Tiếng súng Thần công sau 147 năm trận chiến pháo đài Phước Thắng

(20/11/2013)

Ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân Vũng Tàu mở đầu cuộc chiến chống thực Dân Pháp ở Nam Kỳ (Tết Kỷ Mùi 1859), Lễ hội bắn súng thần công linh thiêng oai hùng tái hiện trên Bạch Dinh (Bảo Phước Thắng xưa) khai hội festival biển, đây được xem là một nghi lễ quan trọng tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Địa danh Vũng Tàu xuất hiện từ buổi đầu mở đất phía Nam, thời chúa Nguyễn. Năm 1776, Lê Quý Đôn viết cuốn Phủ biên tạp lục đã lưu ý về địa danh Vũng Tàu như một trung tâm giao dịch thông thương quan trọng của xứ Đàng Trong. Địa bạ Biên Hoà Minh Mạng thứ 17 (1836) của tổng An Phú, huyện Phước An cho biết, kế cận xứ Vũng Tàu còn có xứ Rạch Dừa. Tổng An Phú lúc này có 4 xã, 4 thôn, 1 phường và 3 thuyền Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam là cái nôi định cư đầu tiên của người Việt tại Vũng Tàu.

 Thuyền lúc đó là đơn vị hành chính, đứng đầu các thuyền là thuyền trưởng, thư đội trưởng chứ không phải là xã trưởng hay lý trưởng như các thôn khác. Đất của các thuyền này không có ruộng lúa, ruộng muối, thổ cư là các động cát, gò đồi rừng hoang. Dân các “thuyền” ở Vũng Tàu lúc bấy giờ chủ yếu sống bằng nghề vận chuyển đường thủy, chài lưới, , tổ chức này được quân sự hoá để làm nhiệm vụ tuần phòng bảo vệ vùng cửa biển, bảo vệ tuyến đường thủy, canh phòng trừ nạn hải tặc, kiểm soát tàu bè ra vào vịnh Gềnh Rái và cửa biển Cần Giờ. Thế chiến lược về kinh tế – quân sự vùng cửa biển cùng với các ngọn núi Tao phùng, Tương kỳ phục vụ tàu thuyền qua lại đã trở thành ưu thế tự nhiên của một cửa khẩu quan trọng, từ đó đã hình thành những đồn binh trong đó có Bảo Phước Thắng nhằm chống trả những cuộc xâm kích của bọn cướp biển, gìn giữ an ninh trong vùng.

 Bảo Phước Thắng nằm phía trên hòn Ngoạ Ngưu (có hình dáng giống con trâu nằm), ngay từ thời chúa Nguyễn tại đây đã lập lên những tuyến phòng thủ. Thời Gia Long (1802-1819) xây dựng đồn luỹ gọi là thủ Vũng Tàu. Năm Minh Mạng thứ 5 (1824) đổi tên làm thủ Phước Thắng (thủ Phước Thắng được ghi trong địa bạ xã Phước Tỉnh năm 1836. Tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) Vua sai quân dân Biên Hòa xây đắp pháo đài Phước Thắng bằng đá phía trên hòn Ngoạ Ngưu theo hình vọng nguyệt, chu vi 44 trượng 8 thước, cao 6 thước 3 tấc. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) đổi làm bảo Phước Thắng. Khi xây xong phía trước đồn đặt 6 khẩu súng đại bác cổ Hồng y, tả hữu mỗi bên đặt 2 cỗ Phách sơn, 1 cỗ Quá sơn, cắt đặt các đội lính đêm ngày canh giữ. Súng đặt hướng ra biển là hỏa lực bảo vệ Vịnh Hàng Dừa Bãi Trước và Vịnh Gành Rái. Điều này có nghĩa là Thành Phước Thắng có nhiệm vụ phối hợp với các thành lũy bên Cần Giờ và các pháo đài khác bố trí dọc sông Lòng Tàu bảo vệ tuyến đường thủy vào thành Gia Định.

Súng thần công khi đó hầu hết được đúc bằng kim loại: đồng, gang thép, nòng trơn không rãnh xoắn, thường đặt trên bệ cố định, chỉ hiệu chỉnh được tầm và chỉnh hướng chút ít nếu đặt trên những bệ có con lăn. Tầm bắn của súng rất hạn chế, hiệu quả khoảng từ 1200 mét trở lại. Tốc độ bắn chậm vì phải nhồi thuốc và nạp đạn từ đầu nòng. Đạn của súng thần công là những viên bi hình cầu trọng lượng khoảng 5kg, chất liệu là sắt, gang. Mỗi khi bắn, trước hết phải luồn dây ngòi qua lỗ mồi lửa cuối thân súng, sau đó nhồi thuốc phóng thật chặt vào cuối nòng súng rồi nạp đạn gang vào phía trên thuốc, khi châm ngòi phát hỏa dẫn lửa tới khối thuốc nhồi, năng lượng phát nổ sinh áp lực mạnh, tống viên đạn ra khỏi nòng súng bằng sức đẩy của thuốc nhồi hướng đến mục tiêu. Sức công phá không mạnh, song với trình độ thời bấy giờ thần công đã là một hỏa lực lợi hại có danh tiếng đối với nhà binh. Pháo Đài Phước Thắng được trang bị mỗi cỗ súng 100 phát gồm cơ số thuốc phóng và đạn, đồng thời phái một Suất đội, 5 pháo thủ và 40 biền binh thuộc tỉnh cùng với viên Trấn thủ canh giữ, mỗi tháng đổi phiên một lần. Trong trận chiến ngày 10 tháng 2 năm Kỷ mùi (1859) xảy ra, chỉ huy cao nhất tại Pháo đài Phước Thắng (theo chính sử nhà Nguyễn, Đại nam thực lục chính biên) là Lãnh Binh Bùi Thoả, võ quan đứng đầu lực lượng quân sự tỉnh Biên Hoà phối hợp cùng mặt trận Cần Giờ là Quyền Đề đốc Gia Định và mặt trận Gềnh Rái do Tuần phủ Biên Hoà Nguyễn Đức Hoan chỉ huy.

 Về diễn biến trận đánh, trước khi tấn công Cửa Hàn Đà Nẵng ngày 3 tháng 5 năm 1858 (tức 19 tháng 3 năm Tự Đức 11), thực dân Pháp đã cho một tên quan Tư và tuỳ tùng lấy cớ tới thăm đồn binh để thị sát. Ngoài ra, chúng cho người giả bộ theo những thuyền buôn lên đất liền để xin nước uống để dò la tin tức và thám sát.

Chiều ngày 29 Tết Kỷ Mùi (tức là ngày 1 tháng 2 năm 1859 ) quân viễn chinh gồm hơn 2176 tên lính thủy đánh bộ có 2 hộ tống hạm, 3 pháo hạm, 3 tàu vận tải và chiếc Thông báo hạm Y pha nho El cano. Trước đó ít hôm một pháo hạm đã hộ tống 4 tàu vận tải khác xuất phát, do trung tướng đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy đã xuống tàu chuẩn bị hành quân vào đánh Gia Định. Hai đoàn tàu đều nhằm hướng Vũng Tàu, điểm tập kết vào chiều tối ngày mồng 7 tết (9 tháng 2 năm 1859 ).

 Khi tới vùng biển Vũng Tàu lực lượng tác chiến hải quân Pháp đã triển khai đội hình chiến đấu. Hai mục tiêu công kích chính mà địch dự định là Đồn binh Bãi Trước và tòa thành Phước Thắng tọa lạc ở lưng chừng Núi Lớn, (vị trí Bạch Dinh ngày nay) từ mờ sáng mồng 8 Tết Kỷ Mùi, đại bác địch từ các chiến hạm đồng loạt nổ súng bắn chế áp dữ dội. Các xuồng chở lính thủy đánh bộ đổ quân tiến thẳng vào bờ biển Bãi Trước đánh chiếm toàn tuyến phòng ngự. Quân ta lập tức chống trả quyết liệt. Trong khi các pháo thủ của ta nã đạn vào các chiến hạm, tiến hành những cuộc đối pháo không cân sức, bộ binh ta phải đánh lùi những đợt xung phong của lính thủy đánh bộ Pháp nhằm chiếm giữ các trận địa pháo trên tòa thành Phước Thắng và đồn binh giữa Bãi Trước,Ý chí chiến đấu và lòng dũng cảm của những vệ binh bảo vệ Vũng Tàu đã kìm được chân đội quân xâm lược hùng hậu của một cường quốc phương tây lần đầu tiên tấn công vào Nam Kỳ làm cho địch bị tổn thương nặng. Cuộc chiến đấu ác liệt trên trận tuyến dài chưa tới 2 km từ thành Phước Thắng đến đầu dốc Núi Nhỏ diễn ra suốt ngày mồng 8 Tết với trên 2 nghìn binh lính Pháp, Lãnh binh Bùi Thoả buộc phải lui quân về đóng ở Bàu Tràm.

Lần đầu tiên ở Bà Rịa Vũng Tàu được tái hiện lại bắn súng thần công không chỉ phát hỏa khai hội mà còn bày tỏ lòng tri ân tưởng nhớ tới những người đã anh dũng hy sinh chống giặc giành lại hoà bình độc lập tự do và ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Sau khi chiếm được mục tiêu Vũng Tàu, Ghềnh Rái, Cần Giờ thực dân Pháp  tiếp tục vào công kích thành Gia Định. Mặc dù bị thất thủ nhưng tiếng súng mở màn tràn đầy khí phách tại pháo đài Phước Thắng ngày ấy đã trở thành dấu ấn quan trọng và là tấm gương đi đầu tiên phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân ta trong những ngày đầu kháng chiến. Trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và của Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng đã được lịch sử ghi lại bằng những sự kiện oai hùng, chứa chất đấy căm hờn từ máu và nước mắt của bao thế hệ cha ông.

 Sau sự kiện lịch sử 147 năm, vào 8 giờ ngày 11 tháng 4 năm 2006 súng thần công pháo đài Phước Thắng được tái hiện lại theo nghi lễ. Tham gia diễn hội gồm 20 pháo thủ dưới sự chỉ huy của một viên Suất Đội, được phục dựng và sân khấu hoá. Mở màn lễ hội, ba hồi trống trận vang lên, tiếp đó là lễ dâng hương trước bàn thờ linh thiêng đưa chúng ta vào xuất quân xung trận phá thành đầy khí thế hào hùng, sau động tác nhồi thuốc nạp đạn châm ngòi, khói lửa xịt trắng xoá bay lan tỏa cánh rừng bông sứ cùng với những tiếng nổ gầm vang xé tan khoảng không trên khuôn viên di tích Bạch Dinh trước sự chứng kiến của hàng ngàn người. 9 loạt bằng 18 phát đạn đã khai hội chào mừng Festival biển.

Bắn súng thần công sẽ được tái hiện lại trong ngày lễ Khai hội du lịch vào ngày 8 tết Đinh Hợi (2007) tại Mũi Nghinh Phong như một thương hiệu góp phần mở ra các hoạt động văn hóa du lịch mời gọi quan khách gần xa cùng ôn lại truyền thống hào hùng của vùng đất đã một thời danh tiếng./.

 Phạm Chí Thân

(Giám đốc Bảo tàng tỉnh BRVT)


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu