Quy định tiêu chuẩn, trách nhiệm của cán bộ và người thực hành bảo quản hiện vật bảo tàng

(05/08/2020)

QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ VÀ NGƯỜI THỰC HÀNH
BẢO QUẢN HIỆN VẬT BẢO TÀNG

(ban hành kèm theo quyết định số 47/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 7 năm 2008 của bộ trưởng bộ văn hóa, thể thao và du lịch)

Phần I
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định tiêu chuẩn, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, người thực hành bảo quản hiện vật ở các bảo tàng (sau đây gọi chung là cán bộ bảo quản) trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Công tác bảo quản hiện vật bảo tàng

Công tác bảo quản hiện vật bảo tàng bao gồm:

1. Tổ chức kho.
2. Bảo quản phòng ngừa.
3. Bảo quản trị liệu.

4. Tư liệu hóa và xây dựng hồ sơ bảo quản.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổ chức kho là việc phân loại, bố trí và sắp xếp hiện vật đảm bảo tốt nhất việc bảo quản và bảo vệ hiện vật.

2. Bảo quản là hoạt động bảo vệ, giữ gìn, phòng ngừa và loại trừ các yếu tố gây hại hiện vật do thiên nhiên hoặc con người gây ra.

3. Cán bộ bảo quản là những người thực hiện công việc chuyên môn và đạt tiêu chuẩn được xác định ở Điều 2 và Điều 4 của Quy định này.

4. Kế hoạch bảo quản là những dự định về bảo quản phòng ngừa và bảo quản trị liệu bao gồm các đề án, chương trình ngắn hạn và dài hạn nhằm bảo quản, bảo vệ hiện vật.

5. Bảo quản phòng ngừa là các biện pháp được sử dụng để ngăn ngừa tối đa quá trình hủy hoại tự nhiên của hiện vật và tác động hủy hoại hiện vật do thiên nhiên hoặc con người gây ra.

6. Bảo quản trị liệu là các biện pháp khoa học và kỹ thuật được sử dụng nhằm loại trừ nguyên nhân gây hại và ổn định tình trạng hiện vật.

7. Tư liệu hóa và xây dựng hồ sơ bảo quản là việc ghi chép, mô tả chi tiết, chụp ảnh, quay phim về các biện pháp kỹ thuật, vật liệu, qui trình bảo quản hiện vật và lập hồ sơ khoa học của hiện vật.

8. Kiểm soát môi trường là hoạt động theo dõi và sử dụng các biện pháp kỹ thuật để tạo môi trường bảo quản ổn định cho hiện vật lưu giữ trong kho, trưng bày trong nhà, ngoài trời và trong quá trình di chuyển.

Phần II
CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Tiêu chuẩn của cán bộ bảo quản

1. Được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật bảo quản, hoặc được đào tạo chuyên ngành khác làm việc trong bảo tàng nhưng có chứng chỉ đào tạo chuyên môn bảo quản hiện vật.

2. Có phẩm chất trung thực, không vụ lợi.

3. Kiên trì, cẩn thận, khéo léo.

4. Có sức khỏe tốt, đủ điều kiện để tác nghiệp bảo quản.

Điều 5. Trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ bảo quản

1. Đề xuất phương án tổ chức kho, lập kế hoạch bảo quản để trình Giám đốc bảo tàng phê duyệt và chịu trách nhiệm trước các cấp có thẩm quyền về các phương án bảo quản hiện vật bảo tàng.

2. Đề xuất ý kiến về bảo quản, bảo vệ hiện vật bảo tàng liên quan đến thiết kế bảo tàng, thiết kế trưng bày, vật liệu và thiết bị trưng bày.

3. Hướng dẫn và kiểm soát hoạt động của các cán bộ, nhân viên khác trong bảo tàng khi tiếp xúc với hiện vật bảo tàng.

4. Sử dụng các biện pháp kỹ thuật theo đúng quy định để kiểm soát và đảm bảo môi trường ổn định cho hiện vật bảo tàng.

5. Tham khảo ý kiến tư vấn chuyên môn khi đề xuất các phương án bảo quản và khi thực hành bảo quản hiện vật bảo tàng.

6. Lựa chọn phương pháp, công nghệ tiên tiến và chất liệu, phù hợp để bảo quản hiện vật bảo tàng.

7. Tuân thủ đúng quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản hiện vật bảo tàng.

8. Khi thực hành bảo quản, phải đảm bảo các quy định về ứng xử với hiện vật bảo tàng theo phong tục, tập quán và tín ngưỡng có liên quan.

9. Luôn học hỏi, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, biện pháp kỹ thuật bảo quản với đồng nghiệp trong bảo tàng và trong ngành.

10. Được hưởng các chế độ, chính sách có liên quan đến nghề nghiệp theo quy định của Nhà nước.

Điều 6. Những việc cán bộ bảo quản không được làm

1. Không được thành lập sưu tập hiện vật riêng gây bất đồng lợi ích với bảo tàng.

2. Không sử dụng chức năng chuyên môn để tham gia tư vấn và mua bán hiện vật vì lợi ích cá nhân.

3. Không cung cấp, phổ biến các thông tin về hiện vật bảo tàng khi không được phép của các cấp có thẩm quyền.

Điều 7. Trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện

1. Cục trưởng Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy định này của các bảo tàng trong cả nước.

2. Giám đốc các bảo tàng có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn cán bộ và nhân viên bảo tàng thực hiện tốt Quy định này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện quy định không hợp lý hoặc có vướng mắc, Giám đốc các bảo tàng có trách nhiệm báo cáo về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (gửi về Cục Di sản văn hoá) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu