Những cứ liệu cũ về địa danh Côn Đảo

(08/09/2014)

Cho đến nay, (nhóm/cụm) đảo mà chúng ta gọi là Côn Đảo đã có nhiều tên gọi khác nhau. Tên gọi, trong cái nhìn triết học và lịch sử, xác định sự hiện hữu (có mặt trong mối liên hệ nhận thức), và vì thế, cả tồn tại. Sự thay đổi tên gọi, do bất cứ lý do nào và từ phía nào, đều xác tín một diễn trình trong thời gian, tức lịch sử.

Trên cơ sở những tài liệu đã được các nhà nghiên cứu đề cập và sử dụng, hệ thống (các) tên gọi Côn Đảo (theo thời gian) như sau :

  1. Thế kỷ thứ IX:Sender-Foulathay Cũndur- fùlát

Tên  gọi Seder-Foulat xuất hiện trong công trình Relation des Voyages par  les Arabes et Persans dans l’Inde et la Chine dans le IX siècle de l’Ère Chrétienne, do M. Reinaud dịch ra tiếng Pháp, hiệu đính, xuất bản tại Paris, 1845: “Quand les navires se sont pourvus d’eau douce, ils mettent à là voile pour un lieu nommé Sender-Foulat. Sender-Foulat est le nom d’une ile; on met dix journées pour y arriver et il s’y trouve de l’eau douce” (tr. 18-19). Theo tường trình của Soleyman (tác giả của văn bản được trích) thì sau khi rời Senef, các thủy thủ phải mất mười ngày mới đến được Sender-Foulat. Trong phần “Discours Préliminaire” của công trình này, Reinaud cho biết một số nhà nghiên cứu gắn Senef với địa danh Tsiampa – tên gọi chỉ phần đất phía Nam của Đàng Trong (la partie méridionale de la Cochinchine). Nhưng theo Reinaud thì biển Senef (la mer de Senef) nằm ở phía đông eo biển Malaka và những đảo của Java và Sumatra. Dĩ nhiên, trong trường hợp này, chúng ta dễ đồng ý với cách lý giải của Reinaud bởi vì thương nhân Soleyman đang đi về hướng Trung Quốc và phải mất một tháng mới tới nơi. (Quand, par un effet de la faveur divine, les navires sont sortis sains et soufs de Sender-Foulat, ils mettent à la voile pour la Chine et y arrivent au bout d’un mois – tr.CVI).

Reinaud, vào năm 1845, không chú giải gì thêm về tên gọi Sender-Foulat.Thế nhưng, khi sử dụng lại văn bản của Soleyman trong công trìnhRelations de Voyages et Textes Géograaphiques Arabes, Persans et Turks Relatifs à l’Extrême-Orient, xuất bản tại Paris, 1913, Gabriel Ferrand (người dịch, hiệu đính, chú giải) đã chú giải một cách kỹ lưỡng tên gọi của hòn đảo này.

Theo Gabriel Ferrand, trong  39 văn bản ông sưu tập và chú giải, gồm 33 văn bản Á Rập, 5 văn bản Ba Tư và 1 văn bản Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ có hai văn bản là những câu chuyện du hành thực –  một của Sulaymân (tức Soleyman trong cách phiên âm của Reinaud) và một của Abu Dulaf Mis’ar bin Muhalhil (không đề cập đến Côn Đảo/ tên gọi của Côn Đảo). Các tác giả khác hoặc là người sưu tập, nhà viết sử hoặc nhà thực vật học…, trong số họ, có người ít được biết đến, và điều quan trọng hơn, họ không thực sự ghi lại cuộc du hành của mình  hoặc gần như thế. Đối với trường hợp văn bản “Livre des Merveilles de l’Inde” (thế kỷ 10, tr.564), Gabriel cho rằng thuyền trưởng Bozorg có du hành nhưng ông chỉ là tác giả phần đầu (initial) còn sau đó là những người khác thêm vào (tr. 565). Vì thế, tính khả tín của các dữ liệu trong các văn bản cần được đặt ra khi chúng ta khảo sát tên gọi (đặc biệt, gắn với vị trí)  của Côn Đảo được một số trong những văn bản này sử dụng. Ví dụ, “De l’ile de Campa aux l’iles de Cundur-fùlát, dix journénes. L’ile de Cundur-fùlát est très  grande; il y a l’eau douce, des champs cultivés, du riz et des cocotiers. Le roi s’appelle Rasad” (tr. 192) Chính Gabriel Ferrand nhận định về hiện tượng này: “En somme, l’Inde transgangétique, l’Indonésie et la Chine n’ont été visitées que par un seul des auteurs orientaux précités : Sulaymân. L’authenticité de sa relation de voyage est évidente et indiscutable” (tr. 1) Do đó, đối với sách của Gabriel Ferrand, chúng tôi chỉ khảo sát phần Giới thiệu của tác giả và văn bản của Sulaymân có chú giải của Gabriel Ferrand và một vài trích đoạn cần thiết.

Địa danh mà M, Reinaud phiên âm là Sender-Foulat thì Gabriel Ferrand phiên âm là Cundur-fũlát: “Quand les navires se sont pourvus d’eau douce, ils mettent à la voile pour un lieu nommé Cundur-fũlát. Cundur-fũlát est le nom d’une ile; on met dix  journées pour y arriver et il s’y trouve de l’eau douce.” (tr.40). Ngay dưới trang này, Gabriel Ferrand chú thích: Cundur-fũlát là cách đọc cổ, Sundur- fũlát là cách đọc hiện đại; fũl là hình thức Á rập hóa của tiếng Mã Lai pũlaw hoặc pũlo có nghĩa là đảo (ile) + tiếp vĩ ngữ chỉ số nhiều theo tiếng Ba Tư át. Đó là đảo Poulo Condore tọa lạc tại địa điển cách đồng bằng sông Mékong bốn mươi dặm về phía Nam (tr.40). Trước đó, tại trang 2, trong Lời giới thiệu, Gabriel Ferrand đã giải thích một số địa danh (tononymes) được sử dụng trong các văn bản Á Rập, trong đó có Cundur-fũlát: “Cundur-fũlát = Poulo Condore, thuộc về địa danh học Ba Tư. Dibadjat <skr. Dvipa, pàli dipa, đảo (ile) + tiếp vĩ ngữ chỉ số nhiều theo tiếng Ba Tư –dját, và có nghĩa là những hòn đảo (les iles)…Fũlát là thể phức hợp của fũl< tiếng Mã Lai pulo hoặc pulaw, đảo (ile) + tiếp vĩ  ngữ chỉ số nhiều tiếng Ba Tư –át. Cundur-fũlát có nghĩa là những hòn đảo trái bí (les iles de la courge); nhưng những người Á Rập (vì) không biết nghĩa của fũlát hoặc trong khi quên, gọi những hòn đảo đang bàn đến là djazira Cundur-fũlát, nghĩa là (litt) hòn đảo [được gọi là] những hòn đảo trái bí.”

Như vậy, thứ nhất, rất có thể vào năm 1845 chưa xuất hiện địa danh Poulo Condore, vì thế, M. Reinaud không chú thích địa danh Sender-Foulat mặc dù ông chú giải rất kỹ địa danh Senef. Từ 1845 đến 1913 địa danh Poulo Condore xuất hiện, và căn cứ theo tên gọi này, Gabriel Ferrand phiên âm khác hơn cách phiên âm của M. Reinaud đối với địa danh chỉ Côn Đảo từ Sender-Foulat thành Cundur-fũlát, đồng thời chú giải nó dựa trên một tiền giả định là người Mã Lai đã có tên gọi trước đối với Côn Đảo chứ không phải người Á Rập. Thứ hai, việc Gabriel cho rằng vì người Á Rập không biết nghĩa của chữ fũlát nên đã dẫn đến lỗi trùng ngôn trong cách ghi lại địa danh Côn Đảo bấy giờ  – djazira Cundur-fũlát. Rất có thể lỗi trùng ngôn này không phải do người Á Rập không biết nghĩa của từ  fũlát mà bấy giờ (thế kỷ IX) đã có địa danh là Sender-Foulat hay phiên âm một cách khác là Cundur-fũlát mà vị trí của hai tiếng trong từ này khác với Poulo Condore.

  1. Thế kỷ thứ XIII:Sondur và Condur

Đây là tên gọi trong The Travels of Marco Polo. Bản được sử dụng là bản Complete Yule-Cordier Edition, gồm bản dịch có chú giải của Henry Yule cho kỳ xuất bản  đầy đủ lần thứ ba (1903), được Henri Cordier xem lại; tất cả in chung với phần chú giải và phụ lục gần đây của Cordier (1920), eBooks@Adelaide, 2009.

Sau khi ra đi từ Trung Quốc, đoàn thuyền của Marco Polo ghé lại Champa, rồi từ Champa đến Côn Đảo: When you leave Chamba and sail for 700 miles on a course between south and south-west, you arrive at two Islands, a greater and a less. The one is called SONDUR and the other CONDUR. As there is nothing about them worth mentioning, let us go on five hundred miles beyond Sondur, and then we find another country which is called LOCAC. (Chương 7, quyển 3).

Ngay dưới Chương 7 này, nhà nghiên cứu, trong phần chú giải số 2, đã khẳng định mấy điểm chính liên quan: 1/Hai đảo Sondur và Condur hiện nay (1903-1920) là nhóm đảo có tên POULO CONDORE; 2/ Trong Relations của các tác giả Á Rập thế kỷ thứ IX nhóm đảo này có tên là Sundar Fúlát, và giải thích nghĩa giống như cách giải thích của Gabriel Ferrand (vào năm 1913) mà chúng tôi đã trình bày; 3/Hồ sơ cổ này cung cấp tên gọi Sondor mà trong thời hiện đại chúng ta (đọc – ĐNC) là Kondor[1]; 4/Hòn đảo lớn bây giờ được gọi một cách đặc biệt là Poulo Condore, và người Pháp khoảng năm 1720 gọi là Isle d’Orléans

Trên đây là cách phiên  âm của Henry Yule. Có hai tên gọi, một dành cho  đảo lớn Sondur và một dành cho đảo nhỏ Condur. Theo cách miêu tả của Marco Polo thì Sondur mới đại diện cho cả cụm đảo và nằm về phía Nam hoặc về phía mà đoàn thuyền rời bến, tức là phía Marco Polo tính khoảng cách (go on five hundred miles beyond Sondur). Hơn nữa, cách phiên âm này gợi lại cách phiên âm của M.Reinaud là Sender-Foulat. Như vậy tại sao cuối cùng chỉ còn lại Cundur/Condur, và Cundur đại diện cho cả Sondur và Condur, và có gì bảo đảm rằng phụ âm S (cổ) biến thành (hiện đại) và phụ âm là phụ âm cứng trong Pulo Kundor? Hay là sự xuất hiện của tên gọi Poulo Condore trong một văn bản nào đó có độ khả tín cao khiến các nhà chú giải bị chi phối?

Đặc biệt trong chú thích số 2 này, Henry Yule/Henry Cordier có nhắc tới tên gọi Côn Lôn (Kunkun): “Hòn đảo chính được người Trung Quốc biết đến như là núi Côn Lôn (the mountain of Kunlun). Và Paul Pelliot trong công trình “Notes on Marco Polo” và, đặc biệt, trong “Deux Itinéraires de Chin en Inde à la Fin du VIIè Siècle” cũng có đề cập đến Côn Lôn/Côn Nôn trong mối quan hệ với Poulo Condore.

  1. Từ thế kỷ thứ VIII – XX:Côn Lôn

Tên gọi Côn Lôn đã phổ biến trong thư tịch cổ Việt Nam, ngay các sĩ phu yêu nước cũng sử dụng. Trong Đại Việt sử ký tòan thư, bản Ngoại kỷ, quyển V, trang 4b ghi “Đinh Mùi, [767], (Đường Đại Tông Dự, Đại Lịch thứ 2). {Người] Côn Lôn, Chà Bà đến cướp, đánh lấy châu thành. Kinh lược sứ Trương Bá Nghi cầu cứu với Đô úy châu Vũ Định là Cao Chính Bình. Quân cứu viện đến, đánh tan quân Côn Lôn, Chà Bà ở Chu Diên. Bá Nghị đắp lại La Thành.”[2]

Dưới trang trích dẫn này, tại ghi chú số 4, các nhà nghiên cứu cho biết từ Côn Lôn đã xuất hiện trong thư tịch cổ Trung Quốc từ thế kỷ thứ IV, đồng thời  nhắc đến một số thư tịch khác của Trung Quốc có đề cập đến từ Côn Lôn, và đi đến kết luận “tên Côn Lôn để chỉ một số cư dân trong vùng Nam Hải, tức vùng Đông Nam Á ngày nay” và đó là “một từ phiếm chỉ”.

Một tài liệu phổ biến khác là Đại Nam thực lục, Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tập 1, Nguyễn Ngọc Tỉnh phiên dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Giáo Dục – 2002. Trong tài liệu này, từ Côn Lôn xuất hiện trong các trang sau 115, 117, 164, 217, 228, 266, 334, 634. Chỉ trong trang 115 và 634 đã thấy được từ Côn Lôn mang nghĩa gì, chỉ đối tượng nào vào đầu thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Sự kiện thứ nhất liên quan đến việc người Anh: “Giặc biển là người Man An Liệt có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn… Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan (…) đem việc báo lên. Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy”; Sự kiện thứ hai liên quan đến người Chà Và: “Giặc biển Chà Và cướp bóc ở ngoài biển, dân Côn Lôn bị hại.Thủ thần xin hạ lệnh cho các thuyền công và thuyền tư đều được sửa sang khí giới để phòng bị. Vua y cho.”

Như vậy từ một tên gọi phiếm chỉ của thư tịch Trung Quốc ở thế kỷ thứ VIII, Côn Lôn đã trở thành tên gọi chỉ cụm đảo và chỉ người sống trên cụm đảo này mà ngày nay chúng ta gọi là Côn Đảo. Trong một cách nhìn nào đó, chúng ta nhận ra tính áp đặt văn hóa của Trung Quốc. Điều này sẽ dễ nhận ra hơn nếu chúng ta khảo sát tường tận sự ra đời của từ Côn Lôn (K’ouen-louen và K’ouen-t’ouen) và đời sống của nó.

  1. Poulo Condore/Pulo Condore

Một tài liệu phổ biến và viết khá kỹ về Poulo Condore, Tonking …vào cuối thế kỷ thứ XVII. Đó là A New Voyage Round the World, quyển 1, William Dampier, London, Printed by James Knapton, at the Crown in St Pauls Church-yard M DC XCIX, GoogleBooks. Đây không phải là tài liệu đầu tiên nêu ra tên gọi Poulo Condore bởi vì William Dampier đến Côn Đảo (Poulo Condore) vào năm 1687, nghĩa là khá lâu về sau  so với các thương nhân Bồ Đào Nha, các giáo sĩ Thiên Chúa giáo…Điều quan trọng là tên gọi Poulo Condore đã được sử dụng một cách dứt khoát (It was the 13th Day of March before we came in sight of Poulo Condore, or the Island Condore, as Poulo signifies), và William Dampier đã ở lại Poulo Condore khoảng hơn một tháng từ 14/3/1687 – 24/4/1687 để sửa tàu, vì thế ông ghi nhận khá kỹ và đầy đủ về Poulo Condore từ người dân, tập tục, tính cách… đến các sản vật.

Nhờ một cư dân nói giỏi tiếng Mã Lai nên William Dampier (đã từng học tiếng Mã Lai tại Mindano) biết rằng cư dân  Poulo Condore bấy giờ  là người Đàng Trong (Nation Cochinchinse). Ông kể lại các sản vật trên đảo, chú ý đến các loài cây hoang/dại, đặc biệt, xoài (mangoes). Những ghi nhận như thế của William Dampier về Poulo Condore vào thời gian này là dễ hiểu nếu chúng ta chú ý đến lịch sử phát triển của đất nước. Chỉ có một điểm chúng ta cần lưu ý là loại trái cây coi là đặc sản của Poulo Condore bấy giờ không phải là bầu/bí mà là xoài. Điểm này gợi cho chúng ta suy nghĩ về sự dịch chuyển từ Sondur/Cundur (phiên âm tiếng Á Rập), Kundur (tiếng Mã Lai) đến Condore (Poulo Condore).

  1. Ngày nay làCôn Đảo.
  • Địa danh Côn Đảo là một phản ứng văn hóa, chống  lại sự áp đặt văn hóa của Trung Quốc (về tộc người, địa danh) khi chuyển từ Côn Lôn thành Côn Đảo.
  • Địa danh Côn Đảo phản ánh cuộc giao lưu văn hóa trong vùng phía Nam rộng lớn của biển Đông: vị trí của từ fũlát trong Cundur-fũlát đã được giữ lại trong vị trí của từ Đảo trong Côn Đảo (Côn Đảo không phải là rút gọn từ Côn Lôn đảo); pulo (poulo) của  Mã Lai sang cù lao của Việt.
  • Trong một cuộc trao đổi rộng lớn hơn, rất có thể từ Kundur có nghĩa là trái bầu, trái bí trong tiếng Mã Lai trở thành Condore chỉ một loài chim ở Tây bán cầu, khá giống với hình thể Côn Đảo.
  • Poulo Condore – Atlas des colonies francaises, Grandier, 1934 (http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/5545262547/in/set-72157626313057686/) có một mũi gọi là mũi Con Chim (Pointe Con Chim)
  • Và, lịch sử địa danh Côn Đảo, từ Sender-FoulatCundur-fũlátSondurCondurCôn Lôn..Poulo CondoreCôn Đảo, là lịch sử của cuộc giao thương, giao lưu, của những cuộc va chạm, đấu tranh. Vì thế, gắn với địa danh Côn Đảo là một phần rất quan trọng của lịch sử đất nước, dân tộc.

ĐÀO NGỌC CHƯƠNG

Trường ĐH KHXH-NV ĐHQG TP HCM

——————————————————————-

[1] Cách giải thích này khác với cách giải thíc của Gabriel Ferrand

[2] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội – 2000, tr.269


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu