Công Tác Hướng Dẫn Tham Quan Di Tích Nhà Tù Côn Đảo

(05/04/2011)

Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo đã trở thành điểm hẹn “về nguồn” của khách tham quan từ khắp mọi miền của đất nước. Hàng năm có từ 12 ngàn đến 13 ngàn lượt người đến tham quan. Để thu hút ngày càng nhiều khách đáp ứng ngày càng cao của mọi đối tượng, công tác hướng dẫn cần phải được nhìn nhận lại từ thực tế để có thể tìm ra hướng đổi mới thích hợp với điều kiện hiện nay.

Có thể nói hướng dẫn tham quan là khâu cuối cùng để phát huy tác dụng hệ thống di tích Nhà tù Côn Đảo. Công tác này được tiến hành trên cơ sở của từng điểm di tích mà trong đó nó chứa đựng những sự kiện lịch sử của một thời kỳ bi tráng nhưng rất đỗi hào hùng và tự hào của dân tộc. Nó tố cáo sâu sắc những tội ác tột cùng của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc. Vì vậy, những di tích đó có sức thuyết phục rất lớn tới người tham quan. Để giúp người tham quan tiếp thu được những giá trị di sản văn hóa ấy, cũng như làm cho những di sản ấy trở thành tài sản của nhân dân thì công tác hướng dẫn tham quan là một phương tiện cơ bản để khai thác nội dung của từng di tích.

Công tác Bảo tồn – Bảo tàng là tạo điều kiện thuận lợi cho người xem cảm nhận trực tiếp từ di tích gốc, hiện vật gốc. Qua quá trình nhận thức thức được khi tham quan di tích, người xem có được những hiểu biết đúng đắn về các sự kiện lịch sử, thấy được quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam trong suốt 113 năm dưới chế độ Nhà tù của thực dân, dế quốc ở Côn Đảo. Nói cách khác qua hệ thống Di tích Nhà tù, qua tư liệu hiện vật để lại và qua người hướng dẫn tham quan di tích, các sự kiện lịch sử được thể hiện một cách sáng tỏ và sinh động hơn.
Vấn đề đầu tiên là xây dựng đội ngũ làm công tác hướng dẫn tham quan di tích có đầy đủ những phẩm chất, năng lực cần thiết . Làm thế nào mà người hướng dẫn không phải là người thực hiện nhiệm vụ thuyết minh về di tích một cách máy móc, cứng nhắc mà là một người đồng hành tin cậy của khách tham quan. Đòi hỏi người làm hướng dẫn tham quan di tích phải liên tục trau dồi học hỏi đó là những kiến thức cơ bản mà người hướng dẫn phải được trang bị .Ngày nay, về trình độ của khách tham quan so với trước đây đã được nâng lên rất nhiều, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến đổi. Đòi hỏi mỗi người hướng dẫn viên phải đổi mới nhận thức, đổi mới nội dung, đổi mới phong cách làm việc. Muốn làm tốt công tác hướng dẫn tham quan, hướng dẫn viên phải có kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học nghệ thuật.

Ngoài kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, ngoại ngữ cần phải xây dựng cho đội ngũ hướng dẫn viên có một phong cách nhanh nhẹn linh hoạt và sáng tạo trong nghề nghiệp sẽ tạo ra sự tin tưởng, yên tâm, thoải mái cho khách . . Bên cạnh cũng cần xây dựng cho đội ngũ hướng dẫn tham quan di tích có một thái độ cởi mở, lịch thiệp trong giao tiếp với khách tham quan. Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, người hướng dẫn không được bộc lộ những cảm xúc bất thường như lo lắng, hờ hững, cáu gắt, tức giận trước khách tham quan. Vì thái độ cởi mở và lịch thiệp của người hướng dẫn sẽ là những điều kiện tốt để chiếm được tình cảm cũng như thái độ tin tưởng, quí trọng của khách . Các phẩm chất, năng lực, phong cách và đức tính của đội ngũ hướng dẫn tham quan di tích cần có và có được là phương tiện hữu hiệu cho nghề nghiệp của mình vững vàng hơn, thành thạo hơn, đầy đủ hơn và hạn chế những điều đáng tiếc, những sơ xuất không đáng có. Các phẩm chất, năng lực, phong cách và đức tính của người hướng dẫn tham quan do học tập rèn luyện mà có sẽ giúp cho họ chẳng những hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn biết phán đoán đưa ra những quyết định đúng đắn kịp thời cần thiết trong công tác hướng dẫn tham quan tại di tích.

Vấn đề tiếp theo cần đổi mới trong công tác giáo dục truyền thống tại Ban quản lý Di tích Côn Đảo hiện nay là việc tư liệu hóa Di tích tức là trang bị cho đội ngũ hướng dẫn viên một bộ máy chiếu, đổi mới nội dung thuyết minh bằng cách thêm vào nội dung thuyết minh các hình ảnh về Côn Đảo, nhằm mục đích phục vụ tốt hơn nữa việc giới thiệu khái quát về tự nhiên, xã hội và lịch sử Nhà tù Côn Đảo. Ngoài ra, cần phải xây dựng một số đoạn phim tư liệu ngắn về lịch sử Nhà tù Côn Đảo và các thắng cảnh tự nhiên ở Côn Đảo phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Đội ngũ làm công tác hướng dẫn tham quan di tích nhà tù Côn Đảo phải biết kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn đó là yêu cầu cần thiết. Tùy theo yêu cầu về nội dung của buối tham quan để chọn di tích, hiện vật tài liệu giới thiệu về những vấn đề cần đi sâu giải thích. Tất nhiên nội dung giới thiệu cho khách đều phải xoay quanh vấn đề chính. Chẳng hạn đối với các đối tượng khách tham quan là học sinh, sinh viên, cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy lịch sử đã có trình độ nhất định. Họ đến tham quan có tính chất học tập, nghiên cứu, để tìm hiểu về lịch sử Đảng với nhiều mức độ khác nhau. Khi hướng dẫn đối tượng này, nên bám sát nội dung tài liệu hiện vật của từng di tích, đi sâu vào các sự kiện chính của lịch sử, sự kiện đánh dấu mốc quan trọng để người tham quan thấy được quá trình phát triển của hệ thống nhà tù Côn Đảo. Qua đó sẽ tố cáo sâu sắc những tội ác tột cùng của chủ nghĩa Thực Dân, Đế Quốc và nêu cao được chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các chiến sỹ cách mạng dưới chế độ Nhà tù Côn Đảo trong suốt 113 năm (1862-1975).

Đối với các đối tượng là đoàn thể quần chúng nói chung, khách du lịch thuần túy nói riêng họ đến tham quan di tích Côn Đảo cũng có tính chất tìm hiểu về Nhà tù nhưng nặng về tính chất giải trí. Khi hướng dẫn đối tượng này nên tập trung giới thiệu những di tích, những tài liệu hiện vật hấp dẫn người xem cả về hình thức lẫn nội dung chứa đựng trong bản thân di tích, tài liệu hiện vật. Khai thác những lượng thông tin đặc biệt của di tích có giá trị truyền cảm, những tình cảm cách mạng chứa đựng trong di tích, trong tài liệu hiện vật gây xúc cảm tới người xem thu hút sự chú ý và nhiệt tình của người xem qua đó giáo dục lòng yêu nước tới các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt đối với khách tham quan là cựu tù chính trị Côn Đảo. Đây là đối tượng thường hay tổ chức trở về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, khi đến đây họ có một tình cảm rất thiêng liêng. Khi hướng dẫn tham quan người thuyết minh nên tận dụng cái độc đáo của di tích, của tài liệu hiện vật để khai thác nội dung lịch sử chứa đựng trong nó, khai thác những nội dung có tính truyền cảm đặc biệt (như tên tuổi, mộ chí của đồng đội họ còn nằm yên nghỉ tại Nghĩa Trang Hàng Dương; nơi đầy đọa tra tấn chính bản thân họ và đồng đội họ; nơi diễn ra các cuộc đấu tranh của chính họ và đồng đội họ trong nhà tù Côn Đảo…). Đồng thời bằng phương pháp kể chuyện, người hướng dẫn giúp họ tái hiện lại các sự kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử mà hiện vật trưng bày, di tích nhà tù là vật chứng. Như vậy hướng dẫn tham quan đã giúp họ có được những nhận thức cụ thể, sinh động về một thời quá khứ đã qua với nhiều ác liệt, phức tạp của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của chính họ dưới chế độ Nhà tù Thực Dân, Đế Quốc tại Côn Đảo.

                                                                                                                           Lưu Văn Nhi
(Phó BQL di tích Nhà tù Côn Đảo)


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu