DI TÍCH VÒNG THÀNH ĐÁ TRẮNG – (Phần 2)

(08/02/2009)

Có 8 hố thám sát được đào ở 4 điểm khác nhau tại phần phía nam thuộc phạm vi vòng tường thành, gồm 3 hố ở phía tây, 1 hố ở góc đông nam, 3 hố ở bên ngoài tường thành phía nam và 1 hố trong vòng thành.

2. Đào thám sát

Có 8 hố thám sát được đào ở 4 điểm khác nhau tại phần phía nam thuộc phạm vi vòng tường thành, gồm 3 hố ở phía tây, 1 hố ở góc đông nam, 3 hố ở bên ngoài tường thành phía nam và 1 hố trong vòng thành. Các hố thám sát mang số thứ tự từ 07VT-ĐT.TS1 đến 07VT-ĐT.TS8.

2.1. Các hố thám sát phía tây:

Có 3 hố, được thực hiện trên khoảng đất đã bị san ủi bằng phẳng, nhằm mục đích xác định dấu vết của tường thành. Cả 3 hố đều có diện tích 10m x 1m theo hướng đông tây nằm cách nhau 10m theo tuần tự  từ nam đến bắc.

  • Hố TS1: cách góc tây nam vòng thành 20m về phía bắc. Tại đây, sau khi bóc hết lớp đất mặt dày 0,15m làm xuất lộ dấu vết bề mặt tường thành xây bằng đá ong màu nâu đen nằm theo hướng bắc nam. Lần theo biên mặt tường đào sâu xuống đến  0,65m, kết quả đã phát hiện được phần dưới của tường thành cao 0,50m, rộng (dày) 0,50m. Quá trình đào thám sát, quan sát màu sắc đá ong phân rã và những khối đá ong riêng lẻ trên vách hố, cho thấy nguyên đoạn tường ở phía này dày khoảng 3m nhưng đã bị phá huỷ nên chỉ còn dày (rộng) 0,50m. Hai bên vách tường thành có tìm thấy vài mảnh sành sứ vỡ nhỏ. Dưới chân tường, từ 0,65m trở xuống là cát màu xám mịn.
  • Hố TS2: cách hố TS1 10m về phía bắc. Tại đây, dấu vết tường thành xuất lộ ở độ sâu từ 0,10m đến 0,65m so với bề mặt hiện tại, nằm trên cùng đường thẳng với tường thành hố TS1, cao còn lại 0,55m, rộng (dày) 1,50m. Quan sát dấu vết đá ong màu nâu xẫm phân rã và các khối đá ong còn nguyên trên vách hố, đối sánh với cát màu xám ở chung quanh cho phép xác định đoạn tường trong hố TS2 cũng đã bị phá huỷ mất một phần chiều dày.
  • Hố TS3: cách hố TS2 10m về phía bắc. Trong hố, dấu vết tường thành được phát hiện ở độ sâu từ 0,10m đến 0,65m so với lớp đất mặt hiện tại. Tường nằm theo hướng bắc nam, trên cùng đường thẳng với bờ tường ở các hố TS2 và TS1, dày khoảng 3m. Quan sát bề mặt và hai bên vách tường, đã cho phép suy đoán hai mặt phía trong và phía ngoài của đoạn tường thành được xây bằng những khối đá ong nguyên, khoảng giữa được lấp bằng cát và đá ong vụn, dạng sỏi latơrít.

Như vậy, kết quả đào thám sát cho thấy ở khu vực phía tây vòng thành có phần trên bị phá huỷ hoàn toàn, phần phía dưới chân còn cao 2 lớp đá ong (0,50m – 0,55m).

2.2. Góc đông nam:

1 hố, ký hiệu TS4. Hố đào hình chữ L,  theo đường bẻ góc vuông từ đông sang tây của vách trong tường thành. Trong đó, phần hố trên tường vách phía đông dài 20m x 2m (theo hướng bắc nam); phần hố ở tường vách phía nam dài 5m x 2m (theo hướng đông tây).

  • Tại cạnh phía đông, sau khi đào bóc hết lớp đất cát và đá ong vỡ phủ bề mặt dày 0,20m, phát hiện thấy dấu vết của mặt tường đá ong rất bằng phẳng, rộng trên 2m chạy dài theo hướng bắc nam. Từ 0,20m đến 1,13m phát hiện được vách trong của tường thành còn rất thẳng đứng và rất phẳng, cao trung bình 0,90m – 0,93m. Tường còn 3 lớp đá ong, được xây rất liền mạch, rât gắn khít, theo lối giật cấp 2 lần tạo hai bậc thềm hẹp (12cm và 8cm), tạo tường thành rộng ở dưới chân và hẹp dần lên phía trên. Bề mặt tường bằng phẳng, dấu vết đá ong xây rộng 2,60m. Cấu tạo đất cát trong thành: từ lớp mặt xuống đến 0,50m là cát màu xám nhạt có lẫn vài mảnh sành sứ vỡ nhỏ;Từ 0,50m xuống đến 1,10m là lớp cát màu xám xẫm có lẫn ít than tro. Trong lớp cát này đã tìm thấy 1 cục gạch vỡ màu nâu đỏ, 1 chì lưới bằng sành hoặc bán sành cùng một vài mảnh gốm thô, nhiều mảnh sành, sứ kích thước lớn; Từ 1,10m trở xuống vẫn là cát màu xám xẫm có lẫn những vệt than tro, không có di vật khảo cổ.Bên ngoài tường thành, qua một hố đào kiểm tra không thấy có đá ong xây thẳng đứng, chỉ hiện tượng đắp cát và đá vụn  tạo vách ngoài tường thành có dáng xiên dốc xuống phía dưới.
  • Ở cạnh phía nam, kết quả thám sát đã phát hiện được đường bẻ góc vuông của vòng thành và vách tường thành chạy theo hướng từ đông sang tây (ảnh. 13 – 16). Ở phía này tường vách còn trung bình từ 3 đến 4 lớp đá ong, cao 0,92m – 1,32m và cũng có 3 lớp đá dưới xây theo kiểu giật cấp như tường vách phía đông. Mặt tường ngoài tuy chưa đào thám sát, nhưng dựa vào hàng đá thẳng đứng xuất lộ trên bề mặt nằm song song và cách vách tường bên trong  khoảng 1m, cho phép đoán định mặt ngoài của tường thành phiá nam được xây bằng đá thẳng đứng; giữa vách ngoài và vách trong của tường được đắp bằng đá ong vỡ với cát.

2.3. Các hố thám sát ở ngoài tường thành phía nam (ở phía này tường thành chạy theo hướng đông tây)

3 hố, được đánh số ký hiệu thứ tự TS5, TS6 và TS7. Trong đó, 2 hố TS5 và TS6 nằm ở nửa đầu phía tây, cách góc tây nam khoảng 70 – 80m; hố TS7 ở nửa đầu phía đông, cách góc đông nam chừng 50m.

  • Tại hai hố TS5 và TS6, kết quả thám sát đã làm xuất lộ nhiều khối đá ong kích thước lớn nhỏ khác nhau cao 1 – 2 lớp xếp thành một đường thẳng dài theo hướng đông tây và nhiều khối đá nằm không theo thứ tự nhất định có dạng như bị đổ lăn từ trên xuống, nhiều khối đá như được xếp nằm trên nền lớp cát và đá ong vỡ…tất cả đã cho thấy mặt ngoài tường thành có hiện tượng bị đào phá hoặc bị san ủi ?
  • Tại hố TS7, trong diện tích thám sát rộng 4m x 2m theo hướng đông tây đã phát hiện được dấu vết tường thành bên ngoài còn từ 3 đến 4 lớp đá xây thẳng đứng, cao 0,92m – 1,22m (ảnh. 17, 18), dài theo hướng đông tây. Khác với tường vách bên trong của TS4, tường vách phía này không xây giật cấp, giữa các khối đá xây không liền mạch, không gắn khít. Trên mặt tường, dựa vào dấu vết xuất lộ đã có thể xác định giữa tường vách ngoài và tường vách trong được đắp bằng đá ong vỡ với cát tương tự như ở vòng tường phía nam của hố TS4.

2.4. Hố thám sát trong vòng thành

1 hố, ký hiệu TS8 được thực hiện ở trong vòng thành,có diện tích rộng 10m x 1m theo hướng đông tây, cách tường thành phía nam khoảng 50m về phía bắc. Tại hố này, sau khi đào bóc hết lớp đất cát xáo trộn dày 0,30m và lớp cát màu xám mịn dày 0,40m, đến lớp cát màu xám xẫm dày 50 – 60m. Trong lớp cát này đã tìm thấy  nhiều mảnh gốm thô, mảnh sành sứ kích thước lớn và phát hiện được một hố cát màu xám đen khá lớn, dài đông tây 1,60m, rộng từ vách nam sang vách phía bắc và còn tiếp tục ăn sâu vào bờ khống chế, độ sâu chưa xác định. Trong hố đã tìm thấy rất nhiều mảnh vỡ của gốm thô, mảnh sành sứ lớn thuộc các loại đồ dùng như bát, đĩa, tô, nồi, chậu, choé, hũ, ly tách…Trong số này, nhiều mảnh gốm thô có vết ám khói, nhiều loại còn gần nguyên hoặc có thể phục chế nguyên dạng. Ngoài ra, trong hố cát đen còn tìm thấy số lượng rất lớn vỏ hào,vỏ sò điệp… Phát hiện trên cho thấy hố cát này có thể chính là hố rác bếp của một bộ phận cư dân sống trong  thành?

3. Di vật

Kết quả điều tra, đào thám sát đã thu thập được số hiện vật khảo cổ như sau:

3.1. Vật liệu kiến trúc :

Chủ yếu là đá ong xây thành có màu nâu đen hay nâu xẫm cứng chắc, dạng hình khối tứ giác với nhiều kích cỡ khác nhau :

  • 29cm x 20cm x 14cm
  • 33cm x 25cm x 23cm
  • 38cm x 26cm x 23cm
  • 47cm x 30cm x 24cm
  • 47cm x 40cm x 20cm
  • 52cm x 45cm x 23cm
  • 64cm x 56cm x 38cm
  • 67cm x 38cm x 23cm
  • 73cm x 40cm x 30cm
  • 90cm x 42cm x 25cm
  • 100cm x 56cm x 30cm.

Trong số này, loại đá kích thước từ 29cm x 20cm x 14cm đến loại 64cm x 56cm x 38cm chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Đá có cỡ dài từ 90cm đến 100cm  tương đối ít và thường trên một mặt của chúng có 1 rãnh chìm nằm ngay khoảng giữa, sâu 5 – 7cm, rộng trung bình 10cm, dài bằng chiều dài khối đá..

Ngoài đá ong, ở các hố thám sát vòng thành còn tìm thấy 1 cục gạch vỡ màu nâu đỏ, 1 mảnh ngói màu đỏ gạch có văn in vải trên một mặt. Số hiện vật tuy ít ỏi nhưng là bằng chứng có giá trị cho biết trong thành có kiến trúc xây bằng gạch, lợp bằng ngói.

3.2.  Đồ gốm, sành, sứ

Tìm thấy khá nhiều trên khắp bề mặt di tích và đặc biệt là trong hố TS8.

  • Chì lưới: 1 cái còn nguyên,tìm thấy trong hố TS4. Chì lưới bằng sành hoăc bán sành màu xám đen, hình bàu dục, có lổ xuyên trục dọc. kích thước dài 5,3cm, đường kính thân 4,0cm.
  • Đồ gốm thô: có số lượng không nhiều, là mảnh vỡ cùa các loại nồi có miệng loe, đáy tròn, các loại nắp vung hình lồng bàn có núm hình nấm. Gốm thô tìm thấy  được làm đất sét pha cát mịn trộn vỏ nhuyễn thể nghiền nhò, nung ở nhiệt độ không cao và khá giống với gốm tiền sử Đông Nam Bộ. Trong số này có 1 mảnh vỡ dọc của loại nồi đáy tròn và 1 mảnh vỡ lớn của 1 nắp vung có thể phục chế nguyên dạng (ảnh.19, 20). Đáng chú ý, nhiều mảnh vỡ của loại gốm này có vết ám khói trên mép miệng hoặc trên thân là bằng chứng của việc đun nấu.
  • Đồ sành, bán sành: chiếm số lượng chính, chúng gồm mảnh vỡ của các loại đồ đựng như bát, tô, chum, choé, chậu…Trong đó, đồ bán sành thường có xương và áo ngoài cùng màu: nâu, nâu đỏ hoặc nâu xẫm; đồ sành thường có xương màu nâu, nâu xậm hoặc nâu đen, bên ngoài phủ lớp men bóng màu nâu, nâu vàng hoặc nâu đen…(ảnh. 21, 22, 23). Bằng phương pháp so sánh, đối chiếu loại hình, chất liệu, màu sắc…cho phép xác định các loại đồ sành – bán sành phát hiện tại di tích Vòng Thành Đá Trắng là đồ gốm Gò Sành (Bình Định) của văn hoá Chăm, niên đại khoảng thế kỷ XV – XVI.
  • Đồ sứ: gồm nhiều mảnh vỡ của các loại chén, tộ, đĩa, ly tách có xương màu trắng, mặt ngoài màu trắng xanh, hoa văn phổ biến hình dây, lá; một số có xương màu trắng, mặt phía ngoài màu nâu… Nhìn chung, phần lớn đồ sứ ở đây có nguồn gốc từ bên ngoài mà chủ yếu là Trung Hoa, một số ít là đồ sứ (hoặc bán sứ) của Gò Sành 1 mảnh  khu bát bằng sứ tìm thấy có chữ Hán : “Đại Minh Gia Tỉnh niên tạo”(1522 – 1566).

4. Nhận xét và kiến nghị

Di tích Vòng Thành Đá Trắng chỉ mới được điều tra, đào thám sát, song đã mang lại nhiều kết quả đầy bất ngờ, thú vị. Đó là đã phát hiện được vết tích kiến trúc vòng thành xây bằng đá ong có hào nước bao bọc bên ngoài. Việc tìm thấy trong vòng thành một sưu tập đồ gốm rất đa dạng thuộc loại hình đồ gốm Gò Sành của văn hoá Chăm và đồ sứ thời nhà Minh – Trung Quốc…đã có thể đoán định đây là di tích khảo cổ thuộc văn hoá Chăm Pa hoặc của một tộc người nào đó sống trên vùng đất Đông Nam Bộ chịu ảnh hưởng văn hoá Chăm, có quan hệ với các quốc gia khác ở bên ngoài. Dựa vào những phát hiện nói trên có thể định niên đại tương đối chính xác cho di tích là khoảng thế kỷ XIV – XVII.

Phát hiện di tích Vòng Thành Đá Trắng ở Bà Rịa – Vũng Tàu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều cái mới mà trước đó chưa được biết là:

  • Lần đầu tiên trên vùng đất Nam Bộ nói chung và Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng được phát hiện.
  • Là di tích còn nguyên dạng nhất có thể nhận biết bằng mắt thường so với các di tích đã biết trên vùng đất Nam Bộ như  Luỹ Phước Tứ (Bà Rịa – Vũng Tàu), thành Biên Hoà, Tuy Hạ (Đồng Nai),thành Gia Định (Tp.Hồ Chí Minh)…Bởi vì, gần như hầu hết các di tích thành luỹ này hoặc đã bị phá huỷ, hoặc vùi sâu trong lòng đất, chưa một thành nào có thể quan sát được một cách rõ ràng cụ thể như di tích Vòng Thành Đá Trắng!
  •  Vết tích tường thành xây bằng đá ong được xác định ở trung tâm di tích là kiến trúc thành quách xây bằng đá ong đầu tiên  được phát hiện ở vùng Nam Bộ.
  •  Cho đến nay, Vòng Thành Đá Trắng là di tích khảo cổ duy nhất  ở vùng Nam Bộ phát hiện được gốm Gò Sành thuộc văn hoá Chăm Pa.
  • Trên đây chỉ là những ý kiến nhận định bước đầu, chắc sẽ còn nhiều hạn chế. Việc tiếp tục điều tra, khai quật khảo cổ di tích Vòng Thành Đá Trắng là rất cần thiết, sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng trong nghiên cứu, trong bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc và cụ thể :
  • Góp phần nghiên cứu lịch sử vương quốc Chăm,
  • Nghiên cứu lịch sử quá trình khai phá vùng đất phía Nam của người Việt;
  • Góp phần nghiên cứu, làm sáng tỏ các vấn đề văn hoá – tộc người trên vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung.
  • Bổ xung và làm phong phú thêm sưu tập hiện vật trưng bày cho Nhà Bảo tàng Tổng hợp Bà Rịa – Vũng Tàu  để phục vụ học tập, nghiên cứu.
  • Bảo tồn, tôn tạo di tích thành địa điểm du lịch văn hoá – lịch sử phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân trong tỉnh, của khách tham quan du lịch trong và ngoài nước ….

                                                                                    BẢO TÀNG TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu