địa danh, quy mô hành chính và cả cấp chủ quản như trình bày trên đã tạo cho con người xứ này có tinh thần đoàn kết, bộc trực, năng động, nhạy bén trong mọi công việc, dễ thích nghi dung hòa với cộng đồng mới…Song cũng dễ phát sinh tính không ổn định, tự do. Từ đó đòi hỏi các cấp tổ chức và lãnh đạo phải đặc biệt lưu tâm.

Như các bậc tiền nhân xưa đã nói: núi non là xương của đất, sông nước là máu của đất, núi sông ấp ủ sinh dưỡng lưu thông, tạo nên một vùng đất mới  –  an lành hoặc khắc nghiệt. Những bậc anh hùng hào kiệt, trung thần nghĩa sĩ cũng từ đó mà xuất hiện. Rồi tùy theo vận hội nhân duyên của thiên thời – địa lợi  –  nhân hòa mà các hình thái kinh tế – chính trị – văn hóa xã hội và tín ngưỡng, tâm linh khác nhau ra đời, sử sách ghi chép có thể không đầy đủ. Ngay các địa danh, địa giới, nhân vật, di tích, thậm chí cả truyền thuyết, cũng có thể có sự đổi khác do những hạn chế nhất định về chính trị, văn hóa – xã hội, qua các giai đoạn lịch sử.

Nhà nghiên cứu TUỆ KHƯƠNG

Hội KHLS TP.HCM

_______________________

 Tài liệu tham khảo:

– Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ. Nxb CTQG   –   Hà Nội 2008.

– Địa chí Bà Rịa   –   Vũng Tàu. Nxb KHXH   –   Hà Nội 2005.

– Di sản Hán Nôm…các Di tích Lịch sử   –   Văn hóa tỉnh BRVT  –   Bảo tàng & Sở KHCN tỉnh BRVT, năm 2000.

– Đất và Người Nam Bộ xưa & nay ( 6 tập): Hội Sử học TP.HCM

– Kỷ yếu các HTKH về các danh nhân Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Phúc Chu, 300 năm Sài Gòn –  TP.HCM …

–  Đại Nam Nhất thống chí; NXB Thuận Hóa 1992.

–  Quốc sử quán Triều Nguyễn.

–  Lịch sử Địa phương tỉnh BRVT (tài liệu giảng dạy). VT 2005

–  Và nhiều tư liệu tham khảo khác…


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu