Pho tượng Phật đá cổ chùa Linh Sơn thành phố Vũng Tàu
Linh Sơn Cổ Tự là ngôi chùa khá lâu đời của dân làng Thắng Tam được cất bên triền núi Nhỏ – thành phố Vũng Tàu ngày nay.
Năm 1919 khi xây dựng sở dây thép và nhà hoa tiêu, chính quyền Pháp đã thỏa thuận với dân làng xuống núi, gần nhà làm việc của làng Thắng Tam, trên nền hoa viên (biệt thự) của người Pháp tên là Lhuureux. Ba nữ phật tử của làng Thắng Tam là Lâm Thị Thơm, Nguyễn Thị Xưa, Nguyễn Thị Tình là những người có công lớn đứng ra vận động xây lại chùa vách bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương. Năm 1959 Hòa thượng Thích Tịnh Viên dời toàn bộ ngôi chùa sang khu đất đối diện gần đình Thần Thắng Tam (nay đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Vũng Tàu) qui mô và khang trang hơn.
Tại chánh điện Linh Sơn Cổ Tự thờ một tượng Phật (Thích Ca Mầu Ni) bằng sa thạch cổ. Lịch sử pho tượng này được phát hiện tại khu vực Ghềnh Rái do dân chài từ huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi vào đây đánh bắt cá. Trong khi đi kiếm củi, tình cờ số ngư dân này phát hiện 2 pho tượng bị chôn vùi dưới đất, gần mép biển, bên triền núi Lớn khu vực Bãi Dâu. Nhận định của dân làng Thắng Tam cho rằng đây là những pho tượng cổ quý mà người Pháp muốn lấy cắp đưa về nước, trong khi chưa có cơ hội chuyên chở, nên đã cất giấu tại đây. May thay, khi phát hiện, dân làng kịp thời đến thương lượng và giữ được pho tượng lớn đưa về thờ tại tòa chánh điện Linh Sơn Cổ Tự. Còn pho tượng nhỏ hiện đưa về huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Tượng Phật Thích Ca Mầu Ni được chế tác từ đá sa thạch màu xám, cao 1 mét (nếu tính cả bệ là 1,18 mét) còn khá nguyên vẹn. Tượng tạc với thế ngồi thiền định, kiểu bán kiết già (Paryankasana). Đầu tượng cao 30 cm, trên đỉnh là nhục kháo, phía dưới thể hiện xoắn kiểu bụt ốc, vầng trán rộng và phẳng, đôi lông mày thanh mảnh hình bán nguyệt dường như giao nhau, mắt hờ khép nhìn xuống soi rọii nội tâm, sống mũi cao, cân phân với hai cánh mũi đều và hơi nở. Khuôn mặt đoan trang nhưng nghiêm nghị, đôi môi dầy đầy đặn thoáng mỉm cười, vành tai trong sâu và nổi thành gờ được chạm khắc theo phong cách tả thực, vành tai ngoài có thùy tai lớn chảy dài xuống gần tận bờ vai. Tượng được tạc với cổ hơi ngắn, ngực căng nổi, eo thắt, đôi tay thu đặt trên đùi, lòng bàn tay phải đặt ngửa chồng lên bàn tay trái, chân trái đặt chồng lên chân phải, bàn chân ngửa, cánh tay tròn lẳn, các ngón tay chạm khắc nổi rõ từng chi tiết. Áo cà sa hở một phần vai phải ôm và bó sát kín toàn thân, viền nổi hơi cong chạy từ đỉnh ngực trái kéo sang sát ngực phải. Xung quanh bệ tượng chạm khắc trang trí hình cánh sen cách điệu. Tượng Phật khá cân đối, hài hòa điêu khắc mỹ thuật, hoàn chỉnh và sắc sảo theo phong cách tiền Ăngkor, niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VII. Đây là một trong hai tượng cổ duy nhất cùng niên đại được bảo quản, lưu giữ tại thành phố Vũng Tàu, là hiện vật gốc quí hiếm, độc đáo.
Nhiều năm qua các nhà khảo cổ học đang tìm kiếm nghiên cứu những dấu tích kiến trúc cổ liên quan đến pho tượng cổ này, nhưng đến nay vẫn còn là khoảng trống. Sự hiện diện của pho tượng Phật Thích Ca Mầu Ni chùa Linh Sơn tại thành phố Vũng Tàu có ý nghĩa và giá trị lớn trong công tác nghiên cứu lịch sử điêu khắc, mỹ thuật, văn hóa cổ về Phật giáo sau công nguyên, góp phần bổ sung thêm nguồn tư liệu, hiện vật gốc quí hiếm trong tổng thể kho tàng di sản văn hóa vật thể của Nam Bộ nói chung và Đông Nam bộ nói riêng. Hiện nay Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp cùng Hội đồng giám định cổ vật quốc gia lập hồ sơ để đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia.
Tượng Phật cổ Thích ca Mầu Ni nay được bài trí trên bệ thờ tòa chánh điện chùa Linh Sơn cùng 12 pho tượng Phật khác hài hòa cùng công trình kiến trúc cảnh quan sân vườn, hồ ao sen, với những gốc sứ cổ thụ ngào ngạt thương thơm quyện vào không gian tĩnh lặng rộng, thoáng mát lộng gió quanh năm, đang là địa chỉ thu hút khá đông du khách và phật tử đến hành hương tham quan chiêm ngưỡng tại thành phố Vũng Tàu.
Phạm Chí Thân
___________________________________
Tài liệu tham khảo:
– Lý lịch chùa Linh Sơn – Tư liệu Bảo tàng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.
– Thông tin khoa học công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (số 6.1999) chuyên đề bảo tàng di tích.
– Lâm Mỹ Dung – Vết tích văn hóa cổ ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
– Huỳnh Minh – Vũng Tàu xưa và nay, NXB Cánh Bằng, Sài Gòn 1970.