Phát huy vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn, khai thác du lịch từ di sản văn hóa làng nghề vùng dân tộc thiểu số bản địa ở Đồng Nai

(29/03/2019)

Các làng dân tộc thiểu số bản địa ở Đồng Nai có những nghề truyền thống khá độc đáo và gắn liền với sự phát triển của cộng đồng trong nhiều thời kỳ. Thế nhưng, do nhiều tác động của xã hội, nghề truyền thống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị mai một. Chính sách của nhà nước nhằm phát triển kinh tế, xã hội cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, các làng nghề của đồng bào thiểu số được quan tâm trong bảo tồn và khai thác phát triển du lịch.

  1. Nghề truyền thống nhìn từ các làng dân tộc thiểu số bản địa ở Đồng Nai

Đồng Nai có hơn 30 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, các dân tộc Mạ, Chơ-ro, X’tiêng, Kơ-ho… được xem là những cư dân thiểu số, bản địa, có mặt từ lâu và tạo dựng nên những nét sinh hoạt văn hóa trong quá trình sinh tồn của vùng rừng núi phía Nam dãy Trường Sơn. Có nhiều yếu tố tác động đến đời sống của họ và làm ảnh hưởng đến những nét văn hóa truyền thống. Qua những biển chuyển, thay đổi, có những giá trị trong di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số bị mai một song cũng có nét văn hóa được bảo tồn.

Trong số những giá trị của di sản văn hóa của làng cộng đồng các dân tộc thiểu số, những nghề truyền thống được bảo tồn như nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, nghề rèn…Các nghề này được bảo tồn trong các hộ gia đình, trở thành sinh kế bên cạnh làm kinh tế bằng nương rẫy hay khai thác lâm sản. Những sản phẩm được khai thác, chế biến từ nguyên vật liệu tự nhiên của môi trường rừng núi phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của các cư dân này trở thành nét độc đáo, đa dạng cuốn hút khách tham quan từ các nơi khác.

Hiện nay, khó có thể nhận diện được một làng nghề thuần nhất, tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa ở Đồng Nai. Tính chất của buôn làng trước đây có nhiều thay đổi bởi chính sách quản lý, tập quán canh tác, điều kiện xã hội, môi trường sống xen cư với cộng đồng các dân tộc khác. Nghề truyền thống bị mai một dần hoặc còn duy trì nhưng không phổ biến. Có nhiều yếu tố tác động: nguồn nguyên vật liệu hiếm, đầu ra của sản phẩm khó khăn, giá thành sản phẩm không tương xứng với công sức thực hiện kỹ thuật thủ công…Và  đặc biệt, những nghệ nhân truyền nghề không còn nhiều và thế hệ trẻ không ham thích nghề bởi không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống cho chính bản thân.

Sự mai một các giá trị di sản văn hóa nói chung, nghề truyền thống tại các làng dân tộc thiểu số bản địa ở Đồng Nai là một thực tế. Thế nhưng, cũng dễ dàng nhận thấy được những nghề truyền thống vẫn còn được bảo tồn, duy trì trong các làng dân tộc thiểu số. Một số làng dân tộc thiểu số bản địa được đầu tư phát triển kinh tế xã hội, đã bảo tồn và khai thác làng nghề để cải thiện kinh tế hộ gia đình. Một số làng được khai thác những thế mạnh từ nét độc đáo của nghề truyền thống; trong đó, chủ yếu là nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, nghề rèn…

Có thể nhận thấy rằng, những giá trị từ di sản văn hóa của cộng đồng thiểu số bản địa trở thành một lợi thế để khai thác du lịch trong phát triển kinh tế của địa phương. Thế nhưng, vẫn còn những rào cản, hạn chế hay chưa có hướng đi đúng đắn, phù hợp để khai thác, phát huy chúng, đáp ứng cho nhau cầu của người dân tại chỗ cũng như trong chính sách phát triển của địa phương. Trong khai thác phát triển, một yếu tố quan trọng là con người của cộng đồng bản địa chưa được quan tâm đúng mức; đặc biệt, những nghệ nhân của cộng đồng.

  1. Vai trò của nghệ nhân đối với nghề truyền thống và tri thức bản địa trong làng cộng đồng dân tộc thiểu số ở Đồng Nai

Những nghề truyền thống của các dân tộc đứng trước nguy cơ mai một, mất đi. Nghề rèn dần biến mất trong cộng đồng tại các làng dân tộc thiểu số bản địa ở Đồng Nai. Các nghệ nhân cũng không còn hứng thú và duy trì bởi sản phẩm làm ra không tiêu thụ, chỉ đáp ứng nhu cầu rất ít của cộng đồng. Nghề đan lát được duy trì nhưng chỉ mang tính chất của công việc thời nông nhàn. Sản phẩm làm ra cũng chỉ đáp ứng cho nhu cầu của gia đình, chưa mang tính chất hàng hóa. Dệt thổ cẩm là một trong những nghề có số cá nhân, hộ gia đình còn duy trì hơn các nghề khác nhưng không nhiều. Sản phẩm thổ cẩm bị động trong tiêu thụ nên có nhiều hộ gia đình chỉ hoạt động cầm chừng, chỉ đẩy mạnh khi có những đơn đặt hàng từ nơi khác. Có thể nói, việc duy trì nghề truyền thống của các làng dân tộc thiểu số bản địa Đồng Nai hoạt động mang tính chất cầm chừng, thời vụ. Một số địa bàn được khai thác du lịch có khởi sắc bởi có điều kiện thuận lợi từ chủ thể khác nhưng chưa thể đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Chính vì vậy, những nghệ nhân cũng không thiết tha với duy trì nghề truyền thống là tất yếu. Tính chất truyền nghề  theo kiểu “cầm tay chỉ việc” từ các thành viên trong gia đình mai một dần. Nghệ nhân không còn thì nghề không còn như một quy luật nếu không có sự truyền dạy hoặc xảy ra những bí quyết của nghề ngày càng thất truyền.

Kinh nghiệm về nghề truyền thống, hệ thống tri thức của cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa ở Đồng Nai cũng bị mất đi do không còn nhiều nghệ nhân và không có môi trường sử dụng trong một thời gian dài. Môi trường xã hội thay đổi với những giá trị mới trong thể chế quản lý khác tập quán đã làm cho “luật tục” của cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa không còn phù hợp và dần quên lãng. Tri thức trong khai thác tự nhiên với các phương thức hái lượm, canh tác, săn bắn,…cũng như trong chăm sóc sức khỏe không còn được duy trì. Chính sách đóng cửa rừng, thay đổi tập quán và môi trường sản xuất, tiếp cận khoa học kỹ thuật đã làm biến chuyển mạnh mẽ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Vai trò của những nghệ nhân không còn được phát huy.

Bên cạnh đó, nhiều loại hình nghệ thuật của cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa ở Đồng Nai không còn được duy trì. Số nghệ nhân biết làm và diễn tấu các loại nhạc cụ, các điệu múa, bài hát dân gian không nhiều; trong khi lớp trẻ không còn hào hứng trước di sản văn hóa cộng đồng khi tiếp cận và thích thú với những loại hình sinh hoạt văn hóa đầy năng động và mới lạ, hấp dẫn. Trong quá trình tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc Mạ, Chơ-ro, X’tiêng ở Đồng Nai, số lượng người biết diễn tấu các loại nhạc cụ không nhiều, thậm chí những loại nhạc cụ như Đàn tre, Kèn môi, Kèn lúa số người biết và thuộc bài bản rất hiếm trong cộng đồng.

Những nghệ nhân là những người lớn tuổi, có uy tín, có kinh nghiệm và nắm giữ những nhiều tri thức liên quan đến quản lý xã hội, khai thác tự nhiên của cộng đồng. Một thời gian dài, những nghệ nhân mất đi trong lẽ sinh tồn của tự nhiên vì tuổi tác, bệnh tật…cũng hệ thống tri thức được hình thành và duy trì qua nhiều thế hệ bị quên lãng trong điều kiện, môi trường sống có nhiều tác động, sự biến chuyển so với môi trường truyền thống. Nhiều giá trị di sản văn hóa không còn được duy trì bởi nghệ nhân dần mất đi và đem theo những bí quyết, kinh nghiệm của ngành nghề, tri thức liên quan. Trong khi đó, lớp trẻ tiếp cận và thích ứng những giá trị trong xã hội mới, sao nhãng, xa dần và không còn hứng thú với những giá trị của xã hội truyền thống của cộng đồng. Vì vậy, khi cần bảo tồn hoặc khai thác di sản trong phát triển kinh tế xã hội tại các làng dân tộc thiểu số bản địa thiếu một nền tảng cơ sở. Vì vậy, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa không hề đơn giản chứ chưa nói đến việc phát huy hay đầu tư để khai thác triển du lịch.

  1. Nghệ nhân – vốn quý trong bảo tồn, phát huy, khai thác di sản văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số – góc nhìn từ Đồng Nai

Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung, ở Đồng Nai nói riêng có những bước chuyển biến tích cực; đặc biệt khi Việt Nam xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc từ cuối thập niên 90, thế kỷ XX. Trong đó, di sản văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số được quan tâm với những giải pháp cụ thể, đem lại những tín hiệu tích cực.

Trong cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa, già làng, nghệ nhân là vốn quý gắn kết cộng đồng trong quản lý và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Hiện nay, những nghệ nhân còn khiêm tốn. Trong số nghệ nhân, năm 2008, có hai người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian là già làng Nguyễn Văn Nổi (người Chơ-ro ở làng Lý Lịch, huyện Vĩnh Cửu), bà Ka Bào (người Mạ ở làng Tà Lài, huyện Tân Phú). Đây là hai nghệ nhân tiêu biểu hiểu biết sâu những tập quán, phong tục của cộng đồng và bí quyết của nghề làm rượu cần, diễn tấu cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm và góp phần quan trọng trong việc truyền trao kinh nghiệm, truyền dạy kỹ năng cho thế hệ trẻ.

Thời gian qua, thông qua nhiều nguồn kinh phí[1], các hoạt động liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa ở Đồng Nai có những kết quả khả quan. Việc mở các lớp truyền dạy theo cách truyền nối theo gia đình trong nghề dệt thổ cẩm của người Mạ, dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, trao truyền tri thức trong khai thác thiên nhiên để chế biến thức ăn, thuốc chữa bệnh dân gian, phục dựng lễ hội… trong cộng đồng Chơ ro. Số lượng cá nhân trong cộng đồng nắm bắt tri thức, nghề truyền thống được duy trì tạo nên sự hứng thú và quý trọng vốn di sản của cộng đồng. Từ kết quả lấy nghệ nhân chính từ cộng đồng làm nòng cốt, hạt nhân để trao truyền phù hợp với tập quán của cộng đồng đã tạo nên những cơ sở về con người để bảo tồn và sau đó đẩy mạnh phát huy. Từ lớp trẻ được truyền trao kinh nghiệm về tri thức, kỹ năng nghề truyền thống đã đem đến một nguồn thu nhập giúp cải thiện đời sống của cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa: thu nhập từ sản phẩm nghề, phục vụ sinh hoạt văn hóa của cộng đồng và trong khai thác du lịch. Một số dự án về bảo vệ môi trường, khai thác tự nhiên được hình thành từ kinh nghiệm truyền lại của nghệ nhân.

Đối với các làng đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, nghệ nhân không chỉ là người nắm giữ các bí quyết của nghề truyền thống mà còn am hiểu tập quán, luật tục trên nhiều phương diện, lư giữ những tri thức được đúc kết trong quá trình sinh tồn qua nhiều giai đoạn của cộng đồng. Vai trò của nghệ nhân rất quan trọng trong việc duy trì, phát huy các giá trị di sản. Có nhiều yếu tố tác động thuận lợi đến công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa  và khai thác du lịch tại các làng của cộng đồng cư dân thiểu số bản địa. Trong đó, nghệ nhân là vốn quý cần được quan tâm hơn nữa để làm cơ sở cho công tác bảo tồn và sau đó khai thác trong phát triển du lịch. Thật thú vị biết bao đối với du khách khi được những nghệ nhân thuyết minh, hướng dẫn tìm hiểu về văn hóa của buôn làng, được học hỏi, huấn luyện các kỹ năng khai thác tự nhiên, trải nghiệm tham gia làm các sản phẩm độc đáo của cộng đồng bằng những phương pháp thủ công.

Luật Di sản văn hóa Việt Nam[2] (điều26) có quy định cụ thể về chủ trương, chính sách của nhà nước đối với các nghệ nhân: Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Nghệ nhân không chỉ là người lưu giữ mà còn là báu vật sống, có nhiệm vụ truyền trao vốn quý di sản cho thế hệ tiếp theo. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp chính quyền quan tâm đến việc tôn vinh, đãi ngộ với nghệ nhân để góp phần trong công cuộc  bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Tiếc thay, cho đến nay, danh hiệu nghệ nhân dân gian vẫn chưa được cơ quan hữu trách của nhà nước thực hiện một cách đầy đủ. Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam là tổ chức tiên phong xét tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian[3] trong lĩnh vực văn hóa dân gian. Sự quan tâm của tổ chức Hội cũng chỉ đem lại kết quả nhằm tôn vinh trong một chừng mực nhất định. Song, bước đầu đã cho thấy đem lại một sinh khí cho những nghệ nhân để họ cống hiến, truyền trao những vốn quý cho cộng đồng.

Kết luận

Di sản văn hóa từ làng nghề các dân tộc đứng trước những nguy cơ bị mai một  do nhiều nguyên do. Trong khi đó, với xu thế trong phát triển hiện nay, những di sản văn hóa của cộng đồng người trở thành là một lợi thế, nét độc đáo trong khai thác du lịch. Các nghệ nhân – nguồn nhân lực quan trọng của các làng nghề cần được quan tâm hơn trong chính sách của thể chế quản lý, của địa phương để bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại chỗ. Hành lang pháp lý đã có và cần có những hành động cụ thể. Từ thực tiễn ở Đồng Nai, có thể nhận thấy rằng, những làng nghề của người dân tộc bản địa khi phát huy được vai trò của nghệ nhân sẽ đem lại hiệu quả trên nhiều mặt của xã hội: quản lý, bảo tồn và truyền trao vốn văn hóa truyền thống cho chính cộng đồng tại chỗ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nỗi truyền dạy cách diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ Chơ-ro

Nghệ nhân Ka Bào (thứ 4 từ phải sang, hàng đứng) trong lớp truyền dạy dệt thổ cẩm cho trẻ em Mạ

Ba Ka Bào, ông Nguyễn Văn Nổi được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam
trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2008

  Ths. Nguyễn Thu Hà 

————————————————————

Tài liệu tham khảo:

  1. Chi hội Văn nghệ Dân gian Đồng Nai (2006).Báo cáo thực hiện dự án “Truyền dạy nghề dệt thổ cẩm Mạ ở Tà Lài huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
  2. Chi hội Văn nghệ Dân gian Đồng Nai  (2009). Báo cáo thực hiện dự án Dự án “Bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể – loại hình truyền dạy cồng chiêng của người Chơro tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu”.
  3. Chi hội Văn nghệ Dân gian Đồng Nai (2013). Báo cáo thực hiện dự án Dự án “Khôi phục, bảo tồn lễ cúng lúa mới (Sayangva) của người Chơ-ro ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh  Đồng Nai”
  4. Phan Đình Dũng, Nguyễn Thanh Lợi (2010),Hỏi đáp về Biên Hòa – Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.
  5. http://hoivannghedangianvietnam.vn

[1] Dự án “Truyền dạy nghề dệt thổ cẩm Mạ ở Tà Lài huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai” do Quỹ hỗ trợ bảo tồn nghệ thuật văn hoá dân gian của Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam tài trợ (CEEVN) năm 2006. Dự án “Khôi phục, bảo tồn lễ cúng lúa mới (Sayangva) của người Chơ-ro ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh  Đồng Nai” năm 2013. Dự án “Bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể – loại hình truyền dạy cồng chiêng của người Chơro tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu” do Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tài trợ năm 2009. Dự án “Kiến thức địa phương của người Chơ Ro trong việc quản lý lâm sản ngoài gỗ giúp nâng cao đời sống của họ và cải thiên tài nguyên đa dạng sinh học” của UNESCO năm 2010.

[2] Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi và bổ sung năm 2009) và một số văn bản có liên quan (2009), Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr 41.

[3] Quy chế được ban hành tháng 6 năm 2002. Trong đó, mục đích, tiêu chuẩn, nghĩa vụ được nêu rõ: Tôn vinh tài năng sáng tạo, công lao giữ gìn, thực hành truyền dạy giá trị, kỹ năng, bí quyết của văn hoá – văn nghệ dân gian các tộc người Việt Nam. Nắm giữ và thực hành ở trình độ cao những giá trị, kỹ năng, bí quyết văn hoá – văn nghệ dân gian. Sẵn sàng và có khả năng truyền dạy toàn bộ hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu