Kim Long – một thời dánh Mỹ

(20/11/2013)

Chúng tôi theo chị Út Mười Một (Võ Thị Mười) về Kim Long, tìm người phụ nữ mang bầu đi cứu thương binh năm ấy, chị Phan Thị Mai. Người phụ nữ mảnh mai một thời đã thành bà nội, bà ngoại. Căn nhà nhỏ bé của chị rộn lên những tiếng cười thật thân thương của những người đồng đội năm xưa, cùng những câu chuyện hào hùng năm xưa. Chuyện bắt đầu từ trận tập kích đêm 18-6-1967 của Trung đoàn 4 vào căn cứ dã chiến tại lòng chảo Kim Long, loại khỏi vòng chiến đấu một tiểu đoàn quân viễn chinh Mỹ, phá huỷ hàng chục xe tăng. Nhiều chiến sỹ Quân giải phóng bị thương, lạc đơn vị đã được những người dân Kim Long cứu sống. Những ngày tháng hào hùng, thắm tình quân dân ấy hiện lên qua lời kể hồn hậu của những người dân Kim Long,…
       

Sáng ấy trực thăng nó bay lền trời, bắn dọc 2 bên lộ từ Kim Long vào Láng Lớn, nghi ngờ chỗ nào có bộ đội, du kích là xả đạn hoặc ném lựu đạn khói cho phản lực ném bom. Nhà chị Ba Dĩ cháy rụi. Bọn Mỹ đưa xe tăng đến đóng dày đặc ngay tại sở Kim Long 1, sở Kim Long 2. Lối từ cây me đất bà Đua đến ranh đất bà Huỳnh Thị Cúc, xe tăng, xe thiết giáp ken dày như bức tường thép, lính Mỹ lăm lăm súng. Chúng bắt tất cả công nhân tập trung ra lô cao su, không cho đi làm, bắt mỗi người ngồi một gốc cây, phơi nắng suốt ngày, không cho ăn uống gì hết. Chị Phan Thị Mai, được chú Ba Đỏ (“Ba đỏ mắt” – Nguyễn Văn Tam) cán bộ binh vận xã Ngãi Giao cho người nhắn ra bờ suối Xà Môn giao nhiệm vụ.

Chị Mai vốn được vợ chồng gia đình chủ sở cao su Trần Thị Sương – Dương Tấn Lâm tin cậy như người trong nhà. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Huệ mồ côi cha mẹ, được ông Dương Tấn Lâm đưa về làm con nuôi, cưới vợ cho rồi giao trông coi sở (làm cai). Anh Huệ giác ngộ, làm du kích mật. Anh cùng anh em du kích đào 2 căn hầm bí mật ngay trong khu vườn nhà, đưa anh em cán bộ, bộ đội về nắm tình hình. Chị Mai tham gia Ban cán sự phụ nữ ấp, thường xuyên canh gác, liên lạc và tiếp tế cho anh em. Sáng ấy, nhận được tin nhắn, chị Mai giả đi chợ rồi lén ra suối, gặp chú Ba Đỏ. Chú Ba giao nhiệm vụ ngắn gọn: “Đêm qua anh em đàng mình đánh lớn, chắc không khỏi có anh em hy sinh, bị thương nằm lại. Bây giờ phải tìm mọi cách vào trong đó kiếm xem còn ai, đưa anh em ra. Vụ này vợ thằng Huệ đi với cô Liên. Tụi bay hợp pháp cả, cô Liên rành đường”.

Chú Ba Đỏ thường gọi Phan Thị Mai thân mật là “vợ thằng Huệ”. Phan Thị Mai khi đó mới 23 tuổi, đứa con nằm trong bụng đã hơn 5 tháng tuổi ngọ nguậy. Bữa đó máy bay địch bắn chết bò quá trời, bò của sở cao su, bò của dân chết năm – sáu chục con, lăn lóc dọc đường. Mấy anh thẻo một đùi, hai chị em giả bộ gánh thịt bò đi bán. Mai rất lo, bất cứ lúc nào cũng có thể gặp bất trắc, xe tăng, lính Mỹ càn vô hoặc máy bay trực thăng sà xuống hốt. Bom, pháo địch có thể cướp đi tính mạng cả hai mẹ con chị, nhưng thương anh em, chị cũng liều quảy gánh thịt bò vào vùng chiến sự còn khét mùi bom đạn, vừa đi, vừa quan sát, vừa rao: “Ai… Mua thịt bò…”.

Suốt 3 tiếng đồng hồ lội qua ruộng, rẫy cũng chẳng gặp một ai. Nào có ai ở đó mà mua. Nhưng đó chính là tín hiệu liên lạc với anh em đàng mình. Sau trận đánh, ngoài trực thăng, bom pháo, xe tăng, lính Mỹ lùng sục, chỉ có đàng mình vô đó tìm nhau. Nhờ tiếng rao : “Ai… mua thịt bò…” khắc khoải của chị Mai, chị Liên mà anh thương binh Trung đoàn 4 tìm được chị. Đến 16 giờ chiều, các chị tìm được hai thương binh, chị Liên về báo cho chị Sáu Hiếu, Bí thư chi bộ ấp Kim Long. Hai du kích là Ba Dĩ, Tư Ớt theo các chị ra rẫy đưa 2 thương binh về căn cứ xã.

       Không chỉ có chị Mai, chị Liên, buổi sáng ấy rất nhiều má, nhiều chị đã vào rẫy tìm thương binh đưa ra, tìm tử sỹ đưa về mai táng. Đi đầu trong đội quân tóc dài là các má Ba Diệm (Phạm Thị Của), Năm Thiệt (Nguyễn Thị Thiệt), Ba Ý, Hai Cứng (Hứa Thị Cứng). Các má thường đi đầu trong đấu tranh chính trị, binh vận, chăm lo bộ đội, thương binh. Quân ta đánh trận nào, các má cũng lo tìm thương binh, tử sỹ. Ở “toạ độ lửa” vùng lộ 2 này, các má đã quen tiếng súng, tiếng pháo. Nghe từng loạt AK bắn găm của quân ta, các má rộn trong lòng. Nghe tiếng pháo bầy, “pháo đĩ” của giặc là má lo. Dứt bom, dứt pháo là các má chia nhau mỗi người một hướng xem đàng mình ai dính bom, dính pháo còn nằm lại bụi chuối, gốc cà phê để đưa về.

       Đêm bộ đội nổ súng đánh Kim Long, pháo địch từ Bà Rịa, Núi Đất, Suối Râm bắn quá trời. Sáng ra máy bay trực thăng quần kín vùng trời Kim Long. Anh Hai Bất (Bí thư) tập hợp anh chị em, giao nhiệm vụ cho mọi người phải tìm mọi cách lọt vào khu vực Lòng chảo, tìm kiếm xem bộ đội có ai bị thương chưa ra được thì đưa về xã. Y tá Nguyễn Thị Phương (em ruột anh Hai Bất) lúc nào cũng ở bên thương binh, tận tình cứu chữa.

Má Năm Thiệt tên thật là Lê Thị Liêm (còn có bí danh là Lan “bù lu”), là Hội phó Hội Phụ nữ xã Ngãi Giao. Bữa ấy, má Năm Thiệt từ ấp 3 lần xuống ấp 2, phát hiện một thương binh nằm ở gốc cà phê. Má hỏi biết anh tên Thành. Má nói: bọn Mỹ còn nhiều lắm, để má đưa con về nhà. Anh Thành xin má: “Chết thôi, con không ra ngoài. Má cho con về căn cứ”. Má về xã, tìm má Ba Diệm, má Ba Ý và y tá Bảy Phương đưa anh về căn cứ xã sơ cứu. Khi chia tay má để theo đoàn về Quân y viện, anh Thành vô cùng cảm động, hẹn ngày giải phóng, nếu còn sống sẽ về thăm má Năm và đồng bào Châu Đức. Má Năm Thiệt qua đời đã hơn 10 năm trước. Lúc lâm chung, má vẫn còn nhắc: “Thằng Thành giờ ở đâu, chưa thấy nó về thăm má…”

Chị Võ Thị Mười nhớ lại, căn cứ xã Ngãi Giao khi đó đặt ở mạch Xà Môn (ấp 2) cách địa đạo ấp 3 chừng 3 km. Đó là đầu nguồn suối Xà Môn, có một mạch nước ngầm trong vắt, quanh năm có nước. Anh Hai Bất (Nguyễn Đình Bất) là Bí thư, anh Ba “Nhà Thiếc” (Phạm Văn Chung) là Xã đội trưởng, anh Tư Bôn là Xã đội phó, anh Hải du kích (sau là Xã đội phó). Đội du kích xã phần lớn bám trụ ở Địa đạo Kim Long. Ở căn cứ xã khi đó còn có Út Mười Một (Võ Thị Mười) là cán bộ binh vận huyện về vận động quần chúng tại Ngãi Giao. Cán bộ xã có anh Ba Hạnh phụ trách thanh niên, phụ nữ có chị Út Mười Ba (Bùi Thị Xây), nông hội có anh Ba Nhiều, ở bệnh xá có chị Bảy Phương y tá, chị Chín “Bù Lu” cứu thương cùng một số cán bộ xã và dân công mới huy động để trực tiếp điều thương binh về quân y.

Má Phạm Thị Của, thường gọi là má Ba Diệm (vợ liệt sỹ Phạm Văn Diệm) một mình một một gánh giả đi làm rẫy, tìm kiếm được một thương binh gãy chân. Má nhờ người đưa anh về nhà, rửa vết thương, băng bó cho anh rồi tìm du kích đưa anh về căn cứ của xã. Người chiến sỹ ấy còn sống đến sau ngày giải phóng tìm về Kim Long thăm má mới biết là má đã không còn. Năm 1968, địch tát dân Ngãi Giao về Suối Nghệ, má Ba Diệm là đảng viên mật, được chi bộ phân công theo cụm dân cư về Suối Nghệ làm cán bộ vị trí phụ trách công tác binh vận. Má Ba bị địch bắn chết năm 1969 tại Suối Nghệ. Má Ba Diệm còn có tên là Mai, hiện còn 3 người con (hai gái, một trai) sinh sống ở Kim Long. Người con trai của má Ba Diệm vừa tìm được một hầm mà bọn Mỹ ủi chôn xác bộ đội ta trong trận Lòng chảo Kim Long ngay tại trận địa gần nhà anh khi đó.

Một trong những thương binh nặng may mắn được những người phụ nữ Kim Long cứu sống là anh Huỳnh Ngọc Hoa vẫn còn sống đến ngày hôm nay. Huỳnh Ngọc Hoa là xạ thủ trung liên, sinh năm 1945 tại Hồng Ngự, Cao Lãnh, nhập ngũ tháng 2-1965, chiến sỹ tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1. Huỳnh Ngọc Hoa đi cùng cánh anh Năm Tao, Trung đội trưởng Trung đội 1. Sau khi diệt tốp bộ binh án ngữ vòng ngoài, được lệnh của đồng chí Tư Ngà, Đại đội trưởng Đại đội 3, Trung đội anh tiếp tục tiến công tiêu diệt cụm xe tăng án ngữ tuyến trung tâm.

Khi đó pháo sáng đầy trời, soi rõ như ban ngày. Xe tăng địch từ các ụ ngầm ngóc đầu dậy, ken sát nhau như bức tường thép. Súng 12,7 ly trên tháp xe tăng vãi đạn vào đội hình ta. Một viên đạn 12,7 ly bắn trúng băng đạn trung liên trên tay Huỳnh Ngọc Hoa, xé nát bàn tay và bắp tay trái. Viên đạn 12,7 ly từ chiếc xe tăng khác đi chìm găm vào bắp đùi anh làm gẫy lìa chân trái. Anh gục xuống và lết vào một bụi chuối gần đó, lịm đi. Đồng đội anh đã xông lên phía trước và rút lúc nào không hay.

Trận địa im tiếng súng, trời sáng dần, anh tỉnh lại, nhìn rõ gần 60 chiếc xe tăng cháy rụi, nằm chỏng trơ, nhiều chiếc còn bốc khói. Xác bọn Mỹ nằm ngổn ngang, cách chỗ anh nằm không đầy trăm thước. Khoảng hơn 8 giờ, xe tăng địch ở các cụm đóng quân dã ngoại kéo về bao quanh, trực thăng đáp xuống nhặt xác, mỗi lượt 10 chiếc, chúng hốt tới khoảng 10 giờ mới hết xác. Xe tăng địch bắt đầu càn rộng ra. Một chiếc xe tăng lù lù tiến về bụi chuối anh đang nằm, cách 10 m thì dừng lại. Một tên Mỹ trong xe nhảy ra, đứng trên tháp pháo ngó nghiêng rồi chỉ tay về phía đồi cà phê. Chiếc xe tăng rồ máy, chồm qua mô đất chỉ cách bụi chuối anh nằm vài thước. Huỳnh Ngọc Hoa nằm sâu trong bụi, lấy lá chuối khô phủ lên người, tiếp tục quan sát. Anh hy vọng đêm nay, có thể đồng đội sẽ trở lại tìm anh. Qua đêm thứ 2 rồi đêm thứ 3, Huỳnh Ngọc Hoa đã kiệt sức. Không một miếng cơm, giọt nước. Vào lúc tưởng chừng hết hy vọng thì anh nghe có tiếng trẻ em nô đùa, tiếng bò đàn gọi nhau rất gần. Anh gượng hết sức, lấy hơi gọi: “Các em… ơi…. Cứu anh...”

Bọn trẻ tưởng như tiếng ma, thận trọng quan sát một lát rồi tụ tập nhau rón rén lại gần. Trước mắt chúng là một thân hình gầy quắt đang thoi thóp thở, máu khô bết lại trên những mảnh vải rách tướp. Vết thương đã lên mùi. Đàn kiến vây quanh, anh không còn đủ sức đuổi chúng nữa. Bọn trẻ chia nhau đứa canh gác, đứa chạy về tìm các cô, các chú. Một lát sau, bốn bà má và một phụ nữ trẻ đã có mặt. Huỳnh Ngọc Hoa chỉ nói được một tiếng: “Má ơi… Cứu con…” rồi lịm đi trong tay các má, các chị. Anh tỉnh dậy mới biết mình đang nằm trong bệnh xá của xã ở trong căn cứ, xóm Bàu Chinh. Hỏi ra mới biết là các má Ba Diệm (Phạm Thị Của), má Năm Thiệt (Nguyễn Thị Thiệt), má Ba Ý và người nữ y tá Nguyễn Thị Phương. Các má đã đi tìm thương binh mấy ngày nay, anh là người cuối cùng được cứu sống. Chị Bảy Phương cùng chị Chín “Bù Lu” rửa vết thương, băng bó cho anh. Sáng hôm sau, anh được chuyển về bệnh xá của Trung đoàn. Sau này có dịp trở lại Kim Long, Huỳnh Ngọc Hoa mới biết y tá Bảy Phương đã hy sinh năm 1968, chị Chín “Bù Lu” hy sinh tại ấp Đường Cùng năm 1969. Đêm ấy, Bảy Phương và chị Chín “Bù Lu” đã thức thâu đêm, chăm sóc anh.

Người dân Kim Long, ai nấy đều tự giác tham gia, chăm lo cho cán bộ, bộ đội như người thân trong nhà, coi công việc cách mạng là phần việc của chính mình. Đêm nổ ra trận Lòng chảo Kim Long, anh Lê Văn Tỷ, du kích mật ấp Kim Long (ấp 2) đang trên đường chuyển người bệnh binh Ba Thạch (Nguyễn Văn Thạch), cán bộ Nông hội xã về Trạm quân y Cao su (ở Suối Thề). Đêm ấy anh Thạch qua đời tại Trạm quân y Cao su vì sốt rét ác tính, không có thuốc chữa trị. Anh Bảy Tỷ cùng anh em quay về căn cứ tại Bàu Chinh thì quân ta đánh Kim Long, đạn nổ rền, lửa rực trời, pháo sáng địch thả sáng trưng cả vùng. Ngày sau, anh trở về cùng anh em du kích mật vào Lòng chảo, tìm thương binh tử sỹ. Không kiếm được ai, chỉ tìm được một cây trung liên còn dính đầy thịt và máu cùng một cây M79 ở rẫy bà Huỳnh Thị Cúc, đem về giao lại cho cơ quan xã.

Những người dân làm rẫy, đồng bào dân tộc Châu Ro, công nhân cao su ở Kim Long, Ngãi Giao trọn đời gắn bó với cách mạng. Bộ đội về là nuôi ăn, che chở, chỉ đường, anh em xung trận là có đồng bào ở tuyến sau, dứt tiếng súng trận là đồng bào tập hợp đấu tranh chính trị, binh vận, tải thương, đưa hài cốt anh em đàng mình về chôn cất. Trong số họ có những người thoát ly, người tham gia công tác bí mật, người hoạt động công khai hợp pháp. Có người như bà Hai Ngâu (Đặng Thị Ngâu bí danh Bạch Thu Hà), dân Kim Long (ấp 3), nhiều đời sinh sống ở Kim Long, quanh năm cặm cụi với ruộng rẫy, nhưng bọn giặc vô đây, không lọt qua khỏi mắt bà. Ngày nào vô bao nhiêu xe, ra bao nhiêu xe, giờ nào đi, giờ nào về, giờ nào gọi gái vào chơi… Bà biết ráo. Bà móc du kích, bộ đội vào cho anh em hay. Trận Lòng chảo Kim Long, bà cung cấp cho anh em tình hình địch đóng quân ở hai cụm: Một cụm lối nhà bà Nguyễn Thị Cửu (tức Mai) ngoài miệng chảo và một cụm trong lòng chảo. Bữa quân ta đánh xong, bà theo dõi thấy trực thăng “sâu rọm” đổ xuống 8 chiếc, bốn lần lên xuống chở thương…

Anh Trần Văn Đực (Tư Đực) công nhân sở Võ Thành Thân (Kim Long 2), cán bộ công đoàn, cùng chị Sáu Hiếu, anh Năm Sa, anh Mười Quang vận động công nhân hàng tháng góp tiền nuôi bộ đội. Khi có chiến dịch thì tham gia dân công, tải thương tải đạn. Nhiều thanh niên người dân tộc Châu Ro, con cháu các gia đình ở Kim Long cũng hăng hái tham gia kháng chiến, góp công, góp của trực tiếp hoặc gián tiếp vào trận đánh như các chị Dương Thị Tề, Dương Thị Ngời, Dương Thị Giáp, Dương Thị Nủng, Dương Thị Nga, các anh Dương Đức, Tòng Riềng, các anh Dương Phượng, Dương Thắng (con ông Dương Đông), ông Bảy Ngộ, người dân tộc Châu Ro đảng viên ở Cụ Khánh… Anh Dương Thập cháu ông Dương Chanh là giao liên xuất sắc của Ban Giao Bưu huyện Châu Đức cắt rừng đưa cán bộ, bộ đội đi qua lại vùng Đông và Tây lộ 2, ém quân, đánh giặc. Đụng địch, cán bộ, bộ đội bị thương, hy sinh, anh trở lại đánh địch, cõng thương, lấy xác. Dương Thập là chiến sỹ giao liên thân thương gắn bó với cả huyện, cả tỉnh và các đơn vị bộ đội chủ lực từng chiến đấu ở chiến trường này. Anh Dương Thập hy sinh năm 1969.

Nhiều người từng tham gia, từng chứng kiến trận đánh xuất sắc tại Lòng chảo Kim Long nay đã khuất. Những trang tư liệu sinh động về trận Lòng chảo Kim Long khó mà sưu tầm đầy đủ được, song những cựu chiến binh là cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 4 anh hùng vẫn giữ trong thẳm sâu lòng mình những tình cảm sâu nặng về người dân Châu Đức cùng những kỷ niệm không phai mờ về Chiến thắng Lòng chảo Kim Long năm xưa. Còn người dân nơi đây luôn tự hào về Chiến thắng Lòng chảo Kim Long như một chiến công của tình đoàn kết chiến đấu giữa quân và dân, giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và các lực lượng cách mạng của Châu Đức anh hùng.

Hương Mai

__________________

(Tư liệu cung cấp của Võ Thị Mười, Phan Thị Mai, Đặng Thị Ngâu, Lê Văn Tỷ, Trần Văn Đực, Huỳnh Ngọc Hoa)


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu