Biệt Danh “Kép Độc” Tại Nhà Tù Côn Đảo

(06/08/2020)

Là “biệt danh” tặng cho chị Dương Thị Vinh – cựu nữ tù nhân chính trị Côn Đảo. Vốn say mê ca hát, thích xem tuồng cổ từ thưở nhỏ, tham gia cách mạng, rồi bị địch bắt với 14 năm tù (3 lần đày ở Côn Đảo) đã giúp chị có sức sống mãnh liệt, đem lại niềm vui tiếng cười cho những người bạn tù ở nơi “địa ngục trần gian”.

Văn nghệ là món ăn tinh thần cho những tù nhân yêu nước. Trong thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước của thanh niên xung phong có phong trào “tiếng hát át tiếng bom” thì tại nhà tù Mỹ – Ngụy anh chị em lấy “tiếng hát át tiếng gông xiềng”. Văn nghệ trong nhà tù đã tạo nên niềm vui, lẽ sống, củng cố, động viên tinh thần chiến đấu, giữ vững niềm tin, gắn bó tình đoàn kết đấu tranh vượt qua gian nan thử thách, chống kẻ thù thâm độc bạo tàn, bảo vệ khí tiết cách mạng.

Mặc dù bọn địch ở các nhà lao ngăn cấm tù nhân hát những bài ca cách mạng nhưng chúng không thể thực hiện được ý đồ ấy, nhất là tại các phòng cấm cố biệt giam, tiếng hát vẫn vang lên như muốn thách thức kẻ thù.
Văn nghệ trong nhà tù rất phong phú với đủ loại hình : thơ, ca, hò, vè, tuồng, kịch, múa, chèo….Ngoài những tác phẩm cũ được các thế hệ tù nhân truyền lại, biên soạn, còn có những sáng tác mới ra đời từ cuộc sống và đấu tranh của các tù chính trị.

Những bạn bè tù có tài sáng tác : gồm các chị Chín Xà, Ba Thanh (Ba Tốt), Bửu Liên : sáng tác và đạo diễn vở kịch: “Ních Xơn đau đầu”, “Ông Táo”…là tác giả một số bài thơ và riêng chi Bửu Liên còn là một tay trống múa lân cừ khôi.

Các nghệ sỹ đa năng : Tuyết (lai), Lan (đỗ), Lưu Quế, Vân Miều…là những soạn giả kiêm đạo diễn, đồng thời là những diễn viên trẻ, thông minh, nhiệt tình, sáng tạo trong các điệu múa “Chim én” , “Trước ngày hội bắn”.. các vở kịch tuồng : Trần Bình Trọng, Hai Bà Trưng, nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu…Út Nhựt : chuyên viết lời ca, phụ hoạ cho múa “Lửa hận rừng dừa”, “Hồng mai nở”, thuyết minh cho “Lá thư miền Nam”.

Những cô đào chàng kép trên sàn diễn : Nữ tù nhân Dương Thị Vinh trong vai Thoát Hoan vở “Trần Bình Trọng” đến vai Tô Định trong “Hai Bà Trưng”. Một lần diễn vai Tô Định bị quân tướng của Hai Bà Trưng đánh cho không còn manh giáp, lính quýnh chạy dài, vừa vào trong ngoái lại thấy chiếc giày nằm giữa sân khấu, Tô Định vội quay lại ngay, vừa lượm chiếc giày vừa giơ lên, vừa la : “Mấy người đàn bà này dữ quá, đánh ta rớt cả dép giày, lượm giày rồi mau kịp chạy ngay, nếu chậm trễ ắt là toi mạng a..” (đoạn này do sáng kiến của Tô Định khi thấy chiếc giày bị rớt, chứ thật ra trong kịch bản không có sự cố này) khán giả cười ồ “Đáng kiếp!”, và chị có biệt danh “ Vinh kép độc” từ vai diễn độc đáo đó.

Lệ : vai Trần Bình Trọng hiên ngang khí tiết trước quân thù và một Lê Lai tận trung cứu Chúa.

Phi vân (ốm) : trong vai Trưng Nhị, oai phong lẫm liệt trong điều binh khiển tướng, hùng hồn vang lệnh tiến công, phất cờ khởi nghĩa, và trong vai lính dễ gây cuời cho khán giả.

Thương : vai anh Hội trong vở tuồng Võ Thị Sáu, rất chững chạc của một cán bộ cách mạng với tình đồng chí thiêng liêng sâu lắng, trong giờ phút làm lễ kết nạp Đảng cho chị Sáu trước khi ra pháp trường thật xúc động, cũng là võ tướng trẻ, si tình trong vai Lữ Bố – Điêu Thuyền.

Trá : vai cha Võ Thị Sáu, người nông dân yêu nước, thương con một lòng theo cách mạng và cũng rất sắc sảo trong vai Mười Chức một nông dân cần cù luôn bị bọn cường hào áp bức, quyết tử chống lại bạo quyền.

Sàng : vai Nguyễn Trãi tiễn cha, hiếu đạo, trung lương, tình cảm chia ly với người cha bị lưu đày nơi đất Bắc rất xúc động, trở về nuôi chí phục thù.

Bé Sáu : vai Võ Thị Sáu ngây thơ dễ thương lúc hái hoa bắt bướm và rất dũng khí hiên ngang giữa pháp trường Côn Đảo.

Tám Diêu : hiên ngang bất khuất trước pháp trường trong vai Nguyễn Văn Trỗi làm cho kẻ thù khiếp sợ.

Tuyết (Má Hù) : vai mẹ Phạm Ngũ lão hết lòng vì nước, quyết liệt khuyên bảo, động viên con đầu quân giết giặc.

Hoàng Ngọc : vai Châu Long đẹp người, đạp nết, thay chồng giúp bạn nên người.

Tám Sang : vai Táo Việt Nam, đọc tờ sớ dài 100m vạch trần, tố cáo tội ác dã man của các tên chúa ngục, ác ôn ở các nhà tù Mỹ- Ngụy.

Tám Tín (Sáu Kẹo) : Vai già làng Tây Nguyên chất phác, trung trực, có uy tín với dân làng.

Dì Tám Dễ và các chị Chín Thơm, Ba Chi, Bảy Mai…trong vai các nhạc sỹ quốc tế đến thăm và phục vụ chị em tù chính trị trong nhà lao, mang theo dàn nhạc cụ hiện đại như : violon, piano, acomion…một bản hoà tấu hùng hồn sôi nổi với điệu bộ lắc lư, lắc lưởng, nghiêng tới ngã lui, phùng mang, trợn mắt trông rất Tây. Độc đáo là cây đàn piano có 7 “nốt nhạc” là bảy cái đầu của bảy chị em phải quỳ xuống đất và phủ lên một tấm chăn dài, phải liên tục nhô lên, thụt xuống phát ra : rề, pha, son, la…..cho đúng các ngón tay nhạc sỹ biểu diễn trông thật vui nhộn.

Thú vị nhất là hoạt cảnh : “Đoàn phụ nữ Quốc tế đến thăm nữ tù” gồm có nhiều nước : Liên Xô, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh…phải công nhận việc hoá trang cho mỗi người rất khéo, giống như thật, cuộc hội ngộ diễn ra nghe rất vui tai qua tiếng xí xô xí xào. Phụ nữ Liên Xô nói như bắp rang “Sô-Lô-Khốp, I-xa-nốp, mô-nô-ốp, di-a-nốp” phụ nữ Trung Quốc thì dòn như pháo nổ “xí xái, bò tái, bò thui, xực phàm, xực há cảo á.”….Phép Châu : trong vai phụ nữ Việt Nam nhẹ nhàng líu lo như chim hót vừa dịch vừa thuyết minh cho các đại biểu…vừa thay mặt cho phụ nữ Việt Nam ngỏ lời cảm ơn và chúc sức khoẻ đoàn.

Những giọng ca vàng: Gồm các em : Chiêu, Nương, Hai Nhỏ, Phụng, Ngọc, Trá, Mười, Mai (Tồn), Chín Lùn, Châu (Mập)… qua những bài ca vọng cổ : “Đề lao Nha tổng”, “Hận Côn Sơn”…..rất mùi mẫn, ngọt ngào, du dương, đồng thời cũng rất căm hờn, ai oán…làm xúc động lòng người.

Những danh ca sáng giá: Gồm : Út Vinh, Út Nhựt, Châu Vinh, Bành Dương, Cẩm Tiên, Quỳnh Loan (Gáo) rất hùng hồn sôi động qua các bài “Bão nổi lên rồi”, “Giải phóng miền Nam”, “Cô gái vót chông”, “Xuống đường”, “Bài ca hy vọng”, “Câu hò bên bờ Hiền Lương”..rất tình cảm.

Những nghệ nhân siêu đẳng : đó là các chị Tám Thảo, Bảy Cường, Tư Anh, Quế Lan…chuyên lo trang điểm, hoá trang cho đào, kép, những bàn tay nghệ thuật khéo léo, chuyển hoá tài tình cho hàng trăm nhân vật trên sàn diễn. Riêng chị Bảy Cường có ba cái nhất : làm đầu lân sống động, có hồn nhất, làm ông địa giỡn với Lân trông mắc cười nhất, thêu tranh khéo, đẹp nhất. Còn chị Tám Thảo thì có tay nghề trang điểm cho các diễn viên, một người như Thị Nở nhưng qua tay chị sẻ trở thành như Tây Thi, hay một người hiền như Bụt cũng trở thành hung thần, ác quỷ…
Lực lượng hậu trường tinh nhuệ, năng nổ, sáng tạo: Những người này đảm trách sân khấu trước và sau khi mở, hạ màn, sáng chế đồ trang sức cho phù hợp với từng vai diễn, người giới thiệu tuồng, người nhắc tuồng, bài trí, thu dọn sân khấu cho hợp và đúng với cảnh diễn..

Nguồn vật liệu hoá trang trong tù: Về trang điểm thì chuyên dùng loại “mỹ phẩm nổi tiếng”: Phấn trắng hiệu “BGK” (tức bột gạo khô) thoa mặt rất trắng và mịn, phấn hồng hiệu “BGK – TĐ” (tức bột gạo nhuộm thuốc đỏ được phơi khô) dùng đánh má hồng rất nổi, son hiêu “SL” (thuốc salisalát), bút đen : than bếp, lọ nồi…
Đồ trang sức dùng các loại “vàng bạc đá quý hảo hạng” với nhãn hiệu “GB” (giấy bạc trong bao thuốc lá) “GK” (giấy kẹo), “BMT” (bao mì tôm)… qua bàn tay khéo léo của những người “thợ kim hoàn” trở thành những đôi bông tai xinh xắn, những sợi dây chuyền, xâu chuỗi, những bộ xuyến vàng óng ả trên tay các diễn viên… hoặc biến các loại này thành những đường nét hoa văn trang trí lên các trang phục cho các diễn viên trông lộng lẫy, hấp dẫn.
Những ngày sống trong gian lao, đày ải ở địa ngục Côn Đảo đã giúp chị củng cố thêm tinh thần, nghị lực trong cuộc đấu tranh đối mặt với kẻ thù, cổ vũ động viên an ủi chị vượt mọi gian lao thử thách khắc nghiệt giữa cái sống và cái chết mà có lúc chị tưởng chừng không thể vượt qua được.

Hiện nay chị Dương Thị Vinh đã bước sang tuổi 73 nhưng chị vẫn tham gia đội văn nghệ Hội người cao tuổi của phường vào những dịp Quốc khánh, 1/5. 30/4…Mỗi lần tham gia biểu diễn chị như thấy lại hình ảnh bạn bè đồng nghiệp năm nào đã từng đồng cam, cộng khổ trong những năm tháng lao tù Côn Đảo ác liệt, đó cũng là nguồn động viên giúp chị tiếp tục vui sống lúc tuổi già xế bóng.

                                                                                                                                      Đỗ Thị Đồng 


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu