Địa đạo quê hương

(30/09/2011)

Từ năm 1962 các đồng chí trong Quân uỷ, đại biểu các ban ngành, đoàn thể và các đồng chí cán bộ cấp trên đều làm việc ở Văn phòng Tỉnh uỷ Bà Rịa đều rất yên lòng. Văn phòng Tỉnh uỷ đã phấn đấu xây dựng cơ quan thành một cơ quan chiến đầu vững chắc trên Đồi Uơi (có nhiều cây Ươi) thuộc xã Hắc Dịch (nay thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Rà Rịa -Vũng Tàu).

Có một con đường đặc biệt quan hệ được với cơ quan Tỉnh Đội để hợp chiến đấu và chỉ đạo chiến đấu. Ở bên ngoài là hàng rào chiến đấu hạ bằng cây, ngã chằng chịt, bít rịt địch không thể nào đột kích được. Bên trong và bên ngoài hàng rào đều có bố trí hầm chông, hố đinh. Khi địch đi càn thì bố trí thêm đạp lôi. Dọc hàng rào đã bố trí sẵn những miệng trổ bí mật, khi cần thiết sẽ thoát ra ngoài. Ở bên trong căn cứ tại các phòng làm việc, nhà ngủ thường có đào sẵn các hầm trổ ra các công sự chiến đấu có lỗ châu mai. Tôi nhớ khi hệ thống địa đạo cơ quan Tỉnh Ủy cơ bản hoàn chỉnh, ngoài việc sử dụng địa đạo để bảo vệ cơ quan còn là nơi cất dấu tài liệu, hồ sơ, cất dấu vũ khí được chi viện từ miền Bắc vào bằng đường biển để lần lượt chuyển về khu phân phối cho các tỉnh. Đội bảo vệ  bố trí 1 đại liên Calinốp của Liên xô (cũ) có khả năng quét địch trên mặt đất, khống chế toàn bộ khu căn cứ (trong lúc ta đã xuống hầm địa đạo).

Làm thế nào để xây dựng được một căn cứ chiến đấu với một hệ thống địa đạo như thế, đó là nhờ một ý chí chiến đấu cao, một tinh thần đoàn kết, một lòng, một dạ thực hiện công tác. Đi vào tổ chức thực hiện, chúng tôi có một kế hoạch toàn diện động viên mọi người đều tham gia, lấy đảng viên, đoàn viên thanh niên làm lực lượng xung kích. Chúng tôi sắp xếp công việc văn phòng chuẩn bị lương thực, thực phẩm, phương tiện, dụng cụ, vật liệu như: nước, cúp, đan ky xúc đất, mua rất nhiều đèn cầy để có thể đốt dưới hầm mà thở được. Kế tiếp là kế hoạch bố trí lao động phù hợp để mọi người đều có khả năng tham gia. Lực lượng thanh niên nhất là các đội viên bảo vệ thì đào, các anh chị lớn tuổi và các em nữ thì xúc đất dưới hầm hoặc kéo đất từ miệng hầm. Có người thì lo việc ăn uống, lo cải thiện lấy lại sức lao động nặng nhọc. Lúc ấy các cán bộ lớn tuổi thể hiện tính gương mẫu nên động viên được lớp trẻ. Anh Mười Châu thì vạch bản đồ đào địa đạo. Anh Hai Minh vừa đào, vừa kéo đất rất khoẻ. Tôi và anh Hai Bình cũng hăng hái tham gia. Cách đào là bắt đầu đào xuống một hố sâu 4 mét gọi là mở miệng, rồi mới đào tới theo hướng chỉ dẫn của cây kim địa bàn. Theo kế hoạch đào tới đâu thì kiểm tra ngay bằng tiếng động bên dưới hầm với bên trên hầm. Tôi nhớ gặp lúc khẩn trương khi hay tin địch sắp càn ruồng vào vùng căn cứ, chúng tôi tổ chức đào địa đạo ngày đêm, phân ca để đào. Bộ phận Văn thư tham gia đào ban đêm để sáng đến sau một ít thời gian nghỉ ngơi thì lo công việc chuyên môn. Còn lực lượng bảo vệ, phần lớn là luân phiên làm ban ngày, tổ đào địa đạo tổ tuần tra, tổ canh gác.

Công việc làm suốt ngày đêm hết sức khẩn trương để đảm bảo kế hoạch. Anh em thanh niên bảo vệ đào rất khoẻ, rất bền như anh Vinh (người dân tộc) anh Quang, anh Đạt là người trông ốm yếu mà kỹ thuật đào rất khá, đào trung bình 1 giờ 1 thước tới, mặc dầu đất đỏ bazan khá cứng. Còn số “văn hiền” cũng cố gắng đeo theo, quyết không bỏ ca làm. Càng đào càng hăng, càng nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật càng thành thạo. Chúng tôi càng sanh “nghiền” đào địa đạo. Sau khi đào xong đường xương sống địa đạo, chúng tôi tiếp tục đào các đường nhánh. Kết thúc bằng công sự chiến đấu có nhiều lỗ châu mai hoặc bằng những miệng trổ giữ bí mật để khi cần thiết thoát ra ngoài căn cứ.

Sau ba tháng xây dựng hệ thống địa đạo chiến đấu hoàn thành, Văn phòng Tỉnh uỷ yên tâm làm công tác, sản xuất ngày càng phát triển thêm các phương tiện diệt địch như hầm chông, hố đinh, đạp lôi, bẫy ná, tên bắn tẩm thuốc độc. Có lần bọn nguỵ càn vào căn cứ chúng bị lực lượng bảo vệ bám đánh từ bên ngoài hàng rào chiến đấu nhiều tên bị diệt, có mấy tên bị lọt hầm chông sụp hố đinh, nên chúng hoảng sợ rút lui. Cũng chính nhờ có xây dựng căn cứ vững chắc nên trong hai lần  bắt giữ chủ sở cao su ở Bình Sơn (nay thuộc huyện Châu Đức) là Guy de Monoro và chủ Bình Ba Vichto, chúng tôi đều tạm giữ ở gần khu căn cứ để tiện điều tra, giáo dục…buộc hai công ty cao su Đất Đỏ và SIPH (Société Indochinoise Des Plantations d’. Hévéas) phải đóng thuế cho Mặt trận dân tộc giải phóng. Kết quả là các sở cao su ở tỉnh Bà Rịa đã đóng thuế 11 triệu đồng. Thành quả này của tỉnh Bà Rịa đã được Khu uỷ Miền Đông biểu dương.

Lúc đó qua kinh nghiệm đào địa đạo xây dựng căn cứ chiến đấu của Văn phòng Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh Ủy cũng đã chỉ thị cho chi bộ xã Long Phước khẩn trương khôi phục và phát triển địa đạo để chống địch càn quét lấn chiếm, giữ vững thế đứng của vùng Tam Long.

Giữa năm 1964 Thường vụ Khu uỷ miền Đông điều động tôi về công tác Ban Thanh vận khu để tham gia chuẩn bị cho đại hội khu Đoàn miền Đông lần thứ 2 và chuẩn bị đi dự đại hội Đoàn toàn miền Nam lần thứ nhất. Đại hội khu Đoàn miền Đông lần thứ 2 tiến hành vào tháng 10 – 1964 trong thời điểm mà bọn Mỹ – ngụy đưa ra xử bắn người thanh niên thợ điện Nguyễn Văn Trỗi của thành phố Sài Gòn. Đại hội khu Đoàn miền Đông đã làm việc với ý chí căm thù sâu sắc, quyết trả thù cho liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi với lời thề “máu kêu trả máu, đầu van trả đầu”.

 Tháng 2 1965 tôi làm trưởng đoàn đại biểu khu Đoàn miền Đông đi dự đại hội  Đoàn toàn miền Nam lần thứ nhất. Tại đại hội này tôi được gặp đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam đến chỉ đạo đại hội. Qua đại hội đại  tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề ra cho thanh niên miền Nam phong trào 5 xung phong chống Mỹ, cứu nước. Sau khi triển khai nghị quyết đại hội Đoàn ở cấp khu tôi đi công tác ở Bà Rịa để triển khai kế hoạch xây dựng các đội thanh niên xung phong phục vụ chiến trường đáp ứng với yêu cầu hoạt động của các đơn vị của lực lượng ta trong lúc đế quốc Mỹ đã chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Tôi cùng Tỉnh đoàn Bà Rịa triển khai cuộc vận động thanh niên xung phong của tỉnh tại xã Long Phước và hình thành được đội thanh niên xung phong Bình Giã chiến thắng.

 Một buổi sáng sớm đầu năm 1968 đang ở tại ấp Bắc, xã Long Phước (nay thuộc thị xã Bà Rịa) tôi được chi bộ xã cho biết tin bọn biệt kích đột kích vào xã. Tôi cùng nhiều đồng chí ra miệng địa đạo ấp Bắc để nếu địch có tới thì kịp xuống địa đạo. Đến nơi tôi có gặp nhiều đồng cán bộ công tác ở thị xã Bà Rịa mới về, nên rủ nhau đến vườn chuối gần đó trò chuyện nắm tình hình thị xã. Chúng tôi đinh ninh như mọi khi có địch càn thì du kích đã bố trí chặn đánh từ xa không thể nào địch đánh thình lình được. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cảnh giác nên ngồi gần giao thông hào nhưng vì người  quá đông nên khó vào miệng địa đạo. Địch vừa bắn rát, vừa la: “xung phong” ! “xung phong” ! Lúc ấy chúng tôi chi có mấy cây súng nhưng nhờ tinh thần vững vàng vừa bắn trả các đợt xung phong của địch, vừa đồng thanh hô: “xung phong” ! “xung phong” ! nên dù bọn địch có đông, bắn dữ dội, luôn miệng hô xung phong mà không dám xung phong…thực sự. Ngay từ loạt đạn của địch tôi bị thương ở bắp đùi trái, máu ra ướt cả quần. Tôi thử bước chân trái vẫn đi được biết là chưa gẫy chân. Tôi cùng xuống giao thông hào vừa bắn súng ngắn, vừa đốc thúc chiến đấu. Địch chùn lại nên số người ở giao thông hào lần lượt xuống được địa đạo. Tôi nhờ anh Lưu Văn Quí dìu vào địa đạo, xem lại vết thương và băng bó tạm. Anh em đánh giá nếu du kích và cán bộ không kháng cự lại dũng mãnh chống trả lại các đợt xung phong của địch, để địch tràn đến giao thông hào nghẹt người thì bọn chúng tàn sát đến bốn, năm mươi chiến sĩ, cán bộ và đồng bào ta.

Nằm tại một khoảng trống 4 mét vuông cạnh đường xương sống địa đạo như là một phòng ngủ (nơi dự trữ lương thực, đồ đạc) sau khi được băng bó kỹ vết thương tôi nhận rõ bên tay trái tôi có đeo một cây đèn pin dùng để vào địa đạo, bị bắn bể đầu viên đạn bị hạn chế sức mạnh nên chỉ thủng phần mềm không chạm đến xương. Sau khi địch rút, bằng một con đường ngách của địa đạo tôi được đưa lên mặt đất qua miệng hầm bí mật ở gần nhà đồng chí Dương Văn Xê, chi uỷ viên phụ trách tuyên huấn của chi bộ xã Long Phước. Nhờ sự giúp đỡ của đồng chí Tư Xê và gia đình, khi không có địch càn thì tôi nằm điều trị vết thương tại nhà. Khi có địch thì tôi lần đến miệng hầm bí mật tôi có thể nghe ngóng quan sát tình hình trên mặt đất. Dưới địa đạo tôi vẫn dùng radiô theo dõi tin tức và đi lại thoải mái liên lạc với các cánh công tác có lúc phải bám trụ dưới địa đạo. Thời  gian trị bệnh ở ấp Bắc tôi lần mò tìm hiểu quá trình xây dựng địa đạo Long Phước. Địa đạo Long Phước bắt đầu xây dựng từ năm 1948 trong thời điểm quân Pháp tăng cường thực hiện chính sách ba sạch đốt sạch, phá sạch, giết sạch. Từ phong trào đào hầm bí mật cho cá nhân đến tập thể để tránh địch dẫn đến phong trào đào đường ngầm nối liền các gia đình, các xóm không phải để tránh địch mà còn tạo điều kiện để đánh địch. Năm 1949 sau hơn 6 tháng lao động quân và dân Long Phước phát triển thêm một đường địa đạo dài 300m. Đến cuối 1949 bọn thực dân Pháp ráo riết đánh chiếm Long Phước, công trình địa đạo tạm dừng lại. Mãi đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ từ 1962 được sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa, xã Long Phước lại xúc tiến mạnh mẽ công trình xây dựng địa đạo chiến đấu chống chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Khi vết thương đã lành, tôi cảm ơn cô Trần Thị Nguyên tên thật là Trần Thị Bến y tá xã Long Phước đã hết lòng chăm sóc. Tôi từ giã đồng bào, đồng chí Long Phước thân thiết để về khu. Tôi ghé thăm văn phòng Tỉnh Ủy Bà Rịa và thuật cho các đồng chí nghe về địa đạo Long Phước. Về khu không bao lâu tôi được biết sau khi dùng bom đạn huỷ diệt xã Long Mỹ ở vùng núi Minh Đạm, địch lại dùng tăng, pháo tấn công huỷ diệt xã Long Phước hòng tát hết dân đi. Đồng bào gặp rất nhiều khó khăn đấu tranh quyết liệt. Dựa vào hệ thống địa đạo với một tinh thần chiến đấu dũng cảm quân và dân Long Phước phối hợp cùng đơn vị vũ trang 445 của tỉnh tiêu diệt trên 300 tên Mỹ, nguỵ, phá huỷ được một số xe tăng địch. Tám năm sau phản bội hiệp định Paris theo lệnh của quan thầy Mỹ, bọn nguỵ quyền Sài Gòn ra sức tấn công mở rộng lấn chiếm các vùng nông thôn. Từ ngày 21/2/1974, hai trung đoàn 43 và 48 thuộc  sư đoàn 18 ngụy được sự yểm trợ của hai chi đoàn cơ giới, hai pháo đội phối hợp với tiểu đoàn bảo an 302 tấn công dữ dội vào xã Long Phước. Lực lượng ta gồm tiểu đoàn 445, đại đội 34 của huyện Châu Đức cùng dân quân du kích xã có sự hỗ trợ của một đại đội của trung đoàn 33 của quân khu đã đánh địch quyết liệt. Cũng dựa vào thế của hệ thống địa đạo với công sự hầm chông hố đinh, địa lôi bố trí sẵn sàng liên tục từ ngày 21/2 đến 5/3 1974 qua nhiều trận chiến đấu ác liệt quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 200 tên có 2 tên thiếu tá, bắn cháy 7 xe quân sự trong đó có 5 xe tăng bị hư nặng nên ngày 5/3/1974 địch buộc phải rút khỏi Long Phước bất khuất, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Một đêm xem truyền hình tôi thấy một đoàn khách Hung -Ga -Ri đến tham quan địa đạo Củ Chi (T.P Hồ Chí Minh) lừng danh trên vùng đất thép thành đồng tôi nghĩ đến địa đạo của quê hương cũng có thành tích nên ghi lại đôi dòng kỷ niệm).

Võ Văn Ấn


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu