Khu di tích Đình Thần Thắng Tam thành phố Vũng Tàu

(13/03/2012)

Đến thành phố biển Vũng Tàu, khách du lịch co nhiều lựa chọn nội dung thưởng ngoạn, đặc biệt là các danh lam thắng cảnh, hệ thống đình, chùa cổ kính. Trong đó, di tích đình Thắng Tam, một địa chỉ quen thuộc được những đoàn khách trong nước, khách quốc tế tìm đến trong nhiều thập niên qua.

Khu Di tích lịch sử văn hóa đình Thần Thắng Tam, Vũng Tàu mỗi ngày đón khoảng 500 lượt khách đến tham quan, dâng hương. Đình Thần Thắng Tam là điểm đến khá nổi tiếng nên được nhiều du khách ghé thăm viếng. Đình Thắng Tam Vũng Tàu nằm ở vị trí “án sơn, tụ thủy”, được xây dựng vào năm Canh Thìn 1820, thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh và các vị thần trong dân gian quan hệ tới nghề nghiệp, sản xuất của một bộ phận lớn cư dân của cộng đồng Tam Thắng xưa được lưu giữ tận ngày nay.

Quần thể khu di tích lịch sử văn hóa đình Thắng Tam gồm có Cổng  đình (còn gọi là nghi môn), đính trang trí bốn bức phù điêu Rồng chầu, Hổ phục, Bát Tiên quá hải, Lý ngư hóa long.

Ngôi Tiền hiền xây dựng vào năm Canh Thìn (1820), thờ các anh linh, các vị Hương chức tiền bối đã có công tạo lập, kiến thiết ngôi đình. Có các bàn thờ tự như sau: Trang thờ 13 đạo sắc phong Thần, bàn giữa thờ Tiền hậu Tôn hiền, bàn phía Đông hiến thờ Tiền vãng hiền, bàn phía Tây hiến thờ Hậu vãng hiền, bàn thờ các anh hùng liệt sĩ, bàn thờ Thổ thần – ông Địa – Thần tài.

Hội trường là nơi hội họp bàn việc của Ban Hương chức và các thành viên của hội Đình.

Ngôi chánh điện thờ Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thượng Đẳng Thần. Là các vị thần cai quản lòng sông, cửa biển. Thành Hoàng Chi Thần được vua Thiệu Trị và vua Tự Đức phong 4 đạo sắc vào các năm 1845, 1846, 1850 và 1853. Trong Đình có các bàn thờ  Tứ Vị Thượng Đẳng Thần, Thành Hoàng, Thần Nông, Cao Các, Tả Ban – Hữu Ban Liệt Vị – Trương Thiên Sư, Bàn thờ Ngũ Đức Thánh Phi, Hội Đồng, La Liệt, Lang Lại Nhị Đại Tướng Quân, Ngũ Thổ Ngũ Tự. Ngoài ra trong chánh điện còn có các bàn miếu thờ sau đây Học Trò Lễ, Miếu Thỉnh Sanh, Miếu Ông Hổ, Miếu Tả Du, Miếu Hữu Du (Đông Trại, Tây Trại).

Sân khấu (võ ca) là nơi trình diễn hát bội, tuồng cổ mỗi khi hội đình, hội lăng, hội miễu. Lễ Kỳ Yên đình Thắng Tam diễn ra từ ngày 17 đến 19 tháng Hai âm lịch hàng năm.

Ngôi Lăng Ông Nam Hải tạo dựng vào năm Giáp Thân (1824), thờ Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần. Tục thờ cá Ông, hệ tín ngưỡng của cư dân ngư nghiệp, được vua Thiệu Trị, vua Tự Đức phong 3 đạo sắc vào những năm 1845, 1846, 1850. Chánh điện Lăng Ông có các bàn thờ bộ cốt cá Ông – dài khoảng 18 mét. Hai bên là các bàn Đông Hiến, Tây Hiến cũng thờ các bộ xương cá Ông về sau này và cốt Bà (Thần Rùa), Tổ nhạc Ngũ âm và 3 bàn thờ Tiền Hiền phía sau lăng.

Dự kiến tới đây, Ban Quản lý sẽ phục chế bộ cốt Ông. Lễ hội Nghinh Ông cúng cầu ngư diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18 âm lịch hàng năm. Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu là lễ hội duy nhất của tỉnh được chọn là một trong 15 lễ hội truyền thống tiêu biểu của cả nước và là một trong chín sự kiện văn hóa của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm 2011 lễ hội được UBND tỉnh phê duyệt nâng cấp phần hội, đã tạo thêm nhiều sắc màu hoành tráng và trang trọng. Chương trình lễ hội lúc 5 giờ sáng ngày 16 âm lịch bao gồm Lễ Nghinh Ông ngoài biển, đoàn thuyền 30 chiếc xuất bến Bãi Trước hướng đến vùng biển Mũi Nghinh Phong – Miếu Hòn Bà ở Bãi Sau, dừng lại tế lễ, sau đó quay về nơi xuất phát tổ chức lễ cúng vong linh tử nạn trên biển. Tiếp đó đoàn diễu hành qua các đường phố chính của thành phố Vũng Tàu về Lăng Ông Nam Hải. Vào 9 giờ sáng tiến hành cúng giỗ Tiền Hiền, tưởng nhớ các vị tiền bối có công tạo dựng Lăng Ông, đến 12 giờ trưa vào chánh lễ, cúng Ông Nam Hải. Trong 3 ngày, các vị hương chức, bá tánh nhân dân và khách thập phương đến dâng hương từ 7 giờ sáng đến 21 giờ khuya. Hàng đêm có trình diễn tuồng cổ để phụng sự lễ cúng và phục vụ ngư dân, khán giả địa phương.

Miếu Bà Ngũ Hành tạo lập vào năm Nhâm Thìn (1832), thờ Bà Ngũ Hành, Bà Thiên Y A Na, Bà Thủy Long Thần Nữ, được vua Thiệu Trị, Tự Đức phong 6 đạo sắc vào năm 1845, 1846 và 1850. Ngôi chánh điện thờ Bà Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ – 5 yếu tố vật chất tạo thành vũ trụ), Bà Thiên Y A Na, Bà Thủy Long Thần Nữ. Bàn Đông Hiến thờ Cậu Tài, Cậu Quý. Bàn Tây Hiến thờ Bà Phi Hồng Hạnh Liễu Thái Xuân Tri. Ngoài ra có các bàn thờ Quan Công, ông Địa, Thần Tài và 3 bàn thờ Tiền Hiền phía sau miễu. Lễ hội miễu Bà thông lệ hàng năm vào các ngày 16, 17, 18 tháng 10 âm lịch.

Mếu Bà Bãi Sau là một miếu đảo ngoài biển thiên nhiên tạo nên trong khu vực mũi Nghinh Phong – Bãi Sau. Miếu được xây dựng vào năm Đinh Dậu – 1781, do Ban Tế tự Hội Đình Thắng Tam trực tiếp quản lý, cúng tế. Miếu thờ Bà Thủy Long Thần Nữ. Ngày 16 tháng 10 âm lịch hàng năm tổ chức lễ nghinh thỉnh Bà về Miễu Bà Ngũ Hành tế lễ. Dự kiến sẽ làm cầu đi ra Hòn Bà để bá tánh ra tham quan, hành hương được thuận lợi. Kiến trúc miếu gắn kết tạo thành phức hợp của kiến trúc khu Đình Thần Thắng Tam, nghĩa là mái ngói đỏ, nóc gắn “Lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi. Đầu các đòn tay, xà gồ, cột chạm khắc hình rồng phụng theo kiểu nối tiếp. Theo truyền ngôn vào thời vua Gia Long nhà Nguyễn, bọn hải tặc thường hay chặn cửa sông Bến Nghé, đón đường cướp bóc tiền bạc hàng hóa, để bảo vệ vùng biển cửa ngõ, vua Gia Long đã phái ba đội quân đi trên ba chiếc thuyền vào Vũng Tàu để giữ bờ biển và khai hoang lập ấp, làm ăn sinh sống. Sau khi dẹp tan nạn hải tặc, lập lại trật tự bình an trên vùng biển này, năm Canh Tý 1840, vua Minh Mạng khen thưởng chức tước, phẩm hàm và phần đất mà ba đội quân có công khai phá cho họ. Từ ba vị trí của ba đội quân, hình thành nên ba làng, làng Thắng Nhất do ông Phạm Văn Dinh cai quản, làng Thắng Nhì do ông Lê Văn Lộc cai quản, làng Thắng Tam do ông Ngô Văn Huyền cai quản. Ba ông đội được thờ tự trong ngôi Tiền hiền Đình. Trước đây, khi chưa dịch 13 Đạo sắc thì Đình Thắng Nhất và Đình Thắng Nhì cho rằng Đình Thắng Tam đã cất giữ và thờ luôn các đạo sắc của hai Đình này. Nhưng khi phiên âm dịch nghĩa trong 13 đạo sắc, không có sắc phong Đình Thắng Nhất, Đình Thắng Nhì và cả 3 ông Đội cũng không có tên trong sắc phong, các vị vua chỉ sắc phong Thần cho Đình Thắng Tam. Với những giá trị đặc sắc về văn hóa hữu hình trong nghệ thuật -kiến trúc, cùng với dấu ấn riêng về phong tục tập quán tín ngưỡng tâm linh, năm Tân Mùi 1991, Khu di tích lịch sử văn hóa Đình Thần Thắng Tam được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận xếp hạng là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

            Trương Văn Khôi

            (Trưởng BQL Khu Di Tích Đình Thắng Tam)


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu