Long Viên Tự và những dấu ấn phật giáo nam bộ trên đất Bà Rịa

(08/08/2014)

Long Viên tự hay còn gọi là chùa Long Viên, tọa lạc tại xã Long Hiệp, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa (xưa huyện Long Điền là toàn bộ tổng An Phú Thượng, năm 1954, huyện Long Điền là quận Long Điền, năm 1975 huyện Long Điền là một phần của huyện Long Đất, tỉnh Đồng Nai, sau đó thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày 1 tháng 1 năm 2004, huyện Long Điền chính thức được thành lập do huyện Long Đất tách ra thành hai huyện Long Điền và Đất Đỏ theo Nghị định 152/2003/NĐ-CP ngày 9/12/2003).

Nằm cách thành phố Hồ Chí Minh gần 70 km theo hướng đông bắc. Ngôi chùa được xây dựng vào khoảng những năm cuối thế kỷ XIX do một tu sĩ Phật giáo xuất tự về tu tại gia. Hiện tại ngôi chùa do ông Trần Ngọc Hữu là cháu của tu sĩ trên cai quản.

Ngôi chùa cổ là một gian trong căn nhà có kiến trúc kiểu nhà rội (hay nhà cột, giữa nhà nọc ngựa) ở Nam Bộ. Là một trong những kiểu kiến trúc nhà cổ khá phổ biến ở Đông Nam Bộ, nhà rội có ba hàng cột chính, hàng cột cái (cột hàng nhất) chống lên tới đòn dông, bên dưới đòn dông có “đòn chạy” hay “xà đầu” lắp bên dưới góp phần làm cho cấu trúc khung nhà vững hơn; và phía sau, phía trước có hai hàng cột nhì, ba. Thường ở những nhà cổ Nam Bộ, kiến trúc thể hiện những nét đặc trưng ở nội thất với trang trí chạm khắc ở cột, kèo, khung cửa, bao lam, câu đối, vách lá gió…với nhiều loại đề tài và thủ pháp kỹ thuật đặc sắc song ở ngôi chùa này lập thành khởi nguyên từ nguyện vọng của một tu sĩ, do vậy ngôi nhà đã được tách biệt thành 2 phần, phần trước là nơi ở, sinh hoạt, căn sau được bài trí thành nơi thờ tự. Bản thân gia chủ gia cảnh cũng không thuộc loại giàu có nên ngôi chùa không có sự bề thế như các ngôi chùa khác trong vùng. Trong nhà không thấy sự hiện diện của những hạng mục kiến trúc gỗ nào được chạm trổ, ngoại trừ tấm hoành phi có ghi chữ Hán đại tự: “Long Viên tự” (chùa Long viên), tường bao quanh nhà đã được xây bằng gạch, có trổ những bông gió hình vuông, tròn đúc hình hoa sen, trúc, nền lát gạch Tàu được trùng kiến vào năm 1947 như lạc khoản ghi trên hoành phi bằng chữ Quốc ngữ.

Ngôi chùa được khởi dựng vào những năm cuối của thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, với mục đích chính là tiện cho việc tu tại gia của tu sĩ họ Trần, song dần dà trở thành một nơi tập hợp những cư dân trong làng đến niệm kinh lễ Phật những ngày rằm, lễ Tết. Nội điện chùa được bài trí theo kiểu tiền Phật, hậu Tổ. Song là một chùa tư, diện tích căn nhà tương đối hẹp nên việc bài trí có phần thu gọn lại. Cửa vào ngôi chùa được bày trí hai bên chuông trống theo kiểu “Tả chuông hữu trống”. Chuông bằng đồng thau được đúc theo kiểu Huế với dạng hình nơm, phần dưới loe, phần trên có quai đúc nổi rồng, thân chuông bổ ổ trang trí hoa văn hình học chia làm 4 phần, giữa các được sọc dọc bổ ô là 4 khung vuông chạm nổi 4 chữ chỉ về bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông) bằng chữ Hán. Bên hữu là một trống cái tang gỗ bọc da sơn đỏ. Kế đến mảng tường bên trái là bàn thờ gỗ hai tầng khá đơn giản, bên trên có hai tượng Hộ Pháp đứng, chính giữa là tượng Tiêu Diện đại sĩ, trước ban thờ là lư hương, đĩa quả tử, chuông gia trì. Ban thờ này ở các chùa Phật giáo Nam Bộ thường thấy đặt ở ngay mảng tường giữa hai cửa ra vào hai bên và đối diện ban thờ chính điện. Hai pho tượng gỗ Hộ Pháp được tạc ở tư thế đứng trên bệ hình bán cầu úp xuống chạm hoa sen, chạm rồng, tay phải lòng bàn tay chống xuống một cây roi có nhiều khấc, tay trái chống bên hông. Tượng đội mũ trụ và mặc giáp phục, sau lưng có “dây thần thông” được sơn thếp nhiều màu. Mặt tượng hình trái xoan, lông mày xếch, mũi thẳng, miệng nhỏ, dáng vẻ hiền lành. Tượng Tiêu Diện đại sĩ được tạo tác với phong cách khá lạ mang đậm chất dân gian. Đứng trên bệ tạo hình núi với những nét vũm chạm múc sâu vào gỗ, ngoài phần giáp phục che bên dưới, phần trên tượng cởi trần lộ hai chỏm ngực và những đường răng ngang tạo thành nếp nhăn như da, tay phải giơ cao lên trên đầu cầm đinh ba (vật cầm đã mất) tay trái chống ngang thắt lưng, cổ tay có băng trang trí tạo hình như bó rơm cắt ngắn cột vào. Mặt tượng dài dạng chữ “Dụng”, chữ “Điền” hay còn gọi kiểu túi mật, chỏm đầu có 3 sừng, trán 3 múi, mắt lộ, mũi to bẹt, miệng rách khóe, tai dài sau tai có lông như bờm ngựa. Pho tượng không đi hia như các pho tượng Tiêu Diện thuờng thấy ở các chùa Nam Bộ mà dưới hai ống quần túm, lộ ra đôi chân trần. Nghệ nhân cố tạo một thần thái uy nghi dữ tợn cho vị thần cai quản quỷ sứ dưới âm tào địa phủ nhưng vẻ thuần phác dân dã đã át đi chủ đề muốn thể hiện.

Bàn thờ Tam bảo ở giữa (tạm gọi là chính điện) được đóng theo kiểu “nhị cấp”, phần trên dạng hình hộp chữ nhật nơi bày trí tượng Phật, phần dưới để đặt tranh kiếng, ảnh thờ, lư hương…Sắp xếp ban thờ chính, tầng dưới là một bộ “sám bài” Năm vị: Thích Ca, Phổ Hiền, Thế Chí, Quan Âm và Văn Thù gồm 5 miếng chạm dạng phù điêu nổi được ghép và đóng chung vào một khung gỗ dài hình chữ nhật sơn hai màu, vàng và đỏ thẫm, cạnh đó là một vài tranh kiếng Quan Âm, 3 mõ gỗ chạm lớn, nhỏ, một lư cắm nhang và một chuông gia trì. Theo nhà nghiên cứu Trần Hồng Liên: “ hình tượng 5 vị: Phật và 4 Bồ tát là một trong những nét mới, tiêu biểu cho Phật giáo của người Việt ở Nam Bộ, là sự kết hợp sáng tạo giữa hai bộ tượng Di đà Tam tôn và Hoa Nghiêm Tam thánh…Chính tư tuởng phóng khóang, óc thực tế và uớc muốn đưa giáo lý Phật giáo đi vào cuộc sống của cư dân Việt Nam Bộ, đã dần hình thành cơ cấu, hệ thống bộ tuợng nói trên” (1) Cũng theo tác giả, ở vùng đất mới, cư dân đến đây sinh sống, có nhu cầu cầu an, cầu siêu nên bộ tượng 5 vị còn có dạng biến thể thành phù điêu dạng “sám bài” để tiện dùng mang cúng tại nhà các Phật tử ở những nơi xa, hẻo lánh.

Ban thờ chính (tam bảo) sắp xếp không được thống nhất do đã có sự thay thế một số tượng mới được bày trí mặt trước như tượng Di Lặc, Thích Ca tọa sen, Thích Ca sơ sinh, hoặc ở hai bên tượng Thích Ca là tượng Quan Âm, Thế Chí bằng thạch cao đúc sơn màu. Bộ tượng Diêm vương (gồm tượng Diêm vương ngồi ở giữa, hai phán quan đứng hầu hai bên), thường đặt ở ban thờ sát tuờng bên phải chính điện cũng được xếp vào ban thờ chính cùng các tượng: Địa tạng cưỡi Thanh sư, tượng Phật Thích Ca. Các pho tượng này đều mang đậm phong cách Phật tượng ở các chùa Nam Bộ với các cấu tạo khá đặc trưng từ một thân gỗ, bố cục hình tam giác cân, có xu hướng thân tượng bề ngang hơi hẹp, phát triển theo chiều cao. Nét chạm khá đơn sơ, mộc mạc, khuôn mặt của các pho tượng mang dáng vẻ khá dung dị ngoại trừ một vài đặc điểm về nhân dạng cố gắng tuân thủ theo kỹ pháp và tạo hình tượng thờ Phật giáo như: dái tai dài, nhân trung sâu…Ngoài tượng Thích Ca được sơn son thếp vàng toàn bộ, hai tượng Phán quan mặt được sơn thếp vàng còn các tượng khác được phủ lên bằng một lớp sơn công nghiệp nhiều màu; nhiều chi tiết trên các tượng này chỉ được đục chạm khá thô phác và để mộc. Ngăn cách với ban thờ sau cũng làm theo kiểu “nhị cấp” là sáu tấm tranh kiếng thờ Phật Thích Ca, Quan Âm, Đạt Ma sư tổ, Phật điện khá lớn đâu lưng vào nhau, kích cỡ 50 x70, 70 x 90cm; các tấm tranh kiếng ở đây mang tính ước lệ, cho ta hình dung về phân chia không gian trong chùa. Ở ban thờ sau, tầng bên dưới cũng được bày trí một tấm tranh 5 vị trong khung hình chữ nhật, liền lạc, sơn nhiều màu và tranh, ảnh của vị trụ trì cùng bát nhang, chuông mõ. Tầng trên, thờ bộ Di Đà tam tôn chính giữa là tượng A Di Đà tọa sen, hai bên là hai vị Quan Âm, Thế Chí. Đặc điểm của bộ tượng này là sự khác biệt về tỷ lệ giữa tượng A Di đà và hai pho tượng còn lại. Tượng Adiđà tọa sen có kích thước và chiều cao gấp 2,5 lần so với hai tượng còn lại. Nếu như pho A Di đà được tạo tác với khuôn mẫu ảnh hưởng chặt chẽ của kỹ pháp tạo hình Phật giáo thì hai pho Quan Âm, Thế Chí thể hiện sự phá cách với kiểu thức thường thấy của tượng thờ dân gian Nam Bộ với khuôn mặt thuần chất thôn dã, tay chân thô phác, nhân vật chỉ phân biệt được nét dị biệt từ tư thế ngồi, trang phục.

Ở hai góc nhà, sát tường bên phải là một bàn thờ cũng dạng “nhị cấp”. Mặt trước bàn thờ bổ ô chia làm 3 khung chữ nhật nổi, hai đầu bàn có gắn 2 thanh đại đao bằng gỗ chạm, giữa có tranh kiếng lớn vẽ hình Quan Công đang ngồi đọc sách, hai bên là Quan Bình và Châu Xương, hai tranh kiếng bên trái và bên phải là tranh Đả hổ và Tam Thánh.

Ban thờ ở góc trái thờ Linh Sơn thánh mẫu, kệ dưới là bát nhang, đĩa quả tử và chuông gia trì. Bên trên chính giữa là tượng Thánh mẫu dạng nửa đứng nửa ngồi trên ngai, hai bên là hai nữ hầu đứng cầm quạt, mé bên phải là một tượng đồng tử đứng khoanh tay. Sau lưng tượng là 3 tấm tranh kiếng vẽ hình Linh sơn thánh mẫu. Tục thờ Linh Sơn Thánh Mẫu – một trong những Nữ thần được thờ phụng trong tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu của Người Việt. Song, trong tục thờ Mẫu của cư dân Nam Bộ chịu nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Mẫu từ Trung Bộ và sự giao thoa về tín ngưỡng thờ Bà Po Inư Nưgar trong văn hóa Chăm. Hình tượng Thánh Mẫu ở đây gần gũi hình ảnh bà chúa Xứ, một nữ thần cai quản vùng đất nông nghiệp có quyền năng như nữ thần nông nghiệp và phù trợ cho cuộc sống của cư dân trong vùng.

Bộ tượng Linh Sơn thánh mẫu ở chùa Long Viên có thể nói là bộ tượng thể hiện một cách dung dị nhất, với những nét dân dã, đậm chất chân dung qua khuôn mặt tượng. Được khắc họa với khuôn mặt tròn, dáng vẻ hiền hòa, vầng trán cao, nguyệt mi cong, mắt nhỏ, mũi to, môi mỏng; tóc của các pho tượng chạm thành hai múi, giữa trang trí nút thắt kiểu bông hoa (ở tượng Thánh Mẫu là một vành kiểu vương miện tạo dáng hồi văn cánh hoa che phần tóc). Cổ áo cách điệu kiểu lá sen với hoa văn móc đối xứng, ngoài dải trang trí ở áo Thánh mẫu dạng dải dài có mũi nhọn chạm hoa, ở hai tượng hầu còn lại chỉ phần vạt áo trang trí hoa văn sọc dọc nổi. Bộ tượng cho thấy những ảnh hưởng nhất định với văn hóa Hoa qua trang trí trên y phục tượng, và nhân diện thường thấy ở những tượng thờ trong các Hội quán, miếu thờ Thiên Hậu. Tượng không sơn thếp, chỉ được phủ lên một lớp sơn màu xanh lá cây, đỏ thẫm, phần chân tượng để mộc. Pho tượng tiểu đồng cho ta một liên hệ thật gần gũi với đời sống thôn ấp ở Nam Bộ với hình tượng một chú tiểu hay một chú mục đồng nhỏ, tóc 3 vá, áo ngắn hở tay, quần xắn ống, hai tay khoanh trước ngực như vừa phạm một lỗi gì đó. Bộ tượng này thể hiện một phong cách tạo tác riêng hòan tòan khác so với nhóm tượng cổ khác trong Chùa, về mặt niên đại qua kỹ thuật chạm khắc, theo chúng tôi đoán định được tạc vào đầu thế kỷ XX, bên cạnh đó cũng dựa vào yếu tố chất liệu sử dụng trong cấu thành tượng có cả những chất liệu bằng kim loại hiện đại (mảnh thiếc làm thành quạt của hầu nữ). Sự hiện hữu của bộ tượng này cũng được chủ nhân giải thích giả định theo hai hướng: do Phật tử cúng dường và cũng có một ý là có thể được thỉnh từ ngôi chùa khác khi dỡ ra trùng kiến quy mô hơn. Những bộ tượng cổ ở đây theo chủ nhân đều do những nhóm thợ từ Lái Thiêu và thợ địa phương tạo tác.

Chùa Long Viên là một ngôi chùa ở đất Bà Rịa, vùng đất này xưa kia và hiện nay có khá nhiều chùa Phật giáo tọa lạc ở đây. Ngay từ thế kỷ XVII, vùng đất Mô Xoài, Bà Rịa đã được coi là điểm tụ cư đầu tiên của lưu dân Việt trước khi tiến dần xuống vùng đất Đồng Nai sau đó là Sài Gòn vào thế kỷ XVIII, XIX. Trong điều kiện sinh cảnh mới, đất đai hoang vu, rừng cây rậm rạp, sông ngòi chằng chịt, thú dữ, thiên tai và địch họa…luôn đe dọa cuộc sống lưu dân, thì “hành trang” tôn giáo- tín ngưỡng của lưu dân có điều kiện phát huy mạnh mẽ nhất. Khi thôn ấp hình thành thì thiết chế văn hóa tín ngưỡng đi kèm với nó cũng ra đời: đình, chùa, miễu, võ…để lưu dân cảm thấy được an ủi, phù trợ trên bước đường phiêu tán vì sinh kế. Ngôi chùa làng cũng được tạo dựng như một thành tố của thiết chế này. Phật giáo cũng như một số tín ngưỡng khác ngay từ buổi đầu cho đến cuối thế kỷ XIX đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa nói chung trên vùng đất Gia Định xưa. Chùa Long Viên mặc dù là một ngôi chùa tư, quy mô khá nhỏ gọn nhưng có thể nói đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu của cư dân quanh thôn ấp. Là ngôi chùa theo dòng phái Lâm Tế, dòng phái có ảnh hưởng khá lớn trong Phật giáo Nam Bộ, song trong cung cách thờ tự chùa Long Viên cũng như khá nhiều chùa Phật giáo ở Đồng Nai, Gia Định ở vào giai đoạn này cũng đã có những tín ngưỡng khác đan xen, giao hòa trong cách phối tự. Dấu ấn của văn hóa, tín ngưỡng dân gian là điều không thể phủ nhận được trong tiến trình phát triển của Phật giáo Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Hình ảnh ban thờ Quan Công, thờ Mẫu…tại chùa Long Viên là những ảnh hưởng giao lưu văn hóa Hoa-Việt khá rõ, cho thấy để tồn tại Phật giáo Nam Bộ rất uyển chuyển, mềm dẻo trong việc tiếp nhận những yếu tố tín ngưỡng bản địa hay du nhập trong bối cảnh cộng cư đa tộc, để điều chỉnh, để dung hòa mọi tín điều – quan trọng hơn cả là để tạo niềm tin và nghị lực cho cư dân có thể trụ lại và phát triển trên vùng đất mà họ đã chọn làm quê hương thứ hai của mình.

Kiến trúc cổ truyền của ngôi chùa và những bộ tượng mang đậm phong cách tượng thờ dân gian Nam Bộ được kiến tạo từ những cánh thợ địa phương của chùa Long Viên thật sự là những di sản văn hóa quí giá, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật kiến trúc dân gian cổ truyền Nam Bộ và nghệ thuật Phật tượng ở Nam Bộ trong lịch sử gần 400 năm hình thành và phát triển./.

HOÀNG ANH TUẤN

PGĐ Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh

___________

Tài liệu dẫn:

Trần Hồng Liên – Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ-Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975. Nhà xuất bản KHXH 1995, trang 123, 124.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu