NGHỊ ĐỊNH SỐ 86/2005/NĐ-CP : Quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước (Chương I, II, III)

(05/08/2020)

NGHỊ ĐỊNH SỐ 86/2005/NĐ-CP, NGÀY 08 THÁNG 7 NĂM 2005 CỦA
CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ DI SẢN VĂN HÓA DƯỚI NƯỚC
  
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin,
 
NGHỊ ĐỊNH:
 
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
 
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định các hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, bao gồm di sản văn hóa ở vùng nước nội địa, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, công dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân) và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Di sản văn hóa dưới nước
1. Di sản văn hóa dưới nước là di sản văn hóa vật thể đang ở dưới nước có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm: các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các di tích, công trình xây dựng, địa điểm; di tích cổ nhân, cổ sinh vật có liên quan đến nguồn gốc của loài người, đã được con người sử dụng cùng với hiện trường tự nhiên và khảo cổ học xung quanh chúng.
2. Các đường ống, cống ngầm, cáp đặt, các thiết bị và công trình ngầm khác đang được sử dụng phục vụ cho đời sống của con người đặt ở dưới nước không được coi là di sản văn hóa dưới nước.
Điều 4. Nguyên tắc xác định sở hữu di sản văn hóa dưới nước
Việc xác định sở hữu di sản văn hóa dưới nước theo nguyên tắc sau:
1. Mọi di sản văn hóa dưới nước có nguồn gốc khác nhau tồn tại trong vùng nước nội địa, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đều thuộc sở hữu của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Việc xác định quyền sở hữu đối với di sản văn hóa dưới nước có nguồn gốc Việt Nam nằm ngoài các vùng quy định tại khoản 1 Điều này thì căn cứ vào quy định của Luật Di sản văn hóa và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Điều 5. Các hình thức sở hữu và sử dụng di sản văn hóa dưới nước
1. Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa dưới nước thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa dưới nước theo quy định của pháp luật.
2. Việc sử dụng di sản văn hóa dưới nước được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Điều 6. Chính sách của Nhà nước đối với việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước
1. Động viên, khích lệ kịp thời việc nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học – công nghệ vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước.
2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia nghiên cứu, điều tra, thăm dò, khai quật và bảo quản di sản văn hóa dưới nước theo quy định của pháp luật.
3. Xây dựng và phát triển ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam; xây dựng bảo tàng giới thiệu di sản văn hóa dưới nước.
4. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có nghiệp vụ chuyên môn về di sản văn hóa dưới nước.
5. Đầu tư hoặc hỗ trợ kinh phí cho việc điều tra khảo sát, nghiên cứu, thăm dò, khai quật, bảo quản, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước.
Điều 7. Nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước
Hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
1. Tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa, các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
3. Đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước.
Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước
1. Các cơ quan nhà nước căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.
2. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước; tuyên truyền phổ biến pháp luật về di sản văn hóa dưới nước; ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ vào việc nghiên cứu, thăm dò, khai quật và bảo quản di sản văn hóa dưới nước.
Điều 9. Những hành vi bị nghiêm cấm
Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Thăm dò, khai quật, mua bán, vận chuyển trái phép di sản văn hóa dưới nước.
2. Tự ý tìm kiếm, trục vớt làm sai lệch hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa dưới nước.
3. Lợi dụng hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người.
4. Cản trở hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Các hành vi khác được quy định tại Điều 13 Luật Di sản văn hóa.
Chương II
QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA DƯỚI NƯỚC
Điều 10. Nội dung quản lý nhà nước về di sản văn hóa dưới nước
1. Quản lý hoạt động nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước; tiếp nhận thông tin về di sản văn hóa dưới nước; tiếp nhận hoặc thu hồi và bảo quản di sản văn hóa dưới nước do tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc tự ý tìm kiếm.
2. Cấp phép thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức và tiến hành các hoạt động thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước theo quy định của Nghị định này; quản lý việc tổ chức giám định, đánh giá giá trị di sản văn hóa dưới nước do thu hồi, khai quật được và việc lập báo cáo khai quật; giải quyết các tranh chấp trong việc phát hiện, thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước.
4. Giải quyết quyền lợi của các bên liên quan đối với di sản văn hóa dưới nước sau thăm dò, khai quật bằng phương thức liên doanh, hợp đồng, hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.
5. Quản lý các hoạt động khác liên quan đến di sản văn hóa dưới nước theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Quản lý việc phát hiện di sản văn hóa dưới nước
1. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện được di sản văn hóa dưới nước có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng khu vực có di sản văn hóa dưới nước và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa thông tin hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải nơi gần nhất.
2. Khi cá nhân hoặc đại diện tổ chức đến thông báo về phát hiện di sản văn hóa dưới nước thì cơ quan nhà nước phải kịp thời cử người tiếp và ghi nhận đầy đủ các thông tin, đồng thời báo cáo ngay cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về văn hóa thông tin để tổ chức việc bảo vệ di sản văn hóa dưới nước đó.
Điều 12. Điều kiện tham gia thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước
1. Cơ quan, tổ chức của Việt Nam đủ điều kiện thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa (sau đây gọi là Nghị định số 92/2002/NĐ-CP), được ưu tiên trong việc xét chọn chủ trì thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước.
Trường hợp nhiều cơ quan, tổ chức Việt Nam có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này muốn tham gia thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước thì phải tổ chức đấu thầu.
Trình tự, thủ tục đấu thầu theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân của Việt Nam tham gia thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Là đối tượng đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 39, Điều 40 Luật Di sản văn hóa và Điều 19 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP;
b) Có kinh nghiệm trong hoạt động thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước;
c) Có đội ngũ nhân viên, trang thiết bị và khả năng tài chính đáp ứng yêu cầu của hoạt động thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước theo quy mô của từng dự án;
d) Có dự án thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác tham gia thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước phải đủ các điều kiện sau:
a) Có chức năng hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Có kinh nghiệm trong hoạt động thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước, có uy tín nghề nghiệp trên thế giới trong hoạt động này;
c) Có đội ngũ chuyên gia, trang thiết bị, năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu và quy mô của hoạt động thăm dò, khai quật đối với từng dự án cụ thể;
d) Có sự chủ trì của cơ quan, tổ chức của Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều này đối với từng dự án cụ thể;
đ) Được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép tham gia hoạt động thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước tại Việt Nam.
Điều 13. Quản lý trong hoạt động thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước
1. Việc tiến hành thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước phải được thực hiện theo đúng nội dung dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp có thay đổi khác với dự án đã được phê duyệt thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này.
Nội dung và quy mô của dự án thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước do Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin quy định.
2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin phê duyệt hoặc thẩm định các dự án thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.
3. Tổ chức muốn tiến hành thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước phải gửi hồ sơ đến Bộ Văn hóa – Thông tin để xin phép.
Điều 14. Xử lý kết quả sau khi thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước
1. Việc xử lý kết quả thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước phải được tiến hành ngay sau khi kết thúc thăm dò, khai quật.
2. Nội dung xử lý kết quả sau thăm dò, khai quật bao gồm:
a) Tiến hành kiểm kê, phân loại, đánh giá ban đầu các di sản văn hóa dưới nước, kể cả các di sản văn hóa thu nhận được trong quá trình phát hiện;
b) Tổ chức việc lưu giữ, bảo quản theo đúng quy trình, quy phạm đối với các di sản văn hóa dưới nước;
c) Lập phương án bảo vệ, đưa vào sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước sau khi thăm dò, khai quật theo quy định của pháp luật.
3. Việc xử lý kết quả sau thăm dò, khai quật được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
a) Tất cả mọi di sản văn hóa dưới nước thu được trong quá trình thăm dò, khai quật đều phải được tiến hành xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Bảo đảm khách quan, chính xác, theo đúng trình tự, thủ tục quy định;
c) Phải được lập thành biên bản và báo cáo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa thông tin và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan.
4. Báo cáo kết quả xử lý sau thăm dò, khai quật phải tuân thủ các nội dung theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin.
Báo cáo phải được gửi đến Bộ Văn hóa – Thông tin và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có di sản văn hóa dưới nước được thăm dò, khai quật. Trường hợp việc thăm dò, khai quật liên quan đến bộ, ngành nào thì báo cáo sẽ được gửi đến Bộ, ngành đó.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin giải quyết theo thẩm quyền đối với các kiến nghị, đề xuất nêu trong báo cáo.
Điều 15. Giám định di sản văn hóa dưới nước sau khi thăm dò, khai quật
1. Di sản văn hóa dưới nước thu được sau thăm dò, khai quật phải được giám định về nguồn gốc, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và kinh tế.
2. Hội đồng giám định cổ vật của Bộ Văn hóa – Thông tin thực hiện việc giám định di sản văn hóa dưới nước. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Hội đồng mời đại diện các bên liên quan tham gia.
3. Hội đồng giám định cổ vật của Bộ Văn hóa – Thông tin thực hiện việc giám định di sản văn hóa dưới nước có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tiến hành giám định, đánh giá về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và kinh tế của di sản văn hóa dưới nước;
b) Thống kê, phân loại di sản văn hóa dưới nước đã được giám định, đánh giá;
c) Kiến nghị các biện pháp bảo vệ cần thiết và việc xử lý đối với di sản văn hóa dưới nước.
4. Căn cứ báo cáo của Hội đồng giám định cổ vật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin xem xét quyết định biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước và giải quyết các tranh chấp liên quan đến di sản văn hóa dưới nước.
 
Điều 16. Quản lý di sản văn hóa dưới nước sau thăm dò, khai quật
1. Việc giao quản lý và sử dụng hiện vật sau thăm dò, khai quật chỉ được tiến hành sau khi các hiện vật đó được đánh giá giám định theo quy định tại Điều 15 Nghị định này và đã có quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin về việc xử lý di sản văn hóa dưới nước sau thăm dò, khai quật.
2. Việc giao quản lý và sử dụng hiện vật sau thăm dò, khai quật được tiến hành theo các nguyên tắc sau:
a) Hiện vật độc bản được xác định theo các tiêu chí đã được quy định thuộc về Nhà nước Việt Nam;
b) Số hiện vật còn lại được giao quản lý và sử dụng theo tỷ lệ đã được phê duyệt tại dự án thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước và phải được tiến hành công khai, công bằng, khách quan.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin hướng dẫn cụ thể tiêu chí phân loại và cách thức giao quản lý và sử dụng hiện vật sau thăm dò, khai quật.
Điều 17. Tiếp nhận, lưu giữ và bảo quản di sản văn hóa dưới nước do Nhà nước quản lý sau khi thăm dò, khai quật
1. Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin quyết định nơi lưu giữ các di sản văn hóa dưới nước do Nhà nước quản lý sau thăm dò, khai quật.
2. Trong thời hạn chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin về việc quản lý di sản văn hóa dưới nước sau thăm dò, khai quật, cơ quan, tổ chức nơi đang lưu giữ và cơ quan, tổ chức được phép lưu giữ di sản văn hóa dưới nước có trách nhiệm bàn giao, tiếp nhận số di sản văn hóa dưới nước đó đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Chương III
BẢO VỆ DI SẢN VĂN HÓA DƯỚI NƯỚC
Điều 18. Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước sau khi phát hiện
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sau khi nhận được thông báo hoặc báo cáo về việc phát hiện di sản văn hóa dưới nước phải kịp thời tiến hành các công việc sau:
1. Tổ chức kiểm tra tính chính xác của các thông tin do tổ chức, cá nhân thông báo về địa điểm có di sản văn hóa dưới nước và các dấu hiệu có di sản văn hóa dưới nước.
2. Kịp thời lập kế hoạch triển khai bảo vệ khu vực có di sản văn hóa dưới nước; chỉ đạo và huy động lực lượng vũ trang trong tỉnh tổ chức bảo vệ an toàn, an ninh trật tự khu vực có di sản văn hóa dưới nước được phát hiện; ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hoạt động đánh bắt thủy, hải sản, gây nổ làm nguy hại đến sự an toàn của di sản văn hóa dưới nước.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông tin về việc phát hiện di sản văn hóa dưới nước phải báo cáo Bộ Văn hóa – Thông tin; chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin tổ chức giám định sơ bộ các hiện vật và khu vực phát hiện di sản văn hóa dưới nước để đánh giá về di sản văn hóa dưới nước vừa phát hiện và có biện pháp quản lý, bảo vệ thích hợp; nếu di sản văn hóa dưới nước được xác định có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học thì kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Chỉ đạo Sở Văn hóa – Thông tin tổ chức tiếp nhận, bảo quản di sản văn hóa dưới nước được giao nộp; các lực lượng công an thu hồi di sản văn hóa dưới nước được tìm kiếm hoặc trục vớt trái phép; triển khai thực hiện kế hoạch về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa dưới nước.
 
Điều 19. Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước khi chưa có đủ điều kiện khai quật
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa dưới nước khi chưa có điều kiện hoặc đang chuẩn bị khai quật bao gồm những nội dung sau:
1. Bảo đảm an toàn khu vực có di sản văn hóa dưới nước theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này; kịp thời thông báo về khu vực và phạm vi cần bảo vệ; xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
2. Bảo đảm hoạt động bình thường của các phương tiện giao thông.
Điều 20. Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước trong quá trình khai quật
Nội dung bảo vệ di sản văn hóa dưới nước trong khi khai quật bao gồm:
1. Bảo đảm an toàn khu vực có di sản văn hóa dưới nước.
2. Bảo vệ an toàn các di sản văn hóa dưới nước tại hiện trường và quá trình vận chuyển về kho bảo quản; hiện trường khai quật; trang thiết bị và các công trình dưới nước.
3. Bảo đảm tuân thủ các quy trình về khảo cổ dưới nước; chống ô nhiễm môi trường nước; bảo vệ các tài nguyên sinh vật và các tài nguyên thiên nhiên khác.
Điều 21. Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước thuộc phạm vi quản lý từ hai tỉnh trở lên
Trường hợp địa điểm phát hiện có di sản văn hóa dưới nước thuộc phạm vi quản lý từ hai tỉnh trở lên thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi phát hiện di sản văn hóa dưới nước đầu tưiên chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan để tổ chức bảo vệ di sản văn hóa dưới nước theo quy định của Nghị định này.
Điều 22. Bảo quản di sản văn hóa dưới nước
Di sản văn hóa dưới nước thu được từ quá trình thăm dò, khai quật hoặc trục vớt trái phép phải được giám định theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, lập hồ sơ lưu giữ và được giao cho các bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin hoặc thuộc Sở Văn hóa – Thông tin nơi phát hiện di sản văn hóa dưới nước bảo quản theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Kinh phí bảo vệ, thăm dò, khai quật, xử lý, bảo quản di sản văn hóa dưới nước
Kinh phí cho hoạt động bảo vệ di sản văn hóa dưới nước bao gồm:
1. Kinh phí bảo vệ di sản văn hóa dưới nước khi phát hiện và sau khi phát hiện mà chưa đủ điều kiện khai quật do ngân sách địa phương nơi có di sản văn hóa dưới nước chịu trách nhiệm bảo đảm.
2. Kinh phí bảo vệ trong quá trình thăm dò, khai quật; kinh phí cho hoạt động thăm dò, khai quật; kinh phí cho việc xây dựng hồ sơ khoa học và nghiên cứu, vận chuyển và bảo quản di sản văn hóa dưới nước được tính trong dự án thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu