Bảo tồn phát huy di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo dưới góc nhìn quản lý

(06/08/2020)

Côn Đảo là nhà tù lớn và lâu đời nhất ở nước ta, hơn một thế kỷ thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bọn tay sai đã giam cầm đày đọa hàng chục vạn chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ, cũng chính tại đây, các chiến sỹ Cộng sản và những nhà cách mạng Việt nam yêu nước đã thể hiện ý chí bất khuất kiên cường, thà hy sinh chứ không chịu hàng không chịu làm nô lệ, một lòng một dạ trung thành với Đảng với Tổ quốc.

Năm 1962, sau khi chiếm quần đảo Côn Lôn, thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù này hòng giam cầm những người yêu nước. Về sau này do số tù nhân ngày một nhiều, các trại giam dần được mở rộng thành một quần thể nhà tù lớn để giam giữ đàn áp và khai thác ý chí cách mạng ở tù nhân. Năm 1930, nhà tù Côn Đảo  có 4 trại giam chính là: lao I, Lao II, Lao III và Lao IV. Ngoài ra, còn có một hệ thống vừa là nơi giam giữ, vừa là nơi lao dịch khổ sai như sở Đầm (nơi cấy cày trồng trọt) , Sở Tiêu (nơi lấy đá và đốn cây), Sở Chi Tồn (nơi lấy san hô, dọn tàu thủy và xay lúa), Sở Lưới (nơi đan dụng cụ đánh bắt cá), Lò Vôi (nơi nung vôi), Ban Chế (nơi làm dụng cụ rèn và mộc).

Các khu trại giam được xây dựng đều cách bờ biển không xa, những công trình này đều quần tụ tập trung trong thị trấn Côn Đảo. Về cấu trúc, chung quanh mỗi trại đều có hệ thống tường đá dày kiên cố bao quanh, cao từ 4 – 5 m, nội vi thường có hai dãy nhà lớn chia thành nhiều phòng, gọi là khám giam. Ngoài ra, còn nhiều hầm tối, hệ thống xà lim xây bằng đá kiên cố, ra vào phải đi qua hai lần cửa sắt, là nơi giam giữ cấm cố những người mà kẻ thù cho là đặc biệt nguy hiểm. Bên cạnh hệ thống trại tù, bọn thống trị còn xây dựng nhiều dinh thự, nhà ở, công sở phục vụ cho bộ máy kìm kẹp, đàn áp và khai thác tù nhân.

Dưới thời thống trị của Mỹ- Ngụy, hệ thống các nhà tù được mở rộng, cùng với việc xây dựng thêm 4 khu trại giam (V,VI,VII,VIII, trong đó có Trại IX đang xây dở) là các chi nhánh khác như Bến Đầm, Cỏ Ống (cách khu trung tâm chừng 10 km) để nhốt tù khi đi lao động khổ sai. Đặc trưng điển hình chế độ lao tù tàn bạo của địch là các khu “chuồng cọp Pháp” (liền khu trại IV) và “chuồng cọp Mỹ” (trại VII). Man rợ hơn chúng giam giữ đầy ải, cầm cố nhiều chiến sỹ cách mạng ngâm dưới hố phân bò, (Trại Chuồng Bò) cho đến chết.

Trung bình số lượng tù nhân bị giam giữ tại Côn Đảo hàng năm là 6.000 người có năm cao nhất lên đến 12.000 người. Do chế độ lao tù khắc nghiệt tàn bạo nên mỗi năm có từ 100 đến 150 người bị chết. Có thời gian số người chết trong năm lên tới 500 – 600 người. Khi tù nhân chết chúng đưa ra chôn tại khu vực chân núi Chúa, đây vốn là một dải đất hoang rộng hơn 20.000 ha, có nhiều cồn cát. Thời kỳ đầu tên gọi là nghĩa địa Hàng Keo (do có nhiều cây keo, tức cây găng) và sau đó gọi là nghĩa trang Hàng Dương (do có nhiều cây dương, tức cây phi lao). Hơn một thế kỷ qua có tới 20.000 xác tù nhân đã được chôn vùi tại nơi đây một cách sơ sài qua loa, có chỗ hài cốt tù nhân chất chồng lên nhau nhiều lớp.

Suốt 113 năm (1862 – 1975) thống trị, bọn xâm lược Pháp Mỹ đã giam cầm đày đoạ hàng chục vạn chiến sỹ Cách mạng và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ, chúng biến Côn Đảo thành “Địa ngục trần gian” khét tiếng. Cũng chính tại đây ý chí đấu tranh kiên cường thà hy sinh tất cả chứ không chịu đầu hàng; Khí tiết của người Cộng sản luôn giữ vững được thổi bùng như ngọn đuốc sáng. Bất chấp chế độ lao tù tàn bạo và sự đàn áp dã man của địch, nhiều lớp lý luận chính trị được tổ chức học tập, nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết và đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt trong lao tù đã diễn ra bằng nhiều hình thức. Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng trong tù những người Việt Nam yêu nước liên tục đấu tranh giành thắng lợi để tự giải phóng mình, góp phần giải phóng dân tộc. Vượt ra ngoài ý muốn chủ quan của bọn thống trị, Nhà tù Côn đảo đã trở thành một trong những trường học lớn, nơi rèn luyện thử thách và đào tạo những chiến sĩ Cộng sản thành cán bộ xuất sắc, nhiều đồng chí trở thành lãnh tụ của Đảng như: Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Linh…

Từ lâu Côn Đảo đã đi vào thi ca, tình cảm và sự ngưỡng mộ của nhân dân cả nước cùng bạn bè quốc tế như một vùng đất Thánh thiêng liêng, biểu tượng của các chiến sĩ Cách mạng Việt Nam yêu nước. Ngày 29/4/1979, Bộ VHTT đã ra quyết định số 54/VHQĐ đặc cách công nhận Nhà tù Côn Đảo là di tích lịch sử văn hóa. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính Phủ ra quyết định xếp hạng Nhà tù Côn Đảo là một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Hồ sơ tổng thể di tích là 1.850.695 m2 ( ≈ 190 ha ), trong đó diện tích xây dựng khoảng trên 22 ha. Trong quá trình Bảo Tàng tỉnh BR-VT nghiên cứu lập hồ sơ di tích Nhà tù Côn đảo, nhiều cuộc họp với các ban ngành trong tỉnh đi tới thống nhất tại Biên bản số 10 BB/ VHTT ngày 22/3/1998 Quy định khu vực bảo vệ và xác định 20 vị trí thuộc di tích cần đưa vào danh mục bảo tồn bảo tàng gồm:

  1. Nhà Chúa Đảo: Xây dựng cuối thế kỷ XIX, tổng diện tích 21.500 m2. Nơi ở và làm việc của 53 đời chúa đảo, đây là cơ quan đầu não, bộ máy cai trị Nhà tù thời Pháp – Mỹ. Nhà chúa đảo cũng là nơi thể hiện cuộc sống xa hoa của địch bên cạnh cuộc sống nghèo nàn hà khắc của tù nhân. Từ đây xuất phát những âm mưu thủ đoạn, các mệnh lệnh của địch nhằm đày ải, tiêu diệt tù nhân. Năm 1919, tên Chúa đảo khét tiếng tàn bạo Anduara đã bị tù nhân trừng trị ngay tại sào huyệt của hắn. Khuôn viên nhà Chúa đảo trước đây được gọi là Sở Rẫy (ông Lớn), thường xuyên bắt hàng chục tù nhân lao động khổ sai phục vụ cho cuộc sống “đế vương” của các tên chúa đảo. Di tích là nơi ghi dấu sư kiện thành lập chính quyền Cách mạng đầu tiên ở Côn Đảo năm 1945 – 1975.
  2. Cầu tầu lịch sử Côn Đảo: Xây dựng 1873, diện tích 1.400 m2, nơi có gần 1.000 tù nhân bị địch giết hại dần mòn trong quá trình lao động khổ sai trong khai thác vận chuyển những khối đá lớn để xây cầu. Tên gọi khác là Cầu tầu 914 (vì có tới 914 tù nhân chết trong khi lao động khổ sai phục vụ xây cầu). Cầu tầu cũng là nơi cập bến của các con tàu chở tù ra Côn Đảo, nơi chứng kiến những trận đòn khốc liệt phủ đầu nhằm uy hiếp tinh thần tù nhân trước khi tới đảo.
  3. Nhà Công Quán: Xây dựng cuối thế kỷ XIX, diện tích 850 m2, là nơi dừng chân của nhạc sỹ người Pháp (danh nhân văn hóa thế giới) Camille Saint Saens. Tại đây, ông đã hoàn tất 3 chương cuối của vở nhạc kịch bẩt hủ Brunenida. Đó là dấu ấn đẹp đẽ duy nhất của người Pháp trên hòn đảo “Địa ngục trần gian”. Chế độ Mỹ sử dụng làm Công qúan – nơi đầu tiên tù nhân phải chịu cực hình tra tấn khi bước chân tới đảo.
  4. Sở lưới: Xây dựng cuối thế kỷ XIX, diện tích 750 m2. Là nơi giam giữ những người bị lao động khổ sai đi đánh cá, lặn lấy sản vật dưới đáy biển, khai thác tổ yến trên những vách đá cheo leo hiểm trở để cống nạp cho bọn Chúa Đảo. Nơi đây bác Tôn Thắng từng bị giam giữ, Bác Tôn đã thiết lập đường dây liên lạc giữa tù chính trị Côn Đảo với TW Đảng Cộng SảnPháp thông qua những thủy thủ thuộc hãng vận tải 5 sao. Cũng chính tay bác Tôn đã chăm sóc cây bàng lịch sử nổi tiếng (tồn tại cho tới năm 1993). Tại Sở Lưới đã diễn ra nhiều cuộc cướp tàu vượt ngục của tù nhân dành thắng lợi. Năm 1994, toàn bộ kiến trúc Sở Lưới đã bị dỡ bỏ hoàn toàn để xây dựng công viên Tôn Đức Thắng.
  5. Trại 2 (Bagne I): Xây dựng cuối thế kỷ XIX với tổng diện tích 12.800 m2gồm 2 dãy nhà lớn chia thành 10 phòng giam, có khu xà lim riêng để giam giữ tử tù. Trạm xá ở Trại II chính là vị trí của hầm xay lúa thuở xưa. Đây là trại giam chính lớn nhất, cổ nhất ở Côn Đảo. Các phòng giam ở trại này mang đậm dấu tích của các thời kỳ lịch sử, nơi giam tù khổ sai cấm cố. Phòng 6 trước đây giam giữ các sỹ phu, văn thân yêu nước. Đây là nơi giam nhiều lãnh tụ như Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Lương… Nơi ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên của nhà tù Côn Đảo năm 1932, cùng các tờ báo bí mật của chi bộ Đảng trong tù như tờ báoTiến lên do Phạm Hùng, Lê Văn Lương phụ trách, Tờ tạp chí Ý kiến chung… Trại 2 có hai nơi cất dấu tài liệu bí mật, là trại có phong trào đấu tranh mạnh mẽ nhất. Khu trừng giới “hầm xay lúa” và khu hầm đá từng được mệnh danh là nhà tù trong nhà tù, địa ngục của địa ngục.
  6. Trại 3 (Banh II): Xây dựng năm 1916, tổng diện tích 15.200 m2, bao gồm một nhà chính 12 phòng lớn, và khu biệt lập 14 xà lim do người Pháp xây dựng (sau trại 2). Nhiều đ/c lãnh tụ và cán bộ cao cấp của Đảng ta đã bị giam giữ đày ải tại đây. Phòng số 19 giam Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Lê Thanh Nghị, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh, Phòng 20 giam đ/c Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Phòng 21 giam đ/c Lê Duẩn, Lê Chí Hiếu…. Trại 3 là nơi diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt và giàng thắng lợi của hệ tư tưởng Cộng sản đối với hệ tư tưởng của Quốc dân đảng.
  7. Phòng điều tra (nhà tra tấn), diện tích 620 m2, là nơi Mỹ Ngụy dùng để tra tấn, xét hỏi, khai thác khẩu cung và giam giữ tù nhân trong phòng tối.
  8. Chuồng cọp Pháp: Tên gọi khác là xà lim biệt lập của trại 1 và trại 4, Xây dựng năm 1940, tổng diện tích 5.475 m², diện tích phòng giam 1.408 m², phòng tắm nắng 1.873 m² (khoảng không gian trống 2.194 m²). Toàn trại bao gồm 120 phòng biệt giam (chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng). Đặc điểm bên trên chuồng cọp có song sắt kiên cố, có hành lang ở giữa dành cho cai ngục, trật tự đi lại kiểm soát, hành hạ người tù (ném vôi bột, dội nước bẩn). Ngoài ra, còn có 60 phòng không có mái che được gọi là phòng tắm nắng (chia làm 4 dãy, mỗi dãy 15 phòng). Phòng tắm nắng còn là nơi dùng để hành hạ phơi nắng, phơi mưa người tù hoặc là lôi người tù ra đó để đánh đập tra tấn. Bọn Pháp, Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn tàn bạo để đày ải, giết dần mòn tù chính trị. Khu chuồng Cọp nổi tiếng là “địa ngục của địa ngục”, đồng thời cũng là nơi các chiến sỹ Cách mạng thể hiện ý chí đấu tranh bất khuất chống ly khai “thà hy sinh chứ không chịu đầu hàng, không chịu ly khai Đảng, Bác Hồ”. Điển hình là cuộc đấu tranh giữ vững khí tiết và quyết tử của 17 người, với 5 ngôi sao sáng thắng lợi trở về năm 1964.
  9. Trại 4 (Banh phụ của banh III): Xây dựng năm 1942, tổng diện tích 6.054 m2. thời Pháp giam giữ các tù nhân bệnh truyền nhiễm,sau đó dùng để giam giữ tù binh Việt minh . Thời Mỹ- Ngụy dùng làm nơi giam cầm, đày ải các tù nhân chống ly khai.
  10. Trại 1 (Banh III): Xây dựng năm 1935, diện tích 13.400 m2. Nơi tập trung giam giữ những tù nhân “nguy hiểm” được thanh lọc từ banh 1 và banh 2 tù nhân bị bắt sau Nam Kỳ khởi nghĩa (1940) cùng nhiều đ/c lãng đạo của Đảng và Nhà nước ta cũng bị địch giam giữ tại đây trong khu cấm cố “chồng gà”. Thời Mỹ Ngụy là nơi giam giữ những người chống ly khai bảo vệ khí tiết của người Cộng sản.
  11. Trại V: Do Mỹ Ngụy xây dựng năm 1962, diện tích 6.800 m2. Là nơi giam giữ tù câu lưu dân sự, quân sự (tù binh) và giam giữ nữ tù chính trị năm 1970.
  12. Trại VI: Mỹ – Ngụy xây dựng năm 1968, diện tích 30.300 m2. Chia làm 2 khu A và B giam giữ tù câu lưu và tù là phụ nữ. Tại đây diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của tù nhân chống lại bộ máy cai trị tù, điển hình nhất là khu B với phong trào đấu tranh chống lăn tay, chụp hình tráo án tù chính trị thành tù thường phạm để trốn tránh trao trả tù nhân sau hiệp định Pari 1973. Cũng tại khu B anh em đã tổ chức nhiều đợt biểu diễn văn nghệ, biện tập các tập san Xây dựng, cất dấu radio để tuyên truyền giữ vững tinh thần đấu tranh cách mạng cho tới ngày giải phóng.
  13. Trại VII (chuồng Cọp Mỹ) còn có tên trại Phú Bình, xây dựng 1971, tổng diện tích 25.768 m², diện tích phòng giam 3800 m2,nhà phụ thuộc: 673 m², nhà ở 173 m², khoảng không gian trống 22.369 m². Trại 7 bao gồm 384 phòng biệt giam (chia làm 4 khu: AB-CD-EF-GH, mỗi khu có 2 dãy và mỗi dãy có 48 phòng), một kiểu nhà giam đặc biệt bằng bê tông, không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp, điển hình kiểu Mỹ (thay thế cho chuồng Cọp Pháp đã bị dư luận trong nước và Quốc tế lên án mạnh mẽ), dùng để giam giữ đày ải những người tù “nguy hiểm” nhất được thanh lọc từ các trại Khu H. Đây là nơi xuất phát đầu tiên nổi dậy của tù chính trị vào lúc 12 giờ đêm 30/4, rạng sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975 (tại khu GH) chiếm được nhà tù Côn Đảo, chấm dứt hoạt động của nhà tù này sau 113 năm.
  14. Trại VIII: Mỹ- Ngụy xây dựng 1971, diện tích: 26.200 m2còn đang xây dựng dở dang, địch dùng để giam giữ tù chính trị không án từ đất liền ra đảo.
  15. Nghĩa trang Hàng Dương: Tổng diện tích 190.000 m2,được hình thành 1941, chôn cất khoảng 5.000 tù nhân (trên tổng số 20.000 người đã bị địch sát hại tại nhà tù Côn Đảo). Đây cũng là khu điển hình nhất trong các nghĩa địa tù. Nghĩa trang chia làm 3 khu vực. Khu A tiêu biểu là mộ cụ Nguyễn An Ninh và Lê Hồng Phong. Khu B tiêu biểu là mộ anh hùng Võ Thị Sáu. Khu C nơi chôn cất tù nhân bị chết dưới thời Mỹ – Ngụy, ngoài ra còn khu hành lễ. Năm 1990, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đã tôn tạo toàn bộ khu nghĩa trang Hàng Dương, xây tường bao quanh, hệ thống cống, trục đường chính, nhà Quản trang, bãi đỗ xe và các công trình phụ cùng 1800 ngôi mộ. Năm 2012 UBND tỉnh BRVT xây hoàn thành Đền thờ Côn Đảo, đã khánh thành và đi vào hoạt động.
  16. Sở Lò Vôi. Xây dựng 1923, diện tích 5.000 m2, là nơi giam giữ và cưỡng bức lao động khổ sai. Ở đây tù nhân bị bắt đi khai thác san hô dưới biển về nung vôi phục vụ cho việc xây dựng trại giam và các công trình khác. Nhiều tù nhân đã bỏ mạng hoặc tàn phế do bị đánh đập và qua lao động khổ sai quá nặng nhọc.
  17. Trại chuồng Bò (Biệt lập chuồng B2). Tổng diện tích: 8.400 m2, có 2 khu A và B với 24 phòng giam và 1 nhà chấp pháp (hỏi cung). Thời Pháp đây là nơi giam giữ tù nhân lao động khổ sai là kéo cây, đốn củi từ trên rừng. Thời Mỹ dùng để giam giữ biệt lập các tù chính trị (bị xem là ngoan cố, đầu sỏ). Các phòng giam còn nhiều dấu tích thể hiện khí phách kiên cường của các chiến sỹ Cáchmạng. Khu A còn “tường dây máu” hệ thống liên lạc bí mật trong tù. Hầm phân bò: Có cống ngầm thông vời 2 dãy chuồng bò, là nơi địch dùng để tra tấn, đày ải 1 số tù nhân.
  18. Cầu Ma Thiên Lãnh: Cầu đang được xây dựng dở dang trên đường đi bãi Ông Đụng. Tại đây 530 tù nhân bị địch giết hại khi kè đá xây dựng 2 mố cầu. Di tích bảo vệ nhằm tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp đối với tù nhân lao động khổ sai.
  19. Nghĩa trang Hàng Keo. Diện tích tạm ước tính 80.000 m2, hình thành đầu thế kỷ XX tới năm 1940 chôn cất khoảng 10.000 người tù bị thực dân Pháp giết hại tại nhà tù Côn Đảo. Tới nay còn lại dấu vết 1 số ngôi mộ, khu vực này đã biến thành rừng Dương mà ta thường gọi là nghĩa trang Hàng dương.
  20. Khu thị trấn Côn Đảo. Xây dựng thế kỷ XIX với đặc điểm là thị trấn duy nhất chỉ phục vụ cho bộ máy cai trị. Kiến trúc và cảnh quan khu vực này hấp dẫn đối với khách du lịch và phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử nhà tù Côn Đảo. Mặt khác các công trình kiến trúc ở đây đã minh chứng cho việc bóc lột sức lao động khổ sai của người tù, so sánh đối lập với kiến trúc ghê rợn của trại giam. Diện tích 1.513.000 m2.

Ngoài ra, còn một số di tích khác đã kiểm kê khoa học đăng ký lập hồ sơ đề nghị công nhận trong thời gian tới như Sở Bản Chế, Sở Cò, Nghĩa địa Tây, Miếu bà Phi Yến, bãi Sọ người, khu Mộ Cỏ Ống, địa điểm nổi dậy của tù binh Việt Minh 1952 (khu Bến Đầm), trại giam và nghĩa trang Hòn Cau, Hải Đăng Bảy cạnh…

Qua thời gian tồn tại với nhiều biến động của lịch sử, hệ thống di tích Nhà tù Côn Đảo, môt số công trình bị xuống cấp trầm trọng, kết cấu mái hầu hết bị hư, vỡ lở, gỗ vì kèo bị mục, mối mọt, tường nhà, tường bao quanh trại bị đổ sập nhiều đoạn, vữa trát bị ẩm mốc tụt rớt nhiều mảng, nền nhà bị tụt bong vữa, gạch lát vỡ nhiều do mưa ngập nền, hệ thống cửa sắt, lưới thép đều bị rỉ toàn bộ, nhiều hạng mục bị sụp đổ nay còn lại đống gạch vỡ, đặc biệt hệ thống hạ tầng kỹ thụât hầu như bị hư hỏng hoàn toàn như đường nội bộ, sân, hệ thống cấp nước, cấp điện. Do ngập lụt từ nước mưa hệ thống mái có nơi bị sập làm hư hỏng. Xung quanh nhà tù cỏ mọc um tùm, độ ẩm thấp cao, cảnh quan môi trường trong các trại bị xuống cấp,  theo đà này với khí hậu khắc nghiệt cùng với sự ô nhiễm môi trường sẽ làm tăng thêm sự hủy hoại di tích nếu như không có biện pháp tu bổ phục hồi nhanh chóng kịp thời. Điểm chú ý hơn là một số công trình mới xây dựng làm phá vỡ không gian cảnh quan di tích gây phản cảm khiến dư luận lên tiếng phản ứng như việc tháo gỡ tượng đài Trao áo (Vũ Văn Hiếu), xây mới khách sạn Sài gòn tuorist (cách khu vục I Trại 2 khoảng 10m), xây mới Ngân hàng công thương, Kho bạc huyện Côn Đảo. Một phần kè đá ven biển (đường Tôn Đức Thắng) với những tảng đá lớn hàng chục người khiêng – đó là dấu tích qua lao động khổ sai của tù nhân – nay hầu hết các dấu tích này đã bị san lấp và biến mất. Các đoạn tường lan can, hay những căn nhà cũ theo kiến trúc thời Pháp đường Lê Duẩn không được bảo tồn nguyên trạng, sửa chữa tùy tiện, thay vào đó là những công trình vật liệu kiến trúc mới.

Là một trong 23 di tích đặc biệt quan trọng đối với quốc gia, Côn Đảo luôn được sự quan tâm của nhà nước, các tổ chức xã hội trong việc gìn giữ chống xuống cấp di tích mang lại kết quả khả quan. Bên cạnh việc quản lý của Nhà nước, ý thức của nhân dân tham gia bảo vệ gìn giữ di tích đã có chuyển biến tích cực khá sâu rộng, từ đó diện mạo di tích phần nào được khởi sắc, kịp thời ngăn chặn sự xuống cấp. Nhằm bảo tồn tôn tạo phát huy di tích, ngày 28/12/2001 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 200/2001QĐ-TTg  phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy gía trị  Khu di tích lịch sử Côn đảo, trong đó nhiệm vụ tập trung ưu tiên bảo tồn tôn tạo các công trình trọng điểm trước mắt như  Nhà Công quán, Nhà chúa Đảo, Cầu tàu, Trại II, III, Chuồng cọp Pháp, Trại VI (khu B), Sở Chuồng bò, Trại VII, chuồng cọp Mỹ khu H, Khu điều tra xét hỏi… Ngày 05/09/2011, Thủ tướng chính phủ có Quyết định số 1518/QĐ-TTg  duyệt bổ sung quy hoạch xác định lại khu vực khoanh vùng bảo vệ (khu vực I và II khoảng 110 ha). Thời gian qua, công tác sửa chữa bảo tồn di tích chưa được là bao, mới thực hiện trùng tu xong nhà Công quán, Chuồng cọp Pháp, Trại II (Phú hải), khu Chuồng bò, đặt hệ thống bia biển tại các đi tích, tu bổ bảo tồn tôn tạo nghĩa trang Hàng dương… Bên cạnh đó, có nhiều vấn đề phức tạp đặt ra chi phối việc bảo tồn tôn tạo di tích qua các đề án quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Côn Đảo, không chỉ trùng lắp phủ nhận nhau, về diện tích đất sử dụng tới nay vẫn chưa có sự thống nhất còn chồng chéo. Thậm chí có dự án trùng lên khu vực đã khoanh vùng bảo vệ di tích.

Từ lâu Nhà tù Côn đảo đã trở thành di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, có rừng vàng biển bạc môi trường khí hậu trong lành đang là khu vực trọng điểm mở ra các hoạt động văn hóa du lịch nhằm phát triển kinh ớ Bà Rịa Vũng Tàu nói chung và Côn Đảo nói riêng. Đối với tiềm năng khai thác giá trị lịch sử từ hệ thống di tích là rất khả thi, nếu được đầu tư đúng mức và đồng bộ chắc chắn Côn Đảo sẽ trở thành một trong những thế mạnh kinh tế – văn hoá, du lịch tại hòn đảo ngọc này. Trước ngưỡng cửa công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, xã hội đang phải xử lý nhiều mối quan hệ như lợi ích vật chất – luân lý đạo đức, truyền thống – với hội nhập, phát triển kinh tế – với bảo tồn di sản văn hóa, khi lợi ích vật chất luôn lấn át và thách thức trước sự tồn tại của di tích. Góp phần giải quyết tốt mối quan hệ kinh tế với văn hóa nhằm xây dựng đạo đức lối sống, phong tục tập quán, giáo dục truyền thống, bảo tồn di tích văn hóa ở Côn Đảo cần đặt ra một số giải pháp sau:

– Phải làm cho mọi người ý thức và hiểu được “Tài sản văn hóa là gì ?” cũng như tầm quan trọng và vai trò của nó trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước. Nếu không làm thay đổi nhận thức, thì chủ trương chính sách dù phù hợp đến đâu cũng không trở thành hiện thực. Mặt khác, các giá trị văn hóa từ cội nguồn lịch sử góp phần mở  đường cho sự hiểu biết về quá khứ những bí ẩn cuộc sống đấu tranh một còn một mất từ lao tù có một không hai này…, đó chính là một “Học đường đặc biệt” cho thế hệ trẻ, những chủ nhân của đất nước trong tương lai.

– Công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước ngày càng phát triển, việc xây thêm các công trình kinh tế văn hóa phục vụ xã hội là điều cần thiết, song phải được cân nhắc xem xét tính hợp lý từ kiến trúc với môi trường sinh thái, cảnh quan, không nên vì lợi ích kinh tế cục bộ làm phá vỡ không gian di tích gần đó. Kết hợp việc bảo tồn tu bổ khai thác di tích với du lịch tạo thành mối liên kết để đầu tư trí tuệ, kinh phí, nhằm vừa khai thác kinh tế vừa bảo tồn phát huy di tích.

– Diện tích khu vực bảo vệ I và II của di tích giữa Quy hoạch di tích và Quy hoạch xây dựng đều sấp xỉ 110 haThủ tướng chính phủ đã phê duyệt trong Quy hoạch xây dựng tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 05/09/2011, không được thay đổi quy mô diện tích này. Trong khu vực di tích 110 ha đã bao gồm toàn bộ các di tích hiện hữu (kể cả khu nhà tù Mỹ, sở Muối …). Nếu thay đổi phải được Thủ tướng phê duyệt lại Quy hoạch xây dựng.

– Ưu tiên bảo tồn những công trình trọng điểm có giá trị tiêu biểu, có bề dày lich sử để đầu tư trung tu sửa chữa, đặt ra các giải pháp đối vói công trình phụ trợ. Xác định cụ thể khu vực đất phục vụ cho di tích, đất phục vụ cho tôn tạo cảnh quan, phát triển kinh tế. Không để tình trạng việc sử dụng đất như thời gian qua. Các dự án quy hoạch phát triển kinh tế khác cũng như xây dựng công trình dân dụng, phải tuân theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích làm căn cứ. Tránh lặp lại trường hợp  xây dựng làm phá vỡ cảnh quan di tích như khách sạn Saigon tourist, Ngân hàng Công thương, Kho bạc huyện Côn Đảo…

– Có phương án tôn tạo xây dựng công trình phụ trợ như hệ thống giao thông, sân vườn cảnh quan, công viên tượng đài, bến bãi đậu xe, nhà vệ sinh, điện nước… Cần bảo vệ gữi lại dấu tích nguyên trạng các đường cũ như đường Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Trần Phú, Võ Thị Sáu… và những kiến trúc cổ (xây đựng trước năm 1975) như nhà công sở, công vụ, nhà giám thị cũ… phải được liệt kê vào danh mục bảo vệ và có phương án bảo tồn, cải tạo nội thất hợp lý để sử dụng.

– Cần thiết phải phục hồi đoạn kè đá lịch sử. Đây là sự kiện lịch sử tiêu biểu về lao động khổ sai của tù nhân tại Cầu tầu, sau khi làm đường Tôn Đức Thắng đã bị san lấp mất hết dấu tích, có thể chỉ tái hiện khoảng 100m (mỗi bên cầu tàu 50m). Trước mắt chưa thực hiện, nhưng trong tương lai khi kết hợp với việc tu bổ cầu tàu, cần trả lại cảnh quan, các giá trị nguyên gốc (dáng vẻ) của di tích. Điều đó sẽ góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình di tích. Một trong những sản phẩm quan trọng và độc đáo của Côn Đảo không chỉ tuyên truyền giáo dục truyền thống, tham quan du lịch.

– Nghĩa trang Hàng dương cần bảo vệ tôn tạo phát huy như công viên để nhân dân du khách thường xuyên tới tham quan hành hương. Đối với nghĩa trang Hàng keo nên tôn tạo thành công viên sân vườn, tuyệt đối không quy hoạch xây dựng công trình kiên cố để khai thác kinh tế, thay vì đây vẫn là nghĩa trang với hàng nghìn hài cố tử tù đang còn nằm đó.

– Ngoài các công trình phụ trợ nên quy hoạch một khu sân chơi, trong đó chủ yếu không gian xanh, nhằm tái hịên lại các sự kiện lịch sử thông qua sân khấu hóa. Nên xây dựng kịch bản hình thành các trò chơi truyền thống dân gian, mời khách tham quan du lịch cùng tham dự như: chèo bè vượt biển, vác đá, vần đá, vác củi… trong lao động khổ sai. Trong năm cần đặt ra ngày truyền thống (ngày lễ hội Côn Đảo) để thu hút du khách. Sự kiện Võ Thị Sáu tại Côn đảo rất hùng, thiêng, cần quy hoạch vị trí để vận động nhân dân khuyên góp xây đền thờ bà Sáu.

– Tăng cường quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, phải tạo được hành lang pháp luật trong sử dụng, quản lý. Xem việc bảo tồn, giữ gìn di tích văn hóa là cuộc vận động của toàn dân, các ngành các cấp, các quan chức năng, các tổ chức xã hội cùng tham gia. Xác định phân cấp quản lý sử dụng, sở hữu di tích đối với cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và nhân dân nhằm xã hội hóa bảo tồn phát huy di tích. Bên cạnh đó cần thanh tra kiểm tra việc tranh chấp chiếm dụng, sở dụng trái phép đất đai. Các di tích đã có biên bản khoanh vùng bảo vệ phải được đo đạc xác định tọa độ, lập bản đồ giải thửa. Mặt khác kịp thời giải tỏa lập lại trật tự kỷ cương ở một số di tích đang bị xâm phạm.

Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu một vùng kinh tế năng động có tiềm năng phát triển kinh tế như hải cảng, du lịch, các hoạt động dịch vụ… trong đó du lịch tham quan di tích Nhà tủ Côn Đảo được xem là mũi nhọn trọng điểm. Bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa không chỉ là nguồn di dưỡng phong phú mở ra các hoạt động văn hóa du lịch, mà cò là một động lực mạnh mẽ, một điểm tựa vững chắc về tinh thần góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng không ngừng./.

PHẠM CHÍ THÂN
Bảo Tàng Bà Rịa – Vũng Tàu

_______________

Tài liệu tham khảo:

– Lịch sử Nhà tù Côn Đảo tập I. BCH Đảng Bộ tỉnh BR-VT. Nhà Xb Sự Thật  năm 1987

– Lịch sử Nhà tù Côn Đảo tập II. BCH Đảng Bộ tỉnh BR-VT. Nhà Xb Sự Thật năm 1991.

– Lịch sử Nhà tù Côn Đảo tập III. BCH Đảng Bộ tỉnh BR-VTNhà Xb Chính trị QG năm 1996

– Hồ sơ di tích Nhà tù Côn Đảo. Bảo tàng tỉnh BR-VT năm 1998

– Dự án Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy gía trị Khu di tích lịch sử Côn đảo.Thù tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định sồ 200/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001.

– Dự án Quy hoạch di tích Côn Đảo bổ sung (xáx định đất khoanh vùng bảo vệ). Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 05/09/2011


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu