Những vị thần được tôn thờ tại đình Hắc Lăng, xã Tam Phước, huyện Long Điền
Trong ngôi đình tại Bà Rịa -Vũng Tàu thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Thần Thành Hoàng là thần thành luỹ và hào luỹ, nói chung là thần phù hộ cộng đồng cư dân sống trong một khu vực. Thần Thành Hoàng có chức năng phù hộ cuộc sống của người dân về mặt tinh thần lẫn vật chất. Ngài là đại diện Thượng Đế, ngự trị ở mỗi địa phương. Nhiều ngôi đình tại Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng từ những năm cuối thế kỷ thứ XVIII, các chúa Nguyễn (từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Khoát hoặc Nguyễn Phúc Thuần) đưa các danh nhân có công với đất nước vào thờ tại các đình, đền.
Tại đình Hắc Lăng ngoài việc thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh thì những vị thần được tôn thờ là ai ? chúng ta tìm hiểu khảo sát nghiên cứu thực tế tại nơi này. Đình Hắc Lăng thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, hiện nay sắc phong thần Thành Hoàng xã Hắc Lăng (huyện Phước An) ghi ngày 29-11 Tự Đức thứ năm (8-1-1853) mỹ tự Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi thần, giống như các địa phương khác trong tỉnh Đồng Nai, ngoài ra còn có danh nhân Châu Văn Tiếp là vị thần chính tự tại ngôi đền. Ông là người Phú Yên nhưng đã nhập tịch ấp Hắc Lăng, là tướng dưới quyền Lưu Thủ Tống Phước Hiệp (Dinh Long Hồ) sau được chúa Nguyễn Phúc Ánh trọng dụng. Năm Giáp Thìn (1784) ông làm Bình Tây Đại Đô Đốc, điều bát các quân, theo chúa từ Xiêm La trở về đến Mân Thích thì tử trận. Thi hài ông an táng tại Mân Thích, năm Giáp Dần (1794) chúa Nguyễn cho lập đền thờ ông tại đây. Đến đời Gia Long, thi hài ông được cải táng đưa về Hắc Lăng. Ông được truy phong nhiều tước vị, triều đình cho lập đền thờ tại Hắc Lăng, ban cho một chiếc ỷ thờ chạm con giao long sơn đỏ. Đền thờ này gọi là Châu Quận công từ, vì không có người thừa tự nên việc thờ cúng giao cho người em gái ông là Châu Thị Đậu. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1832) ông lại được truy phong Tá Vận Công Thần đặc tấn Tráng võ Tướng Quân Tả Quân Đô Đốc phủ Chưởng Phủ sự, Thái Bảo, cải thuỵ Tráng liệt, phong Lâm Thao Quận công (Tờ chế phong của Minh Mạng và chiếu ỷ của Gia Long ban hiện còn). Đến đời Pháp thuộc, theo phong trào tôn thờ danh nhân năm 1936 (Bảo Đại thứ 10) Quận Công Châu Văn Tiếp được phong Đoan Tú Dực Bảo Trung Hưng tôn thần (bậc hạ đẳng), sắc cấp cho thôn Tân Long Hội tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Tân Long Hội huỵên Mân Thích tỉnh Vĩnh Long).
Đại Nam nhất thống chí, mục Từ miếu tỉnh Biên Hòa cho biết tại thôn Hắc Lăng, huyện Phước An có Diên Công từ[1] thờ Khai Biên Công Thần, truy tặng Chưởng Cơ, Diên Lộc hầu họ Nguyễn, có ghi vào tự điển (tức được phong thần và được phép cúng tế). Ngôi đền này tồn tại đến năm 1909 Nguyễn Liên Phong lầm tưởng Nguyễn Diên là Nguyễn Phước Trưng (thực tế trong số công thần chúa Nguyễn hoặc công thần triều Nguyễn không có Nguyễn Phước Trưng).
Nguyễn Diên là một danh tướng đời chúa Nguyễn Phúc Tần. Năm Giáp Dần (1674) Nặc ông Đài Tâm giết cha, đuổi Nhị Vương, tự xưng làm vua. Nặc ông Đài kéo quân xuống chiếm Gia Định, đấp luỹ chống lại nhà nước Đại Việt. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Dương Lâm làm Thống Suất, Nguyễn Diên làm Tham Mưu, từ Nha Trang kéo quân vào. Nguyễn Diên lập kế, xua quân đánh chiếm đồn Hưng Phước (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) rồi cố thủ, chờ quân Nguyễn Dương Lâm đến, nội công ngoại kích. Quân Đại Việt chiến thắng, xua quân chiếm lại những nơi đã bị quân Nặc ông Đài chiếm. Chúa Nguyễn rất mừng, đổi tên làng Hưng Phước thành làng Phước Tứ. Thế nhưng sau trận này Nguyễn Diên vì lao tâm lao lực bị bệnh mất, được truy tặng Câu Kê, dân địa phương mến mộ, lập đền thờ ông tại Bà Rịa. Người Chân Lạp thấy hiển linh lập đền thờ ông tại Mỹ Tho.
Đến đời Minh Mạng, Nguyễn Diên được truy tặng Khai Biên Công Thần, Chương Cơ, Diên Lộc hầu. Ông được Minh Mạng phong Chiêu Dũng Thuận Chính Trung Đẳng Thần. Dần dần đến đời Tự Đức mỹ tự là Chiêu Dũng Thuận Chính, Tương Vũ Linh Cảm, Quang ý Trung Đẳng thần (sắc ghi ngày 29-11- Tự Đức thứ năm cấp cho xã Hắc Lăng). Còn đền thờ Nguyễn Diên ở Mỹ Tho hiện nay chưa tìm được tông tích. Thế nhưng tại chợ Bưng (thôn Long Hội Tây) xưa kia gần sóc Mỹ Tho của người Khmer, nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có ngôi mộ tướng Nguyễn Hữu Diên. Còn đây là một hoặc hai nhân vật thì chưa xác minh được, tại miếu Hội đồng Định Tường và miếu Hội đồng Vĩnh Long có hai đạo sắc Trung Đẳng thần, tương tự như đạo sắc tại Hắc Lăng hiện nay. Theo tài liệu của ông Huỳnh Văn Bộ, vào năm 1972 ở Bà Rịa có phong trào đưa danh nhân vào đình thờ, nên Nguyễn Hữu Dực được thờ tại đình Hắc Lăng. Nguyễn Hữu Dực có lẽ là Nguyễn Văn Dực. Theo Đại Nam Liệt truyện ông người huyện Phước An (tức vùng Bà Rịa – Vũng Tàu). Nguyễn Văn Dực từng theo chúa Nguyễn ánh chạy qua Vọng Các, làm quan đến Tổng Nhung Cai Cơ Tiền Quân. Năm Canh Tuất (1802) ông theo Lê Văn Quân đánh Bình Thuận bị bệnh mất tại quân thế. Đến đời Gia Long được truy tặng Chưởng Cơ, được thờ tại miếu Hiển Trung và miếu Trung Hưng Công Thần. Theo cách kiêng tên thời xưa thì Nguyễn Diên và Nguyễn Văn Dực đều được truy tặng Chưởng Cơ. Đến đời Bảo Đại năm thứ 11 (1937) Nguyễn Văn Dực (tức Nguyễn Hữu Dực) được phong Trung Đẳng Thần theo phong trào Phong thần các công thần triều Nguyễn.
Như vậy đình Hải Lăng đã thờ bốn vị thần là Quận công Châu Văn Tiếp thần Hoàng Thành Bổn Cảnh, Chưởng cơ Nguyễn Diên và Chưởng cơ Nguyễn Văn Dực (Nguyễn Hữu Dực), chớ không thờ phải thờ ba vị thần như hiện nay lầm tưởng.
[1] Hiện tại đền thờ Châu Quận Công còn một tấm biển đề ba chữ “Diên Công từ” do tri Sự phủ Phước Tuy là Hồ Thiên cúng năm 1844 đời Thiệu Trị
Đức Anh