Côn Đảo qua một số báo chí Sài Gòn trước năm 1975

(08/09/2014)

Chúng ta đã biết đến một Côn Đảo ở hai khía cạnh, đó là “địa ngục trần gian” trong lịch sử (1862 – 1975) và cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, tiềm năng kinh tế, xã hội trong sự phát triển của đất nước hôm nay. Côn Đảo là vùng đất khá đặc biệt của Việt Nam, vì những gì đã diễn ra ở nơi đây, và luôn là nguồn đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu.

Nguồn sử liệu về Côn Đảo được biết là khá phong phú, đa dạng với nhiều hình thức, nguồn gốc và thể loại khác nhau. Bài viết đề cập đến vấn đề “Côn Đảo qua một số báo chí Sài Gòn trước năm 1975”, với những khảo sát ban đầu qua một số báo chí Sài Gòn từ năm 1956 đến năm 1973, chủ yếu là báo chí hợp pháp công khai, được phân loại theo nội dung : Điều kiện tự nhiên, cảnh quan, lịch sử, tiềm năng kinh tế xã hội của Côn Đảo, các vấn đề chính trị – xã hội và một số nhận xét, đánh giá.

1. Mặc dù chưa tìm được những bài báo đầu tiên nói về Côn Đảo hoặc thời điểm báo chí Sài Gòn đề cập đến vấn đề Côn Đảo nhưng có thể khẳng định là ngay từ rất sớm, Côn Đảo đã trở thành một nguồn đề tài khá phong phú và đa dạng thu hút sự quan tâm của các tờ báo và tạp chí ở Sài Gòn (thời kỳ Côn Đảo thuộc quyền quản hạt của chính quyền Sài Gòn và có tên mới là tỉnh Côn Sơn)[1]. Được báo chí khai thác trên nhiều khía cạnh như:  dư địa chí, cảnh quan, tiềm năng kinh tế và các vấn đề xã hội khác. Các bài về Côn Đảo thường được viết một cách tổng quát, bao gồm cả phần giới thiệu về vị trí địa lý, cảnh quan, thời tiết, khí hậu, tài nguyên, tiềm năng kinh tế…, không có những bài viết chuyên biệt cho một vấn đề.  Xin dẫn ra một số bài thu thập được từ các tờ báo và tạp chí Sài Gòn trước 1975 như sau:

Trên tờ nguyệt san “Mới” do Phương Khanh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút đã ra liên tục ba kỳ, từ số 35 (ra thứ bảy, ngày 18/7/1953) đến số 37 ( thứ bảy, ngày 1/8/1953), bài viết có tựa đề: “Chút ít sử liệu về quần – đảo Côn – Nôn” trích nguyên văn theo tài liệu của I.C.Deme-riaux, tác giả là thành viên của “Hội nghiên cứu Đông Dương”. Nội dung của bài viết là những khảo sát của tác giả về: vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, sơ lược lịch sử hòn đảo Côn – Nôn từ đầu thế kỷ XVI. Có một điều được nhận thấy ở đây là vào thời điểm đó Côn Sơn đã thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới, và đã được coi là một vùng đất nhiều tiềm năng. Tờ báo “Thần Chung” do Nguyễn Kỳ Nam làm chủ bút đã đăng liên tiếp bốn kỳ trên các số từ 226 đến 229, ra trong bốn ngày (từ thứ sáu ngày 10/3/1967 đến thứ ba, ngày 14/3/1967) với nhan đề “Non nước nhà: Côn Sơn”. Đây là một công trình khảo cứu rất lớn, trên nhiều khía cạnh về Côn Đảo của tác giả Nguyễn Kỳ Nam. Cụ thể, đó là loạt bài trình bày về:  lược sử Côn Sơn, di tích lịch sử ở Côn Sơn, địa lý, địa chất núi, sông ngòi, mực nước, khí hậu, khu thị xã, cầm thú, nhân sinh, tín ngưỡng và đạo giáo, tổ chức hành chính, hoạt động của các cơ quan, kinh tế, mức sản xuất, các loại hoa màu, cây trồng, lâm sản, khoáng sản, chăn nuôi, giao thông, y tế, nước uống, triển vọng tương lai, chương trình sắp thực hiện: kiến thiết lại tỉnh lỵ và ngoại ô, chỉnh trang khu hành chính.

Nguồn sử liệu của Việt Nam cũng đã cho biết quần đảo Côn Sơn (như cách gọi thời kỳ đó) từng là nơi trú ngụ của vua Gia Long – Nguyễn Ánh trên bước đường lưu vong sau khi thất bại trong trận chiến với quân Tây Sơn (1861), vì vậy mà Côn Sơn cũng là một đề tài lịch sử hấp dẫn trong thời kỳ đó, trên tờ nhật báo “Tiếng Chuông” (đến ngày 19/11/1963 đổi tên thành “Tiếng chuông tân báo”) do Đinh Văn Khai làm chủ nhiệm đã đăng tải nhiều kỳ bài viết của tác giả Hoa Quang Phượng với các tựa đề: “Những đoàn người Việt Nam đầu tiên đến sanh cư lập nghiệp (vua Gia Long trên bước đường lưu vong)” (số 1506, ra thứ ba, ngày 3/4/1956) – nội dung chính nói về quá trình vua Gia Long sau khi thất trận đã đem theo đoàn tùy tùng chạy ra Côn Đảo, đây cũng là lần đầu tiên trên hòn đảo này có những người Việt Nam đến sinh sống. Bài thứ hai là: “kho tàng của Nguyễn Ánh còn chôn dấu tại Côn Nôn? Tù nhân dưới triều Nguyễn từng chống trả oai hùng với thực dân đi chiếm đất” (số ra 1507, thứ tư, ngày 4/4/1956). Qua hai bài viết này, tác giả ngoài việc ghi chép lại một phần lịch sử của hòn đảo còn đặt ra các nghi vấn về sự tồn tại của một số của cải mà Nguyễn Ánh trên đương buôn tẩu đã bỏ lại tại Côn Sơn. Viết về lịch sử Côn Đảo còn có bài “Côn Nôn dưới thời thực dân vừa chiếm cứ, quân Pháp chết không kịp chôn, tù nhơn phụ nữ Việt Nam cũng từng bị lưu đày đến đây”[2] (số ra 1508, thứ năm, ngày 5/4/1956) – nội dung nói về phong trào đấu tranh sôi nổi trên đảo trong buổi đầu thực dân Pháp đến xâm lược và những lượt tù nhân đầu tiên bị thực dân Pháp đưa ra đảo. Cùng nói về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của các tù nhân nhà Nguyễn trên báo “Tiếng Chuông” có bài “Lúc Pháp chiếm Côn Sơn họ đã gặp sự kháng cự dũng mãnh của 1929 tù nhân nhà Nguyễn và 80 binh sĩ Việt Nam” (số 2538, thứ hai, ngày 15/8/1959) với nội dung chính: viên giám đốc thực dân đầu tiên cai quản Côn Sơn là Fe’lix rousel, Côn Sơn dưới triều Nguyễn đã thuộc quyền kiểm soát của tỉnh Vĩnh Long, từ thời đó nhà Nguyễn đã dùng Côn Sơn làm nơi lưu đày tội phạm, 1862 Pháp chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và cả quần đảo Côn Sơn, Hiệp định Sài Gòn ngày 3/6/1862 Côn Sơn thuộc Pháp, Tù binh Côn Đảo đã anh dũng đứng lên đấu tranh chống Pháp. Trên báo “Tiếng Chuông” số ra 2532, thứ hai, ngày 10/8/1959 có bài viết “Tìm hiểu nước nhà: lịch sử đảo Côn Sơn (Côn Nôn cũ)[3]. Đây là một bài khảo sát khá tỉ mỉ về lịch sử Côn Sơn từ khi thực dân Tây Ban Nha khám phá ra đầu tiên, nguồn gốc các tên gọi của hòn đảo này qua các thời kỳ (gồm 7 tên gọi), ngoài ra tác giả cũng nêu sơ lược về dư địa chí của hòn đảo này. Cũng với nội dung viết về địa lý, lịch sử Côn Đảo, tạp chí“Đời Mới”- tuần báo xã hội – văn hóa – nghị luận do Nguyễn Trung Bình làm chủ bút có đăng loạt bài “Địa lý, lịch sử hải đảo Côn Sơn”[4], (số 31, từ 17/9 đến 24/9/1971) với nội dung được trình bày lần lượt theo các kỳ như sau: kì I: “Theo sử liệu của các nhà khảo cổ: Côn Đảo phải chăng là cặn bã của núi lửa”, kì II: “Những bảo vật của nhà Nguyễn được tìm thấy ở Côn Sơn”, kỳ III: “sơ khảo về dư địa chí Côn Sơn”, kì IV: “sơ lược về lịch sử đảo Côn Sơn”. Trên tờ nhật báo “Dân Nguyện” do Cao Minh Chiếm làm chủ nhiệm, Côn Sơn lại được biết đến với nhan đề: “Một thắng cảnh Việt Nam: tỉnh mới Côn Sơn” số ra 205, ngày 23/3/1957. Bài viết giới thiệu về một tỉnh mới được thành lập, đặt dưới sự cai trị của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, có hệ thống hành chính mới và hoàn toàn giống với các tỉnh khác trong cả nước. Bài viết còn liệt kê, mô tả rất cặn kẽ về cơ sở vật chất ở Côn Sơn về đường xá, trường học, bệnh viện, bưu điện, các sở ban thực hiện việc quản lý và chăm lo đời sống cho dân chúng. Cũng nội dung mô tả về cơ sở vật chất ở Côn Sơn, bài “Bộ mặt Côn Đảo ngày nay như thế nào? Vài chuyện lạ về Côn Đảo, rắn rít cắn không hại người?” của tác giả Hoa Quang Phượng (số ra 1531, thứ năm, ngày 3/5/1956) đã mô tả cảnh trí của cầu tàu 914, dinh thự của giám đốc  – rất đẹp, mô tả cơ sở hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên ở Côn Đảo, Côn Đảo là một nơi có tiềm năng rất lớn về kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch. Trên tờ tuần san “Đại Từ Bi” do hòa thượng Thích Tâm Giác làm chủ nhiệm đã đăng tải bài “sự tích chùa An Hải” của tác giả Hoàng Ân (số ra 43, ngày 23/12/1968)với nội dung chính là: sơ lược về lịch sử Côn Sơn từ đầu thế kỷ XVI, sự tích chùa An Hải, sơ lược về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên ở Côn Sơn, nguồn gốc tên gọi Côn Nôn. Cũng trên tạp chí “Đại Từ Bi” (số 16, ngày 14/7/1965) có bài “Thượng tọa giám đốc Nha tuyên úy phật giáo đi thăm Côn Sơn và Phú Quốc”. Nội dung bài viết là những cảm nhận của viên thượng tọa này về Côn Đảo: có quang cảnh đẹp mắt, có nhiều ngôi chùa đồ sộ do các tù binh xây dựng nên, những người tù hiền lương, bình thản, đang ngoan ngoãn xám hối tội lỗi để trở về với cuộc sống hiền lương trong lòng dân tộc, và đó chính là kết quả của những ngày được rèn luyện ở Côn Đảo. Trên tờ nhật báo “Chính Luận” do Đặng Văn Sung làm chủ nhiệm kiêm chủ bút cũng có bài viết được đăng nhiều kỳ (từ số 2658, ra thứ tư, ngày 3/1/1973 đến số 2660, ra thứ sáu, ngày 5/1/1973 với tựa đề “Côn Sơn – đất của tù đày với nhiều bi tích lịch sử”, tác giả Khổng Khái Quát đã mở đầu bài viết bằng việc kể lại hành trình gian khổ của mình khi đến Côn Sơn thực hiện bài báo này và tiếp theo là những mô tả về quang cảnh thiên nhiên, lịch sử, tiềm năng du lịch và cảnh lao tù nguy hiểm ở Côn Sơn – nơi “một đi không trở lại” theo nhận xét của tác giả.

Ở nội dung này có mặt khắp các báo chí chủ yếu của Sài Gòn như: Tiếng Chuông, Dân Nguyện, Thần Chung, Tin Sáng, Mới…và thời gian kéo dài từ năm 1953 đến năm 1973. Nhưng đặc biệt là từ năm 1954 trở đi, mật độ các bài báo trở nên dày hơn, các nội dung về Côn Đảo phong phú, đa dạng hơn, bao quát hơn về điều kiện tự nhiên, cảnh quan, lịch sử, thậm chí còn có những bài viết được đăng nhiều kỳ như một công trình nghiên cứu về tiềm năng kinh tế đặc biệt là phát triển du lịch ở Côn Đảo. Cung cấp những thông tin quý giá và toàn diện hơn về Côn Đảo. Điều này làm cho người đọc có cảm giác rằng chính quyền Sài Gòn đã ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Côn Đảo.

2. Vấn đề chính trị – xã hội

Lịch sử Việt Nam đã ghi những dấu ấn rất rõ về ý đồ của thực dân Pháp đối với Côn Đảo, qua nhiều tư liệu đã cho thấy ngay từ lúc mới ra tuyên cáo xâm lược (tuyên bố lúc 10 giờ sáng, ngày 28 – 11 – 1861) đặt Côn Lôn dưới quyền cai trị của thực dân Pháp, chúng đã đuổi hết những người dân sinh sống trên đảo đi nơi khác và xây dựng nơi đây thành một hệ thống nhà tù rộng lớn và kiên cố thì trên đảo chỉ còn tù nhân và người cai tù cho tận đến khi Miền Nam được giải phóng. Vì vậy có thể nói, trong giai đoạn này thì thực chất vấn đề chính trị trên đảo là vấn đề nhà tù.

Qua khảo sát báo chí Sài Gòn với vấn đề Côn Đảo, nổi rõ nội dung nhà tù ở các khía cạnh: hình thành nhà tù, chế độ nhà tù, phản ứng của thân nhân người tù qua các chuyến thăm viếng (mặc dù chúng tôi biết là chính quyền đã ra sức bưng bít nhưng những thông tin về nhà tù vẫn được truyền đi), tiếng kêu cứu của các tù nhân qua các phái đoàn của các lực lượng chính trị trong nước, các tổ chức dân chủ tiến bộ quốc tế khi đến Côn Đảo, sự kiện trao trả tù binh năm 1973, và qua các tài liệu thu thập được còn cho thấy Côn Đảo không chỉ là nơi giam cầm các chính trị phạm mà ở đây còn là nơi giam giữ các thường phạm, từ đó làm cho người đọc hình dung về xã hội Sài Gòn thời bấy giờ. Và ở một khía cạnh nào đó cũng làm cho người đọc thấy xã hội nhà tù trong thời kỳ này khác với thời kỳ trước như thế nào.

     2.1. Báo chí Sài Gòn đã đề cập đến sự hình thành nhà tù Côn Đảo của thời Pháp, thậm chí lên án chế độ nhà tù của thực dân Pháp, phản ánh chủ trương, mục đích của chính quyền Sài Gòn  đối với Côn Đảo. Ngoài ra, còn tuyên truyền về Côn Đảo một cách khách quan về tiềm năng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, xóa đi những nỗi ghê sợ kinh hoàng của người dân với Côn Đảo, tạo ra cho người đọc cảm giác rằng chính quyền sẽ xây dựng nên một Côn Đảo xứng đáng với những điều kiện vốn có của nó. Nhưng cũng qua báo chí Sài Gòn từ những năm 50 đến giữa thập niên 70 chúng ta lại thấy rõ sự trái ngược của những thông tin ban đầu, hoặc mong muốn của chính những người chủ bút, những tác giả có tâm huyết với Côn Đảo. Đặc biệt là khi Côn Đảo thuộc quyền thống trị của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ và chính quyền Sài Gòn, thì những điều từng phản ánh đăng tải lại quá xa lạ. Thậm chí khi những thông tin từ Côn Đảo bay về đã cho người dân Sài Gòn biết được một sự thật ghê rợn vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đảo, thì lúc này Côn Đảo lại trở về trong trí tưởng của mỗi người dân là nỗi khiếp sợ bởi một hệ thống nhà tù tàn bạo, phi nhân tính như trong thời Pháp thuộc. Hơn thế nữa, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khéo léo, thâm hiểm, tàn bạo, giàu có và hiện đại hơn thì nhà tù dười thời cai trị của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn lại càng trở nên khủng khiếp và đáng nguyền rủa hơn.

Qua một số bài báo nhận thấy sau khi tiếp nhận nhà tù Côn Đảo từ tay thực dân Pháp (tháng 3/1955), Chính quyền Sài Gòn đã cho thành lập tỉnh Côn Sơn (theo sắc lệnh 147–NV ngày 24/10/1956). Thiếu tá Bạch Văn Bốn được cử làm tỉnh trưởng đầu tiên của “tỉnh tù” này. Tỉnh không có quận, huyện, phường, xã, không có sở kinh tế, văn hóa, xã hội, chỉ có tù nhân và bộ máy cai trị tù. Mặc dù là một “tỉnh tù”  nhưng qua báo chí cho thấy nhận thức nhà tù Côn Sơn nổi tiếng dưới thời thực dân Pháp cai trị đã không còn nữa, mà thay vào đó Côn Đảo đã là một vùng đất yên bình với tên gọi mới là “tỉnh Côn Sơn” và trên đảo chỉ còn các tù nhân thường phạm, được hưởng các chính sách khoan hồng nhân đạo của chính quyền. Thể hiện qua các bài viết như: “Chế độ lao – xá tại Côn Đảo không còn nữa”[5] đăng trên báo “Dân Nguyện” (số 145, thứ bảy, ngày 5/1/1957) thông tin: theo nghị định của tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 27/12/1956 đảo Côn Sơn đã trở thành 1 đơn vị hành chính với tên mới là tỉnh Côn Sơn theo sắc lệnh ngày 22/10/1956 và không còn chế độ lao xá nữa, tất cả các nhà tù Côn Sơn đều đã bị dẹp bỏ. Trên tạp chí “Đại Từ Bi” (số 16, ra ngày 14/7/1965) cũng có bài viết “Thượng tọa giám đốc nha tuyên úy phật giáo đi thăm Côn Sơn và Phú Quốc” – Cảm nhận của tác giả về Côn Đảo: có quang cảnh đẹp mắt, có nhiều ngôi chùa đồ sộ do các tù binh xây dựng nên, những người tù hiền lương, bình thản, đang ngoan ngoãn xám hối tội lỗi để trở về với cuộc sống hiền lương trong lòng dân tộc, đó là kết quả của những ngày được rèn luyện ở Côn Đảo. Trên tạp chí “Đời Mới” (số 36, ra ngày 6/10/1971) đăng bài “Tôi đi viếng Côn Đảo” của tác giả Trần Văn Ân – Cuối năm 1947 với tư cách là Bộ trưởng Bộ Thông tin, tác giả dẫn đầu phái đoàn đi viếng Côn Đảo. Sau chuyến đi này ông ta có nhận xét về Côn Đảo: có tiềm năng du lịch rất lớn và theo ông thì nên cho tù chính trị ra khỏi ngục, cho họ cất nhà ở, như vậy họ có thể đem lại “huê lợi cho quốc gia”. Nói về sự cứng đầu bất trị của các tù binh Côn Đảo, trên báo “Tin sáng” (số 408, thứ 6, ngày 7/8/1970) có bài “200 tù nhân đã nổi loạn trên tàu khi được trở từ Côn Đảo về Sài Gòn” của tác giả T.V, đưa tin: “theo đài VOA, sáng 6/8 các thủy thủ trên tàu đã dẹp yên cuộc nổi loạn trên 1 chiếc tàu chở 600 tù nhân từ Côn Đảo về Sài Gòn. Có khoảng 200 tù nhân tham gia. Đây là các tù dân sự đã đủ án hoặc sắp được phóng thích”

     2.2. Các bài báo tố cáo, vạch trần tội ác của chế độ nhà tù Côn Sơn dựa vào hồi ký hoặc lời kể của chính các cựu tù Côn Đảo.

Mặc dù là báo chí hợp pháp, chống cộng nhưng vẫn tìm thấy trên một số tờ báo những bài viết có nội dung lên án, tố cáo tội ác của chế độ lao tù dưới sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, và đó là một cách nhìn khách quan xuất phát từ đặc tính của nghề báo ở khía cạnh thông tấn thuần túy. Có thể dẫn ra một số bài viết như sau : Trên báo “Tin Sáng” do Ngô Công Đức làm chủ nhiệm kiêm chủ bút đã cho đăng nhiều kỳ bài viết với nhan đề “Lao tù chuồng cọp: hồi ký của ông Năm” từ số 405 (thứ ba, ngày 4/8/1970) đến số 445 (thứ 7 ngày 19/9/1970); Tác giả của thiên hồi ký này là tù biệt giam đã sống ròng rã 10 năm ( 9/1939 – 7/1949) trong lao tù Côn Sơn. Hồi ký kể lại lịch sử của nhà lao, đời sống đen tối của các phạm nhân trong lao tù, trong đó có nội dung liên quan đến các lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Hồng Phong. Ngoài ra, bài báo này còn cho biết sự thật về chế độ nhà tù mà “cả thế giới đang quanh mắt về nó”: công trình xây dựng đường “Ma Thiên Lãnh” do giám thị Mathieu điều khiển đã tước đi rất nhiều mạng sống của tù nhân Việt Nam; Tổ chức hành chính và quản trị tại sở đề lao Côn Sơn; Những biến động trong nhà tù sau Cách mạng tháng Tám; Sơ đồ tổ chức trại giam, danh sách và chức vụ của cai ngục, phân loại tù nhân, chi tiết hơn nữa là chế độ ăn uống và kiểm soát tù nhân.

Cũng trên báo “Tin Sáng” (Số 436, thứ tư, ngày 9/9/1970) có bài “Một số đông sinh viên học sinh còn bị giam ngoài Côn Đảo gởi thơ về chư vị viện hóa đạo mong nhờ sự can thiệp với chánh quyền” của tác giả Phạm Khánh Toàn đã đăng nguyên văn bức thư của một số sinh viên học sinh là tù nhân ở Côn Đảo gửi đến Viện Hóa đạo với nội dung tố cáo chính quyền nhà tù Côn Đảo tra tấn dã man tù nhân cùng với lời kêu cứu thống thiết. Đến số 370 thứ 4, ngày 24/6/1970 có bài “Tôi nhìn Côn Đảo” của tác giả Trần Phong Sương dựa theo nội dung trong nhật ký của một tù nhân Côn Đảo nói về một ngày sinh hoạt trong nhà tù Côn Đảo và sự cai trị tàn bạo của chế độ nhà tù.

Từ những năm 1970, khi những thông tin trên báo chí về sự tồn tại của “chuồng Cọp Côn Sơn” bị phát giác thì phong trào đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù diễn ra rất sôi nổi. Để xoa dịu làn sóng phẫn nộ của dư luận trong và ngoài nước, chính quyền Sài Gòn đã đưa ra một loạt những chính sách cải huấn, nhưng sự thật về những chính sách đó như thế nào? Thì qua báo chí chúng tôi lại thấy những điều ngược lại đó là: Trong bài viết “Chánh quyền Côn – Sơn với chánh sách cải huấn” của tác giả Nguyễn Phượng Vũ đăng trên nhật báo “Tin Sáng” (số ra 393, thứ ba, ngày 21/7/1970) đã vạch trần những luận điệu lừa bịp của chính quyền Côn Đảo về những chế độ sinh hoạt, ăn uống tồi tệ của tù nhân trong ngục tù Côn Đảo, lên án chính sách khủng bố phi nhân tính của cai ngục. Số 393 của nhật báo “Tin Sáng” ra thứ ba, ngày 21/7/1970 của tác giả Vũ Thành Nghĩa có tựa đề “Trong vòng rào phong tỏa của cảnh sát, sung gắn lưỡi lê, tu sĩ, sinh viên vừa từ Côn Đảo về họp báo tại chùa Ấn Quang”, đưa tin về sự kiện ngày 19/7 chùa Ấn Quang tổ chức buổi họp báo với đại diện của 500 tù nhân Côn Đảo vừa được trả tự do. Tại buổi họp các tù nhân Côn Đảo đã tố cáo và lên án chế độ nhà tù khắc nghiệt ở Côn Đảo. Sau đó còn loạt bài “Tiếng nói quê hương: ngục tù Côn Đảo” gồm 3 kỳ, đăng trên nguyệt san “Tự Quyết” do Trần Tử Huyền làm chủ bút (các số 2, 3,4, tháng 8,10,11/1970) – ký sự của anh Nguyễn Việt Nam, một người tù trẻ tuổi vừa ở Côn Đảo về đã mô tả sự khắc nghiệt của chế độ nhà tù, cách phân loại tù nhân và đối xử với từng loại tù nhân ở đó.

Hoa Quang Phượng (chưa rõ về nhân thân của nhà báo này) là một tác giả có nhiều bài viết về Côn Đảo. Qua các phóng sự đầy tính thuyết phục phản ánh hiện thực sâu sắc, cụ thể, chi tiết và có tính nhân văn thể hiện sự công phu và một kỹ thuật làm báo điêu luyện thì nhà tù Côn Đảo hiện ra với tất cả những gì ghê rợn của nó và qua đó cũng mô tả đậm nét tinh thần đấu tranh của tù nhân. Trên báo “Tiếng Chuông” có bài: “Hận Côn – Nôn (hay địa ngục trần gian dưới thời thực trị): chút ít về hình thể và sử liệu về Côn – Nôn”, (Số 1505, thứ hai, ngày 2/4/1956): tác giả nhìn về Côn Đảo như một địa ngục trần gian bởi hệ thống ngục tù ghê rợn. “Mồ hôi, nước mắt và xương máu của tù nhơn đã xây đắp Côn – Nôn ngày nay đẹp đẽ”, (Số ra 1509, thứ sáu, ngày 6/4/1956): nói về những nỗi thống khổ của kiếp sống đọa đày đã khiến các tù nhân phải nhiều lần nổi lên chống bạo tàn và bị đàn áp dã man. “Đời sống của tù nhơn Côn –  Đảo” (Số ra 1510, thứ bảy, ngày 7/4/1956): cảnh lao dịch trường kỳ khiến các tù nhân mỏi mòn kiệt quệ, khổ hình chẳng chừa sót một ai, ăn uống chỉ để cầm hơi cho đỡ đói lòng, “Một ngày của người tù khổ sai” (Số ra 1511, thứ hai, ngày 9/4/1956): mô tả những công việc trường kỳ, nặng nề, khổ nhọc của lao tù và những hình phạt đau đớn mà những người tù phải chịu đựng. “Vài cảnh lao dịch hiểm nguy của người tội tù đày”(Số ra 1512, thứ ba, ngày 10/4/1956): đem sinh mạng đùa với tử thần để cung phụng cho nhu cầu tham lam của cá nhân thống trị, “Giờ phút thiêng liêng của người tù viễn xứ”( Số 1514, thứ năm, ngày 12/4/1956): đó là giờ phút nhận được thư và quà của thân nhân từ đất liền gửi ra, cuộc sống tù đày thống khổ và thiếu thốn tình cảm đã giúp những người tù sống với nhau rất hòa thuận và đoàn kết, những bức thư, những món quà của mỗi tù nhân được nhận đều trở thành của chung cho tất cả, chế độ lao tù có thể giam cầm than xác nhưng không thể giam cầm ý chí con người. Cùng tác giả còn có bài viết: “Học tập trong tù, giết người ghê dợn, trả thù bọn gát dan và xếp khám tàn bạo” (số ra 1515, thứ sáu, ngày 13/4/1956) nói về cách phân chia phạm nhân trong tù (xếp riêng chính trị phạm và thường phạm), việc tổ chức học tập trong tù vẫn diễn ra bí mật và sôi nổi vượt ra ngoài tầm kiểm soát của xếp khám, khi bị đàn áp những người tù đã can đảm đứng lên đấu tranh đòi thực hiện đúng các chính sách nhà tù như đã có quy định hiện hành.

Trên nguyệt san “Đối Diện” do Chân Tín làm chủ nhiệm số ra 13, tháng 7/1970 xuất hiện bài viết với tựa đề “nhà tù Côn Đảo” trình bày nguyên văn bản tường trình về nhà tù Côn Đảo của năm sinh viên, học sinh (sinh viên: Trần Văn Long, Cao Nguyên Lợi, Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Tuấn Kiệt; học sinh: Nguyễn Minh Trí) từ Côn Đảo trở về ngày 25/5/1970 trước liên ủy ban nội vụ, tư pháp định chế, xây dựng nông thôn của hạ viện ngày 19/6/1970, tường trình lại thực trạng khủng khiếp của nhà tù Côn Đảo dựa trên những sự kiện mà chính bản thân năm người là nạn nhân. Điều này cho thấy, các tạp chí cũng đã thể hiện thái độ chính trị của mình thông qua vấn đề Côn Đảo.

Mặc dù chính quyền Sài Gòn đã cố gắng bưng bít những sự thật khinh khủng về sự tồn tại của một chế độ nhà tù phi nhân bằng mọi thủ đoạn nhưng các tù nhân vẫn bằng cách này hay cách khác đưa được các thông tin ra ngoài nhằm tố cáo cho cả thế giới được biết về sự thật đó, bài viết “108 nữ tù nhân từ Côn Đảo về Chí Hòa” đăng trên báo “Tin Sáng” (số ra 1962, thứ năm, ngày 6/8/1970) đưa tin: 13giờ 30 phút, ngày 4/8, 5 xe chở tù nhân từ Côn Đảo về đất liền đến khám Chí Hòa, trên đường vào khám các tù nhân này đã rải truyền đơn với nội dung: ngày 29/11/1969, có 342 nữ tù nhân bị đưa ra chuồng cọp Côn Sơn, đến nay được về 108 người và đa số đều bị bệnh rất nặng, xin đồng bào đấu tranh để đưa 185 người còn lại trở về đã cho người đọc biết thêm về một sự thật ở nhà tù Côn Đảo. Và đó cũng là một hình thức đấu tranh rất khôn ngoan của những nữ tù này.

Để tố cáo chế độ ngục tù, trên Tờ “Tự Quyết” (số 2, tháng 8/1970) còn cho đăng tải bài thơ “Chân thành” của tác giả Gió Khơi để nói lên những đau thương của chiến tranh và ngục tù Côn Đảo – địa ngục trần gian.

Chế độ nhà tù dã man, tàn bạo và phi nhân ở Côn Sơn không chỉ gặp phải sự lên án và phản kháng mãnh liệt của những người Việt Nam tiến bộ biết căm ghét cái ác (lưu ý ở đây chỉ nói “những người Việt Nam tiến bộ” chứ không nói đến lực lượng mà theo cách gọi lúc đó là “thân cộng”) mà còn bị tố cáo, vạch trần bởi những người ngoại quốc, hay chính các dân biểu Hoa Kỳ. Có thể dẫn ra một số bài viết về điều này trên báo Sài Gòn như sau: trên nhật báo “Tin Sáng” (số Số 406, thứ tư, ngày 5/6/1970) đã đăng bài viết “Đây, bức thư của dân biểu Anderson gửi tổng thống Mỹ Nixon về Chuồng Cọp Côn Sơn và chế độ lao tù ở Việt Nam” của tác giả Bùi Cầm với nội dung: Bức thư của vị dân biểu Mỹ – Aderson được ủy ban tuyển chọn dân biểu Hoa Kỳ giao nhiệm vụ sang điều tra tình hình Việt Nam. Trong quá trình điều tra họ đã phát hiện ra Chuồng Cọp và được chính các tù nhân Côn Đảo kể về các chính sách của nhà tù Côn Đảo. Trong bức thư này là lời nhận xét của hai dân biểu về sự thật phi nhân và vô cùng ghê tởm của nhà tù Côn Đảo, kêu gọi sự khoan hồng với các tù nhân dân sự, bày tỏ thái độ coi việc cải huấn chính sách nhà tù Việt Nam là việc làm cấp bách của Hoa Kỳ.

Cùng sự kiện tác giả Bùi Cầm còn có bài “Tuần báo Life tiết lộ thêm về: mưu mẹo của phái đoàn dân biểu Mỹ để lọt vào Chuồng Cọp Côn Sơn” cũng đăng trên báo “Tin Sáng” (số 429, ra thứ ba, ngày 1/9/1970) với nội dung: Tomharkin (thư ký của phái đoàn Mỹ được lệnh qua nắm bắt tình hình về hệ thống nhà tù Việt Nam) được Donluce (thư ký của hội đồng thế giới, đã ở Việt Nam 11 năm) nói về điều kiện giam cầm tù nhân ở Côn Sơn cũng như cách ngụy trang Chuồng Cọp một cách vô cùng khéo léo của chính quyền nơi đây, bằng sự thông minh tài trí của mình ông đã phát hiện ra Chuồng Cọp và biết được sự thật về chế độ nhà tù ở đây. Nơi mà trước đó những cố vấn Mỹ ở Nam Việt Nam cho rằng là một trại cải huấn tối tân và tiến bộ, là trại giải trí hướng đạo. “Tin Sáng” số 394 ra thứ tư, ngày 22/7/1970 có bài viết “Một nhóm phản chiến ở Nữu Ước tổ chức thâu thập tài liệu về Chuồng Cọp Côn Sơn – theo lời khai của các quân nhân Mỹ” của tác giả T.V với nội dung: bàn về tiếng dội ngày một lớn về vụ phát giác những Chuồng Cọp ở Côn Sơn: 1 nhóm phản chiến ở Nữu Ước thu thập được những lời tuyên bố của 7 cựu chiến binh Hoa Kỳ về những trường hợp bạo hành tại các nhà ngục Việt Nam mà họ chứng kiến thậm chí là tham dự, tố cáo lối ngược đãi tàn tệ nhất dùng để đối xử với thường dân Việt Nam.

Liên tục thông tin về những chứng cứ mà các dân biểu trong phái đoàn Mỹ đã thu thập trong quá trình điều tra sự thật của nhà tù Côn Sơn, thứ sáu, ngày 14/8/1970, trong số 414 báo “Tin Sáng” đã đưa tin “Hạ viện Mỹ nghe bằng chứng về Chuồng Cọp Côn Sơn trên băng ghi âm”: ngày 12/8, 1 viên chức Mỹ – ông Thomas Harkin đã quay 1 cuốn  băng thâu những câu chuyện do 1 tu sĩ phật giáo Việt Nam kể lại về Chuồng Cọp Côn Sơn sau khi bị giam ở đó 3 năm, nội dung cuốn băng là: vạch trần những che đậy giả dối về Chuồng Cọp, tố cáo tội ác của bọn chúa ngục hành hạ, tra tấn tù nhân, và chế độ ăn uống sinh hoạt kham khổ trong tù.

Trên tờ “Đối Diện” (số 46, tháng 5/1973) có bài “Tài liệu : vài nhân chứng ngoại quốc” Giới thiệu với bạn đọc những chứng từ của những người ngoại quốc đã được nhắc đến trong cuộc phỏng vấn của đài CBS với 2 thanh niên Pháp (Andre’ Menras và J.p.debris trước tháng 7/1970) và bác sĩ Jonh Champlin – một người đã từng ở miền Nam Việt Nam nhiều năm, đó là những tài liệu mà họ đã thu thập được khi tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam, những điều mà họ đã “mắt thấy, tai nghe” về những vụ đàn áp, tra tấn, thủ tiêu tù nhân ở các nhà tù Việt Nam, về những Chuồng Cọp mới ở Côn Đảo. Từ đó họ nhận ra được thực chất xâm lược của Mỹ. Ngày 25/7/1970 họ quyết định trương cờ trước “quốc hội” Sài Gòn và tung truyền đơn đòi hòa bình cho Việt Nam. Cùng nội dung này, thứ năm, ngày 6/8/1970, trên báo “Tin Sáng” số ra 407 có bài “Theo nguồn tin ủy ban liên lạc tù nhân – THSV:SG: một số tù nhân Côn Đảo vừa được đưa về khám Chí Hòa trong số đó có 342 phụ nữ, phần đông bị bệnh nặng” của tác giả C.T đưa tin về tình trạng tù nhân sau khi được nhà tù Côn Đảo trả tự do.

     2.3. Các bài báo nói về phong trào đấu tranh chống chế độ nhà tù của những thân nhân tù Côn Đảo và những tổ chức, cá nhân tiến bộ:

Những bài viết về phong trào đấu tranh của thân nhân người tù: trên báo “Tin Sáng” số 853 (ra thứ hai, ngày 6/3/1972) có bài “Các bà mẹ có con ở tù yêu cầu được dễ dàng thăm nuôi, trả tự do cho những người đã mãn án” của tác giả Thinh Nguyện Thư đưa thông tin về việc đại diện những người mẹ có con ở tù tại Côn Đảo gửi thư xin sự can thiệp của thượng – hạ nghị viện can thiệp về đời sống quá khắc nghiệt, thiếu thốn và những cuộc đàn áp đẫm máu mà con em họ phải chịu đựng, tố cáo chế độ ăn uống, tố giác trại 8 (tức chuồng cọp mới), đưa ra danh sách những can phạm chính trị bị thương nặng trong cuộc đàn áp ngày 27/1/1972. Cũng trên báo này, số 878, thứ bảy, ngày 15/1/1973 có bài: “Thân nhân tù Côn Đảo – Tân Hiệp yêu cầu bộ nội vụ giải quyết nguyện vọng tăng khẩu phần ăn, cho thăm nuôi, gửi thư từ v.v…”  đưa tin: Sáng 14/1 các bà mẹ đại diện thân nhân tù Côn Đảo phổ biến 1 văn thư yêu cầu chuyển đạt nguyện vọng của họ lên Bộ Nội vụ với nội dung: cải thiện chế độ ăn uống, thăm nuôi, thư từ, đòi trả tự do cho những người bị kết án quá nặng, mãn án nhưng vẫn tiếp tục bị giam giữ, không có án mà bị tù đày, phụ nữ và em nhỏ.

Về phong trào đấu tranh của các cá nhân, tổ chức thì có thể kể đến là loạt bài được đăng trên báo “Tin Sáng” của dân biểu Kiều Mộng Thu, một người đã bất chấp những lời đe dọa để giương cao ngòi bút chống lại cái ác, cái phi nhân của chế độ nhà tù, có thể dẫn ra các bài viết của bà như sau: số ra ngày 6/6/1970 có bài “Tổng thống và chính phủ hãy nghiêm minh trừng trị số cai tù, chúa ngục ác ôn để cải thiện chế độ lao tù và đem tình thương xóa hận thù”. Bài “Hai thảm nạn” (số 404, thứ hai, ngày 3 /8/1970) – chiến tranh và nhà tù là hai thảm nạn ghê gớm và tàn khốc nhất mà đa số những người dân yêu nước, yêu tự do và hòa bình đang hứng chịu, yêu cầu chính quyền ngăn ngừa mọi cách trả thù của hạng chúa ngục ác ôn, biến tù nhân thành quái vật, phải nâng cao chế độ cải huấn đi đôi với việc xóa bỏ chế độ nhà tù cay nghiệt, thanh trừng những chúa ngục ác ôn. Loạt bài “lao tù và cuộc sống tự do” ra trong nhiều số (số 406 ra thứ tư, ngày 5/8/1970: “Cả một gia đình di cư đều ở tù” nói về “hoàn cảnh bi đát của một gia đình bị quy tội hoạt động cho Việt Cộng (người cha bị ép cung nên nhận tội, người mẹ và con gái lãnh án 4 năm tù ở Côn Đảo)”, tố cáo sự bắt bớ vô căn cứ của chính quyền, lên án các thủ đoạn ép cung của cảnh sát, phản ứng của thân nhân những người tù Côn Đảo trước cảnh địa ngục trần gian, kêu gọi sự khoan hồng của chính quyền đối với tù nhân; Số 410 ra thứ hai, ngày 10/8/1970: “Trong bóng tối hắc ám của lao tù, tù nhân đã ăn uống như thế nào? Cơm tù hay cơm heo?”, tố cáo chúa ngục, cai tù và bọn nhà thầu đã ăn “công ký” để cướp đoạt khẩu phần của người tù và yêu cầu chấm dứt tình trạng trên; Số 415, ra thứ 7, ngày 14/8/1970: “Tiếng kêu thống thiết từ bên cửa ngục vọng ra, anh ở tù sao em nỡ giao con đã làm mọi tù nhân đều khóc trong lòng” vạch trần những mánh khóe, tổ chức của một số chúa ngục, cai tù để “Chính phủ tựu phương đối phó và để quốc dân ghi nhớ tên chúng đời đời”; Số 420, ra thứ năm, ngày 20/8/1970: “Nữ sinh lớp 6 trường Huỳnh Khương Ninh – em Nguyễn Thị Mẫn kể như đã mãn án nhưng vẫn còn bị giam ở Côn Sơn” đưa tin em Nguyễn Thị Mẫn bị bắt (không nói rõ lý do) và bị tòa án mặt trận Lưu Đổng tháng 5/1969 xử 1 năm tù treo đến nay vẫn bị giam và đưa đi tù ở Côn Đảo ngày 4/8/1970; Số 421, ra thứ sáu, ngày 21/8/1971: “Sau khi bị 2 dân biểu Mỹ cáo giác chế độ lao tù ở “hòn đảo của ác quỷ” chánh quyền chở 1 số tù nhân về đất liền nhưng chỉ thả nhỏ giọt, còn đa số bị giam cầm ở các ngục thất khác” tố cáo âm mưu bịp bợm nhằm xoa dịu dư luận xã hội về Chuồng Cọp của chính quyền Côn Sơn. Kêu gọi ủy ban đòi quyền sống Phụ Nữ có thái độ với chế độ nhà tù Việt Nam, khẳng định “nhân dân Việt Nam sẵn sàng làm cách mạng cho xã hội, cho quốc gia, đập đầu bọn tham nhũng, cường hào, ác bá phản dân hại nước”; Số 433, ra thứ bảy, ngày 5/9/1970: “Tình thương và lòng nhân đạo của người quốc gia ở đâu? Hãy trả nữ – sinh Mẫn” tố cáo chính quyền Sài Gòn vi phạm nhân quyền, bắt giam người đã xử án treo, làn sóng phẫn nộ của dân chúng đã lên đến cực độ trong vụ nữ sinh Mẫn bị đưa ra Côn Đảo; Số 435, ra thứ ba, ngày 8/9/1970: “Tù nhân mang đính bài HC. Khác nào mang án tử hình treo, vợ chồng cùng bị ở tù…”, kể về hoàn cảnh bi đát của cả người tù và thân nhân của tù nhân Côn Đảo : “Vợ được thả ra thì chồng đã chết trong tù, mẹ già buôn thúng bán bưng nuôi con lúc còn bị giam nhưng phải gởi 6 người cháu nội cho 6 người láng giềng, nhà tù Côn Đảo không chừa một ai, từ đàn ông đến đàn bà, từ người già đến trẻ nhỏ, đến cả người tật nguyền, tuổi vị thành niên, tù khi còn trong bụng mẹ, phải dẹp bỏ chế độ lao tù khắc nghiệt của ác quỷ để thay vào 1 chế độ cải huấn theo đúng tinh thần hiến pháp, trả lại Côn Đảo cho khung trời của một thắng cảnh, mở cuộc trưng cầu dân ý về việc rời, dẹp hay giữ lại nhà tù Côn Sơn”; Số 448, ra thứ tư, ngày 23/9/1970: “Đến bao giờ chánh quyền mới dòm ngó tù nhân đói khát và đau yếu trong hai vấn đề cơm tù và bịnh tật” trước tình trạng nhiều tù nhân Côn Đảo đang mắc các chứng bệnh phong cùi, ho lao, loạn óc vẫn bị tra tấn, khổ sai và không được chữa trị, kêu gọi chính quyền Việt Nam Cộng hòa thực hiện việc cải tổ chế độ lao tù, đưa các tù nhân mắc bệnh về đất liền chữa trị.

Cùng đăng trên báo“Tin Sáng”, các tổ chức như : Ủy Ban Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, Hội Đồng Đại Diện Sinh Viên Học Sinh Miền Nam…cũng có nhiều bài viết đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù như: “UB. Tranh đấu Quyền sống Đồng bào sẽ đáp ứng lời kêu cứu của 108 nữ can phạm …(từ Côn Đảo vừa được đưa về khám Chí Hòa – chống chính sách kinh tế – tài chính, nô dịch” (số ra 404, thứ năm, 6/8/1970), “Ủy Ban Phụ Nữ Đòi Quyền Sống yêu cầu đưa về Sài Gòn các nữ tù nhân còn bị lưu đày ngoài Côn Đảo và đại xá rộng rãi tù nhân, đặc biệt nữ giới nhân dịp mùa Vu Lan”(số ra 409, thứ bảy, ngày 8/8/1970) phổ biến “tuyên cáo số 2” đề ngày 5/8 do bà Ngô Bá Thành, một luật sư đã thay mặt ký tên với nội dung: phản đối việc lưu đày và giam giữ phụ nữ trong lao tù Côn Đảo, đó là việc làm vô nhân đạo, các chính sách thù địch, ngược đãi tù nhân qua sự khủng bố tinh thần, thể xác, xâm phạm tiết hạnh phụ nữ, bóc lột sức lao động, ăn chặn thức ăn, vật dụng, thuốc men, ngăn cấm không cho thân nhân thư từ, thăm nuôi là một nỗi nhục chung cho một chế độ mệnh danh là tự do, dân chủ, giam giữ người tù không có án, trắng án hay mãn án là vi phạm nhân quyền, ra tuyên cáo đòi quyền sống cho tù nhân là bổn phận của mọi người; “Đại diện Ủy Ban Phụ Nữ Đòi Quyền Sống: Sáu bà kéo tới tòa đại sứ Mỹ tố cáo chế độ lao tù” (thứ bảy, ngày 22/8/1970) chuyển bức tâm thư dài 5 trang giấy Roneo của Ủy Ban Phụ Nữ Đòi Quyền Sống đòi ông Agnew chuyển nguyện vọng của họ đến tổng thống Nixon và toàn thể chính phủ Mỹ đòi cải tổ toàn diện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam, cho đời sống người tù Việt Nam khác loài vật. Số 1986 ra thứ năm, ngày 3/9/1970 có bài “Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế kêu gọi đối xử nhân đạo với chánh trị phạm” đưa tin ngày 1/9, ông Marcel Naville – chủ tịch hội Hồng Thập Tự Quốc Tế kêu gọi mở một đại hội ngoại giao quốc tế để nghiên cứu vấn đề tù nhân chính trị, yêu cầu đối xử với tù nhân theo nguyên tắc nhân đạo căn bản. Số 874, ra thứ tư, ngày 9/2/1972 có bài “Liên hiệp các phong trào hòa bình, dân tộc tự quyết yêu cầu trả tự do tất cả những người còn bị giam giữ vì đối lập chánh trị”. Số 880, ra thứ năm, ngày 30/3/1972: “Hội đồng đại diện sinh viên học sinh miền nam kéo đến hạ viện đòi trả tự do cho tất cả sinh viên, học sinh còn bị giam giữ ở khắp nhà tù miền Nam” đưa tin về việc 400 học sinh – sinh viên thuộc hội đồng đại diện sinh viên học sinh đã kéo tới hạ viện trương biểu ngữ đòi trả tự do cho tất cả sinh viên học sinh ở các nhà tù khắp miền Nam và đoàn sinh viên học sinh này đã bị đàn áp bằng lựu đạn cay, 1 số sinh viên bị bắt.

Cũng với nội dung đấu tranh đòi cải huấn, trên báo “Đối Diện” số 855, ra thứ ba ngày 18/1/1972 có bài viết “Đại hội đồng hòa bình liên tôn Việt Nam yêu cầu, nhân dịp tế sắp đến đại xá tất cả chánh trị phạm, ân xá, ân giảm thường phạm, cải thiện chế độ lao tù”. Trước việc thông tin về nhà tù Côn Đảo bị lan truyền ra ngoài đã gây nên làn sóng phẫn nộ của dư luận trong và ngoài nước thì đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn có những động thái gì đối với sự việc này? Khảo sát trên mặt báo, thu thập được một số tài liệu như sau : Trên báo “Tin Sáng” có các bài: số 354, thứ sáu, ngày 5/6/1970: “Chế độ lao tù ở Côn Sơn sẽ được điều trần trước hạ viện” – sau khi bị 4 sinh viên và một số can phạm từ Côn Sơn mới trở về than phiền về cách đối xử với tù nhân của các cai ngục, hoa kỳ hứa sẽ có đề cập đến vấn đề này trước hạ viện trong buổi điều trần sắp tới. Số 390, thứ sáu, ngày 17/7/1970: “Ns.muskie, người có thể ứng cử tổng thống Mỹ năm 1972: hòa bình ở V.N. sẽ xa vời nếu đối lập ở Nam Việt Nam còn đối xử tàn tẹ như điển hình Chuồng Cọp Côn Sơn” – Trong diễn văn đọc tại thượng viện, Ns. Muskie cho rằng nếu chính phủ tổng thống Thiệu tiếp tục đối xử với đối lập chính trị trong nước như thế thì viễn cảnh 1 giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Việt Nam sẽ rất xa xôi vì đàn áp sẽ gây ra bạo động và dư luận. Cũng trong số đó có bài “Vụ Chuồng Cọp Côn Sơn đưa lần ra vấn đề tù binh…bộ quốc phòng Mỹ bắt đầu chánh thức lên tiếng về vấn đề tù binh V.C bị giam giữ ở Côn Sơn” – Sau khi một nhà báo ghi nhận rằng thỏa ước Geneve sẽ làm cho Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về cách đối xử với tù binh thì bộ quốc phòng Mỹ đưa ra tuyên cáo “ có 41 tù binh chính trị bị giam ở Côn Sơn cách đây một tuần lễ (8/7) nhưng không có ai bị nhốt ở Chuồng Cọp” và Hoa Kỳ đang tìm cách để kiểm soát chuyên này. Số 413, thứ năm, ngày 13/8/1970: “Vụ chuồng Cọp Côn Sơn ra trước thượng viện” đưa tin Sáng 12/8 phái đoàn bộ nội vụ giải trình trước ủy ban nội vụ tư pháp chế định thượng viện về “Chuồng Cọp Côn Sơn và chế độ cải huấn, đại tá Nguyễn Phú Sanh (tổng giám đốc nha cải huấn) và Lê Công Chất (thứ trưởng nội vụ) xác nhận toàn quốc có khoảng 35000 người đang bị gian giữ, trong đó hơn một nửa chưa được xét xử (Côn Sơn là 8000 người), khẳng định ở thời này không còn sự tồn tại của chế độ Chuồng Cọp thời Pháp và hứa sẽ thực hiện cải huấn.

Ngoài ba nội dung chủ yếu nêu trên, còn có nội dung khá thú vị về vấn đề trao trả tù binh Côn Đảo trên báo chí Sài Gòn.

Ngày 30/1/1973, trên trang nhất của báo “Chính Luận” có bài “Trong khi chờ bàn thủ tục phóng thích 200 tù binh cộng sản đã được đưa từ Phú Quốc – Côn Đảo về Tân Sơn Nhất, Mỹ bắt đầu công bố danh sách tù binh Mỹ, cộng sản Bắc Việt chỉ thông báo một nửa danh sách dân tù” (số báo 2682, ra thứ ba, ngày 30/1/1973). Bài viết có nội dung khá dài, chiếm khoảng ¼ diện tích trang báo và đưa tin rất chi tiết về số lượng tù binh Mỹ được thả là 134 người có danh sách đi kèm được in ở trang thứ 3 của tờ báo và mô tả khá kỹ về tình trạng của các tù binh này như: “…họ khá vui mừng khi nhìn thấy cờ Mỹ trên nóc trực thăng, có hai người bị thương ở chân và một số người bị bệnh, còn lại hầu như tất cả đều khỏe mạnh, mặc dù giây phút tự do đã cận kề nhưng tất cả đều tỏ ra rất rụt rè khi tiếp xúc với báo chí…”, ở cuối bài viết có đưa một đoạn ngắn nói về việc phóng thích tù nhân bên phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa:  “…tại Sài Gòn một chiếc vận tải cơ C130 của Việt Nam Cộng Hòa do phi công Mỹ lái đã chở khoảng 200 tù CS từ Phú Quốc và Côn Đảo về đến phi trường Tân Sơn Nhất hồi trưa chúa nhật, các tù binh này ngồi chồm hổm trên sân bay, tất cả mặc đồng phục màu xanh ô liu, nguồn tin chính phủ cho biết họ được giữ lại bên trong khu vực chánh phủ ở phi trường cho đến khi nào ban liên hợp quân sự đã thỏa thuận kế hoạch trao đổi tù binh”. Cùng ngày, trên báo “Trắng Đen” do Việt – Định – Phương làm chủ bút kiêm chủ biên cũng đưa tin về vấn đề này với bài viết “theo dõi các phiên họp bốn phe quân sự: ban liên hợp tiếp tục bàn về vấn đề tù binh – thủ tục trong khi VNCH đã đưa gần 200 CS về Tân Sơn Nhất”. Cũng như trên tờ “Chính Luận” bài này được viết khá dài và để ở ngay vị trí giữ trang nhất, tin về các tù binh cộng sản rất ít, chỉ chiếm vài dòng, trong khi đưa tin rất kỹ về tình trạng và tên tuổi, chức vụ những tù binh Mỹ được thả, có danh sách cụ thể kèm theo ở trên cùng góc trái của trang 3, tuy nhiên số lượng tù binh Mỹ được thả mà bài này đưa ra là 140 người lại không trùng khớp với báo “Chính Luận”. Ngày 11/2/1973, báo “Điện Tín” (số 397, ra chủ nhật, ngày 11/2/1973) đưa tin “VNCH nói sẽ thả hàng ngàn tù binh trong ba ngày 13 – 14 – 1 5 và phía M.T.G.P sẽ thả số tương xứng” – theo phát ngôn viên quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nếu trong ngày 12/2 tới đây việc trao đổi tù binh kể trên được thực hiện xong, phía Việt Nam Cộng Hòa sẽ trả thêm hàng nghìn tù binh khác trong ba ngày từ 13 đến 15/2. Trong số các tù binh được thả có một số tù binh ở Biên Hòa, Thủ Đức, Côn Đảo nhưng không nói rõ số lượng. Cũng trên báo này, bài viết “Vì trục trặc nên nội ngày qua chỉ có 140 tù binh VNCH và 150 tù binh MTGP được thả, hôm nay VNCH dự định trả bù 1160 tù MTGP ở Lộc Ninh trong đó có 600 vừa từ Côn Đảo về” (số 612, thứ tư, ngày 14/8/1973). Ngày 15/2/1973 trên trang nhất của báo “chính luận” lại xuất hiện bài viết “dù một số chi tiết vẫn còn trong vòng bàn thảo” việc trao đổi tù binh tiến hành tiếp tục, đã có 33 sĩ quan VNCH được CS trao trả” (số 2688, thứ năm, ngày 15/2/1973) đưa tin “…công tác trao đổi tù binh tiếp tục lặng lẽ tiến hành trong ngày thứ ba (13/2) tai sân bay Lộc Ninh đầy rẫy miểng đạn, tính đến 18 giờ chiều, chính phủ VNCH đã phóng thích 450 tù binh để đổi lấy 571 tù binh VNCH, như vậy trong hai ngày 12 và 13/2 600 tù binh CS đã được thả để đổi lấy 711 tù binh VNCH, thứ tư, 14/2 và thứ năm, 15/2 hoàn tất công tác thả 735 tù binh cộng sản trước đây và phóng thích thêm 1000 nữ tù binh cộng sản tại Côn Đảo…”. Cùng ngày, trên báo “Trắng Đen” cũng xuất hiện thông tin của cuộc phóng thích này, nhưng sự không trùng khớp về số lượng tù binh được phóng thích được thể hiện ngay trên tựa đề của bài báo “750 tù binh cộng sản ở Côn Đảo, Biên Hòa được chở tới Lộc Ninh: hy vọng sẽ nhận tù binh VNCH ở Pleiku” (số 1697, thứ năm, ngày 15/2/1973).

Như đã nói, vấn đề tù nhân ở Côn Đảo không chỉ là các chính trị phạm mà còn là các thường phạm, điều này thể hiện rõ sự phong phú, đa dạng của báo chí Sài Gòn: trên báo “Tiếng Chuông” các số ra 5121(thứ sáu, ngày 20/4/1956), 5124 (thứ hai, ngày 23/4/1956) và 5127 (thứ sáu, 27/4/1956) đã có đăng ba bài viết của tác giả Hoa Quang Phượng lần lượt là: “Phải nhắc đến cò Nguyễn – Thành – Út trong những ngày Côn Đảo độc lập”, “Sơn Vương và đồng bọn trở lại kiếp tội tù vì quân đội thực dân Pháp tái chiếm Côn Đảo”, “Một âm mưu đảo chánh tại Côn Đảo” có nội dung nói về tình hình Côn Đảo trong những ngày mới độc lập rất hỗn loạn, mất an ninh, từ cơ quan cầm quyền cho đến thường dân đều không biết chính trị là gì? Giác ngộ ra sao? thế nào là độc lập, tự do, chịu ảnh hưởng lối tổ chức của Việt Minh Cộng Sản. Nguyễn Thành Út là 1 trong những tay đại bịp bợm, lợi dụng thời thế chuộc lợi, bị đi tù ngày 13/10/1939 ở Côn Nôn, sau ngày độc lập nhờ mưu mẹo nên đắc cử thành cảnh sát trưởng ở Côn Đảo, 18/4/1946 quân đội Pháp tái chiếm quần đảo Côn Sơn, lập lại tổ chức đề lao dưới quyền cai quản của Guibest và Toustou cùng 1 số giám thủ người Pháp, người Việt. Từ đó, những tù nhân Côn Đảo được giải phóng trước đó bị bắt trở lại. Ngày 14/7/1946, một số tù nhân Côn Đảo (cầm đầu là Lương Viết Thăng, Tư Oanh, Đinh Văn Sở…) âm mưu thực hiện đảo chính nhưng bất thành, bị tra tấn dã man. Hoặc,“Tin Sáng” (ra thứ ba, ngày 25/1/1971) cũng có bài “Kép lính Hùng Cường bị nhốt Chuồng Cọp” đưa tin về Kép Hùng Cường bị bắt giam vì tội hăm dọa và hành hung các ký giả tại nhà giam Thủ Đức, sau đó bị đưa ra Côn Đảo vì tội vô kỷ luật…

3. Một số nhận xét :

Sau khi khảo sát một số báo chí Sài Gòn trước 1975, nhận thấy Côn Đảo xuất hiện không chỉ là vấn đề nhà tù, mà còn là dư địa chí, tiềm năng kinh tế – xã hội, tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, y tế… tuy nhiên nhiều nhất vẫn là nội dung chính trị.

Côn Đảo đã hiện ra trên báo chí Sài Gòn trước 1975 như chính các vấn đề chính trị của  Sài Gòn đó là: ở giai đoạn đầu những người cầm quyền và chủ trương về địa hạt chính trị – tư tưởng ngoài yếu tố chống cộng, chia cắt đất nước còn kỳ vọng vào sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ, những kết quả ban đầu của việc xây dựng bộ máy quản lý xã hội, những tuyên truyền về tính hợp pháp của nội các, những ảo tưởng của cái gọi là “Việt Nam Cộng Hòa” thì ở giai đoạn sau hầu như tan biến bởi chính những thông tin cập nhật một cách chi tiết, cụ thể, đầy tính thông tấn và nhân văn về sự thật từ Côn Đảo lại là câu trả lời đầy đủ, có tính thuyết phục để mọi người thấy rõ về bản chất Côn Đảo vẫn là “địa ngục trần gian”.

Từ những năm 50, chính quyền dùng báo chí để nói về Côn Đảo với những điều tốt đẹp, mà mục đích quan trọng nhất là để đả kích chế độ nhà tù thời thực dân Pháp, tô vẽ cho chủ trương của chế độ thực dân mới Mỹ. Có thể nói chính quyền Sài Gòn đã rất khôn ngoan khi lựa chọn báo chí làm công cụ tuyên truyền cho chế độ của mình bởi đặc tính “công chúng” của báo chí, các thông tin khi đã được đăng trên mặt báo sẽ có sức lan truyền rất nhanh chóng và rộng rãi. Có những bài viết mặc dù khi đọc vào chỉ thấy đơn thuần là mô tả về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, cơ sở hạ tầng,…nhưng bên cạnh những bài thật sự là sản phẩm nghiên cứu về Côn Đảo thì cũng có những bài hàm chứa trong đó là cả một âm mưu chính trị to lớn, khảo sát về Côn Đảo nhưng không nhằm mục đích giúp cho dân chúng nắm bắt đúng những thông tin về Côn Đảo mà để dân chúng nhìn về Côn Đảo là một nơi yên bình, không có đọa đày đau khổ như một số nhận thức trước đó. Và đó là cách để ru ngủ dân chúng, để xoa dịu làn sóng căm phẫn của những người tiến bộ biết lên án cái ác, cái dã man, tàn bạo và phi nhân tính, để che đậy một sự thật khủng khiếp đằng sau khung cảnh tưởng chừng như yên bình ấy. Tuy nhiên, đến những năm 70 thì điều này đã trở nên vô nghĩa, thậm chí là phản tác dụng bởi như những trình bày ở phần trên, chúng ta đã thấy rõ về bản chất của chế độ nhà tù cũng như những nhìn nhận của xã hội về hiện tượng này. Mặc dù bị kiểm soát và kìm kẹp gắt gao như vậy nhưng vẫn có những tờ báo tiến bộ, can đảm, biết tôn trọng sự thật, tỏ ra khá khách quan khi đưa tin về các sự kiện như tờ “Tin Sáng”, “Đối Diện”, “Tiếng Chuông”, “Đại Từ Bi”… trong đó nhiều nhất là tờ “Tin Sáng” đã cho đăng những bài viết đi trái với lợi ích của nhà cầm quyền để nói lên sự thật về Côn Đảo. Mặc dù ít thể hiện chủ ý, chỉ đơn thuần là đưa thông tin về sự kiện nhưng chính các thông tin đó đã có tác dụng lớn trong việc vạch trần những luận điệu lừa bịp, che đậy của chính quyền Sài Gòn về sự tồn tại của một chế độ nhà tù khắc nghiệt và phi nhân.

Bên cạnh đó cũng có nhiều tổ chức và thậm chí là các cá nhân đã bất chấp sự trừng trị của chính quyền để lên tiếng tố giác cái ác, đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho người tù. Số lượng bài được viết trong hai năm 1956 và 1970 là nhiều hơn cả, lý giải là : năm 1956, sau khi đế quốc Mỹ vào thay thế thực dân Pháp trên chiến trường Đông Dương đã tuyên truyền rằng: “nhà tù Côn Sơn tàn bạo dưới thời thực dân Pháp cai trị đã không còn nữa mà thay vào là một chế độ nhà tù có đầy đủ các chính sách khoan hồng và nhân đạo. Côn Đảo từ nay chỉ là vùng đất yên bình với tên gọi mới là “tỉnh Côn Sơn”. Báo chí lúc đó là một công cụ cho chính quyền Sài Gòn trong việc che đậy những bí mật khủng khiếp của sự ra đời hàng loạt các Chuồng Cọp mới. Đến năm 1970, khi những sự thật về “Chuồng Cọp Côn Sơn” bị phát giác và phanh phui bởi chính các vị dân biểu trong phái đoàn Mỹ sang điều tra về sự thật nhà tù Côn Đảo thì Côn Đảo lại trở thành một đề tài nóng hổi cho báo chí. Trên các báo bắt đầu xuất hiện hàng loạt các thông tin đa chiều về Côn Đảo, có thể phân loại tạm thời các bài báo như sau : thứ nhất, những bài viết tố cáo, vạch trần tội ác của chế độ nhà tù; Thứ hai, từ việc sự thật về “Chuồng Cọp” bị phanh phui đã tạo nên một làn sóng căm phẫn của dư luận trong và ngoài nước, xuất hiện những bài viết nhằm mục đích đấu tranh, đòi thực hiện chính sách cải huấn, xóa bỏ chính sách nhà tù phi nhân của thân nhân những người tù Côn Đảo, những cá nhân, tổ chức tiến bộ; Thứ ba, trước làn sóng dư luận bất lợi cho mình như vậy, chính quyền Sài Gòn đã dùng chính vũ khí báo chí để tấn công lại đối phương, vì thế hàng loạt những bài báo nói về tính nhân đạo của nhà tù, nói về các chính sách cải huấn của chính quyền lại xuất hiện trên mặt báo. Có thể coi đây là một cuộc bút chiến khá ác liệt của báo chí đối lập nhằm bảo vệ lợi ích của mình.

Qua nội dung nói về phong trào đấu tranh của nhà tù, báo chí Sài Gòn đã thể hiện những điều tiến bộ nhất có thể trong điều kiện chính trị lúc đó bởi vì bất cứ một người Việt Nam yêu nước nào cũng khó có thể làm ngơ trước những hiện thực ghê rợn của những thông tin về nhà tù Côn Đảo. Báo chí với vai trò và chức năng của mình mặc dù còn hạn chế vẫn truyền tải thông tin cần thiết giúp cho người đọc nhận thức đầy đủ hơn về Côn Đảo.

Có lẽ vì những lý do chính trị nào đó mà có những bài báo bày tỏ thái độ chính trị rõ ràng, thậm chí lên án mạnh mẽ chế độ nhà tù nhưng lại viết tắt hoặc không để tên tác giả, đây cũng là điều cần ghi nhận về đời sống báo chí Sài Gòn thời kỳ này.

Từ kết quả khảo sát báo chí Sài Gòn trước 1975 về vấn đề Côn Đảo đã cho thấy tính phức tạp không đơn nhất của một nền báo chí dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cũng như nhiều vấn đề chính trị xã hội khác khi được phản ánh trên báo chí nó đều chứa đựng những yếu tố ý thức hệ, tư tưởng, văn hóa, Côn Đảo được thể hiện sinh động, đa dạng, đôi khi mâu thuẫn và đầy tính hai mặt mà bất cứ một cách nhìn phiến diện, đơn nhất nào cũng khó đi tới sự thỏa đáng. Đây là điều cực kỳ quan trọng mà chỉ có tư duy sử học mới  giúp cho chúng ta giải quyết được vấn đề một cách tương đối trọn vẹn. Mặt khác, các kết quả khảo sát bước đầu đã góp một nguồn sử liệu cho việc nghiên cứu Côn Đảo nói chung trên các lĩnh vực khác nhau ./.

DƯƠNG KIỀU LINH – CN. BẾ THỊ THẮM

Trường ĐH KHXH-NV ĐHQG TP HCM

 _______________

Các tờ báo, tạp chí Sài gòn viết về Côn Đảo những năm 50 đến trước 1975: Thần Chung (Nguyễn Kỳ Nam), Chính Luận (chủ bút: Đặng Văn Sung), Đối Diện (Chân Tín), Dân Nguyện (Cao Minh Chiếm), Tiếng Chuông (Đinh Văn Khai), Tin Sáng (Ngô Công Đức – có nhiều bài nhất), Mới (Phương Khanh), Đời Mới (Nguyễn Trung Bình), Tự Quyết (Trần Tử Huyền), Đại Từ Bi (Thích Tâm Giác).

[1]Xin lưu ý: nguyên văn cách gọi về địa danh này của báo chí Sài Gòn, thực ra nên làm rõ tên Côn Đảo, Côn Sơn, Côn Lôn, Côn Nôn

[2] Không tìm thấy tên  tác giả bài báo (DKL VÀ BTT)

[3] không tìm thấy tác giả (DKL VÀ BTT) .

[4] không tìm thấy tác giả (DKL, BTT).

[5] không tìm thấy tác giả (DKL, BTT)


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu