NHỮNG GIẢI PHÁP XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG BÀ RỊA VŨNG TÀU

(12/04/2021)

Do đặc điểm về tự nhiên, kinh tế và yêu cầu phát triển nên từ năm 1975 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã trải qua nhiều lần thay đổi về mặt địa lý hành chính: Các huyện thị thuộc tỉnh Đồng Nai (1975 – 1979), thành lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo thuộc Trung ương (1979  – 1991). Năm 1991, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập với địa giới hành chính như hiện nay. Mỗi giai đoạn đều có đặc điểm và dấu ấn riêng, đạt được những kết quả nổi bật, ấn tượng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ Bà Rịa – Vũng Tàu xác định cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp và từng giai đoạn phát triển có điều chỉnh qua các kỳ Đại hội cho phù hợp với điều kiện và tiềm năng của tỉnh. Đến Đại hội VI nhiệm kỳ (2015 – 2020), cơ cấu kinh tế được xác định là công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần và du lịch.

Trong cơ cấu kinh tế, nổi bật là kinh tế biển với nghề đánh bắt hải sản, cảng biển, Logistic biển, du lịch biển, khai thác dầu khí. Hệ thống cảng nước sâu Cái Mép, Thị Vải được khai thác và phát triển phục vụ dịch vụ vận tải biển. Tiềm năng về du lịch được khai thác đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh. Với các khu công nghiệp tập trung, Bà Rịa – Vũng Tàu được xếp vào vị trí các tỉnh, thành phố có sức hấp dẫn các nhà đầu tư và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Kinh tế của tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, có tiềm lực vững mạnh.

Từ những lợi thế trên, bản thân tôi đề xuất giải pháp:

  1. Về kinh tế:

– Cảng và dịch vụ hậu cần cảng biển: Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hệ thống cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược biển và là kinh tế chủ đạo, khâu đột phá thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

– Phát triển đánh bắt, chế biến, nuôi thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa tỉnh nhà trở thành Trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Đông Nam Bộ. Thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển tàu cá khai thác xa bờ

– Tạo sản phẩm chất lượng cao, xây dựng thương hiệu uy tín trong Chế biến, xuất khẩu: Toàn tỉnh hiện có 419 doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản công suất 250.000 tấn/năm xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Nga… kim ngoạch đạt 350 triệu USD/năm.

  1. Về văn hóa, xã hội:

Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có nhiều tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng (rừng, biển, núi, đảo…), tài nguyên về nhân văn xã hội (Đình, Chùa, Miếu, Dinh, các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, lễ hội các dân tộc…) Cần tập trung đầu tư các nguồn tài nguyên đa dạng này (Trùng tu, khai thác phát huy hiệu quả giá trị các di tích  lích sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh….) để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân.

Tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên: Đường bờ biển dài uốn lượn quanh các ngọn núi với bãi cát thoai thoải và nước biển xanh tạo nên nhiều bãi tắm đẹp (bãi Trước, bãi Sau, bãi Hồ Tràm, hồ Cốc, Long Hải, bãi Đầm Trầu…) và các resort cao cấp phục vụ cho du lịch giải trí, nghỉ dưỡng, khám phá, thể thao biển. Vườn quốc gia Côn Đảo với hai hệ sinh thái rừng và biển độc đáo, đa dạng và phong phú về hệ động thực vật thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, khám phá đại dương (lặn biển, câu cá, ngắm san hô). Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu với đặc trưng là rừng ven biển, có suối nước nóng Bình Châu nhiệt độ lên tới 80oC, nhiều khoáng chất hữu ích thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh.

Tài nguyên về nhân văn xã hội: Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi hội tụ và giao lưu giữa các cộng đồng dân cư tạo nên sự đa dạng về văn hóa, đặc trưng nổi bật là văn hóa biển. Các lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển được duy trì, phát triển như Lễ hội Nghinh ông (Đình thần Thắng Tam, Phước Hải, Phước Tỉnh), lễ hội Nghinh Cô (Dinh Cô – Long Hải), Lễ Trùng Cửu (Tín ngưỡng ông Trần), Lễ hội Sa Yangva (thần Lúa) và Sa Yangri (thần Rừng) của đồng bào Chơ Ro… thu hút rất đông du khách về tham gia, hành hương.

Tỉnh có nhiều di tích lịch sử – văn hóa nổi bật là Bạch Dinh, Đình thần Thắng Tam, Dinh Cô, Trận địa pháo cổ núi Lớn, nhà lưu niệm anh hùng Võ Thị Sáu; căn cứ Minh Đạm… luôn sẵn sàng phục vụ khách tham quan tìm hiểu về văn hóa, lịch sử địa phương và du lịch tín ngưỡng tâm linh. Đặc biệt, di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo nơi thu hút hàng trăm ngàn du khách đến tham quan về nguồn, tri ân mỗi năm./.

 

Tác giả: Trần Anh Thiện


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu