Nghề trồng rau truyền thống ở Kim Dinh

(01/03/2009)

Kim Dinh trước đây là một ấp của xã Long Hương thuộc thị xã Bà Rịa, trở thành phường Kim Dinh từ tháng 1 năm 2003. Kim Dinh nằm ở phía đông phường Long Hương, tây xã Tân Hải của huyện Tân Thành, bắc giáp Núi Dinh, nam giáp sông Mũi Đụi (một nhánh của sông Thị Vải).

Kim Dinh nằm trong vùng khí hậu chung của nam bộ, gió mùa nóng ẩm ổn định quanh năm, ít bị bão lụt nhưng chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió tây nam thổi từ vịnh Thái Lan qua vịnh Ghềnh Rái nơi hội tụ của các con sông lớn từ đất liền của vùng đông nam bộ đổ ra biển. Mặt khác, về địa hình có phía bắc giáp dãy núi Dinh án ngự nên khí hậu tương đối ôn hòa mát mẻ. Thông thường nhiệt độ trung bình khoảng từ 26 – 280c.
        Mùa mưa ở Kim Dinh từ tháng 5 đến tháng 10, chịu ảnh hưởng gió mùa tây nam gây mưa khá lớn thuận lợi cho việc phát triển sản suất nông nghiệp. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, do tác động của mùa gió chướng từ cấp 5, cấp 6 gây nên khô hanh và trở ngại cho sản suất nông nghiệp. Nhưng nhân dân ở vùng này vẫn trồng được các loại rau cho năng suất cao bởi có dãy núi Dinh bao quanh phía bắc án ngự chắn gió và cung cấp nguồn nước tưới cho hoa màu.
Phường Kim Dinh diện tích đất tự nhiên 18.0,49 ha, trong đó đất nông nghiệp 458 ha, lúa 101 ha, cây lâu năm 255 ha, còn lại  dùng sản xuất trồng các loại rau quả. Đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm chủ yếu là đất phù sa cổ bạc màu, còn lại đất trồng rau chủ yếu là đất pha cát nhưng chỉ có đất pha cát nơi đây mới trồng được các loại rau quả mà không nơi nào trồng được do vẫn giữ được độ ẩm đủ cho các loại rau trồng dễ dàng sống và phát triển.
Kim Dinh so với những khu vực khác thì không có sông và hồ chứa nước nhưng lại có nhiều con suối nhỏ bắt nguồn từ những ngọn núi cao của dãy núi Dinh chảy xuống, nguồn nước này nhân dân trong vùng sử dụng trong đời sống sinh hoạt cũng là nguồn nước phục vụ việc trồng rau màu. Nguồn nước từ các ngọn núi chảy xuống là một lợi thế, ưu tiên ưu đãi của địa hình tự nhiên mà ít nơi nào có được như ở đây trong cả hai mùa mưa nắng, công việc trồng rau màu việc cung cấp nước tưới là không thể thiếu.
Ngày nay Kim Dinh thuộc thị xã Bà Rịa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong vùng đất người Việt khai phá từ những thế kỷ trước.Buổi đầu đặt chân đến vùng đất mới, con người phải đương đầu và chống chọi với thiên tai địch họa… Câu ca dao “Anh đi chín nẻo mười phương, Đến đây anh muốn lập vườn cưới em”. Lập vườn rồi để trồng các loại rau quả các loại cây trái… thời gian ngắn sẽ cho thu hoạch giúp con người giải quyết cái ăn thường ngày. Rau là một loại thức ăn quen thuộc hàng ngày không thể thiếu trong đời sống của người Việt, không những rau dùng để ăn, có loại rau trong đông y dùng bào chế làm thuốc trị bệnh.
         Xưa kia con người trồng rau trước mảnh vườn nhà, trên bờ ao, ven ao hồ… để tự cung cấp trong gia đình, ngày nay người trồng rau đã liên kết lại, công việc trồng rau được chuyên canh hóa với diện tích bằng các trang trại, thành từng xóm làng trồng rau gọi là làng nghề trông rau. Ngày nay ở phường Kim Dinh đã hình thành làng nghề trồng rau chuyên nghiệp. Khởi nghiệp của người trồng rau ở nơi đây là do sự biến động của lịch sử và do cuộc sống mưu sinh của con người, đa số người trồng rau ở Kim Dinh có nguồn gốc từ các tỉnh phía bắc như Nam Định, Nam Hà, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình. Họ đã di cư vào đây sinh sống thành từng xóm làng sau năm 1954 và 1975, họ đã mang theo nghề cổ truyền của quê cha đất tổ tới vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp để rồi hình thành nên những xóm làng chuyên canh trồng rau như ở Kim Dinh khoảng trên dưới nửa thế kỷ. Năng suất ngày một được nâng cao, một thời vụ sản xuất rau với thời gian 4 tháng, 1 ha cho thu hoạch từ 1.800kg đến 2.000kg và có thời điểm còn vượt cao hơn. Sản phẩm rau màu không những cung cấp cho nhân dân các vùng lân cận mà còn cung cấp cho nhu cầu rau xanh cho thành phố Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh, hứa hẹn thị trường rộng lớn của làng nghề trồng rau Kim Dinh.
            Ngày nay làng trồng rau Kim Dinh thâm canh và sản xuất nhiều loại rau củ quả và nhiều thứ rau gia vị, chỉ tính loại rau cải thì ở nơi đây người ta đã thường xuyên trồng năm loại cải xanh (cải bẹ), cải ngồng, cải thìa, cải ngọt, cải củ. Với công cụ thủ công đơn giản, người ta chỉ dùng chủ yếu là cuốc đất, lưỡi cuốc được rèn bằng sắt có chiều rộng khoảng từ 12 đến 15cm, chiều dài khoảng từ 18 đến 20cm. Cào đất, cào có răng bằng những thanh sắt cắm vào thân bản gỗ, những thanh sắt này có chiều dài khoảng từ 10 đến 15cm, thường thân bản gỗ có chiều dài chỉ khoảng 30 đến 40cm, được tra cán bằng tre hoặc cây tầm vông vào thân bản gỗ. Đất được làm cỏ sơ, tiếp theo đất được cuốc lên sau đó người ta dùng vồ đập cho đất nhỏ. Vồ làm bằng một khúc gỗ vuông hoặc hình bầu, dài từ 20 – 25cm. Khi đất được làm nhỏ người ta vun đất thành từng luống một, luống đất có bề mặt chiều rộng khoảng từ 1,20 – 1,30m, độ cao của luống đất khoảng 20 – 25cm, mỗi luống cách nhau khoảng 30cm. Vì sao người dân nơi đây trồng rau đất được đánh thành từng luống, theo truyền thống canh tác rau màu, đất được đánh thành từng luống để được thoát nước nhanh, khô ráo khi có trời mưa lớn hoặc nước tưới quá nhiều. Mặt khác đánh luống đất làm cho việc đi lại chăm bón và thu hoạch rau được dễ dàng thuận tiện hơn, năng suất canh tác rau cũng đạt cao. Đất đã được làm luống, người trồng rau rải một lớp phân vi sinh mỏng lên trên bề mặt luống đất. Thành phần trong phân vi sinh gồm có phân, tro và phân lân trộn đều, sau khi phân được rải đều lên bề mặt luống đất, người ta dùng cào cho đất và phân lộn đều nhau và lấy hạt giống gieo vãi đều lên mặt luống đất, rồi lại cào lên mặt luống đất một lần nữa đề hạt rau lẫn đều xuống đất. Sau khi gieo hạt, người trồng rau dùng rơm (phần ngọn của cây lúa phơi khô) rải phủ đều lên mặt luống, dùng vòi hoa sen tưới nước đều lên phía trên để được thấm ướt. Thời gian trong một ngày, họ dùng nước tưới lên mặt luống đất vào ban trưa và chiều tối cho đến lúc hạt rau nẩy mầm, lên lá. Sau khi hạt rau nẩy mầm, trong thời gian từ 2 – 3 ngày, người ta dùng vòi hoa sen tưới lên luống rau mỗi ngày một lần.
            Thời gian cây rau nẩy chồi được 2 lá thì người ta chiết cây rau trồng đến một luống đất khác đã được chuẩn bị sẵn. Trước lúc chiết cây rau người ta phải tưới nước lên luống rau trước để đất được thấm mềm nhằm có tác dụng để không làm đứt rễ cây một khi trồng cây rau ở luống đất khác, cây rau không bị tổn thương mà còn có sức sống lan tỏa ở nơi đất mới. Một số cây rau còn lại người ta để ngay tại luống gieo cũ, cứ 3 – 5 ngày một lần người ta dùng phân bón hóa học rải bón đều lên mặt luống rau và dùng nước tưới đều lên một lượt sau mỗi lúc bón phân cho đến 16 ngày sau thì thôi bón phân, việc bón phân cho luống rau mới được chiết trồng cũng được tiến hành như vậy. Công việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây rau được phun 2 lần trong thời gian 18 ngày (kể từ ngày gieo trồng đến khi thu hoạch). Cây rau cải ở miền đông nam bộ từ khi gieo trồng, qua thời gian sinh trưởng cho đến lúc thu hoạch khoảng 30 – 32 ngày thì cho một lần thu hoạch. Với chu kỳ sinh trưởng của cây rau như vậy, người trồng rau ở nơi đây sản xuất canh tác rau được quanh năm. Cây rau cải qua thời gian sinh trưởng và phát triển đầy đủ, người trồng rau tiến hành công đoạn cuối cùng là thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Cây rau cải được nhổ lên cả gốc hoặc được cắt sát gốc, cắt bỏ những lá rau úa vàng hay bị dập nát, đưa vào bể nước rửa sạch rồi bó thành từng ký-lô hoặc từng bó lớn theo yêu cầu của người mua. Người sản xuất rau, hay người đặt mua rau vận chuyển rau lên các loại xe đưa đến các đại lý, ở các thành phố để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong ngày của nhân dân.
            Làng nghề trồng rau Kim Dinh đến nay ngày một phát triển. Nhìn về góc độ mưu sinh thì đa số người dân nơi đây chỉ có độc canh một nghề trồng rau màu. Ở một khía cạnh khác, nghề trồng rau ở nơi đây giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, những người nhập cư từ nơi khác đến đây sinh cơ lập nghiệp, nên ít nhiều mang tính xã hội tích cực. Góc độ văn hóa, nơi đây đã hình thành một làng nghề truyền thống thực thụ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
                                                                                                                                Nguyễn Chiến
                                                                                                                                  (BT – BRVT)

Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu