Bảo quản sưu tập hiện vật đồ dệt

(30/09/2011)

Bà Rịa – Vũng Tàu chưa có Bảo tàng chính thức với một hệ thống kho cơ sở đầy đủ những tiêu chuẩn để bảo quản hiện vật theo từng chất liệu khác nhau với những trang thiết bị nhằm kéo dài tuổi thọ hiện vật.

Sử dụng tầng hầm của Bạch Dinh làm kho bảo quản đã nảy sinh rất nhiều khó khăn cho hoạt động kiểm kê bảo quản trong vấn đề xử lý, sắp xếp khoa học hiện vật bảo tàng. Với diện tích hơn 366m2 nhưng số hiện vật quá hơn 21.500 và sưu tầm về kho ngày càng nhiều, hạn chế sắp xếp chăm sóc hiện vật, tầng hầm lại âm vào lòng đất hơn 5m, thiếu ánh sáng, ẩm mốc tạo điều kiện cho côn trùng sinh sôi nảy nở. Bạch Dinh nằm ngay trước biển do dó chất muối từ hơi nước luôn tác động trực tiếp, nhiều nguy cơ hư hại các sưu tập hiện vật, đặc biệt là những hiện vật được làm từ các loại sợi hữu cơ nhạy cảm phản ứng với môi trường nhanh hơn các loại chất liệu khác, nhát là chất liệu dệt. Với một sưu tập đồ dệt được hợp thành bởi 3 nhóm hiện vật:

– Ðồ dệt phẳng, đó là những hiện vật như các loại cờ, thảm, tranh vẽ trên lụa, tranh dùng để trang trí nội thất, đồ thêu, khăn, các mảnh vải…

– Ðồ dệt có hình khối gồm các loại quân phục và những phục trang kèm theo như hia hài, cân đai, mũ mão…

– Các loại đồ dệt khác bao gồm các loại màn gió, quạt, vải trải giường, đệm ghế, các loại rèm cửa, mùng mền, gối và đồ chơi làm bằng vải…

Sưu tập đồ dệt ở Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có gấn 200 hiện vật. Phần lớn hiện vật là những trang phục, hia hài, mũ mão trong lễ hội dân gian, quân phục, tấm vải dù, võng dù của chiến sỹ giải phóng quân đến các bộ quần áo của những tù nhân Côn Đảo và các loại tranh kháng chiến được bộ sưu tầm từ các nơi vùng sâu, vùng xa đến các huyện, thị trong tỉnh.

Việc bảo quản sưu tập độ dệt ở Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu dưới 2 hình thức phòng ngừa (thụ động) và bảo quản phục dựng, sửa chữa (chủ động).Về lý thuyết, bảo quản phòng ngừa nhằm mục đích giảm bớt sự hư hại bằng việc để hiện vật trong môi trường thích hợp, trong khi bảo quản phục dựng, sửa chữa nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ hiện vật bằng việc loại bỏ những yếu tố gây hại và kín đáo gia cố các hiện vật đã bị mục nát, cố gắng phục hồi hình thức và chất lượng nguyên bản của hiện vật trong mọi khả năng.

Trong những năm qua, Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu chú trọng nhiều đến vấn đề bảo quản phòng ngừa hiện vật để phục vụ cho mục đính trưng bày hơn là bảo quản sửa chữa.  Nguyên nhân là do việc bảo quản sửa chữa đòi hỏi phải giữ nguyên những chi tiết gốc của hiện vật, tránh làm mất đi tính nguyên bản của hiện vật và phải trả lại cho hiện vật trạng thái nguyên thủy của nó sau khi sửa chữa. Đây là một công việc cực kỳ khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có những chuyên gia lành nghề phục chế, trong khi các bảo tàng ở Việt Nam chưa thực sự có ai là chuyên gia trong lĩnh vực này.

Đối với việc bảo quản phòng ngừa Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng một quy trình gồm các bước như:

– Phân loại dựa trên các tiêu chí hình dạng hiện vật, chức năng sử dụng của hiện vật và chất liệu sợi vải cấu thành hiện vật.

– Đánh giá tình trạng hiện vật để xây dựng các phương án bảo quản thích hợp cho từng nhóm hiện vật dựa trên tình trạng hư hại của chúng.

– Trước khi tiến hành công tác bảo quản, điều đầu tiên là phải có găng tay bằng vải côt-tông trắng, hút bụi làm vệ sinh bề mặt hiện vật; sửa chữa sơ bộ đối với những hiện vật có hư hỏng nhẹ, xử lý những chỗ bị rách, quăn mép, sứt chỉ… tìm cách duy trì hiện vật gần đúng với tình trạng nguyên thủy của chúng; tẩy trừ nấm mốc trên bề mặt hiện vật và các loại côn trùng gây hại cho hiện vật bằng các phương pháp phù hợp, không gây hại cho hiện vật như dùng các thiết bị máy sấy, máy ủi bằng hơi nước làm phẳng hiện vật, máy hút ẩm, hạt hút ẩm duy trì độ ẩm thích hợp đối với từng nhóm hiện vật.

– Sau khi xử lý, tiến hành sắp xếp hiện vật vào các tủ kệ. Cứ một lớp hiện vật được phân cách bởi một lớp giấy bóng mờ hay giấy gió không có acid và dùng các dụng cụ chuyên biệt để độn lót những vị trí dễ gãy, sờn nhằm chống các vết gấp. Trong mỗi tủ đều có đặt hộp hạt hút ẩm và nụ hoa đinh hương để diệt côn trùng. Các tủ kệ này được bố trí trong một phòng kho có điều hòa nhiệt độ và hạn chế ánh sáng.

– Kiểm tra không khí thường xuyên để kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm trong từng tủ hiện vật theo chu kỳ 48 giờ/lần vào mùa khô, 24 giờ/lần vào mùa mưa, bảo đảm nhiệt độ luộn đạt khoảng từ 18 đến 210C, độ ẩm từ 45 đến 55%. Mọi thay đổi đột ngột nhiệt độ không khí gây nguy hiểm trực tiếp cho đồ vải và có thể gây ra sự co giãn, mục rách chất liệu. Độ ẩm không thể vượt quá 60%, vượt qua ngưỡng này nấm mốc có thể bắt đầu phát triển.

Điều cần thiết nhất đối với việc bảo quản đồ dệt trong kho là tạo ra khoảng không gian thích hợp cho hiện vật, hạn chế tối đa việc chiếu sáng trực tiếp lên hiện vật, nếu ánh sáng quá mạnh làm khô và tấn công các sợi, làm các sợi bị phá hủy. Ngoài ra ánh sáng quá mạnh còn tấn công các chất kết dính trong vải làm cho chúng dần tách rời nhau do phản ứng hoá học giữa không khí (ô-xy) và ánh sáng. Điều kiện lý tưởng để trưng bày hoặc lưu kho hiện vật bằng vải là rất thấp, nhưng một khi mắt của người xem đã quen dần, chỉ cần có thể nhìn được các chi tiết của hiện vật là đủ. Phải tránh chụp ảnh quá thường xuyên hiện vật vải bằng chế độ flash hoặc dùng ánh sáng quá mạnh. Độ tập trung của ánh sáng không thể vượt quá 50lux/lumen, chỉ cần 1 luxmetre là đủ.

Côn trùng gây hại cũng là một vấn đề hết sức đặc biệt quan tâm. Những chỗ thích nghi cho các loại côn trùng sinh sản là những nếp gấp của các đường gấu áo quần hay những đường nối, đặc biệt là đường nối nách áo và đường viền ở áo quần, túi, mặt dưới của cổ áo, cổ tay áo và vành mũ… Kiểm soát các loại côn trùng gây hại, trước hết, bằng việc sắp xếp các hiện vật một cách ngăn nắp và thường xuyên kiểm tra định kỳ, loại bỏ mọi khả năng gây hại của chúng; thường xuyên làm vệ sinh các phòng kho, không chỉ trong phạm vi kho đồ dệt nhằm ngăn chặn khả năng côn trùng lây lan từ kho này sang kho khác.
Trong một nỗ lực nhằm bảo quản tốt hơn các hiện vật đồ dệt, đặc biệt là những trang phục lễ hội và những bộ quần áo của những tù nhân Côn Đảo, những bộ quân phục của chiến sĩ cách mạng là những hiện vật có giá trị lịch sử và tính nhân văn cao. Trong tương lai có Nhà Bảo tàng những hiện vật có giá trị này sẽ đưa ra trưng bày, phục vụ tham quan, nghiên cứu ).

Nguyễn Văn Thoa

(Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu)


Translate »
san xuat moc khoa may ao thun Kem sữa chua Kem sữa chua trân châu