Khai mạc trưng bày chuyên đề “Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên xưa và nay”

(28/07/2022)

Được sự cho phép của Sở Văn hóa và Thể thao về việc thực hiện phối hợp trưng bày chuyên đề giữa Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bảo tàng tỉnh Đăk Lăk, sáng ngày 27/7/2022, tại Bảo tàng tỉnh đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên xưa và nay”.

Trưng bày mong muốn giới thiệu đến khách tham quan về truyền thống diễn tấu cồng chiêng từ xưa đến nay của đồng bào Tây Nguyên và văn hóa cồng chiêng gắn liền với sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Chơ Ro – một dân tộc bản địa ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng thời, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể nhân loại” (năm 2005); “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (năm 2008).

Tham dự buổi lễ khai mạc có ông Lê Văn Minh – Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; ông Huỳnh Đức Dũng – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; trung tá Lê Hồng Lĩnh – Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển vùng 3; ông Đinh Một – Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk và ông Trần Anh Thiện – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, cơ quan thông tấn báo chí tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ông Huỳnh Đức Dũng – Phó GĐ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh BR-VT
và bà Kp’ Tố Nga – Trưởng Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đăk Lắk thực hiện nghi thức khai rượu cần và trao vòng đồng.

Cồng chiêng là một loại hình âm nhạc truyền thống gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào ở Tây Nguyên. Chủ nhân của di sản văn hóa này là các dân tộc thiểu số sống trên khu vực cao nguyên Trung Bộ Việt Nam. Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, âm nhạc cồng chiêng được biết đến gắn liền với đồng bào thiểu số Chơ Ro.

Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đăk Lăk biểu diễn khai mạc.

Nội dung trưng bày giới thiệu các hình ảnh, hiện vật về bối cảnh của âm nhạc cồng chiêng, về tập quán gõ cồng chiêng Tây Nguyên xưa, về việc sử dụng cồng chiêng trong một số nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên và dân tộc Chơ Ro ngày nay. Trưng bày chuyên đề có kết hợp với chương trình “Giao lưu biểu diễn âm nhạc cồng chiêng” diễn ra vào tối ngày 27/7 tại số 1 Ba Cu, thành phố Vũng Tàu do Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lăk và Đoàn ca múa nhạc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu biểu diễn. Đêm giao lưu âm nhạc đã mang đến cho nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước có dịp được thưởng thức một loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc và vô cùng hấp dẫn. Qua đó, thấy được sức sống mãnh liệt của nghệ thuật âm nhạc cồng chiêng, hiểu rõ hơn về sự đa dạng phong phú trong bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu cắt băng khai mạc.

Đây là lần đầu tiên Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức giới thiệu bộ sưu tập hiện vật, hình ảnh tiêu biểu về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong đó tỉnh Đăk Lăk là địa phương tiêu biểu, là dịp để giao lưu, học hỏi và tiếp thêm ngọn lửa trong sự nghiệp lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc Chơ Ro trong bối cảnh hiện nay. Trưng bày phục vụ khách tham quan từ ngày 27/7/2022 đến ngày 27/8/2022.

Phạm Vẹn

 

 


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu