Hội thảo khoa học: Báo cáo kết quả sơ bộ khai quật khảo cổ học Vòng thành Đá Trắng, ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

(21/04/2022)

Sáng ngày 19/4/2022, tại trụ sở Nhà văn hóa, ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra buổi Hội thảo khoa học “Báo cáo kết quả sơ bộ khai quật khảo cổ học Vòng thành Đá Trắng, ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” do Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Khảo cổ học – Viện Khoa học vùng Nam bộ đồng chủ trì tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự đông đủ các nhà khoa học đầu ngành về khảo cổ học như: PGS.TS. Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; PGS.TS. Bùi Văn Liêm – Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học; PGS.TS Bùi Chí Hoàng, nguyên GĐ TT khảo cổ – Viện khoa học vùng Nam Bộ; TS.Nguyễn Khánh Trung Kiên – Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm KHVN) – Giám đốc Trung tâm khảo cổ. TS. Hoàng Anh Tuấn – GĐ Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh, TS. Phí Ngọc Tuyến – Giảng viên bộ môn Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Tp. Hồ Chí Minh…các nhà quản lý văn hóa, đại diện các Sở, Ban, ngành và lãnh đạo chính quyền địa phương cùng đông đảo phóng viên báo đài đến phỏng vấn, đưa tin.

Các nhà khảo cổ học tham quan trưng bày hiện vật tìm thấy
trong di tích Vòng thành Đá Trắng.

Công tác thăm dò, khai quật di tích khảo cổ Vòng thành Đá Trắng được thực hiện từ tháng 11/2021 đến tháng 4/2022, kết quả đã hoàn thành xử lý 66 hố thăm dò và 13 hố khai quật với tổng diện tích 788m2, đã làm rõ đặc điểm cấu trúc địa tầng, đặc điểm cấu trúc của các cạnh tường bằng đá ong và các loại hình di tích tại đây. Dựa trên các hiện vật, tư liệu tìm thấy cho biết Vòng thành Đá Trắng thuộc văn hóa Chăm pa, có niên đại vào cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVII.
Tại Hội thảo, các nhà khảo cổ học đều thống nhất quan điểm đánh giá cao kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ học Vòng thành Đá Trắng và giá trị văn hóa lịch sử của di tích. Đây là di tích thành cổ duy nhất còn nhận biết được ở Nam Bộ so với các thành cổ như thành Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh), thành Biên Hòa (Đồng Nai), Lũy Phước Tứ (Bà Rịa – Vũng Tàu), Bảo Tiền, Bảo Hậu (Đồng Tháp)…Là thành cổ thuộc văn hóa Chăm pa đầu tiên được tìm thấy ở Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung. Với sự phong phú của các loại gốm tìm được cho thấy sự giao lưu thương mại, giao thoa văn hóa giữa văn hóa Chăm pa, văn hóa hậu Óc Eo và văn hóa Đại Việt thể hiện vị trí đầu mối quan trọng của vùng đất này trong lịch sử.

Đoàn Hội thảo khoa học tham quan hố khai quật
khảo cổ di tích Vòng thành Đá Trắng.

Để làm rõ hơn những vấn đề cần nghiên cứu về Vòng thành Đá Trắng (công năng sử dụng, đời sống cư dân, chủ nhân tại di tích….) cũng như tìm hiểu đầy đủ, toàn diện về di tích này, các nhà khảo cổ học, các nhà quản lý văn hóa và đại diện chính quyền địa phương đều có kiến nghị tiếp tục thực hiện và mở rộng công tác thăm dò, khai quật di tích; thực hiện bảo tồn toàn bộ di tích Vòng thành Đá Trắng; chỉnh lý hồ sơ khai quật và xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích….

Toàn cảnh buổi Hội thảo khoa học.

Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Đình Trung – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu, tiếp thu các ý kiến đóng góp và các kiến nghị về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Vòng thành Đá Trắng. Trên cơ sở các ý kiến đánh giá, đóng góp và kiến nghị của Hội nghị, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ sớm đưa ra kế hoạch thực hiện các bước tiếp theo trong công tác thăm dò, khai quật di tích khảo cổ Vòng thành Đá Trắng.

Phạm Vẹn


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu