Trí thức Việt Nam từ nhà tù Côn Đảo đến các mặt trận kháng chiến (1862 – 1945)
Trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam, lực lượng trí thức luôn luôn giữ vai trò hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tư tưởng…
… “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy, các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên” đóchính là sự nhận thứcsâu sắc về vai trò to lớn của trí thức đối với lịch sử dân tộc.Tuy nhiên, trong góc khuất nào đó, một số người cho rằng, trí thức là những người “dài lưng tốn áo”, “yếu ớt về thể chất và ý chí”, “nhạy bén với sự thay đổi của thời cuộc nên dễ thay đổi, lập trường thiếu kiên định, vững vàng”… Có phải đó là hạn chế về nhận thức của một giai đoạn lịch sử đã qua? để lí giải rõ điều này, bài viết tập trung tìm hiểu những trí thức Việt Nam ở nhà tù Côn Đảo – “một địa ngục ở trần gian”, suy nghĩ, ý chí, nghị lực của họ ra sao, họ đã làm gì trước khi bước tiếp trên các mặt trận kháng chiến chống xâm lược, nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Tháng 3/1962, trên chuyến tàu đầu tiên của Pháp chở tù nhân ra Côn Đảo có 45 phạm nhân. Theo Đại Nam nhất thống chí, đó là 14 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 72, 18km2: “đứng cao giữa đại hải, đối lập giữa Chiêm Thành và Đông Tây Trúc, hình núi vuông rộng mà cao”. Dưới triều Nguyễn; thời Gia Long, Côn Đảo thuộc đạo Cần Giờ, trấn Gia Định; năm Minh Mạng thứ 21(1839) Côn Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Long. Cư dân nơi đây sống bằng nghề trồng lúa, đậu và khai thác lâm, ngư sản.Ngoài thường dân, Côn Đảo thời bấy giờ còn có binh lính triều đình và số phạm nhận triều Nguyễn bị lưu dày. Tuy nhiên, sau khi Thống đốc Nam Kỳ ban hành Nghị định thành lập nhà tù (1/2/1862), kể từ đó, Côn Đảo không có thường dân sinh sống mà chỉ còn lại những công chức trong bộ máy nhà tù, gác ngục và những tù nhân. Điều này được thể hiện rõ trong báo cáo của giám đốc quần đảo và nhà tù Côn Đảo; nghĩa là, từ tháng 2/1862 đến tháng 4/1975, lịch sử phát triển Côn Đảo gắn liền với những hoạt động của phạm nhân – cư dân nhà tù, trong đó có lực lượng trí thức.Số phạm nhân đầu tiên của nhà tù Côn Đảo nói trên ắt hẵn là những sĩ phu, quan quân triều đình nhà Nguyễn “cả gan” chống lại cuộc xâm lăng của Pháp. Tiếp đó, từ 1862 đến 1883, phạm nhân “được” đưa ra nhà tù Côn Đảo liên tục tăng lên do thực dân Pháp bắt được từ các cuộc nổi dậy chống Pháp của Thủ Khoa Huân, Trương Công Định, Thiên Dương Hộ…, đặc biệt là từ cuộc nổi dậy ở kinh thành Huếvà từ phong trào Cần Vương diễn ra trên khắp cả nước.Phạm nhân bị dày ra Côn Đảo thời bấy giờ chủ yếu là những sĩ phu yêu nước, trong đócó 3 trí thứcphong kiến nổi tiếng làNguyễn Văn Tường, Tôn Thất Đính và Phạm Thận Duật – những người mà nhà cần quyền Pháp phải chỉ đạo cho chúa ngục “giám sát hết sức nghiên ngặt với bất cứ giá nào”[1]
Từ 1885 đến 1907, nhà tù Côn Đảo lại đón nhận thêm các thủ lĩnh, nghĩa binh và nhân sĩ thuộc các phong trào Đông Châu, Đồng Tâm Hiệu, Thiên Địa Hội, Vạn Xa, Phật Đường, Học Hưng, Bình Hưng, Bạch Xỉ, Huynh Đệ… trong đó có nhiều nhân sĩ phong kiến điển hình như Trịnh Đình Vì (Tri phủ Khoái Châu – Hưng Yên), Đồng Ngọ (Tri phủ Tiên Lãng – Hải Phòng), Lê Cơ (Tuần phủ Hưng Yên), Lê Văn Mười (Chánh quản Bắc Ninh)…
Đến đầu thế kỷ XX, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ các trào lưu tư tưởng từ bên ngoài, các cuộc duy tân chống pháp bùng nổ khắp nơi. Đặc biệt sau phong trào chống sưu thuế sâu rộng ở Trung Kỳ và vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Thành làm cho số tù nhân là nhân sĩ, trí thức bị dày ra côn đảo ngày càng nhiều. Trong số tù nhân cóHuỳnh Thúc Kháng (hiệu Minh Viên, đậu giải nguyên năm 1900), Phan Châu Trinh (hiệu Tây Hồ, đỗ phó bảng năm 1901), Phan Thúc Duyện (hiệu Phong Thử đậu cử nhân năm 1900), Nguyễn Soạn (đậu cử nhân năm 1900), Lê Trọng Nhĩ (đậu cử nhân năm 1903), Ngô Đức Kế (đậu tiến sĩ năm 1901), Đặng Nguyễn Cẩn (đậu phó bảng năm 1895), Lê Văn Huân (đậu giải nguyên năm 1906), Đặng Văn Bá (đậu cử nhân năm 1900), Hoàng Văn Khải, Nguyễn Xứng (đỗ cử nhân năm 1906), Nguyễn Hữu Cầu (đậu cử nhân năm 1906), Nguyễn Quyền (đậu túc tài năm 1891), Trần kỳ Phong (đậu tú tài năm 1902)…
Từ sau khởi nghĩa Yên Thế, khởi nghĩa Thái Nguyên thất bại, nhà tù Côn Đảo xuất hiện thêm số tù nhân mới, trong số đó có nhiều trí thức vốn là đảng viên Việt Nam quốc dân Đảng và trí thức là hội viên Hội Cách mạng thanh niên. Trong số đó có Đình Bửu(cộng tác viên nhiều tờ báo tại Sài Gòn), Phạn Tuấn Tài (giáo học, sáng lập ĐạiĐồng thư xã), Hoàng Phạm Trân (sáng lập Nam Đồng thư xã), Nghiên Toản (tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Đông Dương), đặc biệt có một số trí thức cộng sản như Nguyễn Hới, Trần Xuân Độ, Tạ Uyên, Tôn Đức Thắng, Hà Huy Tập, Lê Đức Thọ, Tống Văn Trân, Tống Phúc Chiếu, Phạm Văn Đồng…
Đấu năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam thành lập, đánh đấu bước phát triển mới của phong trào giải phóng đân tộc cả chiều rộng, lẫn chiều sâu.Tiếp đó đến cuối năm 1939, khi thực dân Pháp tiến hành phát xít hóa bộ máy cai trị, thẳng tay đàn áp phong trào yêu nước. Hai sự kiện trên tỉ lệ thuận với sự gia tăng đàn áp của thực dân Pháp và số tù nhân là trí thức bị đưa ra Côn Đảo vì thế cũng tăng cao. Đặc biệt, từ sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và cuộc nội dậy ở Đô Lương Nghệ An… trở đi đến năm 1945, số lượng tù nhân bị Côn Đảo tăng mạnh. trong số đó có nhiều trí thức tiêu biểu bị đày ra Côn Đảo điển hình như Nguyễn Văn Cừ, Trần Xuân Độ, Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Dức Chính, Nguyễn Văn Xuân, Ngô Gia Tự, Phạm Hùng, Nguyễn Công Khương, Trần Quang Tặng, Lê Quang Sung, Nguyễn Chí Diễu, Lê Duẫn, Nguyễn Kim Cương, Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Trần Văn Giàu, Lê Hồng Phong, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo…
Như vậy,số tù nhân Côn Đảo tăng dần từ 1862 đến 1945. Ban đầu là 45 người, đến cuối năm 1930 số tù nhân Côn Đảo có khoảng 1992 người, năm 1936 là 2478 người[2], đến năm 1941 số tù nhân lên tới 4860 người, trong đó đó có nhiều trí thức bao gồm những sĩ phu, văn thân, trí thức Quốc dân đảng và nhiều trí thức cộng sản bị bắt trong các phong trào duy tân, khởi nghĩa, kháng chiến chống Pháp.
Ban đầu, nhà tù Côn Đảo chỉ là những lán trại mái tranh, vách nứa. Sau khi số tù nhân tăng lên và có những nhân vật tù “nguy hiểm”, “phải được giám sát hết sức nghiên ngặt với bất cứ giá nào”[3]thì nhà tù được xây bằng đá học, đá tảng, cửa sắt, có tháp canh và hệ thống chiếu sángbảo vệ. Từ năm 1862 đến đầu thế kỷ XX,nhà tù Côn Đảo vẫn chưa giam giữ riêng biệt giữa tù thường phạmvà tù chính trị phạm, tất cả đều giam chung ở các banh (sở tù) khoảng 80-100 người trong một khám chừng 60m2, hoặc bị giam riêng trong các hầm, xà lim (từ 1 đến 2 hoặc từ 5 đến 7 người), hoặc khu chuồng cọp[4].
Tất cả tù nhân, kể cả nhân sĩ, trí thức đều phải lao động khổ sai, nếu là trường hợp “đặc biệt nguy hiểm”thì đập đá ở trong banh, làm việc ở hầm xay lúa, số còn lại phải xuống biển mò san hô, lên núi khai thác đá, vào rừng lấy gỗ, hoặc làm ở các sở tù…
Khai thác san hô, theo qui định, mỗi ngày tù nhân phải bỏ ra 15 tiếng, mùa hè từ trưa đến nửa đêm; mùa đông từ nửa đêm đến trưa hôm sau. Họ đến bãi trước vịnh của đảo lớn, theo con nước đẩy thuyền ra cồn cách bờ khoảng 2km rồi ngụp lặn, đào, bẩy, xắn từng tảng lớn. Khai thác đá, tù nhân phải đến núi Chùa, khoan lỗ, nhồi thuốc nổi, đập nhỏ đá rồi khuân vác về nơi qui định. Khai thác gỗ, lấy củi, tù nhân phải đến những cánh rừng ở Đất Cuốc, Đá Trắng, Ông Câu, Bãi Bàng… chặt, đốn từ mờ sáng đến tối mịt rồi kéo gỗ ra bãi biển, kết bè chuyển về nơi tập kết… Số tù nhân may mắn hơn thì được làm việc ở các sở lúa, lưới, ruộng, đá, kéo cây, củi – chuồng bò, lò gạch, lò vôi, muối, bản chế, tiêu, rẫy, cỏ ống, hòa ni, bông hồng, ông lớn, ông dụng, ông đốc, vệ sinh, hay dọn tàu[5]… Hơn nữa, để tận lốt hết sức lao động của tù nhân, ngoài những công việc trên, tù nhân còn phải tham gia xây dựng cầu tàu, đường ven biển, cầu Ma Thiên Lãnh…
Ngoài giời lao dịch thật nặng nề, tù nhân bị nhốt trong các lao khám,bị tra tấn, đánh đập dã man, cùng với chế độ ăn uống lại kham khổ, hà khắc, với nạn sốt sét rừng hoặc bị chết do ngân mình dưới nước, bị đá dè, cây đổ… xẩy ra thường xuyên. Hơn nữa, chúng còn dùng bọn bọn anh chị, đại bàng, lưu manh tù thường phạmnhằm dằn mặt những trí thức yêu nước vốn chỉ biết bút nghiên, “dài lưng tốn áo”, làm hao mòn ý chí, tiêu diệt lực lượng yêu nước, lực lượng cách mạng.
Từ cuối năm 1939, cùng với chế độ hà khắc của nhà tù và sự đánh đập tù nhân dã nam của các cai ngục, là sự tăng nhanh của tù nhân làm cho các trại giam trở nên chật chội, bẩn thỉu, bệnh tật tràn lan, sốt rét, kiệt lỵ, ghẻ lở, hoại tử… Có lúc, nỗi ngày tù nhân chết vì bệnh tất lên đến 20 người. Nếu chỉ tính từ năm 1940 đến năm 1945 số tù nhân đã bỏ mạng tại nhà tù Côn Đảo vì bị tra tấn, bệnh tật lên tới khoảng 3000 người[6].Báo Dân Chúng viết tù nhân Côn Đảo, ‘họ chết mòn mỏi trong các nhà ngục không chống chọi nổi với bệnh lao, rét, kiết, với công việc nặng nề, với khô mục, gạo lứt”.Tuy nhiên, sự hà khắc, tàn bạo của chế độ nhà tù Côn Đảo không thể nào khuất phục được lòng yêu nước của tù nhân, đặc biệt là những trí thức yêu nước cách mạng Việt Nam.Mục tiêu độc lập dân tộc là lý tưởng không thể đổi của họ,“cả thân sĩ đến người dân, kẻ chết không nói, người còn mà được tha về , vẫn giữ được tấm lòng không thay đổi”[7].
Trí thức ở nhà tù Côn Đảo từ 1862 đến 1945 bao gồm trí thức phong kiến và trí thức tân học nhưng họ đều có một điểm chung là chống Pháp, giải phóng dân tộc. Người đời thường nói, “đâu có áp bức thì ở đấy có đấu tranh”, đối với những trí thức ở nhà tù Côn Đảo không chỉ đơn thuần như vậy, họ đứng lên cùng dân tộc chống sự xâm lăng của Pháp, đánh đổ áp bức, bót lột, thực hiện công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc trước khi trở thành tù nhân của Pháp. Do vậy, tại nhà tù Côn Đảo, mỗi người trí thức đề chọn cho mình một con đường đi, tạo nên nhiều cách thức chống Pháp khác nhau ngay trong nhà tù thực dân.
Đối với những trí thức phong kiến, điển hình như “Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Dương Thạc, Trương Bá Huy, Nguyễn Văn Thành… họ đều là những người trong khoa mục, danh sắc, há không biết người bội quốc là không nên theo. Nguyễn Thành thấy y đến nhà (ám chỉ Phan Bội Châu) bèn mời Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cùng nhau mật nghị…” con đường chống Pháp. Dù con đường cứu nước bất thành, bị giam cầm tại ngục tù Côn Đảo, nhưng họ vẫn “mở toang hai mắt trông trời đất” (Nguyễn Thành – hiệu Tiểu La, Tán tương quân vụ trong phong trào Cần Vương) để nhìn thấu“góc biển rừng hoang” (tú tài năm Trần kỳ Phong), nhìn thấu“biển Đông có một đảo, nổi tiếng rừng anh hùng”(giải nguyên Lê văn Huân). Dù đoàn roi, ngục tù, thân tàn, ma dại nhưng những nhà khoa bảng Việt Nam vẫn“không ngại tróc sương phơi khắp mái”(cử nhân Đặng Văn Bá), dù có chết “xương anh hùng không cần lựa chỗ” (tú tài năm Trần kỳ Phong).
Tại nhà tù Côn Đảo, họ vẫn tiếp tục kiên định chọn con đường chống Pháp cứu nước, quyết sống mái với kẻ thù nơi bị lưu dày. Cuộc nổi dậy của tù nhân Nguyễn Văn Nguyệt (28/6/1862);cuộc nội dậy của tù nhân Đoàn Văn Đang, Lê Văn Phương với lời thề “lột da bọn xâm lược, lấy da làm cờ, lấy máu nhuộn cờ” (2/1/1868); cuộc nổi dậy của 150 tù nhân giết chết tên sĩ quan Gaston Cabilic và 5 cai gục(28/8/1883);cuộc nổi dậy vượt ngục của 400 tù nhân Bắc Kỳ (17/6/1890) và các cuộc nổi dậy, vượt ngục liên tiếp diễn ra sau đó… là những ví dụ hùng hồn minh chứng cho khí tiết của những người trí thức tù Côn Đảo.
Vào đầu thế kỷ XX, trong giới trí thức tù nhân Côn Đảo xuất hiện một xu hướng đấu tranh chống Pháp mới,họ dùng văn thơ xướng họa để diện tả nỗi đau mất nước,và diễn tả những trằn trọc,băn khoan, suy tính về con đường cứu dân, cứu nước, giải phóng dân tộc. Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu bộc bạch“Sá lẽ bút thua gương được mãi, Ghê phen núi đổ bể vùi đi, Ai ơi! Muốn học thi tù nhé, Trong đảo Côn Lôn bạn thiếu gì”.Thi đàn Côn Đảora đời với hình thức văn thơ xướng họa có ý nghĩa lớn lao trong việc bồi dưỡng, rèn luyện chí khí, nuôi dưỡng hoài bão,“lưu huyết để chứa đầy bầu, gió mưa gắng sức gây nên chuyện, chống mặt cùng trông gặp hội sau”(cử nhân Đặng Văn Bá), phác thảo kế hoạch đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo sau Thi đàn Côn Đảo, một số trí thức Lê Văn Huân, Trần Hoàn, Ngô Đức Kế, Nguyễn Đình Kiêm, Cử Ngô nuôi ý định thành lập hội“Phục hưng Việt Nam” nhằm nghiên cứu, tìm hiểu những nguyên nhân thất bại của các hoạt động chống Pháp trước đây; tìm cách vượt ngục để liên lạc với Phan Bội Châu và những thành viên trong phong trào Đông Du nhằm mưu sự việc lớn. Dù sau khi ra khỏi tù và mãi đến năm 1924, hội“Phục hưng Việt Nam” mới được thành lập nhưng điều này minh chứng rằng, họ sự kiên định với những mục đích lớn mà họ đã lựa chọn. Đối với Phục hưng Việt Nam”, tuy chưa có đường lối hoạt động, đấu tranh cách mạng rõ ràng, nhưng có thể nói, đó là hội của những người trí thức yêu nước có xu hướng cộng sản và được nhiều nhiều nhà trí thức nổi tiếng tham gia điển hình như Tôn Quang Phiệt, Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn, Trần Phú, Hoàng Đức Thi, Lê Duy Điếm, Ngô Đắc Trì, Phan Huy Kiên, Trần Văn Tặng, Hà Huy Tập, Nguyễn Trác…
Đối với nhóm trí thức Quốc dân Đảng, với tư tưởng “thành nhân” trên con đường giải phóng dân tộc.Dù khởi nghĩa Yên Bái đã thất bại,thực dân Pháp tiến hành đàn áp phong trào trong biển máu. Tiếp đó, sự kiện Nguyễn Trọng Thạc (con trai Nguyễn Thiện Thuật), Cao Bá Phẩm và một số tù nhân Quốc dân Đảng xông vào đập chết Giám mục Simon và 2 lính mã tà, rồi bị chúa đảo tàn sát dã man,xả súng giết chết 80 tù nhân (2/1918).Tuy nhiên, nhóm trí thức Quốc dân Đảng vẫn không nung nấu, Phạm Tuấn Tài vẫn lãnh đạo tù chính trị âm thầm chuẩn bị cho các cuộc bạo động mới. Nếu chỉ xét trên phương diện tư tưởng “thành nhân” với phương thức bạo động mà họ đã chọn, thì họ chính là những trí thức có lập trường kiên định, vững vàng dù cái chết luôn luôn rầm rịch.
Đối với nhóm trí thức cộng sản, từ đầu năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập đã tác động mạnh mẽ trí thức tù nhân Côn Đảo. Họ nuôi ý định thành lập chi bộ Đảng nhằm lãnh đạo tù nhân đấu tranh chống đánh đập, hành hạ người tù, đói cải thiện chế độ lao tù. Trên cơ sở đó, hội cứu tế banh I được thành lập do Tôn Đức Thắng tổ chức. Tiếp đó, đầu năm 1932, những trí thức cộng sản thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại khám Chỉ tồn Banh I Côn Đảo. Với nhận thức, “ở Côn Đảo không thể bạo động cướp chính quyền được mà chỉ có thể tập hợp lực lượng, lãnh đạo đấu tranh bằng các hình thức lãn công, bãi công, tuyệt thực, đòi cải thiện chế độ lao tù”; “phải đấu tranh giành lấy quyền sống, không thể để cho bọn chúa ngục muốn làm gì thì làm”[8]. Sau khi thành lập tổ chức Đảng, những trí thức cộng sản đã đoàn kết anh em tù nhân, giáo dục họ tinh thần yêu nước, lý luận chính trị, truyền truyền, giác gộ binh lính, lãnh đạo tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù, đảo đảo khủng bố, đã đảo chế độ cầm cố, chống đánh đập tù nhân, đòi thả tù chính trị, đòi ấn xá cho tù thường phạm, tích cực liên hệ với các tổ chức Đảng ở đất liên và tổ chức vượt ngục.
Có thể nói, những trí thức tù nhân côn đảo đã biết nhà tù thành một trường đại học lớn, những tù nhân Côn Đảo được học đọc, học viết, học chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tại nhà tù côn đảo, tù nhân không chỉ dừng lại ở những bài học nêu trên mà họ còn được nghe giảng vềnhững vấn đề về xã hội Việt Nam;về Chánh cương vắn tắt, sách lược vấn tắt và luận cương chính trị của Đảng; về Tính chất và nhiệm vụ của cách mạng;Động lực chủ yếu của cách mạng;Sách lược đấu tranh cách mạng; Vai trò của giai cấp tư sản, giai cấp địa chủ;Sách lược phân hóa kẻ thù, tranh thủ đồng minh;Vấn đề bạo lực cách mạng, chuyên chính vô sản; Chiến tranh và cách mạng; Lý luận Mác – Lênin về cách mạng vô sản, chuyên chính vô sản;Đảng Lenin nít của giai cấp vô sản;Chiến lược và chiến thuật;Vấn đề nông dân, dân tộc và thuộc địa;Cách mạng tháng Mười ở Nga; Vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô;Tuyên ngôn Đảng cộng sản;Chống Duyrinh;Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa phê phán; Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản; Hai sách lược của Đảng Dân chủ xã hội;Nguyên lý chủ nghĩa Lênin;Những vấn đề của chủ nghĩa Lê Nin;Đất nước liên xô và cách mạng tháng Mười;Liên Xô gia nhập hội Quốc Liên (tiền thân của tổ chức liên hiệp quốc);Kinh tế chính trị của Lapidus;Văn học Việt Nam[9]; Văn học nước ngoài[10]…Tất cả còn đường bình luận, giảng giải đăng tải trên các tở báo Ý kiến chung, Người tù đỏ…của tù nhân Côn Đảo. Ngoài ra, những nhà trí thức còn dạy cho tù nhân Côn Đảo hát Quốc tế ca, Công nông binh, Hoàng phố, Cùng nhau đi hồng binh, Thanh niên xích vệ, La Jeune Garde, Au Devant De Lavie, Commune De Paris, ngân thơ Tố Hữu, diễn Kiều của Nguyễn Du, Người mẹ của Mac Xim Gooki, kể chuyện Tam Quốc, Thủy Hử…
Bằng sự kiên định, bản lĩnh, can trường với ý chí cách mạng sắt đá, những trí thức cộng sản đã biến Côn Đảo thành trường học, đào luyện tù chính trịthành những cán bộ cách mạng ưu tú có khả năng tập hợp quần chúng, lãnh đạo họ đứng cùng một trận tuyến chống lại cường quyền áp bức, giành quyền sống, quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Có thể nói, những trí thức tù từ Côn Đảo trở về đặc biệt là giai đoạn từ năm 1930 đến 1945, kể cả người được thả, vượt ngục[11], hay được chính quyền cách mạng đón về[12] họ đều trưởng thành vượt bật về lý luận, dày dặn kinh nghiệm trong công tác tổ chức, củng cố lực lượng, xây dựng cơ sở, đoàn kết quần chúng đấu tranh chính trị mít tinh, biểu tình, đình công, bãi công…Do vậy, sau khi trở về đất liền, trí thức tù Côn Đảo được tổ chức Đảng phân công nhận nhiệm vụ từ việc xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, các đoàn thể chính trị, xã hội, báo chí, phát thanh, văn hóa, văn nghệ, giáo dục, kinh tế kháng chiến… ở nội thành, nội thịtrong vùng tạm chiếm hay ở chiến khu, bưng biền, vùng giải phóng. Trong đó, một số trí thức đãtrở thành những cán bộ cấp cao của Đảng, của Nhà nước, của Xứ ủy, khu ủy, tỉnh ủy, và trở thành những cán bộ cách mạng ưu tú của các mặt trận kháng chiến điển hình như Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẫn, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Điểu, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Linh, Lê Thanh Nghị, Hà Huy Giáp, Trần Huy Liệu, Đào Duy Kỳ, Nguyễn Công Trung, Tôn Đức Thắng Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Mai Chí Thọ…
Có thể nói, trí thức Việt Nam là những con người kiên định, bản lĩnh, can trường với ý chí cách mạng sắt đá. Họ không dài lưng tốn áo, không yếu ớt về thể chất và ý chí, không dễ thay đổi, thiếu kiên định… như người ta thường tưởng. Nếu không kiên định với con đường chống Pháp, giải phóng dân tộc mà họ đã chọn họ đâu có thể vượt những ngày tháng khốn khổ ở nhà tù Côn Đảo với nhiều loại cực hình man rợ thời trung cổ mà thực dân Pháp đã áp dụng. Nếu không bản lĩnh thì họ đâu đám đối đầu với những tay anh chị giang hồ “đầu trộm, đuôi cướp” tù thường phạm trong các phòng giam, sở tù, hầm xay lúa, chuồng cọp… rồi khuất phục họ, cảm hóa họ, hướng dẫn, đưa họ bước vào con đường đấu tranh giải phòng dân tộc. Nều không bản lĩnh làm sao cảm hóa được những trí thức Quốc Dân Đảng từ bỏ tư tưởng cách manh động cải lương để gia nhập, sát cánh cùng người trí thức cộng sản thực hiện công cuộc kháng chiến cứu nước, cứu dân. Nếu không can trường với ý chí cách mạng sắt đá họ làm sao biến nhà trù đế quốc thành trường học đào tạo tù nhân, biến tù chính trị thành hạt nhân ưu tú trên các mặt trận kháng chiến trong cách mạng giải phóng dân tộc trước tai mắt của bọn chúa ngục, cai ngục và quan chức nhà tù đế quốc với những hình phạt nghê rợn. Khi đánh giá về điều này, DanienEmery, trong tác phẩm “Những người cách mạng Việt Nam và chính quyền thuộc địa ở Đông Dương” có nhận xét: “nhà tù chính là nơi tôi luyện bản lĩnh cho những người cộng sản”, “là nơi đào tạo cộng sản lớn nhất tại Đông Dương”[13].
* * *
Vai trò của trí thức tù Côn Đảo trong công cuộc kháng chiến chống xâm lược đã rõ: trí thức từ nhà tù Côn Đảo đến các mặt trận kháng chiến giai đoạn 1862-1945 đã làm sáng ngời những giá trị nhân bản nhất của con người Việt Nam. Họ là những con người kiên định, bản lĩnh, can trường, sắt đá với con đường, sự nghiệp giải phóng dân tộc mà họ đã chọn. Họ đã từ bỏ vinh hoa phú quí riêng, sẵn sàng hy sinh cả bản thân mình đểđau cùng nỗi đau của người dân, để nói những điều người dân không dám nói, để làm những điều mà người dân không thể làm. Họ chính là những người con ưu tú của đân tộc mà thế hệ trí thức Việt Nam hiện nay cần phải lấy làm gương học tập và vươn tới.
T HỒ SƠN DIỆP
Trường ĐH KHXH-NV ĐHQG TP.HCM
———————————————————————————————-
[1] . Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, tài liệu: Lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Côn Đảo (1862-1975), tr 66.
[2] . Theo báo cáo của thanh tra thuộc địa Bourgeois gavardin về tù nhân côn đảo ngày 01/5/1936.
[3] . Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, tài liệu: Lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Côn Đảo (1862-1975), tr 66.
[4] . Chuồng cọp được xây dựng vào năm 1940.
[5] . Tính đến năm 1930 tại nhà tù Côn Đảo có khoảng 18 sở tù.
[6] . Nhà Tù Côn Đảo 1862-1975, Tr 193.
[7] . Huỳnh Thúc Kháng trong “Thi tù tùng thoại”.
[8] . Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, tài liệu: Lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Côn Đảo (1862-1975),tr 118.
[9] .Đoạn tuyệt của Nhất Linh, Cô Tư Thung của Nguyễn Công Hoan, thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ…
[10] .Những tác phẩm nổi tiếng của coneille, Moliere, Alpred de Vigni, Victor Hugo, Alfred de Musset, E’mile Zola, Anatole France, Romain Rolland, HenriBartusse…
[11] .Từ năm 1930 đến 1936 có 3912 người vượt ngục, trong đó có 555 người về được đất liền, 3377 tù nhân bị bắt trở lại,từ năm 1921 đến năm 1936,có khoảng 650 tù chính trị được thả tự do
[12] Rạng sáng ngày 23-9-1945, tàu Phú Quốc, 25 thuyền cùng một chiếc ca nô do đồng chí Tôn Đức Thắng điều khiển đã nhổ neo đưa 1800 tù chính trị trở về đất liền cập bến Đại Ngãi (Sóc Trăng)
[13] . Daniel He’mery, Re’volutionnaires Vietnamiens et pouvoir colonial en Indochine, tr 188