DI TÍCH VÒNG THÀNH ĐÁ TRẮNG – (Phần 1)

(08/02/2009)

Di tích được biết đến từ khá lâu, trong Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu nó được gọi là “phế tích Vòng Thành Đá Trắng ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc của người Chân Lạp trước đây được xây dựng bằng hàng vạn khối đá ong (kích thước 0,60 m x 0,40 m x 0,25 m) được khai thác từ cụm núi nằm đối diện bên kia cánh đồng lúa”

Di tích Vòng Thành Đá Trắng ở vị trí 100 30’80’’ vĩ bắc 10722’79’’ kinh đông, thuộc ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, cách thị trấn Xuyên Mộc 7 km về phía tây nam.

Cuộc điều tra, khảo sát trên địa bàn Gò Cát năm 2002, các cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam gọi di tích là “Tường thành Đá Trắng” ở xã Phước Thuận và cho rằng nó đã bị phá huỷ nên không quan tâm nghiên cứu [1].

Giữa  tháng 8, đầu tháng 9 năm 2007, Bảo tàng Tổng hợp Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ, Viện KHXH vùng Nam Bộ tiến hành điều tra, khảo sát  di tích Vòng thành Đá trắng [2], sau đây là kết quả của đợt công tác:

1.Điều tra, khảo sát

Di tích Vòng thành Đá trắng  nằm trên một gò đất cát có diện tích rộng chừng  1km2, cao khoảng 12m so với mực nước biển, ở giữa vùng hợp lưu  của sông Ray và sông Hoả [3], cách tỉnh lộ 55 (đường thiên lý xưa) khoảng 1km về phía nam. Theo người dân ấp Gò Cát, cho đến thập niên 80 của thế kỷ trước, khu vực này  còn là rừng rậm, vòng tường đá ong còn khá cao và kéo dài về phía nam đến con đường đi hiện tại Xung quanh tường thành còn rất rõ dấu vết hai vòng hào bao bọc : hào trong và vòng hào ngoài.

Ngày nay toàn bộ khu vực gò đã trở thành vườn trồng cây lưu niên (gồm xoài, nhãn, mãng cầu và điều) và nhà ở của dân trong vùng. Tường thành đá ong trên đỉnh gò đã bị san ủi mất phần trên. Bờ tường chạy về phía nam chỉ còn lại dấu vết mờ nhạt Nhiều đoạn hào  đã bị san lấp, bị cạn chỉ còn lại dấu vết là những đường trũng thấp.

Trên khu vực gò, có xuất lộ nhiều khối đá ong, nhiều mảnh sành sứ, mảnh gốm thô làm từ đất sét pha cát mịn có trộn vỏ nhuyễn thể. Dưới chân gò,ở khu vực tây bắc, trong lúc đào ao, một người dân trong ấp đã phát hiện được 1 bàn nghiền (pesani) còn nguyên làm bằng sa thạch cứng màu xám xanh, giống pesani thường gặp trong các di tích khảo cổ thời kỳ Óc Eo – sau Óc Eo ở vùng đồng bằng Nam Bộ.

Trong đợt điều tra, khảo sát do cán bộ Bảo tàng và cán bộ Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ Viện KHXH vùng Nam Bộ thực hiện vào giữa tháng 8 và đầu tháng 9 năm 2007 đã cho thấy di tích di tích Vòng Thành Đá Trắng phân bố trên một gò cát, phía bắc giáp với cánh đồng lúa mà theo một số người dân trong vùng gọi đó là cánh đồng Đá Trắng? phía tây giáp với khu dân cư ấp Gò Cát; phía nam nhìn ra một bàu nước lớn chảy ra sông Hoả; phía đông là vườn điều và khu dân cư thưa thớt có tên gọi là xóm Đá Trắng. Tên gọi này không biết có từ bao giờ? Theo những người sống lâu trong xóm (từ trước năm 1954), từ lúc khi mới đến lập nghiệp cha ông họ thấy trong vùng có một khối đá trắng lớn nên gọi nơi ở của mình là xóm Đá Trắng. Nhưng  nhiều người khác lại cho rằng, tại nơi họ ở có loại đá màu trắng  ở dưới đất thì mềm, nhưng đào lên để lâu ngày thì cứng như đá nên gọi nơi cư trú của mình là xóm Đá Trắng. Thực vậy, trong cuộc khảo sát quanh khu vực một cái ao, nơi phát hiện được pesani, đoàn khảo sát thấy có nhiểu cục đá màu trắng đào từ dưới ao lên và nhiều cục đá trắng còn nằm  trên vách ao ở độ sâu 0,40m – 0,50m so với mặt ruộng. Quan sát, đập nghiền nát vụn một vài cục đá này thấy chúng chính là đất cao lanh trắng. Vậy có thể suy đoán được rằng khi những người Việt đầu tiên mới đến đây lập nghiệp đã tiếp xúc với đất cao lanh, do không biết chức năng của loại đất này , thấy nó trắng và cứng nên gọi là “Đá Trắng”! và đặt tên xóm mình ở là xóm Đá Trắng? Thế nhưng tên gọi xóm Đá Trắng có từ bao giờ? Đến nay chưa có sự giải đáp thoả đáng. Tuy nhiên, dựa vào bản đồ quân sự tỷ lệ 1/200.000 của nhà xuất bản Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1960 và bản đồ tỷ lệ 1/25.000 của Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp xuất bản năm 1978, đã cho thấy trên vùng đất xã Phước Bửu xưa kia chỉ có ba khu dân cư thưa thớt có tên gọi rất xưa là làng Phước Bửu, xóm Trại Đèn và xóm Đá Trắng. Cả ba khu dân cư này  lại nằm cạnh hoặc ngay trên đường nam tiến xưa của người Việt về phía nam (hay còn gọi là đường Thiên Lý) vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII. Theo đó, có thể nghĩ rằng, các địa danh Phước Bửu, Trại Đèn và Đá Trắng cùng xuất hiện vào thời điểm này hay muộn hơn chút ít. Ngày nay, làng Phước Bửu thành xã Phước Bửu, rồi thị trấn Phước Bửu; xóm Trại Đèn ít được nhớ tới thì ngày nay là khu dân cư thuộc ấp Gò Cát trên tỉnh lộ 55 (đường thiên lý xưa). Riêng tên gọi xóm Đá Trắng vẫn còn, nay thuộc ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc [4]. Và, có thể tại đây, ngay từ khi mới đến, nhũng cư dân Việt đã thấy có sự hiện diện của một vòng thành xây bằng đá ong mà không biết của ai? tên gọi là gì? nên đã tự đặt tên vòng thành bằng cách gắn với tên xóm “Đá Trắng” của mình  thành “Vòng Thành Đá Trắng”.

1.1. Vòng thành đá ong.

Vết tích tường thành xây bằng đá ong được xác định ở vị trí cao nhất của gò cát, phần lớn nằm trong phần đất trồng cây lưu niên của ông Ba Như – một cư dân từ Bình Sơn, Quảng Ngãi đến đây lập nghiệp vào những năm 1980 của thế kỷ trước. Theo ông Ba Như và nhiều người dân trong ấp, trước năm 1990, vòng tường thành này khá cao nhưng do bị san ủi để mở rộng mặt bằng sản xuất nên mới còn lại thấp như hiện nay. Qua khảo sát và đo đạt bước đầu cho thấy vòng thành trung tâm này có dạng gần vuông,nằm theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, có 2 cạnh phía bắc và phía nam dài 220m, 2 cạnh phía đông và phía tây dài chừng 200m. Các bờ tường ờ mạn bắc, đông và nam cao từ 1,10m đến 1,40m so với chung quanh, bề mặt rộng trung bình từ  4,00m đến 6,00m. Do bị san ủi, trên bề mặt và bờ vách  xuất lộ nhiểu khối đá ong nằm ngổn ngang, chạy thẳng hàng hoặc xếp thành bậc…Bờ tường phía tây bị máy ủi san bằng để lại nhiều khối đá ong nằm ngổn ngang, lộn xộn trên bề mặt và dọc theo hàng tre tầm vông ở mạn tây tường thành

Bên ngoài ở ba mặt phía bắc, phía đông và phía tây cách vòng thành khoảng từ 10m đến 15m có dấu vết đường hào bao bọc. Mặt phía nam  không có đường hào, tiếp xuống dưới chân tường thành là thế đất thấp và xiên thoải dần xuống đến chân gò. Tại đây, theo chỉ dẫn của người dân xóm Đá Trắng, các cán bộ Khảo cổ và Bảo tàng đã xác định có dấu vết mờ nhạt của 2 đường đá ong nối liền với hai bờ tường phía đông và phía tây của vòng thành chạy xuống đến dưới chân gò về phía nam trên chiều dài khoảng 166m và dấu vết của đường đá ong chạy theo hướng đông tây vuông góc với hai đường nói trên. Theo bà Trương Thị Nga, người đã sống ở đây từ trước năm 1954 và một số người dân trong xóm, trước kia đường đá ong này khá cao cũng gọi là tường thành. Ngày nay, tường thành tuy không còn nhưng bà Nga cũng như nhiều người dân trong xóm Đá Trắng vẫn quả quyết rằng đường đá ong chạy theo hướng đông tây ở dưới chân gò (hiện nằm ở ngay lề phía nam của con đường liên ấp) là vòng hai của toà thành! Và, nếu đúng như vậy thì di tích Vòng Thành này không phải là hình vuông chỉ ở trên đỉnh gò với diện tích rộng 220m x 200m  mà là một hình chữ nhật có diện tích 220m x 366m? Tuy nhiên, để làm sáng tỏ vấn đề này cần thiết phải có những đợt khảo sát, khai quật khảo cổ học.

1.2. Hào nước

Ngoài dấu vết tường thành xây bằng đá ong đã được phát hiện nêu trên, kết quả khảo sát khảo cổ học đã phát hiện được dấu vết của những đường hào bao quanh bên ngoài vòng thành.

– Hào bên trong: được xác định ở các phía bắc, đông và phía tây của vòng thành. Trong đó, đường hào phía bắc cách tường thành khoảng 20m, dài khoảng 400m theo hướng đông tây, có đoạn phía đông, phần tương ứng với chiều dài của tường thành phía bắc (dài trên 220m) đã bị san lấp chỉ còn lại vệt trũng được trồng mì (sắn), đậu xanh, đậu bắp. Đoạn phía tây nằm trong vườn trồng điều của dân trong ấp, tuy đã bị cạn nhưng dấu vết con hào vẫn còn nhận thấy rộng chừng 8m, có hướng chạy thẳng về phía tây tạo thành góc vuông với đường hào chạy theo hướng bắc nam ở bên ngoài.

Đường hào ở phía đông vòng thành còn khá sâu, có dạng một con suối nằm ngay dưới chân tường thành? Đường hào hay con suối này rộng chừng 15m, có nửa đầu phía bắc còn khá sâu, khoảng giữa đã bị san lấp, phía nam đã bị cạn còn sâu chừng 0,80m. Con hào này có chiều dài đo được dài khoảng 400m và được đánh dấu bởi một hàng tre tầm vông chạy dài từ bắc đến nam.

Đường hào phía tây (nằm theo hướng bắc nam) cách tường thành đã bị phá huỷ chừng 15m, có nửa đoạn  phía bắc bị san lấp chỉ còn lại đường rãnh hẹp, được đánh dấu bằng hàng tre tầm vông (ảnh. 7, 8). Dọc theo hàng tre có rất nhiều khối đá ong là dấu vết của tường thành bị  ủi ra để lấp đường hào! Nửa đoạn phía nam của hào đã bị cạn, còn lại sâu khoảng 0,80m, rộng chừng 6m, có hướng chạy thẳng ra đến bàu nước ở phía nam chân gò. Dọc theo đường hào này  có khá nhiều khối đá ong lộ thiên mà theo chủ đất đó là dấu vết còn lại của tường thành?

– Hào bên ngoài: chỉ mới xác định được một đường ở phía tây vòng thành. Đường hào này còn khá nguyên dạng, nằm theo hướng bắc nam, dài chừng 600m, cách bờ tường thành mới được xác định ở phía tây khoảng chừng 200m. Hào còn rộng trung bình từ 8 – 10m, có đoạn chảy về phía bắc còn nước (ảnh 6), đoạn phía nam bị cạn trở thành đường nội bộ của vài hộ dân sống ở hai bên bờ hào. Theo một người dân sống cạnh bờ hào cho biết, đoạn đường hào phía bắc đến miếu Thầy Lập thì bẻ góc vuông về phía đông chạy ra bàu Ông Quạt trên chiều dài hàng trăm mét. Còn đoạn  hào phía nam chạy thẳng đến bàu nước ở phía này rồi bẻ góc về phía đông. Ở phía này chưa xác định dấu vết hào nước mà chỉ nhận thấy thế đất có hình bậc thềm với bàu nước! Thế nhưng, nhiều người dân tại chổ vẫn quả quyết cho rằng đấy từng là vòng ngoài cùng của di tích Vòng Thành Đá Trắng. Rất tiếc là điều kiện không cho phép nên chúng tôi chưa thể khảo sát được hết các đường hào bên ngoài cũng như toàn bộ khu vực phía đông của di tích.

                                                                                  BẢO TÀNG TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

[1] Báo cáo điều tra khảo sát khảo cổ học trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2002. Tài liệu Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu.

[2] Đoàn gồm Đào Linh Côn, Nguyễn Quốc Mạnh, Lê Hoàng Phong (Viện KHXH vùng Nam Bộ), Phạm Chí Thân, Phạm Quang Minh, Võ Anh,  Nguyễn Văn Tâm, Đặng Tiến Năm (Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu)

[3] Sông Hoả ở phía đông, Sông Ray ở phía tây; Sông Hoả hợp lưu vào Sông Ray ở phía tây nam Gò Cát và đổ ra biển tại cửa Lộc An.

[4] Sau khi xã Phước Bửu chia làm 3 xã: Phước Bửu, Phước Tân và Phước Thuận, xóm Đá Trắng thuộc xã Phước Thuận.


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu