Lễ hội của cư dân ven biển Việt Nam, Di sản văn hóa độc đáo trong phát triển du lịch

(29/03/2019)

Việt Nam là quốc gia gắn liền với biển, đảo. Cư dân ven biển Việt Nam đã tạo dựng một những nét độc đáo trong tín ngưỡng, lễ hội…góp phần làm phong phú văn hóa cộng động các dân tộc Việt Nam. Lễ hội của các cư dân ven biển Việt Nam vừa là di sản quý giá, được lưu truyền, duy trì qua nhiều thế hệ, đáp ứng nhu cầu tâm linh trong đời sống của người dân, đồng thời là nét đẹp, thu hút khách tham quan. Loại hình lễ hội của cư dân ven biển cần được bảo tồn và phát huy, khai thác hợp lý trong phát triển du lịch để góp phần đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh vì biển trong xu thế phát triển bền vững.

1. Việt Nam – quốc gia của biển đảo

Với vị trí địa lý và pháp lý từ cơ sở chủ quyền được xác định trải qua nhiều thời kỳ, Việt Nam là quốc gia gắn liền với biển đảo. Việt Nam có có 28/63 tỉnh, thành phố có biển, với 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo. Các địa phương có biển gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và  Kiên Giang. Đường bờ biển Việt Nam kéo dài 3.260 km và khoảng 4.000 đảo lớn, nhỏ[1].

Những tỉnh thành của Việt Nam giáp biển Đông đều có cư dân sinh sống lâu đời. Trong quá trình ấy, đã hình thành và duy trì những hệ thống tín ngưỡng dân gian khá độc đáo của các cư dân ven biển. Mỗi vùng miền, địa phương, cộng đồng ven biển với những đặc điểm, tín ngưỡng, đối tượng tôn thờ hình thành những lễ hội với những nghi thức, diễn tế, hoạt động…đa dạng. Đây là sinh hoạt văn hóa được truyền giữ qua nhiều thế hệ, trải nhiều giai đoạn và không ngừng được bổ sung các yếu tố, trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong tín ngưỡng, làm đa dạng sắc thái văn hóa của Việt Nam.

2. Lễ hội của cư dân ven biển Việt Nam

2.1. Lễ hội cầu ngư

Tục thờ cá Ông là tín ngưỡng dân gian của cư dân ven biển Việt Nam. Cá Ông là danh xưng tôn kính, hàm chỉ về cá voi, động vật sống ở biển, được ngư dân tôn thờ bởi tín niệm về sự giúp đỡ, phù hộ đối với những người đi biển; đặc biệt khi họ gặp nạn giữa biển khơi. Trong dân gian lưu truyền nhiều câu chuyện về sự giúp đỡ thần kỳ của loài cá này đối với con người. Và mỗi khi phát hiện cá voi chết, được gọi một cách tôn kính là lụy (lỵ), ngư dân miền biển chôn cất cẩn thận. Tại nhiều làng ven biển Việt Nam, có nhiều cơ sở tín ngưỡng được dựng nên để thờ cá Ông và cùng các đối tượng phối thờ khác rất đa dạng.Từ tín ngưỡng thờ cá Ông hình thành lễ hội cầu ngư của cư dân ven biển Việt Nam, suốt một dãy từ Hà Tĩnh đến Kiên Giang.

Lễ hội cầu ngư được duy trì ở nhiều địa phương ven biển với những nghi thức lễ, trò hội quan trọng. Ở các địa phương thời gian lễ hội diễn ra khác nhau và có nhiều thay đổi qua các thời kỳ nhưng tập trung nhất là vào các tháng của mùa xuân, mùa thu. Thời gian, nghi thức, hội trò…trong lễ hội ở mỗi địa phương có những điểm, quy mô khác nhau nhưng tựu chung mang ý nghĩa lớn trong đời sống của cư dân ven biển. Đây là lễ hội quan trọng, được tổ chức hằng năm nhằm cầu an, cầu mùa của cộng đồng cư dân làm nghề biển.

– Tại Hà Tĩnh: lễ hội cầu ngư tại xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) diễn ra vào tháng hai âm lịch hằng năm. Ngoài những nghi thức cúng diễn ra tại các đền, điểm hướng ra biển với lễ vật, lời cầu khấn, còn diễn ra lễ cúng trên nước, có hội chèo bơi/ đua thuyền giữa các bang của làng theo dọc bờ biển. Các đội thi đua trên những chiếc thuyền cắm cờ, quân bơi đóng khố trong sự cổ vũ nhiệt thành với chiếng trống khua vang, hò reo của nhiều người[2].

– Ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, nhiều làng tổ chức lễ hội cúng cá Ông vào đầu Xuân, đầu vụ mùa cá Nam (tháng 4,5 âm lịch). Lễ tế cá Ông kết hợp với lễ Cầu ngư, lễ Xuống thuyền hàng năm mang tính chất tạ ơn thần thánh và cầu mong mùa màng bội thu, tốt đẹp[3].

– Tại các tỉnh duyên hải miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…), lễ hội Cầu ngư được duy trì ở nhiều làng ven biển tuy thời gian diễn ra khác trong năm. Ngoài các nghi tế, rước trong lễ; đặc biệt có diễn xướng loại hình hát bả trạo (bả là nắm chắc hay bạn, trạo là mái chèo). Loại hình dân ca nghi lễ/diễn xướng vừa múa vừa hát tái hiện cảnh chèo ghe, thuyền ra khơi đánh bắt của ngư dân. Ngôn ngữ trong hát bả trạo có sự đan xen giữa các ngôn ngữ gốc Hán, chữ Nôm, tiếng Việt, kết hợp giữa hát và nói, có sử dụng kiểu nói lối, lối hát trong nghệ thuật sân khấu tuồng truyền thống; các kiểu hò kéo neo, lý…của dân ca Quảng Nam; cũng như sử dụng các làn điệu Tán, Kệ…trong âm nhạc Phật giáo…tạo nên giá trị phản ánh văn hóa, tâm linh của cư dân, là nét sinh hoạt độc đáo của cư dân van biển.[4]

– Tại Vũng Tàu của miền Đông Nam Bộ có nhiều nơi thờ cá Ông. Lễ hội có nhiều nghi thức: nghinh Ông, thỉnh sắc, cúng Tiền hiền, Hậu hiền, chánh tế, xây chầu đại bội…Các lăng Ông Phước Hải, Long Hải, Phước Tỉnh (Long Điền) không làm lễ nghinh Ông trên biển, kiểu và đám rước chỉ dừng lại sát nước  để làm lễ vọng. Lễ cúng cá Ông ở Long Hải có sự kết hợp giữa nghinh Ông, nghinh Bà Tím, nghinh Cô Hồng Thủy. Lễ hội thu hút đông đảo người tham dự[5].

– Tại Bến Tre: ở các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú có 9 lăng thờ cá Ông. Lễ hội thường diễn ra trước mùa đánh bắt cá biển, gồm nhiều nghi thức tế, rước vừa diễn ra ở cơ sở tín ngưỡng và trên mặt biển. Tham gia lễ hội ở huyện Bình Đại, có nhiều thuyền đánh cá không chỉ ở địa phương mà còn ở các địa bàn lân cận. Các thuyền đánh cá đều chăng đèn, kết hoa rực rỡ. Ở đầu mỗi thuyền có bày cúng lễ vật: trái cây, xôi thịt, vịt luộc, đầu heo và hương hoa. Nghi thức nghinh Ông trên biển rất độc đáo với chiếc ghe lễ (chở long đình, đồ lễ lớn) dẫn đầu và đoàn ghe rước đến hàng trăm chiếc. Đoàn rước có ghe chở múa lân. Mỗi ghe có bày lễ vật và buộc dây ngũ sắc, trang trí rực rỡ tiến ra nơi vùng giáp nước (sông, biển), có trỗi nhạc, đi nhiều vòng để nghinh Ông, xin keo, thổi tù và và đốt pháo. Sau đó đoàn ghe tăng tốc, đua nhau trở về bến trong không khí náo nhiệt của vùng quê ven biển, tiếp tục các nghi thức, hội hè khác[6].

– Sóc Trăng có 32 km đường bờ biển, đoạn cuối sông Hậu đổ ra biển Đông với 3 cửa biển: Định An, Mỹ Thanh và Trần Đề. Lễ hội nghinh Ông ở cửa biển Trần Đề  diễn ra vào tháng ba âm lịch hằng năm. Trước ngày cúng Ông, các ghe thuyền đều tụ tập về đây, phơi lưới, treo ghe chờ làm lễ tế ông mới xuống tàu ra khơi. Lễ hội có 2 phần chính: lễ rước và lễ tế. Lễ rước kiệu Ông với nhiều ghe thuyền, trang hoàng cờ lọng, múa lân – sư – rồng, lễ vật,…tiến ra biển nghinh Ông. Sau đó, rước nghinh Ông vào bờ, về lăng. Lễ tế với các nghi thức: thỉnh Ông, thỉnh bà, cúng tiên sư, cúng tiền vãng, cúng chánh tế, xây chầu, đại bội và tôn vương hồi chầu với không khí trang nghiêm. Tại ngư trường, tất cả các ghe tàu neo đậu, ngư dân tổ chức ăn mừng. Nhiều trò chơi dân gian mang đậm phong cách miền biển như: kéo co, đua thuyền thúng, bơi lội…Đây là dịp để ngư dân đoàn tụ và thu hút nhiều người từ các nơi khác đến tham dự[7].

Lễ hội cầu ngư diễn ra nhiều tỉnh thành ven biển của Việt Nam bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cá Ông. Lễ hội cầu ngư thể hiện đời sống tín ngưỡng, phản ảnh ứng xử của con người với thần linh, thiên nhiên; đồng thời là môi trường bảo tồn và phát huy các loại hình diễn xướng, trò chơi dân gian trong cộng đồng: hát bả trạo/chèo ghe, hát hò đối đáp, đua thuyền, lắc thúng…và sau này bổ sung các hoạt động thi đấu các môn thể thao hiện đại. Phần lễ và phần hội cuốn hút nhiều người dân tham gia, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tính thần gắn kết cộng đồng và nhu cầu giải trí. Tập thành những nghi thức và phần hội đa dạng trong lễ hội góp phần làm cho di sản văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam phong phú, tạo nên nét đặc thù của đời sống văn hóa của cư dân ven biển. Đây là nguồn di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy trên nhiều lĩnh vực.

2.2. Lễ hội liên quan đến tục thờ Mẫu, nữ thần

Tín ngưỡng thờ Mẫu thần, nữ thần có mặt khá sớm trên Việt Nam. Ở các vùng ven biển Việt Nam, tín ngưỡng này cũng khá đa dạng. Nhiều vùng ven biển của Việt Nam tồn tại các cơ sở tín ngưỡng và lễ hội liên quan đến đối tượng thờ này.

Tại Nghệ An có Đền Cờn thuộc xã Quỳnh Phương (huyện Quỳnh Lưu) duy trì lễ hội về Thánh Mẫu Cờn kéo dài trong nhiều ngày bắt đầu từ ngày rằm tháng Giêng hằng năm. Lễ hội thu hút nhiều người tham gia trong không khí chuẩn bị cho đến kết thúc với các hình thức rước kiệu, nghi lễ cúng tế, cầu khấn, hát bội, trò chơi dân gian, đua thuyền…; đặc biệt có tục chạy ối. Qua 12 giờ đêm ngày 20 tháng Giêng, những người dân địa phương tham gia chạy đua về xuống hòn Ối (nơi được xem là thân xác của Mẫu Cờn và các công chúa  trôi dạt vào) tạo nên một không khí náo nhiệu trong thời điểm  hòa giao của ngày và đêm[8].

Vùng duyên hải Trung Bộ có tục thờ Po Ina Nagar, được xem là bà mẹ Xứ Sở của người Chăm. “Thánh mẫu Po Ina Nagar bắt đầu biến chuyển và hỗn dung với văn hóa Việt,  sáng tạo ra một triết lý mới, câu chuyện sáng thế mới, truyền thuyết mới, nghi thức thờ tự mới…pha lẫn nền văn minh bản địa Champa, cộng với văn minh Việt – Trung Hoa”[9]. Vì vậy, bà Mẹ Xứ Sở được định danh tôn thờ với nhiều mỹ hiệu như Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc/ Chúa Ngọc Thánh phi, Chúa Ngọc Tiên Nương, qua nhiều thời kỳ, trở thành biến thể hiện thân của nữ thần với các danh xưng tại nhiều dấu tích tín ngưỡng từ miền Trung cho đến Nam Bộ trong quá trình Nam tiến của người Việt.  Lăng, miếu thờ Po Ina Nagar hay các hiện thân có mặt nhiều nơi. Đặc biệt, ở các vùng ven biển, các nơi thờ nữ thần hay hiện thân khác (miếu, dinh…) đều quay mặt ra biển, được tôn kính và hằng năm tổ chức các nghi cúng tế trang trọng, lễ hội khá đặc sắc, sinh động. Ngư dân trước khi ra khơi đánh bắt thường cho ghe thuyền chạy đến nơi thờ nữ thần, cung kính ngả nón và bái lạy.

Vùng duyên hải Nam Bộ thờ các Mẫu, nữ thần: Bà Thiên Hậu, Bà Chúa Xứ, Đại Càn, Bà Thủy Long, Bà Cô (nhiều gốc tích về đối tượng thờ)…với nhiều danh xưng tôn kính. Tùy theo quan niệm của cộng đồng ngư dân từ tâm thức, tín niệm và cách lý giải lưu truyền, các đối tượng Mẫu thần, nữ thần cùng với các đối tượng khác được tùng tự với nhiều gốc tích được cung kính tôn thờ. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi có nhiều cơ sở thờ Bà Thủy Long (đình Tam Thắng, Miếu Bà Long Hải/huyện Long Đất)…Một số ngôi đình ở các địa phương của tỉnh Bến Tre, các huyện Hà Tiên, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) có tục thờ Đại Càn từ lâu đời. Các đảo vùng biển Tây Nam Bộ hầu hết đều có thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu/Mã Châu…Hằng năm, tại các thiết chế tín ngưỡng này, diễn ra nhiều lễ hội lớn: thu hút nhiều người tham dự, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương và khách tham quan: lễ vía Thiên Hậu thị trấn Sông Đốc (tỉnh Cà Mau) hay lễ Nghinh Cô tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền (Bà Rịa -Vũng Tàu). Lễ hội Nghinh Cô diễn ra vào trung tuần tháng 2 âm lịch, được xem là lớn nhất ở vùng biển Nam Bộ với tập thành phong phú các nghi thức: rước thủy thần, nghinh Ông, rước Bà và diễn xướng dân gian như hát bóng rỗi (khai tràng dâng liễn, nghinh Bà, múa dâng bông, dâng mâm, chặp địa nàng), hát bả trạo và những đêm hoa đăng lung linh thu hút hàng chục ngàn người dân từ các nơi đến tham dự, tham quan[10].

2.3. Lễ hội từ tín ngưỡng thờ các nhân vật có công với làng, nước

Vùng duyên hải châu thổ Bắc Bộ có nhiều hội bơi trải (chải)/đua thuyền hằng năm, hay nhiều trò hội khác như chọi trâu… gắn liền với tín ngưỡng thờ các nhân vật có công với làng, nước qua nhiều giai đoạn của lịch sử.

Hải Phòng có lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, nguồn gốc từ xưa, được tổ chức vào tháng tám âm lịch hằng năm. Có nhiều ý kiến lý giải về cội nguồn thần tích, đối tượng thờ, nghi thức của lễ hội này. Có ý kiến cho rằng, đối tượng được thờ cúng là vị Tổ đầu tiên lập nghiệp ở đây chọn nghề đánh cá. Sự tích được người dân Đồ Sơn lưu truyền về  lễ hội chọi trâu: Một đêm rằm tháng 8, dân miền biển Đồ Sơn nhìn thấy một tiên ông đang say sưa ngắm hai chú trâu chọi nhau trên những con sóng bạc. Trong lễ hội, có tục chọi trâu. Trước đây, sau cuộc đấu, con trâu chiến thắng được đem ra Hòn Dộc để ném xuống vực xoáy của biển. Ngày nay, lễ hội được phục hồi, định kỳ tổ chức thu hút đông đảo du khách[11].

Ngày ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, thị trấn Diêm Ðiền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) tổ chức lễ hội bơi trải truyền thống trên dòng sông Diêm và mở cửa đền Thuận Nghĩa để tưởng nhớ 2 danh tướng Phạm Tài-Nguyễn Cao đã lập nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Cuộc đua tài diễn ra trên đoạn sông rộng trước cửa biển Diêm Ðiền. Mỗi trải gồm 15 vận động viên phải vượt qua 3, 5 vòng đua với chiều dài 4,5km. Tục bơi trải của làng gắn liền với nghề đi biển của người dân[12].

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có nhiều lễ hội trong năm, diễn ra trong không khí sôi nổi, mang đậm màu sắc dân gian, liên quan đến nhiều nhân vật lịch sử trong công cuộc chống ngoại xâm. Tại làng Quan Lạn (huyện Vân Đồn) vào tháng sáu âm lịch hằng năm có tổ chức lễ hội tưởng nhớ đến vị tướng Trần Khánh Dư thời nhà Trần. Khi làm phó tướng Vân Đồn, Trần Khánh Dư có công lớn trong trận thủy chiến đánh bại quân Nguyên trên biển. Ngoài các nghi lễ tôn thờ, dâng kính, cầu an đối với người có công, lễ hội có hội bơi trải. Hội bơi diễn ra đêm 17 đến ngày 18 tháng sáu. Hội bơi diễn ra ban đêm với nhiều màu sắc. Trong ánh đuốc, những thuyền viên trong trạng phục của nhà Trần cùng thi thố với nhau trong tiếng chiêng trống vang dội và hò reo cổ vũ của người xem[13].

Tại Thừa Thiên – Huế, ba năm một lần, dân làng tổ chức lễ hội tưởng nhớ vị Thần thành hoàng Trương Qúy Công/Trương Thiều – người có công dạy dân làng nghề đánh cá và buôn ghe bán mành. Lễ hội diễn ra vào tháng Giêng hằng năm. Tính chất cầu an, cầu ngư thể hiện rõ trong lễ hội này. Đặc biệt, trong lễ hội có diễn trò bủa lưới nậu lưới (diễn tả cảnh đánh bắt trên biển) và ruỗi bộ (buôn bán cá). Cảnh bủa lưới khá thú vị với việc tung tiền và vật phẩm trong sân đình cho trẻ em tham gia tranh nhặt, các chủ thuyền khiên thuyền tre và bủa lưới vây bắt trẻ em (tượng trưng cho cá). Sau đó “cá” bắt được đem ra rao bán với một không khí náo nhiệt và vui vẻ[14].

Tại huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 4-8/1 âm lịch, người dân tổ chức lễ cầu an, tưởng nhớ các bậc tiền hiền có công khai khẩn. Đây là những người từ làng An Hải (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) và làng An Vĩnh (xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh) vùng đảo này từ đầu thế kỷ XVII. Ngoài các nghi thức cúng tế thần linh được diễn ra tại các lăng miếu, đền thờ trên đảo và tại đình làng của mỗi xã, người dân tổ chức lễ hội đua thuyền trên biển. Tham gia đua thuyền, mỗi xã có 4 đội đua với mỗi thôn thành lập một chiếc được đặt tên theo một con vật tứ linh gồm: Long, Lân, Quy, Phụng. Mỗi thuyền được thiết kế dài từ 20-22 m, rộng từ 1,2-1,3 m, trong đội bơi có từ  22-24 người (có 1 tổng lái chính, 2 tổng lái phụ và 1-2 người đứng đập mõ (đánh nhịp) và phụ trách việc tác nước). Thuyền đua được đóng theo dáng thon, nhẹ giúp thuyền lướt nhanh trên sóng nước. Để thuyền được vững chắc, thành thuyền được làm bằng ván dày 3cm và mỗi thuyền được chạm khắc đầu và đuôi con vật tứ linh theo biểu tượng đã được chọn. Hội đua thuyền thu hút nhiều người xem[15].

Đặc biệt, trong các lễ hội ở đảo của Việt Nam, tại đảo Lý Sơn hằng năm diễn ra lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Trước đây, mỗi tộc họ tổ chức vào thời gian khác nhau nhưng hiện nay tập trung tổ chức vào ngày 26/3 âm lịch. Nguồn gốc của lễ bắt nguồn từ nghi lễ “cúng thế mạng” cho những người tham gia vào đội lính của triều Nguyễn trong nhiệm vụ ra đảo Hoàng Sa. Người dân quan niệm, mỗi khi nhận lệnh ra Hoàng Sa, những người lính trên đường ra đảo giữa biển cả mênh mông luôn gặp nhiều rủi ro, thường chỉ có đi mà không có về. Theo Cao Nguyễn Ngọc Anh “đội Hoàng Sa từ đảo Lý Sơn đi đến quần đảo Hoàng Sa bằng chiếc ghe bầu thô sơ. Trong cuộc hành trình đi làm nhiệm vụ, lính Hoàng Sa mang theo lương thực, nước uống trong 6 tháng. Ngoài ra, họ phải chuẩn bị riêng cho mình các vật dụng: 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, chiếc thẻ bài bằng tre, một đôi chiếu. Đôi chiếu được dùng để quấn xác họ nếu không may tử nạn, 7 đòn tre được dùng để nẹp quanh thân người, và 7 sợi dây mây là vật dùng để bó xác người. Chiếc thẻ bài bằng tre có ghi tên tuổi, quê quán, phiên hiệu của người đi lính được cài trong bó xác. Thi thể của những người lính xấu số ấy sẽ được đồng đội của họ thả xuống biển. Họ hy vọng chiếc thẻ bài là “thông tin” gửi cho gia đình nhận ra nếu thi thể cuả họ không toàn thây. Từ thực tiễn hoạt động của đội Hoàng Sa xưa, trong điều kiện phương tiện tàu thuyền đi lại trên biển thô sơ và luôn “một đi không trở lại”, đã hình thành ở Lý Sơn một nghi lễ đặc sắc mang đậm tính nhân văn về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”[16]. Trong buổi tế người ta làm những hình người bằng giấy hoặc bằng bột gạo và dán giấy ngũ sắc, làm thuyền bằng thân cây chuối, đặt hình nộm lên để làm giả những đội binh thuyền Hoàng Sa đem tế tại đình, tế xong đem thả ra biển, với mong muốn đội thuyền kia sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người lính của đội Hoàng Sa, đồng thời tạo niềm tin và ý chí cho người lính làm hoàn thành nhiệm vụ. Về sau, khi đội Hoàng Sa không còn nữa, các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa đã tự tổ chức tế lễ theo nghi thức xưa tại nhà thờ tộc họ để tưởng nhớ và trở thành một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người Lý Sơn. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khơi dậy lòng yêu nước và bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, đặc biệt di sản văn hóa của cư dân vùng biển Việt Nam[17].

3. Phát triển du lịch từ di sản lễ hội ven biển

Tầm quan trọng của biển đảo được Việt Nam xác định, định hướng phát triển trong thời gian qua. Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 09 – NQ/TW ngày 09/2/2007 nêu rõ về mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh[18], trong đó nhấn mạnh khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chính phủ Việt Nam có quyết định số 373/QĐ-TTg (ngày 23/3/2010) phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam[19], nêu khá chi tiết về quan điểm, yêu cầu, mục tiêu, các giải pháp phát triển hướng đến phát triển đất nước trong tình hình mới với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, trên từng lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể.

Trong nội dung Nâng cao nhận thức về vị thế quốc gia biển và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo đề cập nhiệm vụ xây dựng đề án Bảo tàng Biển quốc gia và quy hoạch các địa điểm, địa danh, công trình lịch sử – văn hoá biển. Mốc thời gian 2020 không còn xa và chúng ta không khỏi chạnh lòng: Bao giờ có Bảo tàng Biển mang tầm vóc quốc gia. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện khá thuận lợi hiện nay (hệ thống gia thông, cơ sở vật chất…, quan hệ đối ngoại rộng mở…); đặc biệt về phát triển du lịch thời kỳ hội nhập hội nhập, ngành Văn hóa của Việt Nam cần kịp thời thực hiện Chiến lược điều tra tổng thể văn hóa biển. Trên cơ sở này, xác định những nguồn di sản cần bảo vệ, cần phát huy phù hợp, một cách khoa học trong chiến lược phát triển chung của đất nước. Mỗi địa phương, vùng miền ven biển cần xác định những yếu tố phát triển văn hóa biển trong xu thế chọn lựa những nét đặc thù và sự liên kết trong tiểu vùng. Trên cơ sở điều tra, thống kê nguồn di sản, tạo thành cơ sở nguồn dữ liệu di sản, ưu tiên xây dựng bảo tàng văn hóa biển mang tính chất khu vực với tính chất quy mô và các địa phương có tiềm lực khai thác biển với nét đặc thù, gắn với trọng tâm của từng vùng hay địa phương. Cần sớm quy hoạch và xây dựng bảo tàng về văn hóa biển một cách hợp lý của vùng miền hay gắn với những di tích, lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa liên quan trong quảng bá văn hóa, phát triển đất nước khi chúng ta nhận thức được mạnh “Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi đã nêu lên ý kiến xác đáng “Sự ra đời của một bảo tàng văn hóa biển là rất cần thiết đối với một đất nước có truyền thống văn hóa biển như Việt Nam….trước khi những giá trị văn hóa biển ngày càng mai một đi một cách nhanh chóng trước tốc độ phát triển của đời sống công nghiệp”[20].

Mục tiêu của nội dung Xây dựng, quảng bá thương hiệu Biển Việt Nam có nêu nhiệm vụ về sự phối hợp giữa các ngành hữu trách về triển khai thành công chiến lược quảng bá thương hiệu biển Việt Nam ra thị trường quốc tế; tổ chức được các diễn đàn, hội chợ, giao lưu văn hóa – du lịch biển (các Festival và lễ hội truyền thống) định kỳ ở quy mô quốc tế và quốc gia. Là quốc gia có lợi thế tiềm năng về sinh thái biển, di sản văn hóa đa dạng; trong đó có lễ hội phong phú được duy trì, tạo thành nét độc đáo trong đời sống của cư dân ven biển, Việt Nam cần nghiên cứu, nắm bắt những cơ hội để biến những tiềm năng này thành nguồn lực góp phần phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững. Di sản văn hóa biển/từ tín ngưỡng đến lễ hội của cư dân ven biển Việt Nam trải dài từ Bắc chí Nam với không gian văn hóa khá rộng vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, vừa trở thành lợi thế thu hút khách du lịch trong và ngoài nước (đối với địa phương/vùng miền và đối với quốc tế). Thời gian qua, tuần lễ văn hóa, du lịch hay Festival và lễ hội truyền thống ở một số địa phương được tổ chức. Thế nhưng, để đem lại hiệu quả hơn, cần phát huy lễ hội của cư dân ven biển với những tố phù hợp, hài hòa trong hoạt động tín ngưỡng của người dân, môi trường sinh thái…đem lại lợi ích thiết thực vừa tạo môi trường bảo tồn những nét văn hóa, tuyên truyền, quảng bá và lợi ích kinh tế thiết thực cho ngư dân.

Lợi thế tiềm năng về sinh thái, tài nguyên và di sản văn hóa biển của Việt Nam rất lớn. Di sản văn hóa – trong đó có loại hình lễ hội của cư dân ven biển của Việt Nam là tài sản, nguồn lực, tài nguyên cần gìn giữ, bảo vệ và khai thác để phát triển kinh tế – xã hội; đặc biệt đối với các địa phương có vị thế, tiềm năng về biển. Việc chọn lọc di sản văn hóa/ loại hình lễ hội gắn với biển để phát huy, phát triển phải phù hợp với môi trường và định hướng, quy hoạch khoa học của từng vùng, địa phương. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2030[21] thể hiện rõ các quan điểm, trong đó có “Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội”. Khi đẩy mạnh, định hướng phát triển kinh tế để Việt Nam “trở thành quốc gia mạnh về biển” đòi hỏi trước hết sự quan tâm, trách nhiệm của các chính quyền địa phương ven biển trong ý thức bảo tồn, khai thác và quảng bá văn hóa biển một cách hợp lý, hài hòa và đem lại lợi ích thiết thực cho chính chủ thể văn hóa, cộng đồng dân cư tại chỗ. Từ cơ sở này, góp phần cho sự phát triển chung của vùng miền và của đất nước./.

ThS. Phan Đình Dũng
ThS. Nguyễn Thị Thu Hà

———————————————————————————————————

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thanh Lợi (2014), Một góc nhìn về văn hóa biển, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Nhiều tác giả (2000), Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc-Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội.

3. Thạch Phương, Đoàn Tứ (chủ biên) (2001), Địa chí Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Trần Nam Tiến, Phạm Ngọc Trâm (chủ biên) (2014), Nhận diện và phát huy các giá trị tài nguyên biển đảo phục vụ phát triển bền vững vùng Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa (2014), Văn hóa biển đảo Khánh Hòa.

6. Võ Văn Sen, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Văn Lên (đồng chủ biên) (2014), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ, bản sắc và giá trị, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

7. https://vi.wikipedia.org.

8. http://dsvh.gov.vn.

9. http://dulichdaolyson.vn.

10. http://thaithuy.thaibinh.gov.vn.

 

Địa chỉ liên lạc: Phan Đình Dũng

Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM

ĐT: 0919.48.6676

[1] Hà Nguyễn (2014). Giới thiệu về biển đảo Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, tr 6, 11. Số liệu về km bờ biển và đảo chưa thống nhất qua một số tư liệu.

[2] Nhiều tác giả (2000), Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc -Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, tr.1369-1372.

[3] Nguyễn Thanh Lợi (2014), Một góc nhìn về văn hóa biển, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.217.

[4] Dẫn theo “Giới thiệu hát bả trạo trong lễ cầu ngư ở thành phố Tam Kỳ – Quảng Nam”, htttamky.gov.vn, truy cập ngày 13/5/2015.

[5] Nguyễn Thanh Lợi (2014), Một góc nhìn về văn hóa biển, Sđd, tr.219.

[6] Thạch Phương, Đoàn Tứ (chủ biên) (2001), Địa chí Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.928 – 931.

[7] Dẫn theo Nguyễn Thế Dũng, Lâm Nhân, Lễ hội nghinh Ông ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, Thông tin Khoa học, số 4, 2013, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

[8] Dẫn theo Yến Ly (2000), Lễ hội đền Cờn trong Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Sđd, tr.277-279.

[9]Dẫn theo Lê Đình Hùng, Tôn Nữ Khánh Trang (2014), Thần nữ Thiên Y A Na trong đời sống cư dân vùng Thuận Hóa, Kỷ yếu hội thảo Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ – bản sắc và giá trị, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 527 -534.

[10] Dẫn theo Nguyễn Thanh Lợi (2014), Thần linh biển Nam Bộ, Kỷ yếu hội thảo Nhận diện và phát huy các giá trị tài nguyên biển đảo phục vụ phát triển bền vững vùng Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia Tp.HCM, tr. 335-349.

[11] Nhiều tác giả (2000). Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam. Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, tr.315.

[12] Dẫn theo Nguyễn Hình, Lễ hội bơi trải Diêm Điềnhttp://thaithuy.thaibinh.gov.vn, truy cập tháng 5/ 2015.

[13] Dẫn theo Điền Nam, Trần Nhuận Minh (2000), Những lễ hội ở Quảng Ninh trong Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Sđd, tr.832-833.

[14] Nhiều tác giả (2000), Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Sđd, tr.1176-1181.

[15] http://dulichdaolyson.vn, truy cập tháng 5/2015.

[16] Cao Nguyễn Ngọc Anh (2011), Những giá trị của lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 6, tr.15-16.

[17] Dẫn theo Dương Anh, http://dsvh.gov.vn, truy cập tháng 5/2015.

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.76.

[19] Quyết định số 373/QĐ-TTg phê quyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 23/3/2010.

[20] Dẫn theo Nguyễn Thanh Lợi (2012), Từ một nền văn hóa biển đến một bảo tàng văn hóa biển trong Văn hóa biển đảo Khánh Hòa, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, tr.294-295.

[21] Quyết định số 2473/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2030”, ngày 30/12/2011.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu