Các Hình Thức Đấu Tranh Của Tù Nhân Tại Nhà Tù Côn Đảo 1862 – 1975

(06/08/2020)

1. Thời kỳ trước năm 1930 Những cuộc đấu tranh của tù nhân nổ ra ở thời kỳ này đều là tự phát và đấu tranh vũ trang thuần túy có những ưu điểm và những hạn chế rõ ràng của nó.


Sau cuộc chống thuế ở Trung Kỳ, lớp tù nhân mới, những vị văn thân, nhà Nho yêu nước hoạt động trong các phong trào: Đông Du (1905 – 1908), Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), phong trào Duy Tân và kháng thuế ở Trung Kỳ (1907 – 1908) bị Pháp đày ra Côn Đảo. Các nhà Nho yêu nước chịu ảnh hưởng tư tưởng cải lương tư sản, nên không chủ trương bạo động mà chuyển sang hình thức đấu tranh trên các mặt văn hóa, chính trị, đòi cải thiện đời sống theo khuynh hướng cải lương biểu hiện trong một nền thi ca mới, thi ca trong ngục tù Côn Lôn tiêu biểu là bài thơ Đập Đá của chí sĩ Phan Chu Trinh cùng tập thơ “Thi tù tùng thoại” của minh viên Huỳnh Thúc Kháng và các bài thơ của Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế…

2. Thời kỳ 1930 – 1954
Đầu năm 1932, Chi bộ Đảng Cộng Sản ở Côn Đảo được thành lập tại khám Chỉ tồn, Banh I do đồng chí Nguyễn Hới làm bí thư.
Cùng với việc chỉ đạo các phong trào đấu tranh của tù nhân chống ách thống trị hà khắc, vô nhân đạo của thực dân Pháp, đòi cải thiện đời sống, sinh hoạt… chi bộ nhà tù Côn Đảo còn tuyên truyền giác ngộ những tù nhân thường phạm, đưa họ vào hàng ngũ đấu tranh chung có tổ chức, kỷ luật. Cảm hóa nhiều tù hình sự hung hãn, lưu manh thành những người tốt.
Tổ chức tranh luận, đấu tranh với những tư tưởng tư sản lỗi thời, đường lối cách mạng không triệt để và tính chất manh động của Quốc dân Đảng. Tranh thủ những người yêu nước chân chính trong hàng ngũ Quốc Dân Đảng và giác ngộ họ thành những người Cộng Sản: Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Phương Thảo, Tô Chấn, Tô Hiệu, Trần Huy Liệu…cô lập nhóm Quốc dân Đảng cực đoan: Đội Sơn, Nhượng Tống, Tâm Cụt…
Chi bộ còn chủ trương biến nhà tù Đế quốc thành trường học chủ nghĩa Công sản để đấu tranh cách mạng. Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ đã chép lại bản luận cương chính trị (10/1930) của Đảng ta để huấn luyện cho anh em. Ban lãnh đạo còn tổ chức lược dịch nhiều tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Lê Nin, kinh tế chính trị học…cho các lớp học chính trị. Các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng…tổ chức sáng tác kịch, thơ, viết văn…

3. Thời kỳ 1954 – 1975
Trung tâm các cuộc đấu tranh của tù nhân tại nhà tù Côn Đảo dưới ách thống trị của Mỹ – Ngụy trong thời gian này là ở lao 1: lao của những người chống ly khai, một lòng một dạ tin tưởng ở Bác Hồ và Đảng Cộng sản quang vinh.
Từ 1957 đến 1963, anh em tù nhân lao 1 đã nêu cao tấm gương sáng ngời đấu tranh để bảo vệ khí tiết của người công sản, thà chết chứ nhất định không đầu hàng, không ly khai Đảng cộng sản và Bác Hồ kính yêu, đã làm phá sản cái gọi là “chính sách cải huấn” của địch. Tinh thần đấu tranh của lao 1 đã làm cho bọn địch kiêng dè, kính nể gây ảnh hưởng tốt cho tù nhân trên đảo. Chính trong thời gian này đã nổi lên những tấm gương sáng ngời về tinh thần bất khuất của những người cộng sản và những người yêu nước: Trần Trung Tín, Lưu Chí Hiếu, Nguyễn Đức Thuận, ông già Cao Văn Ngọc… Đặc biệt là tinh thần đấu tranh của chị em phụ nữ tù nhân đã làm cho kẻ địch kiêng nể, chúng phải thú nhận “ Các chị là những người đáng cho đời kính phục”.
Thời kỳ 1957 – 1960: trong số gần 1.500 anh chị em tù nhân chống ly khai ở lao 1 có 41 chị em phụ nữ bị chúng dồn xuống khu hầm đá nhốt 7 người một phòng bắt ăn đói, nhịn khát. Vì quá nóng, chị em phải ở trần truồng, người nào cũng đầy ghẻ nhọt trên mình, trên mặt. Suốt ba tháng liền chúng không cho tắm giặt, chị em phải lầy tóc và xé quần áo làm công việc vệ sinh.

Từ 1954 – 1975 : anh chị em tù nhân đã đấu tranh để bảo vệ khí tiết của người cách mạng, chống sự phân hóa hàng ngũ tù nhân của kẻ địch; Chống suy tôn Ngô Đình Diệm, chống nghe phát thanh và chống học tập tố cộng của địch, chống chào cờ và chào sĩ quan ngụy…
Đấu tranh bằng các hình thức chính: hò la, tuyệt thực, viết kiến nghị, yêu sách…để đòi giảm mức khổ sai, bãi bỏ đánh đập, ngược đãi tù nhân, đòi cải thiện đời sống, sinh hoạt, đòi được chữa bệnh khi ốm đau, được nhận thư từ sách báo… Mỗi cuộc đấu tranh của tù nhân đều bị địch đàn áp dã man, có cuộc đấu tranh hàng chục người đã bị địch đánh chết, hàng trăm người khác bị thương nặng, bị nhốt hầm đá, chuồng cọp…
Anh chị em tù còn tổ chức sinh hoạt chính trị, biểu diễn văn nghệ, ra báo tường và các tập san xây dựng, sáng tác kịch, thơ văn…
Các ngày lễ lớn của ta: Quốc tế Lao động 1/5, ngày thành lập Đảng 3/2, ngày sinh Bác Hồ 19/5, ngày quốc khánh 2/9…đều được tổ chức kỷ niệm dưới nhiều hình thức khác nhau trong nhà tù. Các ngày lễ lớn của địch bị anh em tẩy chay.
Hơn ở đâu hết, trong ngục tù Côn Đảo tình yêu thương giữa những người đã sản sinh ra những gương hy sinh quên mình vì đồng chí, đồng đội thật đáng cảm động, khâm phục và cũng thật cao đẹp biết bao, những tấm gương nhường cơm xẻ áo cho nhau, lấy thân mình che đỡ đòn roi cho người khác, chăm sóc động viên nhau khi ốm đau. Có những đồng chí do bị địch đánh dập phổi máu mủ che lấp làm cho nghẹt thở, anh em tù nhân đã thay nhau ghé miệng vào hút ra. Anh em trong tù còn nhường nhịn nhau từng cọng rau, từng vắt cơm nhỏ, từng ngụm nước uống, từng viên thuốc quý giá dành dụm được. Cũng không ở đâu lý tưởng cách mạng lại trong sáng, được tôi luyện bền vững như tại nhà tù Côn Đảo .
Mặc dù sự bố phòng của kẻ địch dày đặc cùng với những biện pháp bảo vệ cẩn mật của chúng, anh em tù chính trị vẫn thường xuyên tổ chức những cuộc vượt ngục về đất liền tiếp tục hoạt động. Mặc cho bọn địch giở trăm mưu ngàn kế, từ dụ dỗ mua chuộc, tới đàn áp, đánh giết dã man nhưng kẻ thù càng thâm hiểm, độc ác bao nhiêu, càng hun đúc thêm tinh thần đấu tranh bất khuất của tù nhân bấy nhiêu. Thà chết chứ nhất định không chịu sống nô lệ, anh chị em tù chính trị đã liên tiếp vùng lên đấu tranh, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cách mạng nước ta và tô đậm thêm chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Các đồng chí đã trải qua ngục tù Côn Đảo thực sự là những tấm gương cao đẹp về lý tưởng Cộng sản và đạo đức cách mạng để chúng ta và ngàn đời con cháu mai sau học tập.

4. Chớp thời cơ nổi dậy giành chính quyền 1/5/1975
Tháng 3 và tháng 4 năm 1975, quân và dân miền Nam đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy, lần lượt giành toàn bộ chính quyền về tay cách mạng ở khắp các tỉnh từ Trị Thiên tới Cà Mau. Bộ máy ngụy quân, ngụy quyền tan rã. Chính quyền ngụy Sài Gòn sụp đổ. 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Cùng trong thàng ngày đó Đảng ủy Côn Đảo chăm chú theo dõi diễn biến của cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong đất liền để thông báo cho các đồng chí trong tù biết, chuẩn bị chớp thời cơ nổi dậy tự giải phóng, cảnh giác trước âm mưu tàn sát tù nhân của địch.
Những ngày cuối 4/1975, bọn địch trên đảo hoang mang rối loạn, tên chúa đảo Lâm Hữu Phương bỏ trốn, trao quyền lại cho tên ác ôn Chín Khương. Bọn ác ôn đầu sỏ trên đảo quyết định thủ tiêu một số tù chính trị ở trại 7 bằng cách đáp lựu đạn vào các phòng giam. Chiều 30/4/1975, khi biết bị thất thủ quân địch rối loạn, bọn ác ôn bỏ chạy, bộ máy cai trị tù của quân ngụy hoàn toàn tan rã, trên đảo diễn ra khung cảnh hỗn loạn cướp bóc, hãm hiếp khủng khiếp. Khoảng 1giờ sáng 1/5/1975, Đảo ủy phát hiệu lệnh nổi dậy đồng loạt, các trại giam trên toàn đảo đã lần lượt nổi dậy lật đổ chế độ lao tù, tước vũ khí của binh lính, chiếm các công sở và Dinh Tỉnh trưởng . Côn Đảo được hoàn toàn giải phóng. 18 giờ ngày 1/5/1975, tại chiến khu Bến Đầm chính quyền cách mạng lâm thời ở Côn Đảo được thành lập.
Sáng 4/5/1975, lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam tới tiếp quản quân đảo đã phối hợp với các chiến sĩ cách mạng trên đảo thành lập Uỷ ban quân quản ra mắt nhân dân, và tổ chức đưa đón các đồng chí tù nhân những chiến sĩ quyết thắng trở về đất liền.
Kể từ đây lịch sử Côn Đảo sang trang mới. Từ đau thương uất hận hàng trăm năm, Côn Đảo cùng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và cả nước xây dựng cuộc sống mới, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

PHẠM QUANG MINH


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu