Những cuộc vượt vượt ngục của tù chính trị Côn Đảo thời cai trị của thực dân Pháp

(06/08/2020)

Hơn một thế kỷ tồn tại của nhà tù Côn Đảo đã có hàng trăm vụ nổi dậy, vượt ngục của hàng ngàn lượt tù nhân. Có những vụ vượt ngục đã để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ trong lịch sử nhà tù Côn Đảo.

Từ năm 1862, thực dân Pháp xây dựng tại Côn Đảo một nhà tù nổi tiếng nhất ở Đông Dương, dành riêng cho những người tù được coi là “nguy hiểm”, đặc biệt là tù chính trị. Côn Đảo nằm giữa biển khơi, cách xa đất liền hàng trăm cây số, không có dân cư. Tù nhân hòan tòan bị cô lập khỏi xã hội và phong trào đấu tranh cách mạng, muốn vượt ngục trở về đất liền sẽ gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Trước hết, họ phải thóat ra được khỏi khám giam, vượt qua bức tường đá dày, cao 3-4 mét phía trên cắm đầy mảnh chai sắc nhọn, những hàng rào dây kẽm gai và hệ thống bố phòng hết sức nghiêm ngặt của địch. Tiếp đó, họ phải trốn lên núi hoặc vượt qua các vũng biển rộng lớn đầy cá mập, ẩn náu tại các hòn đảo nhỏ hoang vắng với điều kiện sống rất khắc nghiệt, hiếm nước ngọt và thức ăn. Việc cuối cùng khó khăn nhất là làm sao vượt biển trở về đất liền, trong khi họ luôn bị địch săn đuổi truy lùng ráo riết.

Ở Côn Đảo tù nhân muốn vượt biển phải chờ đến mùa gió chướng (là gió Đông Nam thổi từ biển vào đất liền, thời điểm có gió từ tháng 10 năm này đến tháng 4 sang năm). Lợi dụng sức gió đẩy thuyền mới có thể về được đất liền. Do đó, ngòai phương tiện, nước ngọt, lương thực thì gió chướng là yếu tố quan trọng nhất cho mỗi cuộc vượt ngục. Khi thả thuyền xuống biển, nếu gặp được gió chướng thổi mạnh và thuận lợi thì có thể 1 ngày 1 đêm là vào tới đất liền. Nếu may mắn dạt được vào bờ biển một số vùng giải phóng thuộc Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang…(Nam Bộ) hoặc Phan Rang, Phan Thiết (miền Trung). Nhưng có thể trôi lạc sang Mã Lai, Thái Lan hay tận Trung Quốc. Phải vượt hàng trăm cây số trên biển, nhưng người tù vượt ngục chỉ có một chiếc thuyền thô sơ đóng vội, một ít nước ngọt và thức ăn khô. Đồng hành với họ trên đường vượt biển đầy phiêu lưu mạo hiểm là cái chết và hàng lọat thử thách, rủi ro hết sức ngặt nghèo. Phần lớn tù nhân vượt ngục bị địch phát hiện bắt lại và bị hành hạ vô cùng dã man. Một phần thóat được ra biển bị bão táp và sóng lớn đánh vỡ bè chết chìm dưới biển ; Hoặc gío tắt bất ngờ, bè bị trôi trên biển cả mêng mông, mất phương hướng, hết nước ngọt, lương thực, chết dần chết mòn, kiệt sức bị sóng cuốn đi mất tích ; Hoặc bè thấm nước có nguy cơ bị vỡ, nhiều người phải nhảy xuống biển tự nguyện hy sinh, nhường sự sống cho đồng đội, đồng chí của mình, hy vọng họ trở về được đất liền. Chỉ một phần rất nhỏ dạt được tới bờ biển nào đó, nhưng lại bị mạng lưới truy lùng của địch bắt lại ngay tại chỗ…Thực tế cho thấy, cứ hàng trăm cuộc vượt ngục thì chỉ có 1 hoặc 2 vụ thành công. Đối với người tù chính trị Côn Đảo, vượt ngục thực sự là cuộc đấu tranh sinh tử, chạy đua với tử thần, đi vào chỗ chết để tìm sự sống. Thế nhưng, dù phải chịu đựng những hình phạt man rợ, nhiều tổn thất hy sinh cũng không ngăn được ý chí, quyết tâm vượt ngục của người tù, nhất là những người tù cộng sản, với khát vọng thôi thúc thóat khỏi nhà tù để trở về đất liền tiếp tục họat động cách mạng.

Tại nhà tù Côn Đảo, hấu hết các cuộc vượt ngục diễn ra ở các kíp tù và tù nhân làm khổ sai ngòai trại giam thuộc Sở Lưới, Sở Rẫy, Sở Chỉ Tồn, Sở Củi…Phải làm khổ sai vô cùng nặng nhọc, nhưng họ cũng có những điều kiện và cơ hội để tổ chức vượt ngục hơn những tù nhân hàng ngày bị biệt giam trong xà lim, hầm đá, chuồng cọp, chuồng bò.

Để chuẩn bị vượt ngục, khó có thể nói hết những gian khổ hy sinh mà người tù đã trải qua, trong đó chuẩn bị phương tiện vượt biển là một công việc hết sức công phu, tỉ mỉ, kỹ lưỡng, lâu dài và vô cùng nguy hiểm. Thông thường người tù Côn Đảo vượt ngục bằng mọi phương tiện tự chế tạo được như : bè tre, bè bằng thùng phuy kết lại, thuyền nan tre, thuyền khung mây bọc vải, thuyền ván. Đó là những phương tiện thô sơ, đơn giản có nhiều hạn chế khi vượt biển đường dài mà những người tù đã phải đánh đổi biết bao nhiêu mồ hôi và xương máu mới có được. Ngòai ra, tù nhân chính trị còn tổ chức chiếm sà lan, canô, thuyền gắn máy của địch để vượt đảo.

Thời Pháp, rừng Côn Đảo hoang vu rậm rạp có nhiều lọai cây gỗ nhẹ và các vật liệu có thể làm thuyền, bè như : gỗ búng, tre, mây…Trong lúc đi làm khổ sai, tù nhân thường nhắm sẵn những vạt rừng sâu, kín đáo ở gần biển. Lợi dụng những sơ hở của địch, thay phiên nhau từng tốp một vài người luồn rừng hạ cây xẻ gỗ để làm ván thuyền, chẻ tre, vót mây đan thuyền nan, thuyền khung mây bọc vải. Các vật liệu cần thiết khác như : sơn, dầu hắc ín, đinh, búa…phải tìm cách tự chế tạo hoặc bí mật lấy dần trong kho của địch ; Góp nhặt từng tấm áo tù khâu lại thành tấm lớn dùng làm vải bọc thuyền, may buồm ; Họ phải nhịn đói, bớt khẩu phần ít ỏi trong các bữa ăn rồi phơi hô làm lương thực dự trữ ; Kiếm thùng phuy để làm phao, thùng sắt tây đựng nước ngọt dự trữ vượt biển. Họ còn phải bí mật theo dõi quy luật của con nước thủy triều, hướng gío ; Nghiên cứu các lọai phương tiện vượt biển mà những tù nhân trước đã làm, đặc biệt là sự canh phòng của địch.

Bờ biển phía tây hòn Côn Lôn có những vũng biển kín đáo, thuận lợi để tù nhân chế tạo, cất giấu hoặc hạ thủy thuyền, bè vượt biển. Các hòn đảo nhỏ phía tây quần đảo như Hòn Tre địch canh phòng ít nghiêm ngặt hơn, chính là nơi xuất phát hầu hết các cuộc vượt ngục của tù chính trị.

Trong quá trình chuẩn bị vượt ngục, người tù có thể chịu đựng mọi gian khổ, kiên trì chờ đợi thời cơ từ năm này sang năm khác và có thể hy sinh cả mạng sống của mình. Nhưng việc giữ bí mật trọn vẹn cho cuộc vượt ngục để không bị bại lộ cho đến ngày hạ thuyền ra khơi lại là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định thành công cho cuộc vượt ngục, đồng thời cũng là một thử thách gay go nhất mà người tù rất khó vượt khó vượt qua. Khi hạ cây đóng thuyền, chặt tre, mây kết bè, họ phải ngụy trang thật kỹ những gốc cây bị đốn, chôn dấu hết lá cành, xóa mọi dấu tích. Những vật liệu đóng thuyền, vật dụng chuẩn bị vượt biển phải bí mật giấu đi nhiều nơi. Khó nhất là khi tổ chức đóng thuyền bằng gỗ càng phải thận trọng từng ly từng tý một. Chỉ cần một sơ suất rất nhỏ trong hàng lọat công việc chuẩn bị là địch dễ dàng phát hiện, thất bại và đổ máu là điều không thể tránh khỏi. Việc xác định chuẩn bị tư tưởng lập trường nếu cuộc vượt ngục không thành cũng là một thử thách đối với người tù chính trị. Khác với tù thường phạm, những người tù chính trị đã chịu đựng mọi cực hình tra tấn tàn bạo của địch, họ có thể can đảm chấp nhận hy sinh để giữ bí mật cho tổ chức và cơ sở của mình, bảo tòan lực lượng để lại tiếp tục chuẩn bị những chuyến vượt ngục tiếp sau ; Chỉ cần một phút yếu lòng, một giây nao núng trước đòn roi và cái chết là có thể dẫn đến những hậu quả tại hại không thể lường hết được cho anh em đồng chí của mình.

Thời Pháp, Sở Rờsẹc (sở Truy tầm) với hàng trăm tên, được tuyển chọn từ đám tù thường phạm lưu manh rất hung hãn, nguy hiểm. Chúng là đội quân chuyên nghiệp, trung thành được trang bị vũ khí, chó săn có nhiệm vụ theo dõi các kíp tù khổ sai để phát hiện, truy tìm săn đuổi tù nhân vượt ngục. Cứ mỗi mùa gió chướng, ở bãi biển chúng còn tăng cường bố trí một số nhân viên thường trực truy tìm tù trốn. Chúng rất thông thạo nơi có gỗ búng, tre, mây, đóng được thuyền bè, bãi biển tù nhân thường hạ thủy để theo dõi, lùng sục truy tìm các dấu hiệu vượt ngục. Bên cạnh đó, địch còn dùng nhiều biện pháp cầm cố những tù nhân chính trị, xiềng chân bằng xiềng đơn, xiềng tạ, xiềng 2 người lại với nhau khi tù nhân đi làm khổ sai, để ngăn chặn họ trốn lên núi vượt ngục. Nhiều vụ chuẩn bị vượt ngục đã bị chúng phát hiện và tổ chức truy lùng. Chúng bắt bớ, tra tấn người tù vượt ngục bằng những cực hình tàn bạo rùng rợn nhất. Nhiều người đã bị chết hoặc tàn phế, bị đày đọa ở các địa ngục khủng khiếp như hầm xay lúa, hầm đá, sở Củi, chuồng bò…

Năm 1932, chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập tại khám Chỉ Tồn. Tổ chức Đảng và hội tù nhân được củng cố, đã lần lượt cử người vượt đảo trở về đất liền liên lạc với đảng, cung cấp thêm cán bộ cho phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ. Chi bộ đã xác định rõ chủ trương vượt ngục, có kế họach và chỉ đạo chuẩn bị một cách tích cực hơn. Chi bộ phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận như : anh em làm ở Nhà bếp bí mật tích trữ lương khô, anh em ở Sở Bản chế bí mật chế tạo cưa, dao, đục, đinh…, anh em ở Nhà đèn mua thêm lương thực thực phẩm, dầu hắc, thùng phuy, thùng sắt tây, quần áo tù được gom lại và cất giấu. Chi bộ đã lập ra quỹ “giải phóng”, trích một phần tiền nhờ mua sắm thêm vật liệu đóng thuyền, vật dụng vượt biển, chuẩn bị một số quần áo cải trang, giấy thông hành cần thiết cho anh em vượt ngục khi cập vào đất liền. Chi bộ đã chỉ đạo cho anh em tù chính trị tìm nhiều cách vận động, tranh thủ cảm tình, sự ủng hộ tiếp ứng của một số gacdang, giám thị người Việt, người nước ngòai. Nhiều người được giác ngộ đã tạo điều kiện giúp đỡ anh em tù chính trị đóng thuyền bè, mua giúp những vật dụng cần thiết chuẩn bị vượt biển, góp phần không nhỏ và thành công cho một số cuộc vượt ngục, hoặc hạn chế bớt những tổn thất hy sinh sau những lần vượt ngục thất bại.

Trong hòan cảnh bị giam giữ, đày ải và khủng bố gắt gao, mỗi chuyến vượt ngục thành công của tù chính trị là những chiến công kỳ diệu trên trận tuyến đấu tranh quyết liệt với kẻ thù. Thời Pháp là giai đọan bùng nổ các cuộc vượt ngục với số lượng tù nhân nhiều nhất. Chỉ tính từ 1930-1935, đã có tới 3.664 lượt tù Côn Đảo vượt ngục, trong đó có nhiều vụ vượt ngục thành công tiêu biểu của anh em tù chính trị.

Tháng 4/1934, Tống Văn Trân cùng 8 người khác như Vũ Công Phụ, Tạo Gồng…vượt ngục thành công bằng thuyền ván. Thuyền được bí mật đóng và xuất phát từ bãi biển kín đáo ở Bến Đầm. Gặp gió chướng thổi mạnh qua một ngày đêm trên biển, thuyền cập Ba Tri, Bến Tre. Thông qua Đảng bộ địa phương, Tống Văn Trân và 8 đồng chí cùng vượt biển đã bắt được liên lạc với Xứ ủy Nam Kỳ. Một số đồng chí được bổ sung vào cơ quan xứ ủy, tiếp tục đứng vào hàng ngũ chiến đấu mới của phong trào cách mạng.

Tháng 5/1935, chi bộ lại tổ chức được một chuyến vượt ngục thành công của các đồng chí Tạ Uyên, Nguyễn Hữu Tiến, Trần Quang Tặng… thuyền cập bờ biển Tây nam bộ, họ đã bắt liên lạc ngay với Đảng, tham gia công tác, xây dựng và củng cố Xứ ủy Nam Kỳ. Những người tù vượt ngục trở về đã báo cáo kịp thời tình hình họat động của chi bộ cộng sản ở nhà tù Côn Đảo, đề nghị Đảng chỉ đạo phối hợp đấu tranh, giữ vững liên lạc ra đảo. Nhờ vậy, chi bộ nhà tù Côn Đảo đã được công nhận là Chi bộ đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ. Các đồng chí Tạ Uyên, tống Văn Trân sau này trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Xứ ủy, là những người lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1941).

Mùa gió chướng năm 1947-1948, các cuộc vượt ngục thành công liên tiếp của tù nhân chính trị đã diễn ra. Ngày 15 tháng 11 năm 1947, cuộc vượt ngục bằng thuyền ván của Nguyễn Văn Luật và 4 chiến sỹ cách mạng về vùng biển Rạch Gía, sau 3 ngày 3 đêm vượt biển. Tháng 2/1948, 7 tù nhân chính trị sở Bản Chế do Nguyễn Văn Hường tổ chức cướp chiếc cano duy nhất ở Côn Đảo vượt ngục về Cà Mau. Ngày 8/5/1948, 25 tù nhân chính trị Sở Lưới vượt ngục thành công bằng thuyền gắn máy, đã cập cửa biển Mỹ Thanh (Hậu Giang), anh em tham gia vào đội ngũ kháng chiến… Và đặc biệt, cuộc võ trang giải thóat lớn nhất lịch sử nhà tù Côn Đảo của 200 tù binh xảy ra tại Bến Đầm ngày 12/12/1952. Kế họach giải thóat do Thường vụ Đảo ủy trực tiếp chỉ đạo, mục đích là tổ chức giải phóng một lực lượng lớn của cách mạng. Tuy cuối cùng kết quả không thành công, tù nhân đã phải chịu nhiều hy sinh tổn thất, nhưng cuộc bạo động tại Bến Đầm “ là đòn tiến công vào tận sào huyệt của kẻ thù, làm rung chuyển nền thống trị của chúng”.”Đó còn là cuộc biểu dương tinh thần đòan kết chiến đấu, ý chí tự giải phóng của những người tù kháng chiến tại nhà tù Côn Đảo”.

Dù thành công hay thất bại, những cuộc vượt ngục đầy dũng cảm, mưu trí và sự hy sinh cao cả của tù nhân chính trị tại nhà tù Côn Đảo là bài học vô giá về phẩm chất, nhân cách của những con người cộng sản chân chính. Dù trong bất cứ hòan cảnh nào họ vẫn luôn sống và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì mục tiêu lý tưởng cách mạng mà mình đã chọn. Đánh giá về vai trò của những người tù cách mạng Côn Đảo khi được trở về, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết : ”Mỗi lần có những người tù vượt ngục, được thả hoặc mãn hạn trở về, nhà tù Côn Đảo lại cống hiến cho đất nước những người chiến sỹ được thử thách và đào tạo, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên”.

Ngày nay, Côn Đảo đã hòan tòan giải phóng, biển Côn Đảo thanh bình, giàu đẹp với những đòan tàu đang lướt sóng ra khơi. Trong mỗi chúng ta chẳng ai có thể quên một thời quá khứ đau thương và hào hùng của Côn Đảo, có những lúc như chợt thấy nơi chốn xa xăm hình bóng con thuyền thô sơ nhỏ nhoi trong đêm tối mịt mùng, chở những người tù cách mạng đang âm thầm vượt bão tố trùng dương, mang sức lực, máu xương của mình trở về đất liền đóng góp cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Có những năm tháng họ đã sống, chiến đấu và chiến thắng như thế.

LÊ DUNG

(Bảo tàng BRVT)


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu