Công tác ứng dụng tin học trong quản lý hiện vật tại Bảo tàng BR-VT

(29/03/2019)

Ra đời từ năm 1986, kho kiểm kê – bảo quản bảo tàng tỉnh BR-VT hình thành trên cơ sở chỉ 20 hiện vật được nhận bàn giao từ cục hải quan. Nhận thức và xác định được tầm quan trọng của hiện vật trong hoạt động chức năng và nhiệm vụ của bảo tàng, đội ngũ cán bộ bảo tàng đã rất quan tâm đến công tác bổ sung hiện vật từ nhiều nguồn khác nhau như : sưu tầm, khai quật khảo cổ, thu mua trong dân, tặng phẩm, tiếp nhận từ cơ quan công an, hải quan do buôn bán trái phép… Đến nay, bảo tàng BR-VT đã có tới trên 20.000 hiện vật gốc có giá trị văn hóa. Số hiện vật này bao gồm nhiều chất liệu khác nhau gồm đá, đồng, sắt, đất nung, gốm, sứ, xương, ngà, giấy, vải, nhựa… có niên đại từ thời kỳ tiền sơ sử cho đến đầu thế kỷ 20. Hiện vật lưu giữ tại bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ có nguồn gốc từ Việt Nam mà còn đến từ nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Cam Pu Chia, Pháp…

      Số lượng hiện vật tăng đi cùng với công tác quản lý cũng khó khăn và nặng nề hơn. Số hiện vật này đưa về kho kiểm kê – bảo quản với đầy đủ hồ sơ, lý lịch sẽ được đăng ký vào sổ nhập hiện vật tạm thời, làm phiếu hiện vật, nhập vào sổ kiểm kê bước đầu và sau đó là làm hộ chiếu hiện vật…Công tác quản lý hiện vật bảo tàng bằng sổ sách, giấy tờ tuy chặt chẽ nhưng cũng còn một số nhược điểm khi cần tra cứu thông tin rất chậm.

      Cùng với sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin, các bảo tàng ở Việt Nam đã nhanh chóng ứng dụng tin học vào công tác quản lý hiện vật bảo tàng. Tại bảo tàng BR-VT, việc quản lý và khai thác thông tin hiện vật trên máy vi tính được dựa trên phần mềm Quản lý hiện vật bảo tàng do cục Di Sản văn hóa cung cấp. Về cơ bản, hiện vật gốc là cơ sở hoạt động của bảo tàng vẫn được quản lý bằng mặt pháp lý tại Sổ Kiểm kê bước đầu. Bên cạnh đó, việc sắp xếp và quản lý một cách có hệ thống các tư liệu hiện vật trên máy tính sẽ giúp cho việc khai thác thông tin nhanh, chính xác để phục vụ công tác trưng bày, giáo dục tuyên truyền và nghiên cứu khoa học.

      Hiện nay, tại bảo tàng BR-VT, bộ phận kiểm kê đã tiến hành triển khai công tác nhập dữ liệu hiện vật vào phần mềm Quản lý hiện vật. Tổng số có trên 16000 hiện vật đã được nhập đầy đủ thông tin và  trên 2000 hiện vât được nhập đủ ảnh. Về cơ bản, phần mềm quản lý hiện vật của bảo tàng BR-VT gổm những mục chính:

1. Phần hệ thống:

      Trong phần này có nội dung quản trị hệ thống liên quan đến công tác tổ chức hành chính: khai báo cán bộ công chức, khai báo phạm vi sử dụng chương trình, khai báo quyền truy cập hệ thống…Một số nội dung cập nhật như: Danh mục chương trình, danh mục đơn vị hành chính, danh mục bảo tàng và di tích.

Trong phần hệ thống có nhiều chức năng chú trọng tới công tác lưu trữ dữ liệu như: nhập dữ liệu, xuất dữ liệu, truyền dữ liệu, sao lưu dữ liệu, phục hồi dữ liệu…

2. Phần cập nhật:

      Đây là phần dành riêng cho cán bộ làm công tác kiểm kê hiện vật sử dụng. Công việc nhập dữ liệu vào máy vi tính đòi hỏi người cán bộ chuyên môn phải đầu tư nhiều thời gian, cẩn thận và tỷ mỷ. Trước khi nhập dữ liệu một hiện vật, cán bộ chuyên môn phải nghiên cứu kỹcác hồ sơ hiện vật từ biên bản sưu tầm, biên bản giao nhận hiện vật đến các loại sổ như sổ kiểm kê bước đầu, sổ phân loại hiện vật để đảm bảo tính xác thực của các thông tin. Theo chương trình quản lý hiện vật của cục Di Sản, mỗi một hiện vật nhập vào phần mềm máy vi tính phải cung cấp thật đầy đủ và chính xác 15 nội dung về thông tin hiện vật như: tên gọi, chủ sở hữu, mã số, nguồn gốc, số lượng, thời gian đăng ký, cơ quan – hội đồng giám định, thời kỳ – niên đại, loại hiện vật, chất liệu, kích thước – trọng lượng, miêu tả, tình trạng bảo quản, nơi lưu trữ hiện tại, chế độ bảo mật, hình ảnh.  Các thông tin như: Chủ sở hữu, nguồn gốc, cơ quan – hội đồng giám định, thời kỳ – niên đại, loại hiện vật, chất liệu, tình trạng bảo quản, nơi lưu trũ hiện tại, chế độ bảo mật đều được mặc định sẵn.

      Trong phần này, người cán bộ làm công tác kiểm kê phải có chuyên môn nghiệp vụ về bảo tàng thì mới có thể cập nhật đúng và đủ các thông tin về hiện vật. Ví dụ như khi cập nhật tên gọi, chúng ta phải nêu được chính xác tên gọi cũng như đặc điểm riêng của hiện vật nhưng yêu cầu thông tin phải ngắn gọn, dễ hiểu. Các trường như: thời kỳ, nguồn gốc, chất liệu, tình trạng bảo quản được mặc định sẵn nhưng một số thông tin mặc định lại không phù hợp với đặc điểm của bảo tàng BR – VT. Người cập nhật phải có kiến thức để chọn ra một thông tin tương đối phù hợp nhất…Trong trường miêu tả phải tả làm sao để toát lên được những thông tin tổng quát dễ nhìn, dễ nhận của hiện vật cũng như đặc điểm riêng của nó giữa hàng trăm, hàng ngàn cái giống nhau. Không những vậy, công tác cập nhật dữ liệu còn gặp không ít trở ngại từ mặt khách quan. Một số hiện vật khảo cổ, cổ vật được sưu tầm, thu mua từ trong dân chưa qua giám định nên rất khó xác định được thuộc thời kỳ – niên đại nào. Rất nhiều hiện vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ đâu… Những thông tin chưa rõ ràng đã ảnh hướng rất nhiều đến thời gian nhập liệu.

       Nhìn chung trong phần này thông tin về hiện vật được cập nhật khá đầy đủ, người sử dụng có thể đăng nhập thêm cũng như chỉnh sửa hay hủy bỏ thông tin về hiện vật dễ dàng.

  3. Phần kết xuất:

      Phần này phục vụ cho công tác báo cáo về hiện vật. Chúng ta có thể đưa ra những bản báo cáo tổng hợp về hiện vật hay báo cáo về số lượng hiện vật. Bên cạnh đó, có thể báo cáo riêng về hiện vật theo từng tiêu chí như: cấp bảo mật, chất liệu, chủ sở hữu, hội đồng giám định, miêu tả, nguồn gốc, phân loại, thời kỳ…

  4. Phần cửa sổ:

      Phần này chủ yếu phục vụ cho công tác tìm kiếm hiện vật.Chúng ta có thể tìm kiếm khái quát tất cả hiện vật đã nhập vào phần mềm như tìm trong danh mục, danh sách hiện vật, ảnh hiện vật. Cũng có thể tìm kiếm rất cụ thể một hiện vật theo từng loại hình thông tin mà ta cần như: Chất liệu, chế độ bảo mật, chủ sở hữu, hội đồng giám định, loại hiện vật, mã số, nguồn gốc…

Ví dụ, muốn tìm kiếm nhanh hiện vật là một lọ hoa bằng sứ, ta chỉ cần nhấp chuột vào phần cửa sổ, sau đó nhấp vào tìm kiếm, tìm trong nội dung tìm kiếm, nhấp chuột vào phần chất liệu, chọn nội dung gốm sành sứ. Danh sách những hiện vật bằng gốm sành sứ sẽ mở ra và ta chỉ cần tìm theo thứ tự abc sẽ tìm được hiện vật lọ hoa rất dễ dàng.

5. Phần trợ giúp:

      Nội dung này hướng dẫn cán bộ làm công tác chuyên môn làm quen và sử dụng phần mềm của cục Di Sản. Mọi thao tác đều được chỉ dẫn rất chi tiết và đi kèm với ví dụ minh họa cụ thể.

 6. In phiếu:

      Đây là phần cuối cùng để đưa ra sản phẩm. Chỉ cần nhấp chuột vào biểu tượng máy in, mọi dữ liệu thông tin về hiện vật đi kèm hình ảnh được cập nhập trên phần mềm sẽ được in ra trên một mặt giấy A4. Thao tác này giúp mọi thông tin về hiện vật được lưu giữ đầy đủ phục vụ công tác tra cứu.

      Ngoài ra, chương trình quản lý hiện vật còn có trường Đơn vị hành chính bao gồm tất cả các tỉnh thành trong nước và chi tiết các quận, huyện trực thuộc. Nếu phần mềm được kết nối trong toàn quốc thì ta có thể tra cứu  báo cáo về danh mục hiện vật ở bảo tàng các tỉnh thành trên cả nước.

Trong quá trình sử dụng phần mềm quản lý hiện vật do cục Di Sàn cung cấp, chúng tôi nhận thấy phần mềm này có những ưu điểm nổi bật : Giúp các bảo tàng quản lý chặt chẽ các các bộ sưu tập hiện vật theo phương pháp hiện đại phù hợp với thời buổi khoa học công nghệ phát triển nhanh.Giúp bảo quản hồ sơ hiện vật của bảo tàng tốt hơn vì hạn chế được tình trạng phải mở sổ tra cứu trực tiếp. Thuận tiện cho việc đăng nhập hồ sơ hiện vật mới.Việc lưu trữ, sắp xếp, tìm kiếm, thống kê, báo cáo, in ấn, trao đổi thông tin được nhanh chóng, chính xác, khoa học. Giao diện phần mềm đơn giản, dễ sử dụng, giúp cho các thao tác sử dụng nhanh gọn, dễ dàng.

      Tuy có nhiều ưu điểm nổi bật nhưng trong quá trình sử dụng, chúng tôi thấy chương trình quản lý hiện vật của cục Di sản Văn hóa vẫn còn một số hạn chế. Một số nội dung trong các trường trùng lắp nhau dẫn đến chồng chéo không cần thiết. Thông tin mặc định của một số trường như thời kỳ, nguồn gốc, chất liệu, tình trạng bảo quản tuy chi tiết nhưng một số nội dung lại thiếu, hoặc không phù hợp với từng loại hình bảo tàng. Vì vậy, bên cạnh những tiêu chí mặc định, có thể bổ sung thêm tiêu chí “khác” để các bảo tàng chọn trong trường hợp các tiêu chí mặc định không phù hợp với đơn vị mình. Một số trường nên có thêm phần “mở rộng” để các bảo tàng có thể giải thích rõ các thông tin.

      Có thể nói, việc đưa phần mềm của Cục Di sản vào công tác quản lý hiện vật rất thuận tiện cho công tác đăng nhập hiện vật cũng như công tác nghiên cứu, tra cứu thông tin. Để phục vụ công tác quản lý hiện vật, bảo tàng BR- VT đã trang bị một số trang thiết bị như máy vi tính tải phần mềm có dung lượng lớn, độ phân giải cao, máy scanner. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng chú trọng đến việc tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm kê để đáp ứng yêu cầu công việc ngày một tốt hơn.

Trịnh Lan Hương


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu