Chùa Phước Sơn

(23/02/2010)

Theo quốc lộ 56 đến cột mốc km 34 rẽ trái theo hương lộ vào khoảng 500 mét là đến chùa Phước Sơn. Chùa Phước Sơn cách trung tâm thị trấn Phước Long Thọ, khoảng 2000 mét theo hướng Đông Bắc.

Ấp Phước Sơn, thị trấn Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ trước đây là nơi quần tụ của người dân tứ phương về đây sinh cơ lập nghiệp, họ hợp sức lực cùng nhau khai sơn, phá thạch xây dựng xóm làng và tạo lập nên đình, chùa làm  nơi cầu cầu an, cho quốc thái dân an, mong muốn cuộc sống gặp điều may mắn, no đủ.

Theo quốc lộ 56 đến cột mốc km 34 rẽ trái theo hương lộ vào khoảng 500 mét là đến chùa Phước Sơn. Chùa Phước Sơn cách trung tâm thị trấn Phước Long Thọ, khoảng 2000 mét theo hướng Đông Bắc. Chùa do ông Phạm Ý khai sơn vào năm 1914 tại chân núi Đất, ông Phạm Ý mất truyền thừa lại cho con Phạm Văn Cứng, ông Cứng mất truyền thừa lại cho con là Phạm Văn Mây rồi ông Mây hiền cúng  lại cho ấp Phước Sơn và được dân làng trong ấp cắt cử thay phiên nhau trông nom, lo nhang khói vào các ngày  rằm, mồng một tại chùa.

         Trong những năm kháng chiến chống Mỹ chùa là cơ sở cách mạng nên địch tăng cường kiểm soát đánh phá, vì vậy  một số thầy tu về ở tại chùa nhưng thời gian không được bao lâu, thầy thì ở một tháng, thầy thì hai, ba tháng lại phải bỏ chùa ra đi nơi khác cho đến sau ngày giải phóng. Năm 1977 dân làng mời thỉnh thượng tọa Thích Thiện Lạc, thế danh là Lê Hồng Lạc, sinh năm 1926 quê xã Phước Thạnh, huyện Đất Đỏ về trụ trì, đến năm 2001 thầy viên tịch.

         Đầu năm 2002 đại đức Nguyên Trí, thế danh Trần Thanh Sơn, quê Đất Đỏ được dân làng thỉnh về trụ trì.

         Từ khi tạo lập cho đến nay, chùa Phước Sơn có sửa chữa nhỏ nhiều lần và được trùng tu lớn một lần vào năm 2000.

         Chùa Phước Sơn trước đây được xây dựng bằng vật liệu gỗ, kiến trúc theo kiểu chữ tam (≡ ) mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu. Trong chiến tranh chùa  bị tàn phá nhiều, nên cũng sửa chữa nhiều lần. Sau này các cột trụ làm bằng vật liệu gỗ dần dần được thay thế bằng cột trụ gạch, xi măng, phần mái lợp thay bằng ngói móc.

         Chùa có diện tích đất 5000m2 trong đó diện tích xây dựng 256m2. Trong chùa hiện nay còn lưu giữ nhiều bộ hoành phi, câu đối có giá trị lịch sử- văn hóa và nghệ thuật kiến trúc đặc sắc.

         Đối tượng thờ cúng chính tại chùa Phước Sơn : Bổn Sư Thích Ca, Sư Tổ Đạt Ma…ngoài ra còn thờ phụ thêm các pho tượng : Quan Âm, Hộ Pháp, Ông Tiêu, Chuẩn Đề, Giám Trai.

         Tiền giảng đường là nơi thuyết pháp và làm chay đằng cúng thí, gian chính giữa thờ  Long Thần  hộ pháp, kiến trúc bài trí nội thất bên trong đều làm bằng vật liệu gỗ quí.

         Phần chánh điện có  hoành phi, câu đối chạm trổ công phu, được sơn son thiếp vàng. Gian giữa chánh điện thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Quan Âm Thế Chí. Các tượng đều cao lớn, cân đối, đường nét thẩm mỹ sinh động.

         Phía sau chánh điện là bàn thờ tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, Quan Âm Chuẩn Đề, hai bên là hậu tổ và già lam.

         Hậu giảng đường (nhà ông Giám) dùng làm nơi ăn chay cho các nhà sư, gian chính giữa thờ ông Giám, hai gian bên thờ những vị sư, tín đồ trong đạo đã thị tịch.

         Chùa Phước Sơn tổ chức lễ cúng vào các ngày

15/1 âm lịch Thượng nguyên

15/7 Trung nguyên

15/10 Hạ nguyên

         Lễ Vu Lan được tổ chức vào ngày 29, 30/7.

         Lễ Phật Đản ngày giờ phụ thuộc vào giáo hội bố trí chùa không tổ chức cúng vía tổ khai sơn.

         Ngoài lịch lễ cúng trên Chùa còn tổ chức cúng tết Đoan Ngọ 5/5 (ÂL).

         Chùa Phước Sơn cúng lễ theo nghi thức dòng Lâm tế, hệ phái Thiền Tông theo nghi thức cổ truyền và do ban trị sự tổ chức điều hành, thực hành các nghi lễ.

         So với những ngôi chùa làng khác trong địa phương huyện Đất Đỏ, chùa Phước Sơn trong kháng chiến chống Mỹ là cơ sở của cách mạng, nuôi dấu cán bộ hoạt động bí mật và cung cấp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến. Nơi tập kết của lực lượng vũ trang cách mạng chặn đánh những trận càn quét  của địch, góp phần  thắng lợi chung của kháng chiến.

         Xuất phát từ nguồn gốc ban đầu ngôi chùa được tạo lập, hình thành là do cư sĩ Phạm Ý truyền thừa lại cho đời con, đến đời cháu hiền cúng lại cho trông coi, hương khói. Từ ngày tạo dựng đến nay việc tổ chức các ngày lễ cúng và thực hành các lễ  thức lễ cúng theo nghi thức cổ truyền của dòng Lâm Tế  hệ phái  Thiền Tông, giải quyết được vấn đề về văn hóa tâm linh cho bà con địa phương. Mặt khác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ chùa là cơ sở cách mạng nuôi dấu cán bộ, cung cấp tiền của cho cách mạng. Dân làng  kiến nghị các ngành, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm tạo điều kiện cho ban trị sự chùa trùng tu, tôn tạo gia cố thêm độ bền vững, tuổi thọ của kiến trúc, chỉnh trang, bài trí lại hệ thống thờ tự cũng như hệ thống hoành phi câu đối trong chùa.

                                        BTT


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu