Tham luận tại Đại hội Hội Khoa học Lịch sử tỉnh BR-VT lần thứ II (10-2007)

(10/06/2020)

     CHI HỘI SỬ HỌC BẢO TÀNG
NGHIÊN CỨU VÀ TRUYỀN BÁ LỊCH SỬ

                                                                                                                  PHẠM QUANG MINH
Chi hội Sử học Bảo tàng BR-VT

     Kính thưa Đoàn chủ tịch
     Thưa các vị khách quý và toàn thể Đại hội
Được sự cho phép của Ban tổ chức Đại hội, thay mặt Chi hội Sử học Bảo tàng Tổng hợp Bà Rịa-Vũng Tàu chúng tôi trình bày tham luận: “Chi hội Sử học Bảo tàng với Nghiên cứu và Truyền bá lịch sử” nhằm góp thêm ý kiến và kiến nghị với Đại hội Hội Khoa học Lịch sử tỉnh lần thứ II.
Trước hết chúng tôi bày tỏ cơ bản nhất trí với báo cáo tổng kết hoạt động của BCH Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, sau đây xin bổ sung thêm một số ý kiến trên cơ sở thực tiễn hoạt động của Chi hội Bảo tàng.
Với bề dày lịch sử phát triển tạo dựng nên một vùng đất giàu đẹp nơi duyên hải Đông Nam bộ, xứ Mô Xoài xưa (nay là Bà Rịa-Vũng Tàu ) từ thế kỷ XVII đã là nơi khai phá, định cư đầu tiên trong cuộc Nam tiến vĩ đại của cha ông. Những di sản mà tiền nhân truyền lại cho đời sau không chỉ là văn hóa vật thể mà cả văn hóa phi vật thể. Đó là những chứng tích sống động của quá khứ, chứa đựng những giá trị truyền thống biểu hiện cụ thể của bản sắc dân tộc. Nhiều du khách đã thực sự bị hấp dẫn bởi lịch sử đầy chất anh hùng ca của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nhưng ngày nay, một bộ phận thế hệ trẻ lại không hiểu biết về lịch sử. Các bà mẹ trẻ phần nhiều không biết hát ru. Các hình thức văn hóa truyền thống như tuồng, chèo, cải lương…không mấy phát triển, lịch sử “truyền miệng” vì thế mà không còn. Thế nhưng với hệ thống các bảo tàng “những pho sử sống”- (lời Hồ Chủ Tịch), cùng các di tích lịch sử – văn hóa là những công cụ trực quan sinh động, cầu nối giữa quá khứ với hiện tại để đưa lịch sử đến với con em chúng ta. Vấn đề đặt ra là các nhà làm “giáo dục truyền thống” đã thực sự đánh giá đúng vai trò của lịch sử trong sự phát triển và trường tồn của dân tộc hay chưa.
Một thực trạng đáng buồn là tại các điểm tham quan di tích lịch sử-văn hóa hầu hết đều viết bằng chữ nho mà không có bản dịch sang chữ quốc ngữ nào. Do đó khi tham quan các di tích này chúng ta luôn có cảm giác là đang tham quan những di tích của nước ngoài. Điều này làm cho các di tích mất đi sự hấp dẫn đối với du khách và giá trị giáo dục lịch sử trực quan của nó. Thế mạnh của di sản văn hóa là truyền tải kiến thức giáo dục truyền thống đến khách tham quan trực tiếp thông qua các tài liệu hiện vật một cách trực quan sinh động. Nói cách khác là khách tham quan không biết là mình đang “bị” giáo dục bởi các giá trị văn hóa phi vật thể mà du khách đang chiêm ngưỡng.
Trải qua 30 năm kháng chiến chống xâm lược, Bà Rịa – Vũng Tàu từng nổi danh là vùng đất cách mạng kiên cường. Các địa danh đã để lại dấu tích của một thời hào hùng: Côn Đảo, Bình Giã, Lộc An, căn cứ Minh Đạm, Núi Dinh, địa đạo Long Phước, Hắc Dịch… Đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. So với nhiều địa phương trong cả nước, Bà Rịa – Vũng Tàu có tiềm năng du lịch nhân văn đặc sắc, bởi sự độc đáo và đa dạng của nó. Với hệ thống di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng kháng chiến, tiềm năng này có đủ điều kiện để khai thác, kết hợp với quảng bá trên nhiều phương tiện thông tin, đưa Bà Rịa – Vũng Tàu thành một trung tâm du lịch lớn và những địa chỉ đỏ của các tua du lịch về nguồn. Sức hút của Bà Rịa – Vũng Tàu với du khách sẽ là rất to lớn nếu hướng tới sự phát triển của du lịch văn hoá.
Những di tích có giá trị rất độc đáo như hệ thống nhà tù Côn Đảo với các Trại giam, Hầm đá, Chuồng cọp, Nghĩa trang Hàng Dương, các khu căn cứ kháng chiến, địa điểm chứng tích của những chiến thắng vang dội, di tích trường Văn Lương, trường học cách mạng giữa lòng địch, là tài sản vô giá của Bà Rịa – Vũng Tàu. Các di tích độc đáo nổi bật ấy nếu được khai thác có hiệu quả, có chất lượng chuyên môn sẽ tạo ra cho Bà Rịa – Vũng Tàu loại sản phẩm du lịch văn hoá của riêng mình. Dấu ấn đặc thù của sản phẩm du lịch này phải được thể hiện từ các di tích có một không hai ấy.
Nhận thức từ thực trạng trên, hoạt động trong đơn vị có chức năng nghiên cứu khoa học; Giáo dục, phổ biến khoa học lịch sử, trong nhiệm kỳ qua, Chi hội Sử học Bảo tàng đã tham gia các công việc:
– Trong chương trình nghiên cứu thời kỳ tiền sơ sử Bà Rịa-Vũng Tàu, đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Khảo cổ học tại thành phố Hồ Chí Minh tiến hành hàng chục đợt khảo sát, khai quật các di chỉ khảo cổ học tại Côn Đảo, Long Sơn, Tân Thành, Long Đất.
– Tổ chức khảo sát lập bản đồ các di chỉ khảo cổ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Lập Đề án “Nghiên cứu khai quật khảo cổ học tại Bà Rịa-Vũng Tàu 2004 – 2010”. Biên soạn 08 tham luận “Thông báo phát hiện mới khảo cổ học Bà Rịa- Vũng Tàu” báo cáo tại các Hội nghị Khảo cổ học toàn quốc.
– Xây dựng đề cương, makét và thi công dàn dựng trưng bày 45 phòng truyền thống cơ sở, 07 phòng trưng bày chuyên đề. Biên soạn Đề cương Chính trị và Đề cương Trưng bày Nhà Bảo tàng tỉnh (1.800 trang), đây là một công trình khoa học lớn, mang tính tổng hợp về lịch sử tự nhiên, lịch sử văn hóa và lịch sử xã hội của tỉnh với sự tham gia biên soạn của 19 tác giả, (trong đó có 08 giáo sư, tiến sĩ).
– Sưu tầm hàng ngàn hiện vật tư liệu hóa thời tiền sơ sử và nghề truyền thống của tỉnh. Xây dựng hồ sơ khoa học, đề nghị công nhận 04 di tích lịch sử, văn hóa.
– Tham gia các dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa.
– Tham gia giảng bài tại 04 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bảo tồn bảo tàng cho cán bộ Văn hóa cơ sở.
– Hoàn thành biên tập, phát hành 05 số tạp chí “Di sản Văn hóa Bà Rịa-Vũng Tàu ”.
– Thực hiện các đề tài khoa học “Di sản Hán Nôm trong Di tích lịch sử, văn hóa Bà Rịa –Vũng Tàu”; “Nghiên cứu Nghề truyền thống Bà Rịa-Vũng Tàu ”; “Nghiên cứu Lễ hội văn hóa dân gian Bà Rịa-Vũng Tàu ”; “Nghiên cứu kiến trúc dân dụng cổ tại Bà Rịa-Vũng Tàu ”.
– Biên soạn tài liệu thuyết minh các di tích và các phòng trưng bày chuyên đề, các bài viết khảo cứu về lịch sử của tỉnh. Hoàn thành hồ sơ Dự án “Điều tra, thám sát và sưu tầm khảo cổ học vùng lòng hồ Sông Ray”.
– Chi hội đã nghiên cứu phát hành tài liệu thuyết minh tuyên truyền, giới thiệu nội dung các di tích lịch sử, góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ và khách du lịch.
Trong 5 năm qua bằng những hoạt động thiết thực, Chi hội Sử học Bảo tàng tỉnh đã góp phần nâng cao kiến thức, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, nhân văn, đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch, tìm hiểu học tập của các tầng lớp nhân dân và du khách quốc tế. Phục vụ nội dung trưng bày Nhà Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan tại các di tích lịch sử văn hoá. Góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và khách du lịch cần coi trọng gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Trân trọng truyền thống lịch sử qua nhiều thế hệ đã khai phá, xây dựng và bảo vệ vùng đất này.
Các di sản lịch sử là chứng tích sống động, minh chứng cho quá khứ hào hùng nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Thế nhưng, vì chưa có Nhà Bảo tàng tỉnh để trưng bày, phát huy nên trên 21.000 hiện vật gốc quý hiếm đang còn để tại tầng hầm ẩm mốc, chưa biết đến bao giờ mới được đưa ra cho công chúng tham quan, học tập. Đến nay thế hệ trẻ vẫn chưa được biết các chứng tích để mà tự hào về thế hệ cha anh. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, hãy trân trọng những giá trị lịch sử văn hóa

Kính thưa toàn thể Đại hội
Nhân dịp tham luận tại Đại hội này, chúng tôi xin có một vài kiến nghị với Hội KHLS tỉnh như sau:
1. Để hoạt động có hiệu quả thiết thực, Hội Khoa học lịch sử tỉnh (KHLS) cần thực hiện tốt chức năng phản biện các sự kiện, nhân vật lịch sử thông qua các bài viết, tranh luận, hội thảo, toạ đàm…Hiện nay tại Bà Rịa – Vũng Tàu còn nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử chưa được làm sáng tỏ, hoặc chưa được kết luận chính thức. Ngay các sự kiện lịch sử thời hiện đại, cách nay mấy chục năm cũng chỉ được ghi vào sách sử một cách chung chung nói về những biểu tượng, những khái niệm nhiều hơn là nói về những con người và số phận của con người. Nói cách khác Hội KHLS tỉnh cần góp phần giải mã các sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu một cách chi tiết, cụ thể, khách quan hơn. Bằng các luận cứ khoa học, làm sáng tỏ và kết luận các sự kiện, nhân vật lịch sử của tỉnh còn nhiều ý kiến khác nhau.
2. Hiện nay đang có phong trào biên soạn lịch sử địa phương (ở các cấp tỉnh, huyện, xã), các ban ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội…Đây là việc rất nên khuyến khích nhằm cụ thể hóa lịch sử dân tộc một cách đầy đủ hơn. Nhưng điều đáng băn khoăn ở đây là hiện tượng một số cuốn sử được biên soạn sơ sài, sự kiện và con người được mô tả chung chung, bố cục nội dung giống nhau như một khuôn mẫu, cuốn sử viết sau hầu như sao chép lại của các cuốn trước. Dẫn đến khi sản phẩm xuất bản, phát hành thì chỉ giống như một loại tài liệu “lưu hành nội bộ”, ít được công chúng quan tâm đến. Nên chăng Hội KHLS tỉnh cần tham mưu cho cấp có thẩm quyền về qui chế biên soạn lịch sử và phản biện lịch sử, để mang bản sắc riêng của từng địa phương, từng ngành.
3. Về công tác đào tạo: Di sản Hán Nôm là một bộ phận quan trọng trong di sản văn hóa Bà Rịa – Vũng Tàu. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 600 đền chùa, miếu mạo, đình thần, từ đường có minh văn Hán Nôm với khối lượng lớn, đa dạng. Thế nhưng hiện nay phần lớn dân ta đều không thể đọc được và chữ thánh hiền của cha ông đã biến thành ngoại ngữ đối với đại đa số người Việt. Trước thực trạng trên Hội KHLS tỉnh nên phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp học, bồi dưỡng kiến thức về chữ Nho (Chữ Hán).
4. Hiện nay chúng ta chưa có hình thức thể hiện sinh động những nội dung lịch sử cho phù hợp với lứa tuổi, khiến lịch sử được học trở thành mớ kiến thức nặng nề, khô cứng với học sinh. Phải làm sao biến lịch sử thành nhu cầu của đời sống xã hội, của bản thân con người, cần có phương thức chuyển tải lịch sử phù hợp.
Nên chăng Hội KHLS tỉnh cần phối hợp với cơ quan chức năng trong tỉnh làm các banron vải treo tại các nơi vui chơi công cộng, hoặc các tấm biển gắn dưới biển tên đường phố, địa danh du lịch… nội dung ghi vài dòng trích ngang lịch sử nhân vật, sự kiện. Để mọi người dễ thấy, dễ đọc. Tổ chức các gamesow, các hội thi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm hiểu, truyền tải kiền thức lịch sử phù hợp với từng lứa tuổi.
5. Trận chiến đấu anh dũng tại pháo đài Phước Thắng (Vũng Tàu) chống lại liên quân Pháp-Tây Ban Nha ngày 10/02/1859 đã được ghi nhận là trận đầu tiên chống Thực dân Pháp xâm lược Nam kỳ. Đây là mốc son trong lịch sử đấu tranh của nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung (vì lúc đó Vũng Tàu thuộc Phủ Phước Tuy, địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay) và thành phố Vũng Tàu nói riêng. Thế nhưng sự kiện quan trọng đó chưa được tôn vinh xứng đáng. Hội KHLS tỉnh nên kiến nghị với Đảng bộ và chính quyền thành phố Vũng Tàu xây dựng công trình kiến trúc hoành tráng (tượng đài, phù điêu, đền thờ, bia ghi công…) nhằm nêu cao chiến công oanh liệt đó và tưởng niệm các nghĩa sĩ đã “vị quốc vong thân” (nhà ông Tư Thiên-Phước Hải, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh cũng chưa có hình thức tôn vinh xứng đáng). Trong khi tên của một số danh nhân, địa danh chưa được thẩm định xuất sứ rõ ràng lại được đặt tên đường phố.
6. Về Tổ chức Hội và Hội viên:
– Nên tổ chức các phân chi hội tại các chi hội có từ 15 Hội viên trở lên
– Thường vụ Tỉnh hội cần có văn bản thống nhất mức thu hội phí người/tháng, trích nộp (nếu có), các mục được chi từ hội phí (trách nhiệm thăm hỏi, phúng viếng…)
– Chú trọng hoạt động phần “hội” để tạo điều kiện giao lưu giữa các hội viên, chi hội và tạo sự gắn bó giữa hội viên với hội.

Xin chân thành cảm ơn các vị đại biểu đã chú ý lắng nghe. Xin kính chúc quý vị mạnh khỏe, thành đạt, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp. 


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu