Môi trường sinh thái vùng đất Mô Xoài – Bà Rịa – nhìn từ địa điểm khảo cổ học sông Xoài 2 (xã Sông Xoài huyện Tân Thành)

(07/08/2014)

Vùng đất Mô Xoài – Bà Rịa đã được nhiều sử sách ghi chép như: Chân Lạp phong thổ ký, Đại Nam thực lục tiền biên – chính biên, Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí… và cũng đã có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập tới, khẳng định đó là nơi dừng chân đầu tiên của các nhóm di dân Việt trong hành trình khai khẩn vùng đất Nam Bộ Việt Nam.

Nhưng các công trình nghiên cứu cũng như các ghi chép đều không cho biết được nền cảnh môi trường sinh thái nhân văn vùng đất Mô Xoài – Bà Rịa như thế nào trước khi người Việt đến. Giải thích được điều đó, sẽ cung cấp cho chúng ta thêm được những luận cứ khoa học về hệ môi trường sinh thái và các lớp văn hoá bản địa ở vùng đất Mô Xoài – Bà Rịa khiến người Việt có thể lựa chọn làm điểm dừng chân đầu tiên, và sau đó thích nghi, lao động sản xuất, sinh hoạt văn hoá tạo những tiền đề ban đầu để thúc đẩy công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ. Đương nhiên, bên cạnh đó, còn có nhiều yếu tố khác chi phối tới sự lựa chọn vùng đất này, song yếu tố môi trường sinh thái nhân văn có thể nói là giữ quan trọng hàng đầu. Kế thừa nhiều thành tựu nghiên cứu đã công bố, trong tham luận này, chúng tôi xin được trình bày đôi nét về môi trường sinh thái nhân văn vùng đất Mô Xoài – Bà Rịa, tiếp cận từ kết quả khảo sát địa điểm khảo cổ học Sông Xoài 2, xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với hy vọng sẽ góp phần cung cấp tư liệu cho lịch sử vùng đất Mô Xoài – Bà Rịa. Trong việc nghiên cứu môi trường sinh thái nhân văn ở khu vực Mô Xoài – Bà Rịa, chúng ta cần có những tư liệu về mặt địa chất, địa mạo cũng như môi trường sinh thái. Khi nghiên cứu quá trình khai phá vùng đất Mô Xoài – Bà Rịa, chúng ta không thể không chú ý đến những đặc điểm sinh thái nhân văn ở một vùng đất đã có từ trước khi người Việt lựa chọn làm điểm dừng chân của mình trong công cuộc khai khẩn vùng đất Nam Bộ.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các hệ sinh thái nhiệt đới với tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á thì sinh vật và ngoại cảnh tạo thành một thể thống nhất, một hệ thống gồm những mối liên hệ dãy hoặc ngược, đó là hệ sinh thái. Con người cũng vậy, bao giờ cũng là một yếu tố của hệ sinh thái mà trong đó nó sinh sống. Trong quá trình sống của mình, con người luôn luôn tác động vào ngoại cảnh, làm thay đổi cảnh quan và môi trường, làm thay đổi các mối liên hệ trong hệ sinh thái. Cùng với sự phát triển văn hoá – kỹ thuật, con người càng có khả năng làm chuyển biến hệ sinh thái. Khả năng đó đã biểu hiện rõ từ khi con người tiến hành các ngành kinh tế sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi[i].

Tháng 7 năm 2012, ông Chống Sương Màu (một người dân Tp.Hồ Chí Minh) có tặng cho Bảo tàng Lịch sử – Tp.Hồ Chí Minh một số di vật đá gồm: 1 cuốc, 1 bôn và 1 rìu; đồng thời cung cấp thông tin về nơi phát hiện các di vật này. Nhận được thông tin, để kiểm chứng lại hiện trường, chúng tôi đã có cuộc khảo sát ở khu vực phát hiện những di vật trên.

Khu vực phát hiện di vật có tọa độ địa lý 10041’1,78” vĩ độ bắc; 107009’51” kinh độ đông. Nằm trong khu đất trồng cây của ông Chống Sương Màu, thuộc Tổ 9, Ấp Sông Xoài 2, xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là khu đất đồi bazan nằm theo hướng bắc nam có dạng bình nguyên. Khu vực có diện tích hàng chục ha, có một con đường nhựa cắt ngang trên đỉnh đồi theo hướng bắc nam mà nhân dân quanh vùng gọi là đường Miếu Quan Âm. Dưới chân khu vực đồi bazan này là một con suối nhỏ (nhân dân gọi là suối sông Xoài) bắt nguồn từ khu vực đất rừng cao từ Long Thành (Đồng Nai), đổ về rồi chảy vào hồ Đá Đen.

Tại hiện trường, trên bề mặt khu vực đất đồi nằm dốc nghiêng khoảng 300 đổ theo hướng từ đỉnh đồi về hướng suối (độ cao chênh so với mặt suối khoảng từ 1,2m đến 15m) có nhiều dấu vết nổi trên bề mặt như hạch đá, phiến tước, bàn mài, phế vật và một số mảnh gốm tập trung nhiều ở khu vực giữa triền. Từ lời kể của nhân dân, kết hợp với quan sát hiện trường qua các hố đào trồng cây, chúng tôi nhận thấy di vật nằm ở cách mặt đất hiện tại khoảng 30 – 40cm, trong tầng văn hóa có lớp đất màu nâu đỏ.

Về di vật, cùng với hiện vật đã sưu tầm do người dân tặng, có rất nhiều di vật đá, gốm nổi trên bề mặt, tất cả đều có dấu vết của kỹ thuật chế tác và sử dụng (Hình 3).

Chúng tôi đã chỉnh lý sơ bộ như sau :

– 01 cuốc đá: hình tứ giác, có vang ngang xuôi, kích thước dài 17,8cm, rộng ngang 8,6cm, thân chỗ dày nhất 1,4cm, chất liệu dạng đá sét kết màu xanh xám, phủ mỏng một lớp patine màu xám trắng. Cuốc đã bị mẻ một số điểm ở rìa lưỡi. Trên thân còn một số điểm chưa mài hết ở cả hai mặt (Hình 4, bản vẽ 1) .

– 01 rìu (bôn): hình tứ giác, không có vai. Kích thước dài 7cm, rộng nhất 2,8cm, dày nhất 2cm. Chất liệu dạng đá sét kết màu xám đen. Một mặt mài nhẵn, một mặt còn để nguyên ở dạng mới bóc tách. Lưỡi vát lệch về một bên (Hình 5, bản vẽ 2).

– 01 rìu: hình tứ giác, không có vai. Kích thước dài 3,9; rộng phần lưỡi 4,3cm; dày nhất 2,1cm. Chất liệu đá sét kết màu xanh xám, có một lớp patine phủ bên ngoài màu xám trắng (Hình 5, bản vẽ 3).

– 01 mũi khoan (đục)?: kích thước dài còn lại 4,1cm; rộng 2,1m. Chất liệu đá sét kết, màu xám xanh, đã gãy hai đầu, còn nhận dạng được ở dạng phiến tước với các điểm ghè, bóc tu chỉnh (Hình 6).

– 01 bàn mài: Kích thước 19cmx13,2cmx5,8cm. Trên một mặt còn để lại rãnh mài dọc theo chiều dài của khối và một rãnh lõm sâu. chất liệu đá cát kết.

Ngoài ra còn có một số hạch đá, mảnh tước, phế vật dạng khoan – đục …và một số mảnh thân của đồ đựng bằng gốm có xương có xương màu xám vàng, có pha nhiều cát và bã thực vật.

Từ khảo sát hiện trường, căn cứ kết quả nghiên cứu sơ bộ về di vật, qua so sánh với một số tư liệu đã công bố về các di tích khảo cổ học ở khu vực Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh…bước đầu chúng tôi nhận định, đây có thể là một di chỉ khảo cổ học có tính chất công xưởng chế tác đá, kết hợp với dấu tích cư trú của cư dân văn hóa Đồng Nai cách nay khoảng từ 2500 năm đến 3000 năm, có tính chất đồng đại với một số di tích khác ở trong khu vực đã được phát hiện và công bố như Gò Cây Me, Gò Cá Sỏi (Tân Thành – Bà Rịa – Vũng Tàu), Bưng Bạc -Bưng Thơm…rộng hơn là Đồi Phòng Không, Bình Đa (Đồng Nai), Dốc Chùa, Cù Lao Rùa, Hàn Ông Đại (Bình Dương)… và tạm gọi tên là di chỉ Sông Xoài 2.

Trong những phác thảo đầu tiên về tiền sơ sử Bà Rịa – Vũng Tàu, các nhà nghiên cứu đã bước đầu chỉ ra những đặc trưng cơ bản về các loại hình di tích trên nền cảnh sinh thái nhân văn ở vùng đất này: Vùng giao điểm giữa phù sa cũ và mới như Ngãi Giao, Long Hương, Hắc Dịch, Gò Dưa, Đức Trung; Vùng sình lầy như Bưng Bạc, Bưng Thơm; Vùng ngập mặn như Gò Cá Sỏi, Gò Ông Kiểng, Gò Cây Mai, Long Sơn…; Vùng hải đảo như Hàng Dương, Bến Đầm, Bàu Sen, Hòn Miễu Bà, Hòn Cau[i]..

Sự đa dạng về sinh thái đã dẫn đến sự phong phú các loại hình di tích cư trú tương ứng của nhiều vùng miền ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhưng với vùng đất Mô Xoài – Bà Rịa, mà điểm nhấn ở đây là khu vực Sông Xoài với môi trường sinh thái tự nhiên được cấu tạo bởi các gò đồi đất đỏ ven sông suối. Nơi đây, các hoạt động kinh tế nông nghiệp chắc hẳn đã thừa hưởng những kinh nghiệm và có chung kết cấu của nông nghiệp vùng cao Xuân Lộc – Đồng Nai với việc sử dụng các loại hình rìu, cuốc đá canh tác luân canh trên những vùng đất đỏ bazan, mà sự biểu hiện của nó đã được các nhà nghiên cứu nhìn nhận qua các di tích Ngãi Giao, Đức Trung, Gò Dưa và Sông Xoài 2…

Với hệ sinh thái đặc biệt có sự kết hợp những yếu tố bán sơn địa – bình nguyên, rừng, sông, suối, biển…vùng đất Mô Xoài -Bà Rịa, cách đây hàng ngàn năm, đã diễn ra quá trình chiếm lĩnh và chinh phục khu vực đất đồi thấp, rồi dần tiến xuống khai phá vùng đất thấp ven biển – đầm lầy của người tiền -sơ sử. Chủ nhân các di tích khảo cổ học ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã không ngừng tìm hiểu, thích ứng, lợi dụng và cải tạo hệ sinh thái tự nhiên với những đặc thù, để rồi tạo dựng cho mình một cuộc sống tương đối phát triển vào thời đó. Sự thích ứng, lợi dụng tự nhiên với đặc trưng sinh thái của con người nơi đây thể hiện thông qua nhiều di vật từ công cụ lao động đến các vật dụng gắn với tín ngưỡng, dụng cụ sinh hoạt, đồ tuỳ táng, táng tục…Tất cả phản ánh sự thống nhất giữa con người cổ ở Bà Rịa – Vũng Tàu với môi trường sinh thái xung quanh, tạo nên một đặc trưng văn hoá về sinh thái nhân văn.

Để đánh giá hiện trạng cũng như tiềm năng của di chỉ Sông Xoài 2, rất cần có những cuộc khảo sát, thám sát và khai quật khu di chỉ này, nhằm bổ sung tư liệu, đóng góp bổ sung và ghi nhận thêm về một địa điểm khảo cổ quan trọng đối với việc nghiên cứu tiền sơ sử Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và tiền sơ sử miền Đông Nam Bộ nói chung trên bản đồ khảo cổ học, cũng như cung cấp tư liệu về một môi trường cảnh quan, lịch sử vùng đất trước khi người Việt đầu tiên dừng chân từ miền Trung vào khai phá vùng đất Nam Bộ – xứ Mô Xoài – Bà Rịa.

NGUYỄN VIỆT TRUNG

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Tp.Hồ Chí Minh

________________

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Xuân Diệm, Phạm Quang Sơn, Bùi Chí Hoàng 1991: Khảo cổ Đồng Nai. NXB Đồng Nai. Biên Hòa.
  2. Phạm Đức Mạnh 1996: Di tích khảo cổ học Bưng Bạc – Bà Rịa – Vũng Tàu. NXB KHXH. Hà Nội.
  3. Hà Văn Tấn (2003): Các hệ sinh thái nhiệt đới với tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á. Trong Theo dấu các văn hoá cổ – tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  4. Bùi Chí Hoàng 2004: Những nét phác thảo về khảo cổ học tiền sử Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam. Tập 2. NXB KHXH. Hà Nội. Tr.13-40.
  5. Bùi Chí Hoàng 2008: Hệ thống các di tích vùng ngập mặn ở Đông Nam Bộ. Trong Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam. Tập 3. NXB KHXH. Hà Nội. Tr.27-50.
  6. Phạm Chí Thân 2008: Khảo cổ học Bà Rịa – Vũng Tàu – Phát hiện và nghiên cứu. Trong Di sản văn hóa Bà Rịa – Vũng Tàu. Số 11. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xuất bản. Tr. 71-74 .
  7. Hoàng Ngọc Kỷ (2010): Địa chất và môi trường Đệ tứ ở Việt Nam. Nxb. Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.

[1] Bùi Chí Hoàng 2004: Những nét phác thảo về tiền sử Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong Một số vấn đề khảo cổ học miền Nam Việt Nam. Tập 2. NXB KHXH. Tr.17.

[2] Hà Văn Tấn (2003): Các hệ sinh thái nhiệt đới với tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á. Trong Theo dấu các văn hoá cổ – tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.35.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu